6 tháng 11, 2016

Việt-Mỹ và ông Đinh Thế Huynh

Nguyễn An Dân
Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN Đinh Thế Huynh họp báo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: internet
Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN Đinh Thế Huynh họp báo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: internet
Trong thời gian qua dư luận ồn ào bàn tán về việc thường trực Ban Bí Thư Đảng CSVN, ông Đinh Thế Huynh đi thăm và làm việc với chính quyền Mỹ.
Với cương vị quan trọng thứ 5 trong đảng sau tứ trụ, nhưng do được coi là người kế vị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nên tôi cho rằng ảnh hưởng của ông Huynh trong thể chế cũng không kém gì các chức danh thủ tướng, chủ tịch quốc hội.
Theo nhận xét của những người biết ông Huynh, thì ông là người thẳng tính, kín đáo, không thích thân hữu nhờ vả quan hệ quyền lực của ông, cũng như ít có dính dáng tai tiếng chính trị.
Thăm Mỹ để gần Mỹ?
Theo những nguồn tin từ bên trong chính giới Mỹ cho biết thì phía Việt Nam thông qua các kênh hành lang đánh tiếng để Mỹ mời ông Huynh sang. Nếu tin này là đúng, cho ta thấy Việt Nam đang cần Mỹ lúc này, hay nói cách khác, chuyến đi này do phía Việt Nam mong mỏi.
Nhìn dưới khía cạnh “thoát Trung” thì tôi coi đây là chuyến đi có ý nghĩa. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng bành trướng, việc ông Huynh chủ động đi Mỹ ngay sau khi đi TQ có ý nghĩa tích cực cho an ninh quốc gia, nhất là ngay khi còn ở thăm TQ, ông Huynh đã thẳng thắn kêu gọi “hãy làm như nói”.
Một vấn đề quan trọng khác là TPP cũng đã được ông Huynh đặt ra với ông John Kerry. Theo những nguồn tin quan sát chính trị Mỹ cho biết là rất nhiều khả năng tổng thống Obama sẽ trình ra Quốc Hội Mỹ phê chuẩn TPP vào giữa tháng 11 cho đến trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Đây cũng là cánh cửa mở rộng để không những giúp Việt Nam vượt qua tình trạng trì trệ kinh tế hiện nay, mà còn giúp Việt Nam thoát khỏi gọng kìm kinh tế của Trung Quốc.
Việt Nam đã sẵn sàng để thực hiện TPP, chỉ chờ Mỹ thông qua TPP mà thôi. Trong hoàn cảnh này, chắc cả Bộ Chính Tr cũng đang trông chờ tin vui ông Đinh Thế Huynh mang về. Mà đây cũng là tin vui cho những ai đang mong ngóng đổi mới chính trị và kinh tế ở Việt Nam.
Nếu ông Obama thực thi việc trình TPP thất bại do Quốc Hội Mỹ không phê chuẩn, Việt Nam cần chờ đợi ít nhất 1 năm nữa, cho đến khi tân tổng thống Mỹ ổn định nội trị và mở lại TPP, chỉnh sửa nó một chút theo quan điểm riêng của họ và tái khởi động phê chuẩn.
Về vấn đề cải cách chính trị của Việt Nam, tôi nghĩ rằng chuyến đi này của ông Huynh cũng sẽ có ảnh hưởng. Chúng ta cần nhớ là nói gì thì nói, đảng cũng biết mình phải đổi mới chính trị, tuy nhiên đổi mới như thế nào để không “vỡ đảng” và mất kiểm soát quyền lực là cái đảng phải tính.
Ông Huynh là người chịu trách nhiệm về công tác lý luận của đảng, ông sang Mỹ để tìm hiểu mô hình chính trị xã hội của nước Mỹ, để xem có thể vận dụng mô hình này như thế nào, để có thể chuyển biến thế nào mà không “vỡ đảng”, mà vẫn hội nhập quốc tế được. Việc ông Huynh ở lại Mỹ 8 ngày so với ở Trung Quốc 3 ngày trong chuyến thăm liền kề trước khi đi Mỹ cho thấy ông cần “hiểu Mỹ và quan sát Mỹ” hơn là cần “hiểu thêm về Trung Quốc”.
Lâu nay dư luận đồn đoán là nếu đảng đổi mới, đảng sẽ chọn mô hình dân chủ xã hội của Bắc Âu. Với tôi, điều này không hợp lý với hiện tình Việt Nam. Với một cơ thể còn gầy yếu, Việt Nam không thể mặc nổi chiếc áo giàu sụ nạm vàng của Bắc Âu mà cần một bước trung hạn ở giữa, Nước Mỹ được coi là tốt về thể chế nhưng vẫn có những tồn tại của nó, ví dụ như quan hệ giữa tư bản và công nhân lao động chưa bình đẳng, vấn đề sắc tộc…đây chính là con đường Việt Nam sắp tới sẽ đi qua, nên tôi cho rằng nếu có đổi mới chính trị, Việt Nam sẽ đi “con đường Mỹ” thì nó phù hợp hơn “con đường Bắc Âu”.
Con đường Bắc Âu là con đường tư bản đã xã hội hóa. Con đường của Mỹ đang đi là con đường của tư bản còn đang xã hội hóa. Việt Nam là nước mà chế độ xã hội chủ nghĩa đang được tư bản hóa. Hai nước đi “ngược chiều nhau” dễ gặp nhau ở giữa đường.
Về phía Mỹ, tôi cho rằng Mỹ tiếp đón ông Huynh ở mức long trọng vừa đủ và chấp nhận cho Việt Nam ngoại giao theo kênh đảng là để đảng CSVN dễ xích lại gần Mỹ hơn. Trong bối cảnh Việt Nam “xa Trung” khó hơn “gần Mỹ” thì việc Mỹ cứng rắn quá với đảng CSVN sẽ chỉ có  lợi cho Trung Quốc. Là bậc thầy về chính trị, tôi nghĩ Mỹ hiểu rằng chính sách “vừa đánh vừa đàm vừa xoa” của Obama với đảng CSVN đang phát huy hiệu quả của nó. Rõ ràng là đảng đang chuyển hóa rất nhanh từ nhất nguyên sang đa nguyên,
Việc Hội Nghị Trung Ương 4 lên tiếng cảnh báo về “tự chuyển hóa” chỉ cho thấy “tự chuyển hóa” đã là sự thật. Trong thực chất ngoài xã hội và trong đảng đang tự chuyển hóa rồi, dù đảng có muốn hay không.
Về quan hệ Việt-Mỹ sắp đến, cần dựa trên chính sách khai mở để tính toán chính sách kế thừa. Những bước ngoại giao của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Mỹ chính là chính sách khai mở, định hình luật chơi và sân chơi, và chuyến đi của ông Huynh hôm nay định hình cách chơi và các nước đi cụ thể của hai bên.
Mỹ là quốc gia vận hành theo luật lệ và các quy định chính thức, nên quan hệ Việt-Mỹ sau khi có tổng thổng mới vẫn sẽ dựa trên các nền tảng hai bên đã có, còn có tiến lên nữa hay không thì trái bóng đang ở trong chân đảng. Đảng muốn đá nhanh thì Mỹ sẽ đá nhanh, đảng muốn đá chậm thì Mỹ giảm nhịp độ theo.
Chúng ta cần biết là Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam. Việt Nam hợp tác yếu thì chính sách xoay trục của Mỹ chậm đi, nhưng Việt Nam sẽ mất nhiều hơn Mỹ mất trước sự lấn tới của Trung Quốc
Về vấn đề Biển Đông, trong khi ông Huynh ở Mỹ thì tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thăm Việt Nam và hội đàm với tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam- trung tướng Phan Văn Giang. Tôi cho rằng đây là động thái trấn an của Mỹ và răn đe Trung Quốc không được leo thang bành trướng. Mỹ muốn ông Huynh yên tâm để ông Huynh có thể “chuyển hóa” cái nhìn của ông về Mỹ, xóa tan sự hồ nghi thầm kín lâu nay của đảng “e ngại Mỹ bắt tay TQ chia đôi Biển Đông”
Về vấn đề nhân quyền, tôi cho rằng nó nằm ở vị trí ưu tiên thứ 3, xếp sau lợi ích chính trị của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và vấn đề TPP. Nên Mỹ sẽ mắt nhắm mắt mở khi đảng bắt bớ chính trị, miễn là đảng đừng quá mức bắt bớ cả những người phản biện và đối lập không kêu gọi giải thể hay lật đổ đảng. Thực ra, cải thiện nhân quyền là hệ quả tất nhiên, không phải nguyên nhân tất yếu, của chuyến biến kinh tế (tới nay) và chính trị (hiện đang diễn ra).
Ông Huynh và nội bộ đảng CSVN
Theo dư luận đánh giá thì ông Huynh được coi là người kế vị cho chức vụ Tổng Bí Thư sau khi ông Nguyễn Phú Trọng về hưu. Có nhiều dư luận cho là ông Huynh đi Mỹ kỳ này để tạo thế cho ông lên chức khi ông Trọng sẽ chuẩn bị nghỉ sau một năm nữa
Tôi thì cho là ông Huynh đi Mỹ vì các vấn đề đã nói ở trên, chứ theo quan sát của tôi thì ông Trọng sẽ còn giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ khóa 12 này của đảng. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông Trọng sẽ thoái vị. Hoặc nếu ông phải thoái vị vì một lý do nào đó ( thí dụ như sức khỏe) thì ông khó thể kịp thu xếp cho ai thay ông được, chưa kể nếu đảng chọn con đường tự chuyển hóa ôn hòa thì chưa biết những gì sẽ xảy ra
Cũng có nhiều người cho rằng việc ông Huynh đi Mỹ kỳ này là quyết định cá nhân của ông và ông Nguyễn Phú Trọng chứ không phải quyết định của Bộ Chính Trị. Điều này khó xẩy ra trong cơ chế CS, mà nếu điều này là đúng thì tôi cũng quan ngại cho vị trí “thái tử kế vị” của ông. Tiền lệ của đảng xưa nay đa phần người kế vị đều không được lên ngôi vào phút cuối. Chuyện 15 năm cuối dưới triều vua Khang Hy, các hoàng tử cạnh tranh hoàng vị cần coi là một kinh nghiệm để tham khảo.
Tuy nhiên, dù đảng có thế nào về đường lối nhân sự, tôi cũng mong rằng chính sách gần Mỹ sẽ cần tiếp tục thúc đẩy. Dĩ nhiên chúng ta không ngả hết về Mỹ vì như vậy là thiếu căn cơ, một sự quân bình 5-5 giữa Mỹ-Trung là lựa chọn tối ưu trong tư thế đánh đu giữa lợi ích của 2 cường quốc.

Và sau cùng, cái quan trọng nhất là chuyến đi của ông Huynh có thể mang lại lợi ích gì thiết thực cho đất nước và dân tộc, chứ không chỉ cho đảng. Đó mới là điều chúng ta cần đánh giá và mong đợi.

Không có nhận xét nào:

Trang