22 tháng 4, 2014

Nếu không làm giám sát, chỉ còn là Quốc hội viết văn!

Tô Phương Thùy
Theo Lao động
NQL: Tăng cường giám sát oan sai là đúng nhưng tại sao lại bỏ giám sát ODA? Ông Ksor Phước nói "Nếu không làm giám sát, chỉ còn là Quốc hội viết văn!" là rất đúng, nhưng ông đưa ra lý do bỏ giám sát ODA vì sợ "động chạm" đến nhiều nơi, kể cả phía đối tác nước ngoài" là thế nào? Vốn ODA là cục nợ quốc gia, nếu QH không giám sát thì sau này ODA có thế nào thi QH phải lo gánh lấy, đừng đổ nợ cho dân nhé!
Trước một số ý kiến tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội (QH) đề nghị giảm bớt hoạt động giám sát của cơ quan dân biểu trong năm 2015, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước khẳng định: Giám sát là nội dung cực kỳ quan trọng, thể hiện sức sống của QH. “Chính kết quả giám sát thể hiện QH đang còn sống. Nếu không giám sát thì coi như ta chỉ viết văn thôi” - ông bày tỏ. 
Căng quân tham gia đoàn... giám sát
Sáng 18.4, tại phiên thảo luận dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015, Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định hoạt động giám sát của QH “quá dày đặc”.
Nhìn chung, một năm QH có 2 giám sát tối cao, thường vụ có 2 giám sát chuyên đề và mỗi ủy ban cũng có 2 cuộc, chưa kể giám sát mang tính chất thường xuyên và giải trình.
“Chúng tôi là ủy ban cũng căng quân để tham gia các đoàn giám sát” - ông nhận định. Theo ông Hiển, các địa phương đều phải báo cáo với các đoàn giám sát của quốc hội và đều làm rất nghiêm túc, thận trọng, song “cũng có nhiều băn khoăn”. Ông đề xuất năm 2015 nên giảm, vì các địa phương và các ngành đều có nhiều công việc phải tổng kết, đại hội.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình cho rằng quá nhiều đợt giám sát, khiến việc mời đi giám sát rất khó. “Có những lần, nửa đêm tôi phải gọi điện mong các chủ nhiệm UB QH phải giao đích danh người này, người kia tham gia giám sát, sau khi nhiều người dọa về... vì có quá nhiều việc” - ông bày tỏ.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý chia sẻ, nhiều khi đoàn giám sát của UBTV QH xuống địa phương rất hoành tráng, nhưng thành phần của đoàn... lại không như thế. Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu đề xuất thường vụ QH cho UB “thôi không có hoạt động giám sát riêng trong năm 2015 do có quá nhiều việc”.
“QH là của nhân dân, có phải của ông nào đâu?”
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước khẳng định không thể viện lý do “nhiều việc” mà coi nhẹ một trong 3 chức năng của QH, tức giám sát. Thậm chí, ông yêu cầu tinh thần làm giám sát phải rất quyết liệt, vì chính hoạt động này đã thể hiện quyền lực của nhân dân.
“Đất nước phát triển sôi động, yêu cầu thể chế hóa sôi động. Nhân dân đang nhìn vào QH, gửi gắm rất nhiều. Quốc hội đang bước vào cuối khóa, mà bỗng dưng “mềm” lại là không được. Đảng đã nói chống tư tưởng nhiệm kỳ. Cuối mùa mà rã đám là điều đáng chê trách” - ông nói.
Theo Chủ nhiệm Ksor Phước, QH phải sống liên tục, làm việc liên tục. “Thế mới xứng đáng gọi là QH của nhân dân, chứ có phải QH của ông nào đâu. Vì vậy, Hội đồng Dân tộc dứt khoát sẽ làm ít nhất 2 cuộc giám sát 2015. “Dù khó mấy cũng làm” - ông nhấn mạnh. Ông đề xuất Tthường vụ QH cần có 1 cuộc giám sát về vấn đề dân tộc.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với Chủ nhiệm Ksor Phước, khẳng định: “Giám sát là công việc không thể bỏ ngỏ, để lắng nghe toàn dân, đánh giá đúng tình hình, giúp đưa ra những quyết sách đúng đắn”.
Ông đề xuất mỗi kỳ họp QH nên giám sát một chuyên đề và UB Thường vụ QH vẫn chọn hai chuyên đề cho một năm. Các UB được giao chủ trì 4 chuyên đề này thì sẽ không giám sát chuyên đề riêng, mà tăng cường giải trình để tránh dàn trải.
Thôi giám sát ODA, tập trung án oan sai
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến trong Thường vụ thống nhất đề nghị QH giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi ý thường vụ QH xem xét nội dung giám sát về hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Phùng Ngọc Hiển cho rằng nên bỏ nội dung giám sát hiệu quả sử dụng vốn ODA khỏi chương trình của thường vụ QH trong năm 2015.
Lý do - theo ông, vì đây là các dự án cho vay và đi vay giữa VN và nước ngoài. Nếu đánh giá hiệu quả có thể “động chạm” đến nhiều nơi, kể cả phía đối tác nước ngoài.
“Vừa qua, có mấy vụ đại sứ các nước vào có ý kiến. Nên thận trọng” - ông Hiển nêu. Theo Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách QH, đã có rất nhiều cuộc giám sát, rà soát về đầu tư cơ bản, phát hiện được nhiều vấn đề. Trong khi đó, ODA cũng chỉ là 1 phần của đầu tư, và ODA có cơ chế quản lý riêng. Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn kết luận đồng tình bỏ nội dung giám sát hiệu quả sử dụng vốn ODA khỏi chương trình của UB Thường vụ QH.

Không có nhận xét nào:

Trang