(ĐSPL) - Khi nhắc lại sự kiện 30/4/1975, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành, Học viện Quốc phòng, thấy mọi điều như mới xảy ra hôm qua. Tướng Thành kể: Sáng 1/5/1975, việc đầu tiên mà ông làm là viết thư về cho gia đình. Bức thư mở đầu: “Bố mẹ kính yêu, các em xa nhớ! Con đã vào đến Sài Gòn và… còn sống”.
Trưa ngày 30/4/1975 tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Đại tướng Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh Sài Gòn đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến 1954 – 1975. Việt Nam từ đây lại được thống nhất, non sông thu về một mối. 39 năm qua, những ký ức về sự kiện 30/4 vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người đã có mặt vào thời khắc lịch sử ấy. Nhưng cũng 39 năm ấy, họ cũng có những tâm tư, trăn trở…
Việt Cộng rất hiền lành!
Năm 1974, chàng hạ sĩ 20 tuổi Nguyễn Xuân Thành được điều động sang đoàn tiền phương của Tổng cục Kỹ thuật (TCKT), Bộ Quốc phòng, vừa mới thành lập. Ước nguyện ra trận tiền của anh đã thành hiện thực. Trước đó, anh không được ra chiến trường vì lý do sức khỏe. Đoàn tiền phương này bao gồm các sĩ quan, cán bộ gốc miền Nam. Nhiệm vụ của hạ sĩ Thành và nhóm chiến sĩ đi cùng là phải bảo vệ an toàn cho đoàn công tác này. Chiến thắng đã gần kề, và đoàn tiền phương TCKT có nhiệm vụ vào tiếp quản các căn cứ kỹ thuật của vùng giải phóng.
Tướng Nguyễn Xuân Thành kể lại ký ức 30/4/1975.
Ngồi trên xe tải chở đoàn tiền phương, trong tay hạ sĩ Thành lúc nào cũng có một khẩu AK47, 4 băng đạn giắt vào lưng, trên xe còn nhiều hòm đạn, lựu đạn. Xe cắm cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam.
Sáng ngày 30/4, đoàn tiền phương TCKT xuất phát sau các đơn vị chiến đấu, hướng về Sài Gòn. Tướng Thành kể: suốt dọc đường từ Biên Hòa về tới cầu Sài Gòn, hai bên đường, giầy cao cổ, quần áo, mũ sắt và quân trang, quân dụng do binh lính chế độ Sài Gòn bỏ lại nhiều vô số. Dấu vết của các cuộc đụng độ, giao tranh vẫn còn…
Lúc đoàn tiền phương đến cầu Sài Gòn, thì tình hình giao thông tại đây bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Một số xe tăng của quân giải phóng bị bắn cháy chắn ngang cầu, hàng ngàn ô-tô đang cố gắng lách qua, chạy ra khỏi thành phố. Tướng Thành nhớ lại: lúc ấy, đoàn tiền phương phải xuống để ủi xe cộ sang một bên, thuyết phục người dân Sài Gòn nhường đường. Người dân Sài Gòn lần đầu tiên thấy bộ đội Việt Cộng, rất ngạc nhiên. Họ nhìn ngó, dò xét. Bộ đội ai cũng lăm lăm khẩu AK47 trong tay, nhưng không hề nổ một phát súng nào. Người dân Sài Gòn thấy bộ đội Việt Cộng hiền lành, không tàn sát dân thường, không tắm máu Sài Gòn như lời tuyên truyền trước đó. Họ bắt đầu lưỡng lự, nửa muốn ra đi, nửa muốn ở lại… Sau khi thuyết phục được người dân Sài Gòn dãn ra, đoàn tiền phương tiếp tục tiến về Dinh Độc Lập.
Quân với dân và lương khô cơm trắng
Tướng Thành kể tiếp: khi vào tới trước Dinh Độc Lập đoàn tiền phương thấy tràn ngập các đơn vị, xe tăng, xe tải, xe thiết giáp. Mọi người đang tập trung cười nói tại đó, không biết sẽ đi đâu nữa, vì đây là điểm cuối cùng. Đoàn tiền phương kéo nhau vào Dinh Độc Lập xem tình hình. Một lúc sau, mọi người ra chỗ bãi cỏ gần cổng ngồi. Tướng Thành khi ấy thấy một nửa đầu rồng gắn ở cánh cửa dinh bị văng ra đang nằm trên đất, rồi một cô phóng viên nước ngoài đang quay phim chụp ảnh nhặt nửa chiếc đầu rồng ấy đút vào túi rết. Tướng Thành quay sang thông báo cho ông phó phòng bảo vệ đoàn kỹ thuật tiền phương. Nhưng vị này bảo: thôi, kệ cô ấy!
Hình ảnh quân giải phóng tại thời điểm tháng 4/1975.
Các đơn vị khác vẫn tiếp tục kéo vào Dinh Độc Lập, bộ đội tập trung rất đông, nên đoàn tiền phương lại ra công viên trước Dinh Độc Lập ngồi.
Khoảng 4h chiều, các đơn vị triển khai nấu cơm. Tướng Thành vẫn nhớ, khi đó, dân Sài Gòn kéo ra rất đông để xem Việt Cộng. Họ muốn xem mặt mũi Việt Cộng ra sao, nấu ăn như thế nào và ăn cái gì. Cơm nấu xong, bộ đội dọn ra ăn. Dân Sài Gòn có người còn xin cơm ăn thử. Có người thấy bộ đội đeo nhiều thứ đàng sau thì hỏi xem có lương khô không, xin một mẩu để ăn cho biết. Bộ đội lại vui vẻ lấy lương khô cho dân.
Có một chi tiết rất sống động mà đến bây giờ Tướng Thành vẫn không thể nào quên được. Đó là hình ảnh những xe thiết giáp có nhiệm vụ bảo đảm mang theo những sọt lợn, sọt gà để khi dừng chân hành quân thì thịt cho bộ đội ăn. Lúc ăn xong bữa cơm chiều ở công viên trước Dinh Độc Lập, bộ đội thả lợn ra, đem cơm thừa đổ vào một cái phướn to, rồi dùng thìa gõ vào những chiếc phướn, gọi lợn đến ăn cơm. Dân Sài Gòn thấy rất lạ và rất phấn khích. Những con lợn này đã quen với việc hành quân, nên khi được thả ra chúng cứ quanh quẩn ở đó với bộ đội, không đi đâu cả.
Đến sẩm tối, mọi người tìm chỗ để mắc võng la liệt. Tuy nhiên, chẳng ai ngủ được, phần vì đây là đêm đầu tiên ở Sài Gòn, phần vì cả ngày đã hành quân căng thẳng.
Bầu trời đêm rực đỏ
Khi mọi người vẫn đang cố tìm giấc ngủ, thì một cô tự vệ Biệt động thành, đội mũ tai bèo, khoác khẩu AK chéo lưng, đi xe máy đến và cầm loa gọi: “Đơn vị tiền phương TCKT ở đâu?”. Đoàn tiền phương giơ tay rồi gọi. Nữ chiến sĩ biệt động thành đến và nói: “Các đồng chí không đóng quân ở đây được, phải vào Bộ tổng tham mưu (BTTM) Việt Nam Cộng hòa (VNCH)”. Đoàn tiền phương lại nổ máy đi theo nữ chiến sĩ.
Nhiệm vụ của đội tiền phương TCKT lần này là tiếp quản chiếc máy tính nhãn hiệu IBM mà BTTM VNCH đang sử dụng, vì đây là phương tiện rất quan trọng. Các cán bộ của đoàn tiền phương TCKT từ trước được đào tạo bằng máy tính của Liên Xô, nên không biết phải vận hành, sử dụng chiếc máy tính IBM thế nào trong khi những nhân viên của BTTM VNCH đã chạy trốn hết.
Quân giải phóng mang theo nồi nấu cơm khi tiến vào Sài Gòn.
Đêm 30-4, vẫn theo lời Tướng Thành, cả đoàn tiền phương không dám ngủ trong các ngôi nhà, vì sợ hầm ngầm bên dưới, và cũng không biết lực lượng còn lại của quân đội Sài Gòn thế nào, không ai thông báo về tình hình lực lượng quân đội Sài Gòn… Đoàn tiền phương phải đóng quân ra những chỗ trống, kéo điện ra ngoài để quan sát. Đêm đó, không ai ngủ được, vì đó là đêm mới giải phóng.
Đạn bắn lên trời như mưa, vì người dân nhặt được nhiều súng AR15 của quân đội Sài Gòn, chưa bao giờ họ được bắn, nên họ bắn lên trời. Thậm chí họ còn nhặt được cả đại liên cũng mang ra bắn. Mỗi băng đạn của đại liên có mấy chục viên và một viên dẫn đường. Khi viên dẫn đường được bắn lên, ánh sáng của nó phát ra đỏ lừ một khoảng trời. Pháo sáng cũng được bắn lên như chào mừng một giai đoạn mới. Cả đoàn tiền phương nằm ở BTTM và vẫn phải đội mũ cối để tránh đầu đạn rơi xuống.
Tất cả mọi người đều có một cảm giác rất lạ…
Sáng hôm sau, việc đầu tiên Tướng Thành làm là viết thư về cho bố mẹ. Bức thư mở đầu: Sài Gòn ngày 1-5-1975. Bố mẹ kính yêu, các em xa nhớ! Con đã vào đến Sài Gòn rồi và vẫn còn sống!
Bộ đội đi chợ tại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975.
Hồi đó, bất cứ thư nào của Quân giải phóng miền Nam VN, đem ra trạm quân bưu ở Nhà thờ Đức Bà gửi về miền Bắc là được chuyển bằng cầu hàng không giữa Tân Sơn Nhất và Gia Lâm. Các loại máy bay C130, AN hoạt động rất nhộn nhịp và thư của bộ đội được ưu tiên chuyển nhanh nhất.
Những ngày sau đó, mọi hoạt động của SG vẫn diễn ra bình thường. Bộ đội từng tốp đi ra chợ Bến Thành mua đồ, gặp gỡ người dân, thăm thú các nơi…
Hòa hợp hòa giải là điều quan trọng
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành, do cuộc chiến kéo dài ác liệt, vết thương của dân tộc cần phải có thêm thời gian để được xoa dịu, hàn gắn. Là một nhà nghiên cứu triết học, Tướng Thành giải thích: theo mô hình phát triển của Hegel, mọi sự vật, hiện tượng đều vận động phát triển theo hình xoắn ốc. Sự phát triển này phản ánh tính chất phức tạp và đa diện của cuộc sống. Và sự hòa hợp, hòa giải cũng không nằm ngoài quy luật này. Từ 30/4/1975 đến nay, chúng ta cũng đã có những chính sách, việc làm để hàn gắn vết thương trong quá khứ, hướng đến sự hòa hợp, hòa giải đích thực.
Có những giai đoạn đất nước ta trải qua khó khăn, gian khó về kinh tế và tư duy phát triển. Điều đó cũng làm cho tiến trình hòa hợp hòa giải còn chưa được như mong muốn.
Dân tộc VN là một, đất nước VN là một, và bất cứ ai có dòng máu “con Lạc cháu Hồng” có lòng với quê hương, với xứ sở tươi đẹp đều nhận thấy rằng, sự hòa giải, hòa hợp là thực sự cần thiết cho đất nước VN phát triển, hùng cường. Quan trọng hơn hết, sự hòa hợp hòa giải này cần phải xuất phát từ cả hai phía.
CHÂN LUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét