28 tháng 12, 2013

Ăn cơm tàu, ở nhà tây…lấy vợ Nhật

Người ta thường nói ”ăn cơm tàu,ở nhà tây, lấy vợ Nhật” và cho đến ngày nay, câu nói nầy hình như chưa được ai giải thích tường tận. Bài phiếm dưới đây tác giả bắt tay mổ xẻ và tìm cách tiếp cận, hi vọng sẽ giúp chúng ta giải mã được phần nào nội dung thú vị nầy.


1. Ăn cơm tàu

Tiệc 8000 món ở TQ

Không biết câu nói nầy có từ khi nào, nhưng hầu như ở Việt Nam ta ai cũng biết chẳng có gì lạ. Ăn cơm tàu thì đúng rồi vì cơm Trung Hoa vốn rất phong phú, sơn hào hải vị đủ cả ,được tiếng là ngon, nhiều món độc đáo trong kho tàng ẩm thực trên thế giới, nổi tiếng là cầu kỳ thậm chí có những món “ghê rợn” dã man… Vốn là nước có nền văn minh lâu đời, phát triển qua mấy nghìn năm với chục triều đại mà mỗi triều đại kéo dài trên dưới 300 năm như Tống, Nguyên, Minh, Thanh… rõ ràng, văn hóa ẩm thực của người Trung Quốc đã hình thành từ lâu đời.
Ở Trung quốc rộng lớn nầy không những có nhiều trường phái ẩm thực dân gian phong phú(1) mà thức ăn, nước uống của quan viên, chốn cung đình lắm khi còn kinh khủng hơn nữa. Hàng trăm món “độc chiêu” kể ra mà le lưỡi, không dám nghĩ tới như Não hầu, Sâm thử, Trảm mã trà(2)… Đó là chưa nói đến các loại sơn hào hải vị quí hiếm như Tay gấu, Bào ngư, Vi cá, Yến sào, Nấm hương, Pín Cọp, Bò cạp… phục vụ cho khẩu vị phức tạp của chốn cung đình. Tất tất, cái gì cũng được nghiên cứu để đưa vào miệng, từ trên rừng, dưới biển, ở đâu có động vật, thực vật cho lên chảo, vào nồi được là có thể biến thành món ăn ngon lành, nếu cần chút gia vị, đường muối, tiêu hành, gừng tỏi, quế, nấm quí… cho thơm hơn, ngọt hơn theo bàn tay khéo léo của đầu bếp. Nhờ vậy con đường tơ lụa xuyên sa mạc, thảo nguyên Mông cổ, Tây Tạng cũng là con đường Gia vị (ngoài con đường sứ gốm và hương liệu trên biển đông), nơi giao thoa giữa các nền văn minh phương Tây, phương Đông và lưỡng hà, nhờ vậy những món ăn của Trung quốc đã đi rất xa, thậm chí biến thể thành thức ăn tây phương ngày nay như các loại mì, bún thành món Spagetti mà người Ý ưa thích chẳng hạn.
Là nước láng giềng từ khi lọt lòng, nướcVN ta cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa (kể cả ẩm thực) Trung hoa, nơi nào cũng có sự hiện diện của Hủ tiếu, mì, bún, cháo… đủ loại, phố nào cũng có bánh bao, bánh quảy… của người Hoa, người Việt chứ nói gì đến các Phạn điếm (tiệm cơm) đủ món xào nấu đầy dầu mỡ khắp đây đó! Nói vậy để thấy đoạn đầu “ăn cơm Tàu…” trong châm ngôn này không có gì lạ.Tất nhiên trong mối quan hệ giao lưu rộng khắp với bè bạn trên thế giới thì bên cạnh những món ăn Trung Hoa còn có hàng trăm món ăn cầu kỳ và khẩu vị của nước khác đã được du nhập vào nước ta. Sự hiện diện các các loại nhà hàng Âu Tây, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mehico… ngày nay ở TP. HCM, Hà Nội… cũng đã chứng minh điều đó, thế nhưng nếu nhìn về đời sống ẩm thực của quần chúng nhân dân thì thức ăn “Tàu” vẫn phổ biến và được người Việt mình ưa chuộng, cảm thấy gần gũi nhất.

2. Ở nhà Tây

Từ khi bắt đầu tiếp xúc với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… người Trung Quốc gọi người da trắng là người Tây Dương, từ đó chữ “tây” ở tiếng Việt hay tiếng Nhật cũng mang nghĩa tương tự. Đoạn “ở nhà tây…” nầy ám chỉ những ngôi nhà cao, biệt thự rộng thoáng với lối kiến trúc và điêu khắc độc đáo của người châu Âu, đặc biệt là khi thực dân Pháp có mặt ở nước ta thì phàm cái gì to cao…thì được người Việt mình gọi là” tây” như Hành tây, Khoai tây, Gà tây …vì thế mà “nhà tây” thường được hiểu là biệt thự to lớn, sang trọng, hay bề thế như Nhà hát Lớn, Nhà Thờ Tây hay bất cứ cái gì…”tây” khác..to như “tây”. Nhìn ngôi nhà “ba gian hai chái” hay nhà rường ở Huế thì rõ ràng nhà ở của người Việt ngày xưa khiêm tốn hơn nhiều, đó là không kể những căn nhà tranh xiêu vẹo, maí lá đơn sơ , bằng gỗ lụp xụp của người Việt hay người Hoa như phố cổ Hội An (nhất là ở nông thôn) cho nên phải chăng”ở nhà tây”(nhà to) cũng là thể hiện mơ ước của người nghèo.
Hơn thế nữa nếu xem hình ảnh kiến trúc của “Tây” qua sách vở thời đó thì rõ ràng các dinh thự, lâu đài ở các nước Châu âu quá ư hùng vĩ cho nên ấn tượng “nhà tây” đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, như món ăn Trung Hoa, đã “ăn cơm tàu”rồi thì phải “ở nhà tây” mới xứng, phải không các bạn. Mà cũng chẳng xa xôi gì, nhìn vào những tấm bưu thiếp "sài gòn xưa”của 300 năm trước, khi người Việt mới vào miền nam khai khẩn hay ảnh chụp cảnh Hà nội 36 phố phường hoang sơ thời đó với những dãy phố “tây”hoành tráng thì sự khác biệt rõ mồn một, cho nên…được ở nhà Tây là sướng.

3. Lấy vợ Nhật



Sang đến đoạn thứ ba “…lấy vợ Nhật” thì có lẽ người viết không đủ tư cách để “chứng minh” mà chỉ dừng lại ở “miêu tả”.Vì cơm tàu thì đã được thưởng thức đây đó,nhà tây thì cũng đã “đi đông đi tây”nhìn ngắm thoải mái, thậm chí cũng đã được “ở ké” ngôi nhà đồ sộ của Ông Cậu ruột làm Giám đốc Sở Hoả xa(xe lửa) khi vào học ở Sài gòn nhưng cái khoản “vợ Nhật” thì chỉ là “mì ngắm cháo ngó”, khảo sát từ xa mặc dù vị trí đứng thì rất gần với hơn 30 năm lưu lạc trên đất Phù tang!!!
Không biết nhà văn, nhà thơ nào cho rằng lấy vợ Nhật là “nhất” hay đã chứng minh được qua một trường hợp nào đó trên thực tế chăng nhưng theo tôi thì có lẽ chỉ những người—có uy tín trong xã hội thời bấy giờ--đã nhìn thấy những cô gái Nhật mắt một mí,xúng xính trong bộ Kimono kín đáo, tóc vén cao lộ chiếc cổ trắng ngần ,trên đôi guốc gỗ rón rén..tạo ấn tượng khó quên .Thực vậy, trong tranh Ukiyoe cổ điển(3) của Nhật bản thì hình ảnh của thiếu nữ Nhật là như thế vì vậy người ta mơ ước ..lấy vợ Nhật chăng. Mặt khác, truyền thống “phu xứơng phụ tuỳ”(tam tòng tứ đức) vẫn còn đậm nét trong đời sống của người phụ nữ, luôn khép nép bên chồng, không ồn ào và phục vụ, chăm lo cho chồng trong việc “nâng khăn sửa túi” khác hẳn với “Sư tử Hà Đông”(Kakadenka)(4) ở xứ ta cho nên…ước mơ được người vợ hiền thục, đoan trang thế cũng phải. Bên Trung quốc, truyền rằng Hoàng đế Càn Long (1736-1795),vị Vua” phong lưu đa tình” số một nầy đã cho "chiêu mộ” về Trung quốc các mỹ nữ khắp thế giới trong đó người đẹp Nhật bản được Càn Long sủng ái nhất, nổi tiếng thùy mỵ và ngoan ngoãn hơn các cung tần nước ngòai khác, vì vậy tiếng lành đồn xa nầy cũng có thể đã lan sang nước ta... trở thành một phần của câu nói trên chăng ?
Người chồng Nhật gọi vợ mình là “Kanai”(Nội tướng), hay ”Oku” (nhà sâu bên trong) hoặc“ Tsuma”(Thê), ”Nyobo” (Người nữ lo phòng trong)… cho thấy vị trí khiêm tốn của người phụ nữ Nhật bản trong gia đình. Ở xã hội phong kiến thì người phụ nữ được xem là “thứ yếu” phụ thuộc vào đàn ông (Phu xướng phụ tùy), cuộc đời của họ không qua khỏi hàng rào sân vườn nhà mình, chỉ quanh quẩn trong một phạm vi nhỏ hẹp, không có cuộc sống xã hội và tình trạng nầy kéo dài đến thời Minh Trị Duy Tân mới được “giải phóng”, từ đó người phụ nữ được ăn học, tham gia vào các công việc chính trị-xã hội (quyền tham chính), dần dà “bình đẵng” với nam giới. Cuối thế kỷ 19, bộ giáo dục Nhật bản khuyến khích phong trào xây dựng hình ảnh người “vợ ngoan, mẹ hiền”(Rýosai kenbo)trong gia đình,xem đó là chuẩn mực của người phụ nữ, chuyên tâm “quản lý gia đình và chăm lo cho con cái” trong nhà để người chồng yên lòng đi đánh giặc trong chiến tranh Nhật-Trung (1894-95) và tư duy nầy đã ăn sâu trong xã hội tận đến ngày nay.
Từ sau 1945 khi Nhật bản thất trận trong thế chiến thứ hai, xã hội Nhật bản hấp thu văn minh và nếp sống Âu-Mỹ một cách nhanh chóng thì sinh hoạt của người phụ nữ cũng đã dần dà thay đổi, họ trở nên hoạt bát, độc lập và tự tin hơn .Hình ảnh Ukiyoe ngày xưa chỉ còn trong hội họa, phim ảnh, giá trị đạo đức “xuất giá tòng phu” cực đoan không còn ảnh hưởng lên họ, vì vậy số cặp ly hôn trong xã hội Nhật bản ngày càng tăng, nhất là khi người phụ nữ độc lập về kinh tế, điều kiện làm việc lao động của nữ giới được mở rộng và dễ dàng hơn trước.
Theo thống kê của Trung tâm điều tra xã hội học của Đại Học Ôchanomizu(Tokyo) thì tỷ lệ ly hôn năm 2000 đã lên đến 24% tức 5 cặp thì có 1 cặp ly hôn, tập trung ở lứa tuổi 40-55 tuổi trong đó tỷ lệ cao nhất lại là những cặp vợ chồng ở thành phố lớn như Tokyo, Osaka…Báo cáo gần đây của Giáo sư Ôno Hiroshi cho biết từ năm 1980 tỷ lệ li hôn là 18.3% đã tăng lên 33.1% trong năm 2003,điều đó cho thấy đời sống văn minh,hiện đại phát triển sẽ tạo điều kiện cho người phụ nữ Nhật bản có được một cách sống không còn bám víu vào người chồng như xưa. Tuy vậy, ngày nay chứng kiến người phụ nữ Nhật cung kính tiển chồng đi làm tận cửa, người ta vẫn thấy “thế nào”ấy…vì trước khi đi lấy chồng,các cô gái đã đi dự mấy khoá "học nghề làm dâu”(thêu thùa, nấu ăn, cắm hoa…gọi là Hanayome shugyo). Như trên đã nói, hình ảnh người phụ nữ “nâng khăn sửa túi”cho chồng qua việc chăm sóc áo quần tươm tất,lau giày sạch sẽ cho chồng trước khi ra khỏi cửa vẫn là những tập quán của một người vợ Nhật bản, họ xem đó là cách biểu hiện sự ấm cúng, hạnh phúc(chứ chẳng phải là sự đày đoạ miệt thị hay bất hạnh) của gia đình.Vì vậy khi gặp một người lạ, người Nhật thường chú ý đến đôi giày hay áo quần của bạn có ngay ngắn, tươm tất họ sẽ đánh giá gia đình bạn có êm ấm hay không(!) từ đó nhận xét”có nên bắt tay hợp tác hay từ chối” vì theo họ, một gia đình không êm ấm thì khó có thể ổn định để làm ăn lâu dài.
Hình ảnh người phụ nữ Nhật trong mắt người Việt nói chung là rất tốt, được ca ngợi đến độ chính họ cũng ngạc nhiên khi nghe câu nói ”ăn cơm tàu,ở nhà tây…”của chúng ta. Cũng không có gì là quá đáng khi chúng ta biết lúc còn son trẻ, "chị" Nakamura Nobuko đã theo chồng, ông Lương Định Của trở về Việt Nam khi nước ta đang trong thời kì khó khăn khốc liệt nhất vào những năm 50 của thế kỉ trước và đã sinh sống ở miền Bắc suốt mấy mươi năm,trong thời kì chống Mỹ ác liệt, bà trở thành cán bộ phát thanh tiếng Nhật của Đài tiếng nói Việt Nam . Hơn thế nữa, 1/3 du học sinh Việt Nam ở Nhật đi trước 1975 là lập gia đình với người Nhật, khoảng xấp xỉ hơn một trăm "cặp" nhưng cho đến nay điều lạ là chỉ có một vài trường hợp ly hôn. Điều đó cho phép người viết tạm kết luận là lập gia đình với phụ nữ Nhật cũng “bền vững” không kém. Một người bạn thân lấy vợ Nhật từ khi anh học đại học, nay đã là Giáo sư và có ba người con thành đạt, tôi hỏi “sao, anh lấy vợ Nhật thấy có gì trục trặc không?”. Anh ta không trả lời câu hỏi, chỉ tay vào bà (đã hơn 60 tuổi) rằng ”Goran no toori desu” (Như anh thấy đấy?!)”, còn bà thì ”Totemo kekko deshita”(thế là được quá rồi) với nụ cười kín đáo, khó hiểu của một Yamato Nadeshiko (Kiều nữ Nhật bản vẹn toàn)(5) như La Joconde của Leonard de Vinci.

                                                                                                                               12/2013
                                                                                                                   Hồng Lê Thọ (Tokyo)

Chú thích:
(1) 8 nhóm chủ yếu: Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Nam, An Huy…mỗi nơi lại chia thành nhiều trường phái theo phong thổ, đặc sản, âm dương, ngũ hành, phong thuỷ, dược dụng v..v..
(2)Buổi tiệc Tết Nguyên đán Canh Tý (1874) của Từ Hy Thái Hậu
kéo dài 7 ngày 7 đêm gồm 140 món trong đó có 7 món “độc khẩu”
như Trảm mã trà(Cỏ Phương Chi cho ngựa ăn rôì phơi khô), Sâm thử(chuột nuôi bằng sâm 3 đời),Tượng Tinh(Tinh khí của voi)Khổng noãn(trứng công)Trư vương(Heo qúi)Sơn Dương Trùng(con dòi dê núi)Não hầu(óc khỉ). Nghe nói ở Hương Khê(Hà tĩnh) nước ta ngày nay vẫn còn bán món Não Hầu nâỳ.
(3)Ukiyoe:nghệ thuật vẽ tranh khắc trên gỗ phổ biến thời Edo(1600-1868)mô tả “đời sống trôi nổi”trong xã hội Nhật bản.
(4) Ở Nhật phụ nữ vùng tỉnh Gunma được ví von là “Kakadenka”(Sư tử Hà Đông)vì nơi nầy nghề trồng dâu nuôi tằm,dệt lụa nổi tiếng mà Phụ nữ là người cai quản,làm chủ gia đình.
(5)Yamato Nadeshiko: một loài hoa màu hồng tía có cánh chung quanh màu trắng, tên khoa học Dianthus Superbus. Từ nầy được dung để chỉ Ngươì phụ nữ truyền thống Nhật bản(Yamato) đầy nữ tính,tận tuỵ với chồng,hiền thục, ,tế nhị,liễu yếu đào tơ…như đoá hoa Nadeshiko.

Không có nhận xét nào:

Trang