21 tháng 12, 2013

Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt


TS. LƯƠNG HOÀI NAM
TNO - Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp...
Nếu cần phải tìm một tố chất con người nào đó mà người Việt ta giỏi hơn người các nước khác, thiết nghĩ đó là năng khiếu ngụy biện.Chúng ta nói được với nhau, giải thích được cho nhau mọi thứ trên đời một cách dễ dàng và đầy thuyết phục. Kể cả những thứ chúng ta hiểu rất ít và thậm chí là cả những thứ chúng ta thực ra không hiểu gì.

Những cái xấu tràn lan trong xã hội: tham ô tham nhũng; ăn trộm, ăn cướp, kể cả giết người; rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm; đầu độc nhau bằng hàng hóa độc hại, thực phẩm độc hại; vi phạm luật, gây rối loạn trật tự giao thông; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xả rác bừa bãi; chen lấn xô đẩy mọi lúc, mọi nơi...
Quan tham thì tại chính họ tham, cái đó rõ rồi và họ cũng không thanh minh. Họ chỉ tìm cách trốn tránh sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Còn các kiểu dân hư thì chúng ta đều giải thích được hết. Rất đơn giản và đầy thuyết phục: dân hư bởi tại... quan tham!
Đó là câu nói gần như cửa miệng của rất nhiều người, cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, của bản thân mình hoặc của người khác.
Chúng ta yên tâm rằng, một ngày quan hết tham hoặc hết quan tham, mọi người sẽ tử tế ngay và nước ta sẽ trở thành thiên đường về môi trường sống.
Nhưng hãy trung thực với mình đi!
Có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều tốt không vì mục đích cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì noi gương người tốt việc tốt của người ABC nào đó?
Có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều xấu không vì động cơ cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì theo gương xấu của người XYZ nào đó?
Ai chứ nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow thì chắc không bao giờ chấp nhận cách giải thích vạn năng của người Việt chúng ta.
Theo Maslow thì mọi người đều hành động theo những nhu cầu cụ thể của chính bản thân. Mọi hành động của một cá nhân đều có một (hoặc một số) nhu cầu cá nhân sau nó. Bối cảnh hành động chỉ tác động, làm thay đổi lợi ích thu được và rủi ro phải chịu của hành động thôi. Có làm theo gương ai thì cũng là để đáp ứng các nhu cầu của bản thân người hành động.
Nói cách khác, một người tốt hoặc xấu không phải vì người khác tốt hoặc xấu, mà vì các lợi ích mà hành động tốt hoặc xấu có thể mang lại cho chính người đó.
Nếu các lợi ích đủ lớn, còn các rủi ro (hậu quả) được nhận thức là nhỏ (hoặc không có rủi ro) thì người đó sẽ hành động theo "sự chỉ đạo" của nhu cầu bản thân. Bối cảnh hành động chỉ có thể làm tăng hoặc giảm lợi ích và rủi ro.
Một vị quan thực hiện hành động tham ô vì lợi ích tiền bạc cho chính mình. Khi tham ô, vị quan đó nhận thức rủi ro của hành động tham ô là nhỏ.
Một người dân cướp của, người đó cướp của không phải vì theo gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích tiền bạc cho chính mình. Khi cướp, người đó nhận thức rủi ro của hành động cướp là nhỏ.
Một người dân lao vào hôi của trong một vụ tai nạn giao thông hoặc thiên tai, người đó hôi của không phải vì theo gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích vật chất cho chính mình. Hôi của cũng là cướp của. Khi hôi của, người đó nhận thức rủi ro bị xã hội lên án, hoặc bị bắt ra tòa xử, là nhỏ.
Một người dân vượt đèn đỏ, người đó vượt đèn đỏ không phải vì theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn đi nhanh qua ngã ba, ngã tư. Vượt đèn đỏ là "cướp" đường, thời gian và sự an toàn của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi vượt đèn đỏ, người đó nhận thức rủi ro mình bị các xe đi theo tín hiệu đèn xanh đâm chết, hoặc bị công an bắt phạt tiền, là nhỏ.
Một người dân chen lấn, xô đẩy khi mua hàng hay khám bệnh, người đó chen lấn, xô đẩy không phải vì theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn mua được hàng, hoặc được khám bệnh, nhanh hơn những người khác. Chen lấn, xô đẩy là "cướp" thời gian, sức khỏe của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi chen lấn, người đó nhận thức rủi ro bị lên án là nhỏ.
Đọc đến đây, không ít người sẽ nhìn ra "bảo bối" thứ hai: sự thiếu hụt về nhận thức, hay sự thiếu giáo dục. Họ sẽ nói: những hành động xấu đó trong dân là do nhận thức của con người nông cạn, do chất lượng giáo dục yếu kém (trong đó có các môn giáo dục công dân). Lỗi của ngành giáo dục, phải sửa từ giáo dục.
Nói như thế không sai và ngành giáo dục cần phải đổi mới toàn diện để tạo ra những thế hệ người Việt Nam có chất lượng hơn. Nhưng trong khi chờ những thế hệ người có chất lượng hơn đó, chúng ta vẫn phải có giải pháp đối với các "hàng hóa tồn kho", đó là chính chúng ta.
Chúng ta không thể bắt những người tuổi 20, 30, 40, 50 quay lại học lại từ lớp vỡ lòng và các môn học đạo đức công dân có chất lượng tốt hơn.
Cũng không cần thiết phải làm điều đó, vì ngoài giáo dục ở nhà trường, còn có giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục pháp luật, trong đó mỗi người đều có thể tự học, được học, thậm chí bị bắt học. Không ở đâu giáo dục ở nhà trường có thể thay thế được rất nhiều các hình thức giáo dục sau nhà trường.
Một người được giáo dục pháp luật tốt và vì một xã hội có trật tự, kỷ cương, người đó không bao giờ lấy cái sai, cái xấu của ai đó để biện minh cho cái sai, cái xấu của bản thân mình hay của những người khác.
Nhưng ở nước ta, đây là kiểu thái độ phổ biến trước các hiện tượng xã hội. Mọi thứ xấu xa đổ hết cho chính sách, cơ chế, thể chế là xong.
Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm chợ "cóc", quán "cóc", làm chỗ giữ xe. Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp của chúng đối với sự phát triển của xã hội và con người.
Họ bảo, đến Paris, London, New York còn có nền kinh tế vỉa hè cơ mà? Điều họ không nói để mọi người biết là ở Paris, London, New York có kinh tế vỉa hè, nhưng đó là kinh tế vỉa hè được chính quyền quy hoạch và quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực thẩm và trật tự, mỹ quan đô thị, không phải là thứ kinh tế vỉa hè tự phát và gần như không được quy hoạch, quản lý như ở ta. Singapore cũng có các hàng cơm bình dân, nhưng không phải các hàng cơm bạ đâu ngồi đấy, xung quanh đầy rác rưởi, ruồi muỗi như ở ta.
Họ cho rằng xe máy là phương tiện đi lại của người nghèo và bảo vệ quyền sử dụng xe máy vĩnh viễn của mỗi người dân. Họ "lờ" đi thực tế là các nước Trung Quốc, Myamar đã cấm xe máy ở rất nhiều thành phố. Họ cũng không nói đến quyền của mỗi người dân, kể cả người nghèo, được hưởng một nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, an toàn như người dân ở các nước khác, không nói đến trách nhiệm đóng góp của người dân cùng nhà nước để sớm có một nền giao thông công cộng như vậy (dù chỉ là sự đóng góp tinh thần và sự sẵn sàng từ bỏ thói quen đi xe máy để phát triển giao thông công cộng).
Chúng ta thường chấp nhận sự ngụy biện vì không nghĩ nó gần như đồng nghĩa với một từ khác, đó là đạo đức giả. Nó dẫn dắt con người đến với những giá trị giả, những thứ không có giá trị ở các xã hội phát triển văn minh.
Không ở đâu một xã hội có thể phát triển giàu có và văn minh dựa trên sự phổ biến của năng khiếu ngụy biện, thói đạo đức giả.
Theo học thuyết của Maslow, để thay đổi hành vi con người và giảm bớt những thứ xấu xa trong xã hội, không có cách nào khác là phải tác động mạnh mẽ vào các lợi ích các thứ xấu xa đó mang lại cho đối tượng hành động (làm giảm hoặc triệt tiêu chúng), đồng thời tác động mạnh mẽ vào phía nhận thức, làm cho mỗi một người ý thức đầy đủ các rủi ro, hậu quả từ mỗi hành động của bản thân.
Nếu ai đó bảo mọi người cứ tử tế đi rồi tôi sẽ tử tế, người đó hoàn toàn không đáng tin chút nào. Điều kiện người đó đưa ra (để trở thành người tử tế) không xã hội nào đáp ứng được cả.

Không có nhận xét nào:

Trang