Nguyễn Hoa Lư
Lời tác giả: Bắt đầu từ đâu mà một người như giáo sư Nguyễn Lân lại có thể viết về đồng nghiệp bằng một thái độ đáng xấu hổ như vậy? Phải chăng đó là một sự “phục tùng tổ chức” để thực hiện một nhiệm vụ “cao cả”? Hay một sự cả tin, một thỏa hiệp? Nguyễn Lân đã vướng phải điều gì?
Vì sao một người dồn toàn bộ tâm huyết của cuộc đời vào một công trình mà hậu thế phải nhắc nhau là đừng dùng, rất có hại? Nguyên nhân sâu xa nhất ở đây là gì? Cuốn từ điển của cụ có phải là “cây trái” sinh ra trong một xã hội khi uy quyền ngự trị cả trong học thuật, sự phản biện áp dụng một cách lệch lạc trong cuộc sống? Làm một “cây đa cây đề” hàng chục năm, ông cụ “chết” ở ngay trong bóng mát của mình.
1. Trong cuộc đời con người, áp lực của việc sinh ra trong một gia đình có chút tiếng tăm nhiều khi nặng hơn núi Thái. Tiếng tăm lan truyền trong nhân gian luôn luôn có hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng thổi phồng, thánh hóa và xu hướng hạ nhục, ném đá. Thông thường, hai xu hướng đó thường đi đôi với nhau, chẳng có gì lạ, khi ai đó nhận được sự tôn vinh quá đáng thì ngay lập tức sẽ có người phủ nhận, đạp xuống tận bùn đen.
Nếu người con cháu của các vị đó lại có lòng hiếu thảo và sự tự trọng thì những dư luận (trái chiều đó) là những ngọn roi sắt quất vào tim, tê buốt suốt cuộc đời.
2. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Lân Thắng đang chịu nỗi đau đớn đó. Thắng là cháu nội cố giáo sư Nguyễn Lân. Mà dưới gầm trời nước Nam thời hiện đại này, dòng dõi Nguyễn Lân danh giá hết mực với hàng chục giáo sư tiến sĩ nổi tiếng.
Để tìm hiểu về Thắng, tôi vô “Gu gồ” xợt. Thiên hạ lăng nhục anh bằng những lời lẽ nặng nề: tội đồ của gia tộc, là đứa con, đứa cháu bất hiếu, một con rận cắn nát bằng khen danh giá của gia đình, một kẻ lầm đường lạc lối…
Thiên hạ gào lên lạc giọng: “Hắn (Nguyễn Lân Thắng) như xé toạc trang sử vàng của dòng họ, bôi một vết đen lớn trong lòng gia đình, người thân và bạn bè; hắn là một nỗi nhục lớn cho những người dân Việt yêu nước”.
3. Với riêng tôi, Thắng đã cứu được danh dự của ông nội mình, giáo sư Nguyễn Lân.
Hơn mười năm trước, hình ảnh giáo sư Lân trong tôi thật đáng ngưỡng mộ. Một ông cụ ngoài tuổi 90 vẫn hằng ngày cần mẫn trên những trang sách là một hình ảnh vô cùng đẹp.
Rồi đến một ngày, sau khi đọc loạt bài về một cuốn từ điển có hại cho tiếng Việt (Trên Quê choa) và nhất và bài cụ viết thời Nhân văn giai phẩm “đấu” Trần Đức Thảo và Trương Tửu thì những hình ảnh đẹp đó sụp đỗ tan tành. Thất vọng toàn tập!
Tôi chưa đọc được dòng nào của Thắng về ông nội của mình. Tôi cũng tò mò muốn biết thái độ của anh khi nghe tin UB nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định đặt tên Nguyễn Lân cho một con đường.
Tuy vậy, vài ngày trước, trên FB của mình, nghe Thắng bình luận về Bầu Kiên “Tôi rất tiếc cho cá nhân ông Kiên, ông Lý Xuân Hải… toàn những người tài năng mà nếu họ sống trong một môi trường tự do dân chủ thực sự thì có lẽ tên tuổi của họ sẽ vượt xa rất nhiều… tôi tin có ngày chuyện Bầu Kiên sẽ được những người am hiểu ngành tài chính giải mã, đừng vội ném đá. Những gì bạn thấy trên truyền thông bấy lâu nay chỉ là một nửa sự thực, chưa phải là sự thực. Thấy tiếc cho một tài năng lỡ sinh nhầm thời!”.
Những bình luận của Thắng khiến tôi suy nghĩ nhiều về “hiện tượng Nguyễn Lân”, ông nội Thắng.
4. Bắt đầu từ đâu mà một người như giáo sư Nguyễn Lân lại có thể viết về đồng nghiệp bằng một thái độ đáng xấu hổ như vậy? Phải chăng đó là một sự “phục tùng tổ chức” để thực hiện một nhiệm vụ “cao cả”? Hay một sự cả tin, một thỏa hiệp? Nguyễn Lân đã vướng phải điều gì?
Vì sao một người dồn toàn bộ tâm huyết của cuộc đời vào một công trình mà hậu thế phải nhắc nhau là đừng dùng, rất có hại? Nguyên nhân sâu xa nhất ở đây là gì? Cuốn từ điển của cụ có phải là “cây trái” sinh ra trong một xã hội khi uy quyền ngự trị cả trong học thuật, sự phản biện áp dụng một cách lệch lạc trong cuộc sống? Làm một “cây đa cây đề” hàng chục năm, ông cụ “chết” ở ngay trong bóng mát của mình.
5. Tôi cho rằng cái không gian sống của ông cụ hoàn toàn đối lập với cái xã hội mà người cháu nội của ông muốn xây dựng.
Nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước hai ông cháu dòng Nguyễn Lân đổi chỗ cho nhau. Ông vun trồng cây xã hội dân sự tỏa bóng xum xuê để người cháu được làm một trí thức đúng nghĩa! Được vậy thì phúc thay cho dòng họ danh giá đó, phúc thay cho dân tộc mình lắm lắm vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét