28 tháng 4, 2014

Ghi chú nhỏ về chống tham nhũng

Để chống tham nhũng và tham ô, phải chăng nên bắt đầu từ văn hóa? Một đứa bé xem việc ăn trộm trứng gà là xấu xa, đê tiện; thì khi lớn lên có khả năng rất cao là nó sẽ tránh xa việc ăn cắp cả con gà, hoặc nguyên đàn gà.
Nếu chống tham nhũng không bắt đầu từ văn hóa và giáo dục cơ sở, thì dù có tử hình kẻ tham nhũng này, xã hội sẽ lại xuất hiện kẻ tham những khác – Ảnh: TTXVN
Trước tiên xin bạn đọc thưởng thức ba câu chuyện độc lập:
1. Gối đẹp: Cách đây không lâu tôi được quá giang một chiếc siêu xe của bạn một người bạn. Chiếc xe đến từ trời Âu hoàn hảo từng li từng tí, gây chú ý nhất là mấy chiếc gối nhỏ nền nã để kê lưng hoặc gác tay. Tôi hỏi chủ xe gối này mua ở đâu hay là đồ theo xe. Anh ta cười rất tươi và không giấu vẻ tự hào bảo rằng mấy cái gối này anh ta “chôm” trên máy bay của một hãng hàng không quốc tế nổi tiếng về khoản sang trọng. Việc “chôm chĩa” khá công phu, phải bay đủ mấy chuyến mới có được trọn bộ!
2. Thiên đường: Một thủy thủ Việt Nam bỏ trốn để làm việc chui tại Nhật kể với tôi rằng nước Nhật đã xây dựng xong Chủ nghĩa Cộng sản. Bằng chứng là nơi đó hàng hóa ê hề, tràn ra cả vỉa hè. Chẳng có cửa hàng nào cất hàng và khóa cửa khi đêm về. Cho nên anh ta sướng lắm. Tối nào thèm uống bia, anh lại nhảy lên chiếc xe hơi bãi rác mang biển số giả của mình ra phố. Anh ta chỉ tốn năm mười giây dừng lại để kéo một hai thùng bia “chùa” vào xe và thưởng thức một đêm “ngất ngây con gà tây”!
3. Trí khôn Việt thua tinh thần cảnh giác Nhật: Trên báo Tuổi Trẻ Cười số 86 tháng 3/1991, dưới bút danh Hoàng Minh, giáo sư Cao Xuân Hạo viết:
“Nhiều người kể lại rằng trong một chuyến đi tham quan một thửa ruộng thí nghiệm ở Nhật Bản, GS. Lương Định Của “lỡ chân” bước hụt xuống bùn. Vết bùn này có thể cho biết những bí quyết mới về phân bón. Lập tức có một cô nhân viên Nhật Bản chạy đến xin lỗi rối rít vị khách quý, đưa một đôi giày sạch cho ngài thay và chỉ năm phút sau đem trả cho ngài đôi giày bị lấm bùn đã giặt sạch và đã sấy khô, không còn lấy một phân tử bùn nào. Cho hay đến như một người đã học được cái nghề gián điệp công nghệ ngay ở Nhật mà cũng không thoát được cặp mắt phản gián tinh tường của họ.”

***

Thật lạ lùng, chúng ta không hề thấy trong ba câu chuyện ở trên một chút ngượng ngùng hay xấu hổ, khi hành vi ăn cắp được thực hiện thành công trót lọt nhiều lần, hoặc bị chặn đứng vì sự cảnh giác của nạn nhân. Trái lại, ăn cắp thậm chí được xem như một chiến công “hiển hách”.
Phải chăng đạo đức xã hội đã bị khuyết thủng đâu đó? Hoặc ít nhất cũng có thể kết luận văn hóa Việt Nam có cái nhìn không khắt khe lắm với tật xấu này. Khi một nền văn hóa không dự trữ kháng thể mạnh để chống virus ăn cắp hoành hành, tất yếu xã hội ấy sẽ xuất hiện tham nhũng, tham ô. Bởi vì bản chất tham nhũng và tham ô cũng là ăn cắp.
Như vậy để chống tham nhũng và tham ô, phải chăng nên bắt đầu từ văn hóa? Một đứa bé xem việc ăn trộm trứng gà là xấu xa, đê tiện; thì khi lớn lên có khả năng rất cao là nó sẽ tránh xa việc ăn cắp cả con gà, hoặc nguyên đàn gà.
Nếu chống tham nhũng không bắt đầu từ văn hóa và giáo dục cơ sở, thì dù có tử hình kẻ tham nhũng này, xã hội sẽ lại xuất hiện kẻ tham những khác, mà cấp độ càng ngày càng tăng, chứ không thể giảm đi.
Trong báo cáo của nhà ngoại giao và Hán học Phillarstre gửi Thống đốc Nam Kỳ năm 1878, có đoạn rất đáng chú ý: “Đất nước này hết sức nghèo nàn, chính phủ bị ràng buộc trong tất cả mọi hoài bão có thể có và trong tất cả mọi ý muốn cải cách, bởi những sợi dây không thể cắt đứt mà không làm đổ vỡ hết đồng loạt. Triều đình còn bị kìm hãm bởi những điều mê tín của một xã hội đã được cấu tạo rất chặt chẽ; đối với kẻ cầm đầu, mê tín đó là những cái cớ viện dẫn để bảo vệ những quyền lợi đã có, đối với tất cả mọi người thì đó là khí giới phòng thủ chống lại mọi thay đổi. Mỗi người đều biết mình có lợi gì khi thay đổi, nhưng lại chú ý nhiều nhất tới những gì sẽ mất và đều không muốn bắt đầu từ đấy”.
Chúng ta thấy rằng nhận xét cách đây 135 năm của Phillarstre vẫn còn rất đúng với đề tài chống tham nhũng của bài viết này. Tất cả mọi người đều hưởng lợi nếu toàn xã hội không còn ăn cắp và tham nhũng, nhưng mọi thứ dường như cứ mãi quanh quẩn ở điểm xuất phát, nếu không kể nút thắt là những phiên tòa có án tử, thỉnh thoảng lại diễn ra.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng nêu rõ: “Tham nhũng không còn là vấn đề của địa phương mà là một hiện tượng có tính xuyên quốc gia ảnh hưởng tới tất cả các xã hội và các nền kinh tế, do vậy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng là điều vô cùng cần thiết”. Với trường hợp Việt Nam, nên xem xét bao quát cả yếu tố lịch sử và văn hóa trong nạn tham nhũng và hối lộ.
Người Việt Nam, hết đời này đến đời kia, vẫn lặp đi lặp lại câu ca dao nghẹn đắng: “Con ơi nhớ lấy câu này. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Song nếu ông quan ấy ở trong dòng tộc mình, thì lập tức nó chuyển tông thành niềm kiêu hãnh: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Án tử của Dương Chí Dũng vừa qua là chế tài cao nhất của nền pháp trị với tham nhũng. Điều đó là cần thiết, nhưng thật sự chưa đủ. Một cơ thể xã hội khỏe mạnh phải hài hòa giữa dương (pháp trị) và âm (văn trị).
Hãy tưởng tượng một câu chuyện mà tôi tin sẽ xảy ra ở tương lai: Đứa trẻ tiểu học về hỏi cha nó là quan tham: “Cha ơi bài học trong trường nói tham nhũng là xấu xa, là ăn cắp, sẽ tàn phá tan tành đất nước, phải không cha?”. Không ít thì nhiều, câu hỏi đó sẽ điều chỉnh hành vi của người cha tích cực hơn.
                                                                                                                    Trương Thái Du 

Không có nhận xét nào:

Trang