28 tháng 12, 2013

Cuối tuần ghé phiên chợ đồ “xưa”

Gọi là phiên chợ “xưa” vì chợ chỉ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần dành cho những người đam mê, có sở thích sưu tầm những món đồ cổ, đồ cũ. Ngoài thú vui sưu tầm, nhiều người đến chợ chỉ đơn giản là sờ, ngắm tận mắt những món đồ ngày xưa như tìm về hồi ức.
Chợ phiên đồ "xưa" sáng thứ 7 hàng tuần. Ảnh: Gia Huy
Nằm trong con dốc nhỏ ở ngõ 456 Hoàng Hoa Thám, phiên chợ “xưa” nằm nép mình trong khoảng không gian chỉ vài trăm m2 của Lư trà quán. Dù không quảng cáo rầm rộ nhưng từ khi khai trương tháng 6/2013 đến nay, cứ mỗi sáng thứ 7 khách hàng lại nườm nượp tìm đến phiên chợ “xưa” để cùng ngắm nghía, trao đổi, mua bán những món đồ cũ, đồ cổ mà người bán đã dày công sưu tầm.
Chợ chỉ khoảng trên 20 “gian hàng”, gọi là vậy chứ mỗi gian chỉ gói gọn trên chiếc bàn hơn một m2, không có bàn thì trải nilon bày ngay dưới sân. Trên các sạp hàng luôn đầy ắp các món đồ không theo một chủ đề nhất định, người bán sưu tầm được gì thì bán đồ đó, người mua cũng tỉ mẩn tìm kiếm, ngắm nghía từng món hàng.
Ở đây, người ta có thể tìm thấy vô khối thứ từ đồ cổ đến đồ cũ, từ những món đồ từng xuất xứ ở những thời điểm lịch sử khác nhau, từ những món được giới thiệu có thời gian trên trăm năm đến những đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại để bàn, bàn là, mâm đồng, kính mắt, đèn Hoa Kỳ, các loại tiền mệnh giá cũ của Việt Nam và các nước… đến tạp chí, tranh ảnh Hà Nội xưa hay ca đựng nước, cặp lồng cơm, thìa, bát nhôm từ thời bao cấp.
Hàng hóa được bày trực tiếp trên mặt sân. Ảnh: Gia Huy
Ghé vào góc một góc chợ nơi có quầy cà phê nhỏ, chủ quán niềm nở hỏi ngay chúng tôi “có đăng ký bán hàng không, gặp ngay anh Khánh nhé, sáng giờ một số người đang đăng ký, nhanh không sắp hết chỗ rồi”. Ở phiên chợ này, người cho thuê địa điểm không lấy tiền, người đến mua thì vào cửa tự do, người bán hàng cũng không phải trả lệ phí thuê chỗ, nếu muốn thì đăng ký và mang các món đồ đến bán hàng.
Chỉ để thỏa niềm đam mê đồ cổ
Là người thành lập phiên chợ đồ “xưa”, ông Kiều Quốc Khánh, nguyên là chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội chính là người tổ chức, huy động những người yêu đồ cổ thành lập chợ. Anh Khánh cho biết, với những người mê săn lùng đồ cổ trước nay ít nhiều đã biết đến tiếng nhau, tổ chức được khu chợ giúp anh em trước tiên có cơ hội gặp gỡ, sau đó là có không gian, địa điểm giao lưu, trao đổi, buôn bán, chia sẻ kinh nghiệm về từng món đồ. 
Khách đến chợ thuộc các loại lứa tuổi, ngành nghề, nhưng điều dễ nhận thấy cả người bán và người đến chợ tham quan, tìm hiểu, mua bán chủ yếu là nam giới. Có lẽ bởi niềm yêu thích săn lùng, sưu tầm đồ cổ, đồ cũ trước nay luôn được mặc định là dành cho đấng mày râu.
Ngắm nghía một chiếc đèn được người bán hàng giới thiệu là đồ pha lê Pháp cổ, bác Nam cho rằng chiếc đèn này xưa chắc chỉ dùng trong các nhà quý tộc, người bán hàng phát giá 20 triệu đồng kèm cái nháy mắt hóm hỉnh “nếu bác mua thì con bớt chút nữa”.
Còn bác Hải, nhà ở Cầu Giấy đến chợ để tìm một vài đồ dùng thời bao cấp, “ở nhà tôi có căn phòng riêng để cất những đồ dùng cũ, thời đó khó khăn có được chiếc đài cát xét hay cái quạt là oách lắm rồi, qua thời gian một vài món đồ thất lạc nên tôi đến đây để tìm lại những món đồ ấy”.
Chiếc đèn pha lê xuất xứ Pháp được người bán hàng phát giá 20 triệu đồng. Ảnh: Gia Huy.
Nhỉnh hơn các gian khác bởi có những hai chiếc bàn, gian của anh Quang Huy bày lỉnh kỉnh đủ thứ từ quạt, đèn dầu, đèn pha lê Pháp, đồng hồ, vài chiếc điện thoại bàn, đĩa trưng bày bằng đồng, bát đĩa… Anh cho biết, với những người bán hàng ở đây, đồ mang đến chợ chỉ là một phần trong những đồ họ sưu tầm được, nhiều khi mình có món này mà người khác đang tìm thì chúng tôi lại trao đổi với nhau. Thú sưu tập đồ cổ đối với chúng tôi như một niềm vui, mang hàng đến bán chủ yếu cũng để gặp gỡ những người cùng sở thích.
Phiên chợ nườm nượp khách ra vào, tấp nập khách xem xét, tò mò hỏi giá từng món đồ rồi lại trầm ngâm ngắm nghía, mặc cả nhưng không hề có sự to tiếng, cãi vã. Người bán hàng luôn trả lời tận tình, giới thiệu xuất xứ, thời gian, chất lượng từng thứ một, người mua hỏi giá rồi lại đi nhưng dường như người bán cũng không hề phật lòng. Để thẩm định chất lượng từng món đồ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người mua và sự đảm bảo qua thời gian săn đồ cổ lâu năm của chính người bán.
Gian hàng tiền cũ và đồng xu cổ luôn luôn thu hút đông khách, người bán hàng trưng cả tiền Zimbabwe, Nigeria với giá từ 65.000 đến 150.000 đồng, tờ 500 đồng con hổ (tiền Sài Gòn năm 1972) có giá 50.000/tờ, 1.000 đồng con voi (năm 1972) giá 45.000/tờ cùng nhiều tờ tiền cũ mệnh giá 10, 20, 50, 100 đồng giá từ 20.000/tờ trở lên. Anh Hùng, người bán hàng cho biết, bình thường không đến chợ, những người yêu thích sưu tập tiền cũ vẫn trao đổi mua bán thông qua website chuyên mua bán tiền cũ, nhưng nhiều người đến chợ là để thỏa mãn ngắm nghía trực tiếp trước khi quyết định bỏ tiền ra mua.
Mới qua hơn 3 tháng khai trương, chợ phiên đồ “xưa” ngày càng được nhiều người biết đến, đây đã trở thành địa điểm để những người yêu thích đồ cổ đến giao lưu, mua bán, chia sẻ kinh nghiệm. Anh Khánh mong muốn, phiên chợ sẽ thành một nét văn hóa riêng, là sân chơi lâu dài của cộng đồng những người thích sưu tầm đồ cổ, đồ cũ.
                                                                                                                                          Gia Huy



Không có nhận xét nào:

Trang