8 tháng 11, 2016

Cuộc chiến giữa đảng và chính phủ

Kính Hòa, phóng viên RFA

Tổng bí thư đảng công sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đảng lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016. Ảnh: AFP
Trong liên tục hai năm qua các viên chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại, vốn là vai trò của ngành ngoại giao hay người đứng đầu chính phủ.
Các viên chức này là những người thuần túy hoạt động đảng chứ không giữ chức vụ gì trong chính phủ.
Điều gì đang xảy ra đằng sau những hoạt động này?
Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong và ngoài nước về sự thay đổi này.
Thay đổi mô hình
Ông Đặng Xương Hùng, một cán bộ ngoại giao Việt Nam, từng là đảng viên cộng sản, nay bỏ đảng và tị nạn tại Thụy Sĩ nhận định về sự xuất hiện liên tục của các cán bộ đảng cộng sản cao cấp trong hoạt động đối ngoại:
“Đảng cộng sản Việt Nam họ muốn chứng tỏ cho mọi người rằng là các chính phủ trên thế giới, kể cả Mỹ, đều công nhận sự khác biệt về thể chế, tức là công nhận một chế độ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”
Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy tại khoa chính trị, Đại học Oregon ở Mỹ phân tích thêm về sự lãnh đạo của đảng cộng sản trong những hoạt động của nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây:
“Từ 2010, 2012 khi ông Trọng lên đã có cái xu hướng tăng cường sự quản lý của đảng trong những hoạt động của nhà nước. Từ lãnh vực ngoại giao đến kinh tế, đến nội chính… Theo tôi đọc các tài liệu của đảng thì sự tăng cường quan hệ đối ngoại của đảng này mục đích của nó là để các nước tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam là do đảng lãnh đạo. Trong quá trình chuyển qua kính tế thị trường, thì vai trò của đảng lu mờ rất nhiều so với chính phủ. So sánh ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ thấy là nước ngoài người ta đều biết Nguyễn Tấn Dũng mà không biết Nguyễn Phú Trọng là ai cả, hay Nông Đức Mạnh trước đó.”
Giáo sư Tường cũng nói thêm là hoạt động đối ngoại của đảng là cũng nhằm để giải quyết những bất đồng với các nước có thể chế tương tự với Việt Nam như Trung quốc. Theo quan sát của ông thì ông Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện đến 17 chuyến viếng thăm ra nước ngoài.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên, tranh đấu cho chính trị đa đảng tại Việt Nam, bình luận rằng mô hình phân biệt đảng và nhà nước ở Việt Nam đang bị thay đổi:
“Chính sách phân biệt đảng và nhà nước đã đưa tới tình trạng ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng và bất chấp Bộ chính trị. Cho nên khuynh hướng hiện nay đã được công khai hóa là nhất thể hóa chính trị, chính sách cầm quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ trở lại với mô hình mà đảng cộng sản đã bỏ đi hồi năm 1986, khi mở cửa là phân biệt đảng và nhà nước.”
Nhưng riêng trong lĩnh vực ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng cho rằng thực ra không có thay đổi gì. Khi được hỏi rằng liệu tới đây vai trò của các viên chức bộ ngoại giao có bị lép đi so với các viên chức đảng phụ trách đối ngoại hay không, ông Đặng Xương Hùng không cho là như thế:
“Theo quan sát của tôi thì tôi thấy những chuyến đi như của ông Trọng, ông Huynh, cũng là sự sắp xếp của ngoại giao Việt Nam với phía Mỹ, chứ không phải là của Ban đối ngoại, trong cái quan hệ, trong cái tình huống mà ngoại giao Việt Nam lợi dụng được việc người Mỹ chiều chuộng Việt Nam hơn trong bối cảnh người Mỹ thấy nguy cơ lấn át của Trung quốc ở châu Á Thái Bình Dương.
Sự quản lý đối ngoại của Việt Nam lâu nay vẫn như thế thôi, tức là mọi hoạt động đối ngoại đều thông qua ban bí thư và bộ chính trị hết. Các đề án quan trọng và các bước đi về đối ngoại cần thiết đều phải có các đề án được thông qua ở ban bí thư và bộ chính trị hết, chứ không hẳn ở một vai trò như ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao.”
Trở lại việc thay đổi mô hình tách biệt hoạt động nhà nước và đảng cộng sản, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng còn có một lý do nữa là sự lúng túng trong phương hướng điều hành, lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản:
“Họ thấy rằng chủ nghĩa Mác lê Nin bị chối bỏ, rồi cái định hướng xã hội chủ nghĩa không còn hợp thời nữa, họ lại cố thủ trên cái mô hình đó, nên họ thấy rằng phải trở lại mô hình cũ. Hiện nay họ phải làm những việc mà họ không muốn làm. Những ai mà đọc nghị quyết của hội nghị trung ương bốn, và bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư thì đều thấy rằng họ phải làm những việc không muốn làm, ví dụ như họ nói nguyên nhân gây ra những khó khăn của kinh tế hiện nay là đầu tư công quá nhiều. Nhưng mà cuối cái bản phúc trình đó họ lại nói rằng muốn kinh tế giữ mức tăng trưởng thì phải tăng thêm đầu tư công.”
Đảng, nhà nước, và tranh chấp nội bộ
Sự xuất hiện của các viên chức cao cấp của đảng trên trường ngoại giao quốc tế cũng được ông Đặng Xương Hùng cho là có một lý do thứ hai là thể hiện sức mạnh của các nhân vật ấy trong cuộc đấu tranh nội bộ của đảng:
“Cái đó nó thể hiện sự đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo Việt Nam trong việc quản lý chính quyền cũng như là cai trị đất nước. Vừa rồi các nhân vật như Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Phú Trọng, tham gia vào các hoạt động ngoại giao có tính chất nổi bật để thể hiện mình.”
Có những viên chức, sau khi thực hiện một chuyến đi quan trọng tại nước ngoài như ông Phạm Quang Nghị lại bị thất bại khi trở về Việt Nam.
Từ khi Việt Nam mở cửa về kinh tế vào năm 1986, nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước cho rằng vai trò của chính phủ Việt Nam ngày càng lên cao. Trước những diễn biến mới khi đảng cộng sản đang muốn tăng cường sự quả lý của họ lên mọi hoạt động của nhà nước, Giáo sư Vũ Tường nhận định:
“Đương nhiên đó là chuyện ông Trọng và các ban đảng của ông ấy muốn, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Tôi nghĩ là ông ta đã vung tay quá trán, ông ta không có quyền lực cá nhân để tạo ra thay đổi, dù có thể tạo ra hay đổi trong nhất thời. Nhưng không đủ lực cá nhân để tạo ra thay đổi.”
Ngay sau khi đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không còn giữ một cương vị nào nữa trong đảng cộng sản cũng như trong chính phủ. Ngay sau đó xảy ra một loạt vụ án kinh tế liên quan đến những người điều hành của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, nằm dưới quyền của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Đó là vụ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Bộ công thương bị cách chức.
Trong khi đó thì ông Đinh La Thăng, đương kim ủy viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất nước, cũng bị chỉ trích, dù không chính thức, là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chuyện tham nhũng ở tập đoàn dầu khí. Giáo sư Vũ Tường, dù cho biết là ông không có nhiều thông tin, nhưng cho rằng ông Thăng là một người thuộc nhóm của chính phủ ông Dũng, mà nhóm viên chức đảng muốn loại trừ.
Về quan hệ giữa đảng và chính phủ, gần đây trên tạp chí chuyên về lý luận của đảng cộng sản Việt Nam là Tạp chí cộng sản có đề cập một cách không chính thức chuyện nhất thể hóa bộ máy đảng và nhà nước. Theo Giáo sư Vũ Tường thì chuyện đó khó có thể xảy ra vì hiện không có một gương mặt nào đủ mạnh của nhóm cán bộ đảng có thể làm được điều đó. Giáo sư Tường nói thêm là chuyện như vậy có thể xảy ra do một nhân vật nào đó có nhiều quyền lực trong ngành công an hay quân đội, hay phải có nhiều tiềm lực kinh tế như ông Đinh La Thăng.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng vào ngày 3 tháng 10, Ông Đặng Xương Hùng cho biết nhận định của ông về cuộc tranh chấp giữa nhóm đảng và chính phủ:
“Rồi sau này cũng sẽ có những nhân vật trốn đi nữa. Nó cho thấy rằng sự áp đặt khống chế hoàn toàn của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn là có hiệu quả. Vụ Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Huy Hoàng cho ta thấy phản ứng của phe chính phủ không hẳn lép vế hoàn toàn, phe của ông Trọng không hẳn là áp đảo.”
Ngày 5 tháng 10, báo chí Việt Nam loan tin rằng ông Vũ Đình Duy, một cán bộ quản lý cao cấp của tập đoàn dầu khí Việt Nam là người chịu trách nhiệm trong vụ bê bối tài chính ở một nhà máy do tập đoàn này quản lý. Bài báo trên báo thanh niên viết rằng cơ quan chủ quản của ông Duy là Bộ công thương cho biết ông không có mặt ở Việt Nam, nhưng không biết ông đi đâu.

Không có nhận xét nào:

Trang