17 tháng 11, 2016

Cuộc đấu Nguyễn Phú Trọng - Đinh La Thăng: 'Chiêu trò mới của Bắc Kinh'?

Đinh La Thăng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, không phải chỉ mới gần đây mà ngay từ khi ông ta ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Giao thông Vận tải tháng 8/2011. Báo chí chính thống mấy năm qua cứ liên tục tung hê ông ta lên đến tận mây xanh, hết “hiện tượng Đinh La Thăng”, “hiệu ứng Đinh La Thăng”, lại đến “phong cách Đinh La Thăng”, v.v. và v.v.
Cách nay vài tháng, sau khi ngài Bí thư Thành uỷ TP HCM lên tiếng tán thành việc cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerry được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Quốc tế Fulbright và ủng hộ việc công đoàn tổ chức đình công, một số cơ quan truyền thông độc lập và báo chí “lề dân” lại coi ông ta như là người “kế tục” đường lối “cải cách”, “bài Tàu”, “thân Mỹ” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Trước đó, trong buổi làm việc với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tổng thầu EPC của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, vào chiều ngày 4/1/2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã lớn tiếng: “Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được.”)
Tuy nhiên, bất chấp những gì nêu trên, bất kỳ ai tinh ý đều không khó nhận ra rằng, Đinh La Thăng không chỉ là đệ tử thân tín của ngài cựu Thủ tướng cũng gây nhiều tranh cãi kia, mà còn xứng đáng là “truyền nhân” của ông ta. Duy chỉ có điều, họ Đinh không phải là người “kế tục” sự nghiệp ích nước, lợi dân nào của nhân vật từng được coi là quyền uy nhất Việt Nam một thời đó, mà chỉ là trò bịp bợm “nói một đằng, làm một nẻo” của ông ta.
Ngày 20/9/2016, báo chí đưa tin Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng mời bà Mary Etta Tarnowka, tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, đi thăm các cơ sở tôn giáo ở TP HCM, “để chứng kiến người dân được thực hiện quyền bình đẳng, tự do về tôn giáo.” Mỉa mai thay, chỉ hơn 10 ngày trước đó, chính quyền TP HCM lại huy động một lực lượng hùng hậu để cưỡng chế và san phẳng chùa Liên Trì, một cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và sự quan ngại đặc biệt của giới chức ngoại giao quốc tế.
Cuối tháng 7/2016, công chúng Việt Nam lại phản ứng gay gắt trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vay vốn Trung Quốc để xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn. Và không phải ai khác mà chính Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh về Bộ Giao thông Vận tải để đưa vào danh mục dự án vay vốn ODA Trung Quốc.
Chưa hết, trong bài “Những Vinashin của Đinh La Thăng” ngày 17/10 vừa qua, nhà báo Huy Đức còn cho biết: “Khi các thông tin về công trình nhà máy sợi Đình Vũ, PVN đầu tư gần chục nghìn tỷ giờ đang phải trùm mền được công bố, biết việc Đinh La Thăng để cho nhà thầu tráo ‘dây chuyền thiết bị kéo sợi’ xuất xứ Đức, theo thiết kế, thành dây chuyền Trung Quốc, hy vọng các bạn sẽ nhận biết Thăng là người ‘thân gì’.”
Trong bài “Trung Nam Hải đang toan tính gì với con bài Nguyễn Tấn Dũng?” trên VOA ngày 1/2/2015, chúng tôi đã vạch trần việc ngài cựu Thủ tướng dù là người Việt Nam lập nhiều chiến tích cho Trung Quốc nhất kể từ khi chế độ cộng sản lên nắm quyền năm 1945 nhưng bề ngoài vẫn lớn tiếng “lên án” Bắc Kinh. Và để giúp cho con bài lợi hại nhất của mình giành được sự ủng hộ của dư luận trong cuộc chạy đua vào ngôi vị Tổng Bí thư khoá XII, các ông chủ Trung Nam Hải đã chỉ đạo truyền thông nhà nước ra sức “lên án” Thủ tướng Việt Nam, hết lần này đến lượt khác, thậm chí còn nêu đích danh ông ta là “kẻ thù” của Trung Quốc.
Chiêu trò mới của Bắc Kinh?
Bằng thủ đoạn sử dụng đội ngũ dư luận viên cao cấp tung tin hoả mù, lèo lái dư luận, đến nay bộ máy tuyên truyền CSVN vẫn khiến phần lớn công chúng tin rằng chiếc ghế Tổng Bí thư khoá XII là cuộc cạnh tranh giữa TBT khoá XI Nguyễn Phú Trọng và (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trên thực tế, kết cục Đại hội XII là nỗ lực của phần lớn thành viên Bộ Chính trị để ngăn chặn điều mà TS Cù Huy Hà Vũ gọi là “thảm hoạ bắc thuộc mới mang tên Nguyễn Tấn Dũng” trong một bài viết trên VOA vào ngày 15/1/2016. (Xin lưu ý, bài này ra đời sau thời điểm Hội nghị Trung ương 14 khoá XI bế mạc, tức là khi mà số phận chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng coi như đã an bài. Nó có thể được xem như là lời cảnh cáo trước bất kỳ mưu toan hòng đảo ngược tình thế nào của ông ta.) Và do ứng cử viên triển vọng nhất trước Đại hội XII là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang vẫn chưa đủ uy tín để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng nên “giải pháp quá độ” mang tên Nguyễn Phú Trọng đã được lựa chọn.
Là một nhân vật không thèm che dấu khuynh hướng thần phục Trung Quốc (dù chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng đến mức độ như ông Nguyễn Tấn Dũng) nên bất kỳ ai mà người ta cho là “đối đầu” với ông Nguyễn Phú Trọng cũng đều được coi là “chống Tàu”, theo đường lối “cải cách”, “thân Mỹ”. Đó là trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị Trung ương 6 khoá XI tháng 10/2012 và trong Đại hội XII tháng 1/2016, hay Bí thư TP HCM Đinh La Thăng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” hiện nay, khi những đệ tử thân tín nhất của ông ta là Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận kẻ thì đào tẩu, người thì bị bắt. (Không hiểu sao người ta lại dễ dàng quên mất một thực tế là ông Nguyễn Tấn Dũng đã xoay chuyển tình thế sau cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngay trước thềm hội nghị mà ông Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc vào chiều ngày 15/10/2012.)
Thời gian gần đây, Đinh La Thăng nổi lên như một trong vài ứng cử viên tiềm năng để thay thế TBT Nguyễn Phú Trọng. Tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định ai sẽ trở thành Tổng Bí thư sắp tới, nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy Đinh La Thăng ít nhất là đang nhắm đến một vị trí trong “tứ trụ triều đình” hoặc thậm chí là ngôi vị lãnh đạo tối cao.
Mức độ tham nhũng, ăn tàn phá hại của Đinh La Thăng và đám đàn em đã có thể nói là khủng khiếp, song vẫn chưa thấm vào đâu nếu so với Nguyễn Tấn Dũng cùng bộ sậu. Ấy vậy nhưng, chỉ cần Nguyễn Tấn Dũng “chém gió” vài câu về luật biểu tình, về dân chủ, pháp quyền, về chủ quyền biển đảo… là ông ta lại được tung hê lên đến tận mây xanh, lại được công chúng bỏ qua hết những gì mà trên thực tế là tội ác với cả dân tộc. Trong đám đệ tử của ngài cựu Thủ tướng, xem ra không ai thuộc “bài” này hơn ngài cựu Bộ trưởng GTVT. (Sau lời “cảnh báo” nhà thầu Trung Quốc khiến công chúng “mát lòng mát dạ” kia, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông diễn ra thế nào thì mọi người đều đã biết. Trong khi đó, y như với Nguyễn Tấn Dũng, Hoàn Cầu Thời Báo lại nhanh chóng “ghi điểm” dư luận cho Đinh La Thăng bằng cách lớn tiếng lên án ông ta. Lối ứng xử này rõ ràng là trái ngược với kết cục mà những Nguyễn Khắc Nghiên [2010], Nguyễn Bá Thanh [2015] hay Lê Xuân Duy [2016] phải âm thầm nhận lãnh, và chắc chắn không xứng với ‘thương hiệu’ “thâm như Tàu” của tập đoàn Trung Nam Hải.)
Việc Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, cánh tay mặt của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam, hiện diện trong phái đoàn thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10 đến 15/9/2016 đủ cho thấy bàn tay lông lá của Bắc Kinh đằng sau vở tuồng mang tên “chống tham nhũng” do người đứng đầu Đảng CSVN khởi xướng.
Sau khi con bài Nguyễn Tấn Dũng bị rớt đài, những nhân vật thủ cựu như Nguyễn Phú Trọng hay Đinh Thế Huynh vốn khó che dấu bản chất tay sai nên dễ bị dư luận soi xét và phản đối, Bắc Kinh đang rất cần một Nguyễn Tấn Dũng mới, kẻ bên ngoài luôn bô bô “không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viễn vông” nhưng bên trong lại sẵn sàng “dâng” cho Trung Quốc hết Bauxite Tây Nguyên lại đến Formosa Vũng Áng, hết những cánh rừng đầu nguồn biên giới lại đến 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, hết thị trường nội địa lại đến những tuyến cao tốc mở toang cửa ngõ biên giới với kẻ thù truyền kiếp, v.v. và v.v. Con bài đó xem ra không ai khả dĩ hơn đương kim Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng.
Lê Anh Hùng /(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Trang