19 tháng 11, 2016

Trương Tửu trong những năm 1955- 1958

Tác giả: Nhà thơ Lê Hoài Nguyên
KD: Đọc được trên FB anh Thái Kế Toại (nhà thơ Lê Hoài Nguyên) bài viết này về Gs Trương Tửu- Nhà giáo, Nhà Văn, Nhà nghiên cứu văn học. VN – một số phận cũng chìm nổi vì dính líu tới vụ Nhân văn Giai phẩm. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
—————–
 
Cuối 1954, hòa bình được lập lại sau chín năm chiến tranh. Trương Tửu cùng các đồng nghiệp trở về Hà Nội tiếp quản Đại học Hà Nội. Trước thời điểm này, năm 1953 ông đã được bổ nhiệm làm Giáo sư ở Trường dự bị đại học tại Thanh Hóa. Năm 1956 Ông được phong hàm Giáo sư cấp II giảng dạy về Lý luận văn học và Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại ở Đại học Văn Khoa và sau là Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bối cảnh lịch sử Việt Nam 1954-1955 hết sức phức tạp. Hai chế độ cùng tồn tại trên hai miền lãnh thổ nhưng còn đan xen vào nhau. Về hình thức thì hòa hoãn, hợp tác việc thi hành Hiệp định Giơ ne vơ, chuyển giao quản lý lãnh thổ, tập kết người từ Nam ra Bắc, di cư người từ Bắc vào Nam theo điều khoản tự nguyện cư trú của hiệp định dưới sự giám sát của Ủy ban quốc tế.
Tại miền Bắc, chế độ xã hội mới được thiết lập nhưng tại Hà nội và các đô thị buổi đầu cuộc sống vẫn giữ hình thái sinh hoạt theo Hiến pháp nước VNDCCH 1946, tự do tư tưởng ít nhiều được bảo đảm đối với trí thức và các hoạt động truyền thông xuất bản, văn nghệ… Tuy nhiên sự áp dụng mô hình quản lý của chế độ mới như đăng ký hộ khẩu, cải tạo tư sản, mậu dịch và sự thiếu thốn lương thực, hàng hóa, thực phẩm đã gây ra tâm lý căng thẳng trong dân chúng, cả cán bộ, bộ đội..
Trong cán bộ, bộ đội mà sau này một bộ phận đáng kể bị tác động bởi luồng gió cải cách dân chủ từ Liên Xô, Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi bế tắc tư tưởng do áp lực của chủ nghĩa Mao đang tăng dần lên từ giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Hết chỉnh huấn thì cuộc Cải cách ruộng đất đợt 5 lại được triển khai làm cho tâm lý người dân và xã hội càng căng thẳng. Trong những chuyển biến xã hội đáng chú ý nhất là bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ nhạy cảm đang hy vọng có sự đổi mới cho việc xây dựng một hình thái xã hội ( dân chủ cộng hòa trong thời bình ) cởi mở thoải mái hơn về tư tưởng, về sáng tạo văn nghệ…
Cái cửa mở sáng này không phải tự số trí thức văn nghệ sĩ nghĩ ra. Nó là ý muốn lành mạnh của của Đảng, của nhân dân muốn khắc phục các di hại do những sai lầm ấu trĩ về lãnh đạo của giai đoạn trước gây ra, đưa miền Bắc vào một thời kỳ xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, dân chủ cho nhân dân. Đó là nội dung các Báo cáo của Bộ chính trị và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9, thứ 10 họp trong tháng 4 và tháng 8 năm 1956 có nhiều ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Liên xô lần thứ XX với các chủ đề chống chủ nghĩa sùng bái cá nhân, mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ và tăng cường chế độ pháp trị dân chủ…( 1)
Nhưng niềm hy vọng đã nhanh chóng trở thành thất vọng do sự bảo thủ, trì trệ của bộ máy và trở thành phản ứng dây chuyền hình thành trào lưu tư tưởng dân chủ rộng khắp mà điểm tập trung là Nhân Văn- Giai Phẩm.
Vốn là một trí thức có cá tính mạnh luôn luôn chú ý đến các vấn đề phương pháp luận tư tưởng và phương pháp luận phê bình nghiên cứu văn học lại đang hoạt động trong tâm điểm của bộ phận nhạy cảm đó, dĩ nhiên Trương Tửu nổi lên như là một điểm sáng. Do thực sự là một tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa Mác xit Trương Tửu nôn nóng muốn khắc phục các khuyết điểm trong phương pháp thực hiện nó, những lệch lạc trong kháng chiến, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhằm mang lại một không gian rộng rãi hơn cho cuộc sống của trí thức, văn nghệ sĩ cũng như toàn bộ người dân…
Chúng ta hãy xem ông đã thể hiện tư tưởng và hành động như thế nào.
Ông đã cho xuất bản các cuốn sách và bài viết như sau :
Chỉnh huấn là gì?. Nxb Minh Đức 1955.
Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ. Nxb Minh Đức 1955.
Thế nào là văn hóa nô dịch. Nxb Minh Đức 1955.
Thế nào là văn hóa tiến bộ. Nxb Minh Đức 1955.
Cả 4 cuốn này là loại sách tìm hiểu chính trị phổ thông cho nhân dân tự học.
Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du. Nxb Xây dựng Hà Nội 1956.
Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng trong sách Vũ Trọng Phụng với chúng ta. Nxb Minh Đức 1956.
Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ. Giai phẩm mùa thu tập II tháng 9-1956.
Văn nghệ và chính trị. Giai phẩm mùa thu tập III tháng 11-1956, Giai phẩm mùa Đông tập I tháng 12-1956.
Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Nxb Xây dựng Hà Nội 1958.
Về mặt giảng dạy tại hai trường đại học Tổng hợp và Sư phạm
ông tiếp tục giảng dạy hai giáo trình cơ bản là Văn học Việt Nam từ 1858 đến 1955 và Khoa học phê bình văn học.
Trong sổ tay ghi chép còn lại thấy ông đang triển khai đề cương các bài viết về Văn nghệ và hiện thực(1957), Văn học phản ánh hiện thực (1957), Những đặc điểm của văn học giai đoạn 1930-1945(1957), Năm 1919 mở đầu thời hiện đại lịch sử văn học Việt Nam (1957), Nguyễn Trãi và vấn đề Gia huấn ca (1957)…
Vào tháng 5-1956 Ông cùng đoàn giáo sư Đại học Sư phạm, Văn khoa tham quan các trường đại học lớn của Trung Quốc như Đại học Tổng hợp, Đại học sư phạm Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu nhằm nghiên cứu cách tổ chức và giảng dạy đại học. Ngày 23-5-1956 ông phát biểu trên Đài phát thanh Bắc Kinh nhận xét về công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Trung Quốc. Lúc đó văn nghệ sĩ và trí thức trung Quốc còn đang được hít thở bầu không khí Trăm hoa đua nở – Trăm nhà đua tiếng và chính sách đổi mới đối với trí thức qua bài phát biểu của Chu Ân Lai nên ông phát biểu trên Đài phát thanh Bắc Kinh : Các nhà lãnh đạo văn hóa ở Trung quốc đã nắm được quy luật phát triển của khoa học : Đó là sự tự do tìm tòi. Tự do tư tưởng, tự do tranh luận trên cơ sở kết hợp lý thuyết với thực tế cách mạng. Về văn nghệ, Đảng cộng sản đã nêu cao khẩu hiệu : Trăm hoa đua nở ( bách hoa tề phong). Về khoa học Đảng lại đề ra khẩu hiệu : Bách gia tranh minh (trăm nhà đua tiếng ). Mọi tài năng ý kiến ấy nhằm mục đích : phục vụ nhân dân kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Mọi tài năng đều được phát biểu. Trên con đường đi tìm chân lý để phục vụ nhân dân, không có một uy quyền độc tôn nào có thể đàn áp sự tự do tư tưởng của nhà nước.(2)
Trương Tửu còn để lại bản thảo Bản kiểm điểm do tổ chức yêu cầu viết về việc tham gia phong trào (3) Nhân Văn- Giai Phẩm trước khi nghỉ dạy học. Bản này không được công bố trên báo chí.
Qua các hoạt động trí thức, bài viết, tác phẩm…khuynh hướng tư tưởng cơ bản của Trương Tửu là :
– Về mặt tư tưởng khoa học trên cơ sở áp dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin về văn hóa văn nghệ và đường lối văn nghệ của Đảng LĐVN tiếp tục hoàn thiện nội dung và phương pháp luận các vấn đề quan trọng của Lý luận văn học và nghiên cứu văn học sử Việt Nam, văn học Việt Nam hiện đại, Truyện Kiều và Nguyễn Du. Có lẽ cho đến lúc đó ở nước ta chưa có ai làm được như ông tức là đã gần như phác họa được toàn bộ nền móng của những vấn đề cơ bản đó. Cho đến thời điểm đó phải thấy rằng trong nền giáo dục đại học miền Bắc mới có ông là người sớm nhất đặt nền móng cho việc nghiên cứu phương pháp phê bình văn học và nghiên cứu văn học sử Việt Nam.
– Về mặt tư tưởng chính trị Trương Tửu đã nhậy bén nhận ra xu hướng biến đổi của thời đại tức là xu hướng cải cách dân chủ lần thứ nhất của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cũng là vấn đề hết sức cần thiết đối với miền Bắc và Đảng Lao động Việt Nam. Với thái độ của một trí thức cương trực, trung thực ông đã sớm nhập cuộc vào khuynh hướng đó. Chúng ta thấy có hai mặt trong hành xử của ông. Một mặt ông tích cực tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác Lê nin, cố gắng diễn giải các nguyên lý của nó để cho nhân dân hiểu biết vận dụng nó trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, trong đời sống văn hóa văn nghệ để đi đến một mục tiêu như là lý tưởng mà nhiều trí thức ảnh hưởng thuần túy văn hóa Tây phương như ông thường mong muốn.
Chẳng hạn ông ca ngợi sự tốt đẹp của cái gọi là biện pháp chỉnh huấn :
1- Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục khoa học nhằm mục đích cải tạo tư tưởng cho con người…
2- Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục dựa trên một tinh thần nhân văn chân chính…
3- Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục đề cao đạo đức…
4- Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục đem lại sự tự do cho con người…(4)
Trong cuốn Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ Trương Tửu hết lời mạt sát tất cả những thành tựu khoa học văn hóa nghệ thuật của Mỹ và các nước phương Tây là phản văn minh, phản nhân đạo, chỉ nhằm mục đích nô dịch con người và phục vụ âm mưu gây chiến tranh tiêu diệt loài người. Ông khẳng định với niềm tin không kém phần mãnh liệt :
Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ tất yếu sẽ bị xua đuổi ra khỏi đất nước chúng ta, cũng như dân tộc ta tất yếu sẽ hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ. Đó là quy luật lịch sử. Nhưng nó cũng là vấn đề đấu tranh sáng suốt bền bỉ và cương quyết.(5)
Đây cũng là sự cả tin vào sự tuyên truyền của Liên xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Mặt khác, về khoa học ông tự điều chỉnh những luận điểm cực đoan của giai đoạn trước và nhiệt thành chỉ ra các sai lầm trong vận dụng thực tiễn và tác hại của các sai lầm ấy, đặc biệt là trong văn hóa văn nghệ.
Trong thời gian trước cách mạng Trương Tửu đã viết Triết lý Truyện Kiều (1931), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1944). Năm 1956 Trương Tửu cho in Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du nhằm bàn lại về vấn đề Truyện Kiều.Ông viết :
Trong hai tập tiểu luận văn học này ( Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều – TKT ), tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì hồi ấy trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc, tôi đã áp dụng phương pháp phê bình văn học mác xít một cách phiến diện, gò ép, máy móc, nên đã có những nhận định sai lầm căn bản khi tìm hiểu và phê phán tác phẩm của Nguyễn Du.
…Trong giáo trình văn học sử Việt Nam giảng ở dự bị đại học và Đại học Sư phạm ( những năm 1952-1955) tôi đã có dịp chỉnh lý lại những điều ấy.
Ông cũng thành thực nói rằng cái hướng tìm hiểu Truyện Kiều đúng nhất, căn bản nhất mà ông nhận thức được là từ một câu nhận xét của ông Trường Chinh : Điều đáng chú ý khi nghiên cứu Truyện Kiều là : từ bao đời nay nông dân Việt Nam vẫn rất thích Truyện Kiều. Vậy Truyện Kiều có cái gì mà khiến được nông dân thích như thế ?
Tháng 10-1956 Trương Tửu viết lời Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ đê do Nhà xuất bản Minh Đức Thời Đại tái bản. Ông đã đánh giá đúng thái độ chính trị yêu nước và giá trị những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đối với thời đại trong khi nhà văn còn đang bị bài xích.
Tháng 10-1957 Trương Tửu hoàn thành bản thảo công trình Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, xuất bản tháng 12-1957. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với Trương Tửu vì nó vừa mở ra thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thiện thế giới quan và tư duy khoa học của một tài năng hứa hẹn có thể sáng tạo những công trình có tầm vóc lớn hơn lại vừa ngay lập tức khép lại phần đời hoạt động văn hóa của ông. Trong lời giới thiệu TRƯƠNG TỬU – Tuyển tập nghiên cứu phê bình, NXB Lao Động 2002, TS Trịnh Bá Đĩnh và PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đánh giá :
Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958) lại là một nỗ lực quan trọng của Trương Tửu trong việc tự ý thức về tiến trình lịch sử văn học dân tộc.Tính cho đến tận hôm nay, đây vẫn là công trình chuyên sâu duy nhất bàn về quan niệm và phương pháp văn học sử, những thành phần cấu tạo và việc phân kỳ các giai đoạn văn học sử Vệt Nam…(6)
Như vậy phải chăng quá trình tham gia vào công tác văn hóa văn nghệ 9 năm kháng chiến và đặc biệt là thắng lợi vang dội của nó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của Trương Tửu về các vấn đề phương pháp luận mác xít cho việc xây dựng một nền móng của khoa học nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà và khoa phê bình văn học với tư cách là một khoa học.
Về thái độ đối với các vần đề cấp bách của thực tiễn văn nghệ Trương Tửu đặc biệt quan tâm đến sự vận dụng học thuyết Mác Lê nin vào công tác lãnh đạo văn nghệ của Đảng Lao động Việt Nam, các khuyết điểm của nó do chủ nghĩa cực đoan gây ra và ông suy nghĩ về các biện pháp làm cho nó mang tính dân chủ hơn.
Chúng ta phải trở lại và nhìn kỹ lại bối cảnh xã hội miền Bắc cũng như thế giới những năm đầu hòa bình mới lập lại để hiểu đúng động cơ, thái độ, chỗ đứng của Trương Tửu trước những vấn đề phức tạp đó.
Trước hết hãy đọc lại thái độ của tập thể lãnh đạo Đảng nói chung và thái độ của những người lãnh đạo văn nghệ đối với việc cải cách dân chủ lúc đó.
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 19 đến 24-4-1956 về việc quán triệt nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đề cao vai trò của Đảng đã đề cập rất nghiêm túc việc chống sùng bái cá nhân trong đảng đã nói rõ sự tôn kính lãnh tụ đã đi vào sự lệch lạc của sùng bái cá nhân, trong đó có trách nhiệm của Bộ Chính trị và cá nhân Hồ Chủ tịch, thừa nhận sự lãnh đạo của Trung ương có nhiều sai lầm nghiêm trọng về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị lần thứ 10 họp từ ngày 25-8 đến 5-10-1956 về mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ và tăng cường chế độ pháp trị dân chủ
Cũng tại Hội nghị Trung ương 10, Báo cáo công tác tư tưởng đánh giá khuyết điểm về công tác tư tưởng như sau :
Song song với sự phát triển nhanh chóng của tình hình và yêu cầu của cuộc đấu tranh phức tạp về mọi mặt thì công tác tư tưởng của Đảng ta lại quá lạc hậu. Tình hình những nhận thức tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân ta nói ở trên chứng tỏ công tác tư tưởng của ta còn rất non kém, bộc lộ nhiều khuyết điểm nghiêm trọng.(7)
Tất nhiên trong đó có phần khuyết điểm về lãnh đạo văn hóa, văn nghệ.
Trong cuộc họp 18 ngày nghiên cứu lý luận trong tháng 8-1956 đông đảo văn nghệ sĩ đã phát biểu thẳng thắn phê bình những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo văn nghệ của Đảng như đường lối hẹp hòi gò bó, chưa có một chính sách cụ thể về văn nghệ, bộ phận lãnh đạo văn nghệ không hợp lý, không trong sạch, có tính bè phái, dộc đoán…
Trong lời tổng kết Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi đã thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng đã được hội nghị nêu ra và hứa hẹn sửa chữa. Riêng Nguyễn Đình Thi có nêu rõ tác hại của bệnh sùng bái cá nhân trong đời sống văn nghệ của ta.(8)
Ngay sau Hội nghị 18 ngày Hoài Thanh đã cho in bài Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài Nhất định thắng của anhTrần Dần trên báo Văn nghệ số 139 (20-9-1956) thừa nhận đã lầm lẫn bạn thù trong việc phê bình và những sai lầm… trong cuộc phê bình bài Nhất định thắng… là một bài học lớn đối với cuộc đời ông.
Ngay sau đó ngày 2-10-1956 tập thể Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam ra Thông báo nhận rõ một số sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác trong đó có việc tổ chức phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần và tổ chức xét giải thưởng văn học 1954-1955.(9)
Còn cá nhân Trương Tửu ông đã nhìn nhận các vấn đề ở trên như thế nào ?
Về tình trạng sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ ông viết :
Bệnh sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ…Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ, vì rằng hôm qua cũng như hôm nay , người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa, có cái này thì không có cái kia được.
Trương Tửu nêu lên tấm gương không chịu sùng bái cá nhân của Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc đối với Trường Chinh. Ông quy trách nhiệm cho số lãnh đạo văn nghệ:
Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn yểm tất cả tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách,phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn cá nhân, óc địa vị,v,v… còn gì nữa?
Theo ông chính lãnh đạo đã tạo ra một tình trạng u ám trong văn nghệ:
Một số văn nghệ sĩ non gan…biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư trĩu nặng hờn oán và uất ức. Một số khác nữa cất kín cá tính và nghệ thuật xuống đáy ba lô, yên lặng làm bổn phận một người công dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu- đánh giặc đã!Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị trù, bị hành hạ, bị gạt sang một bên…
Trương Tửu đề nghị:
Đã đến lúc phải sa thải những nhà lãnh đạo thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ.
Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói.
Trương Tửu yêu cầu phải tạo ra môi trường dân chủ dân chủ cho văn nghệ sĩ:
Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì bảo vệ tính độc đáo ấy không để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phậm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật- để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành.Tự do ở đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói,nghĩ diều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, không yêu những cái mà mình ghét, không ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo.
Trong hai tiểu luận Văn nghệ và chính trị, Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Trương Tửu phân tích những nguyên lý về quan hệ giữa văn nghệ với chính trị của chủ nghĩa Mác Lê nin, muốn rằng những người cộng sản phải hiểu và vận dụng cho đúng các nguyên lý ấy trong lãnh đạo văn nghệ. Ông cũng khẳng định rằng :
Ở thời đại lịch sử này, văn nghệ sĩ muốn phục vụ sự tiến bộ của xã hội một cách có hiệu quả tối đa thể tất phải tiến đến triết học và chính trị đúng đắn của giai cấp công nhân.(10)
Những văn nghệ sĩ của Đảng tất nhiên phải tuân theo kỷ luật nội bộ của Đảng, phải chịu sự lãnh đaọ của tổ chức Đảng, phải thực hành những nhiệm vụ và công tác Đảng giao phó cho.(11)
Nhưng mặt khác ông đòi hỏi phải thực hiện triệt để chủ trương của Lê nin tuyệt đối bảo đảm tự do thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở hướng cá nhân, bảo đảm tự do thật rộng rãi cho tư tưởng và sức tưởng tượng phóng khoáng, cho nội dung và hình thức.(12)
Ông cũng khẳng định ý kiến của Lê nin sự tự do tư tưởng đó vô cùng quan trọng do nó ảnh hưởng đến sự bền vững của cách mạng bởi nó mang đến cho giai cấp công nhân sự thực khách quan;
Giai cấp vô sản xa rời sự thực ngày nào là bước vào con đường thất bại ngày ấy. Cho nên nó đặc biệt tôn trọng sự thực, tôn trọng chân lý khách quan, tôn trọng những người phát hiện sự thực, tôn trọng những người tìm tòi chân lý-tôn trọng những nhà khoa học và nghệ thật.(13)
Đặc điểm của cách phát ngôn của Trương Tửu là ông luôn giữ tính nhiệt thành và cực đoan cho nên luôn để cho những người chống ông vu ông là trốt kít.
Về giai đoạn trước 1945, mới đây GS.TSKH Phương Lựu trong bài Góp bàn về tư tưởng học thuật của Trương Tửu đã cho rằng tư tưởng văn học của Trương Tửu trước cách mạng về cơ bản không theo chủ nghĩa Trốt sky, cũng không theo chủ nghĩa Lê nin mà là macxit phân tâm, một dạng của chủ nghĩa Mác phương Tây.(14)
Còn giai đoạn sau hòa bình cho tới 1958 tư tưởng văn học của Trương Tửu về cơ bản vẫn không theo chủ nghĩa Trốt sky, vẫn là chủ nghĩa Mác phương Tây nhưng ông đã chú ý tiếp thu Tổ chức Đảng và văn học Đảng của Lê nin để xem xét công tác lãnh đạo văn nghệ của những người cộng sản Việt Nam. Có điều là ông đã rất nhấn mạnh đến khía cạnh dân chủ cởi mở của Lê nin đối với hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ và việc quản lý một cách uyển chuyển các thành phần, các nhóm văn nghệ sĩ khác nhau về chính kiến đi với cách mạng vô sản.
Như vậy trong thời gian này mặc dù tình hình phức tạp, căng thẳng ông vẫn làm việc rất nỗ lực với nhiều dự định lớn cho một thời kỳ mới, hy vọng cho nhiều sáng tạo mới. Tác phẩm của Trương Tửu ngoài ý nghĩa khoa học còn có ý nghĩa tác động trực tiếp đến đời sống chính trị xã hội, ở thái độ trung thực, ở hành xử dũng cảm của một trí thức có nhân cách, ở tính dự báo sâu sắc về thời cuộc…
Đánh giá một cách khách quan, nhiệt tình và niềm tin của Trương Tửu có phần ảo tưởng nhưng đó là hệ quả của cá tính trung thực cực đoan của ông. Trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm không phải chỉ có một mình Trương Tửu mắc phải khuyết điểm này. Nhiều trí thức thuần túy tây học chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Pháp cũng đã hành động như ông.
Và kết cục tàn nhẫn đã đến. Ông đã bị những người kiên định với lập trường tả khuynh phê phán rất dữ dội. Thống kê chưa đầy đủ có những người viết bài như sau :
Trường Chinh : Báo cáo đọc tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp từ ngày 10 đến ngày 21-3-1958. Cuốn Về Văn hóa Văn nghệ NXB Văn hóa 1976 trích lại với tựa đề Lên án bọn Nhân văn – Giai phẩm.
Tố Hữu : Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn – Giai phẩm tại Hội nghị Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 4-6-1958. Các ấn phẩm khi in lại đặt là Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại nhân văn – Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ.
Hồng Chương : Phải tước vũ khí của tên phản động ấy. Tạp chí Học tập 3-1958
Trần Thanh Mại : Quan điểm và lập trường tư tưởng của một người tự xưng là Mac-xít Lê-nin-nít. Một bài báo nguy hại đăng trong “Giai phẩm mùa đông” dài 3 kỳ trên báo Nhân dân số ngày 12,13,14-1-1957.
Nguyễn Đình Thi : Những sai lầm tư tưởng trong tập sách Giai phẩm. Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 117,118,119 tháng 4,5- 1956.
Hoài Thanh : Thực chất tư tưởng Trương Tửu. Tạp chí Văn nghệ số 11 tháng 4-1958.
Hồng Quảng : Loạt 3 bài Phê phán mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu : Quan điểm chính trị và học thuật của Trương Tửu về văn học cận đại và hiện đại Việt Nam, Nội dung tư tưởng của văn học cận đại Việt Nam có phải căn bản là tư tưởng tư sản không?, Từ 1930 đến 1945 có xu hướng văn học của giai cấp công nhân không? Báo Văn học số 16,17,18.
Hồng Vân : Lê-nin-nít hay Tơ-rốt-skit ? Tạp chí Văn nghệ số 11 tháng 4-1958.
Nguyễn Kiến Giang : Phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu : Tuyên truyền thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ, cách mạng trong lý luận và sáng tác văn học. Báo Văn học số 14 và 15 tháng 10-1958.
Văn Tân : Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu hay là một lối xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lê nin. Bộ mặt phản động của Trương Tửu trong quyển Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Tạp chí Văn Sử Địa, Hà Nội số 45 tháng 10-1958.
Vũ Đức Phúc : Phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu : Lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ. Báo Văn học số 13 ngày 25-9-1958.
Bùi Huy Phồn : Trương Tửu một tên phản cách mạng đội lốt mác-xít. Tạp chí Văn nghệ số 12 tháng 5-1958.
Bàng Sỹ Nguyên : Báo Tiền Phong số 282 ngày 23-4-1958.
Lê Trung Thực : Trương Tửu viết về sùng bái cá nhân. Báo Văn nghệ số 144 ngày 25-10-1956.
Lê Văn Hải : Đọc bài Bệnh sùng bái cá nhântrong giới lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm mùa Thu tập II). Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 142.
Phan Cự Đệ : Thái độ và phương pháp giảng dạy của Trương Tửu. Báo Độc lập, Hà Nội, số 354, 1958.
Ngô Thế Thinh : Những luận điệu của chủ nghĩa xét lại trong con người Trương Tửu. Báo Độc lập số 354, 1958.
Ngoài những bài trên còn nhiều chục bài khác cùng với sự đấu tố chung hoặc riêng những người khác, ít nhiều có sự đấu tố Trương Tửu như của Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lưu Trùng Dương, Như Phong, Lưu Quý Kỳ, Quang Đạm, Hồng Cương, Trương Chính, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý…
Tại sao lại có sự ưu ái đặc biệt như vậy đối với Trương Tửu? Có lẽ do vị trí công việc giảng dạy trên diễn đàn đại học của ông và tầm quan trọng những tư tưởng, cách nhìn của ông về những căn bệnh trầm kha của nền văn nghệ lúc đó đã làm cho ông trở thành một mục tiêu nguy hiểm.
Đặc điểm những lời phê phán Trương Tửu đều mang tính võ đoán, quy chụp, phủ định sạch trơn. Những người phê phán ông đều cho rằng ông là phần tử trôt kit nguy hiểm, là phản động, phản cách mạng, đội lốt mac xit để chống phá cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chủ nghĩa Mac Lê nin. Còn việc phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam Tiến sỹ Trịnh Bá Đĩnh viết:
… Ở MVĐVHSVN, tác giả của nó rõ ràng là đã chịu sự chi phối của các nhà mĩ học và lí luận văn học Phương tây như G. Lukacz (Hunggari), J. Lefbvre (Đức), Plekhanov, Kammarin (Nga), F. Challaye, J. Fréville (Pháp)… qua các tài liệu bằng tiếng Pháp được đăng tải trên các tạp chí La pensée, La nouvelle critique, La litterature sovietique… Tài liệu được tác giả MVĐVHSVN lấy làm cơ sở là cuốn Về văn học và nghệ thuật của Marx và Engels do Jean Fréville biên soạn.
… Tác giả của nó bị lên án là “lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ”, “tuyên truyền cho thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ”…, bị những người phê phán xếp vào hàng ngũ xét lại như Vizma ở Nam Tư, Hồ Phong ở Trung Quốc. Họ công kích MVĐVHSVN ở những nội dung nào? Có hai điểm chính: 1/ Tính độc lập tương đối và sự kế thừa của văn học; 2/ Tính loại biệt của văn học.
…Những vấn đề lí thuyết trong MVĐVHSVN không chỉ có như vậy, trong đó cũng không chỉ có những vấn đề lí thuyết mà cả những đề xuất về phương pháp viết lịch sử văn học Việt Nam. Có những đề xuất rất thời sự so với thời điểm đó của khoa văn học như: bộ phận văn học chữ Hán có phải là văn học dân tộc không, phân kì lịch sử văn học Việt Nam như thế nào, văn học hiện đại bắt đầu từ thời điểm nào? Có những điều mà hôm nay chúng ta vẫn phải suy nghĩ tiếp. Chẳng hạn Trương Tửu cho rằng văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX là cùng kiểu loại với văn học Phục hưng phương Tây (ông gọi là “văn học cổ điển”). Điều này khá gần gũi với quan điểm của các nhà phương Đông học Nga về một giai đoạn văn học Phục hưng có tính toàn thế giới, trong đó có “thời Phục hưng phương Đông”. (15)
Tại hai trường đại học, cuộc phê phán ông cùng các bạn đồng nghiệp như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo cũng diễn ra rất quyết liệt, kéo dài nhiều buổi. Có lẽ một trong những điều làm cho các ông đau đớn là một số sinh viên cơ hội đã phản bội lại thầy giáo của mình. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết lại những cuộc đấu tố ở hai trường đại học Tổng hợp và Sư phạm trong cuốn tiểu thuyết Kẻ bị mất phép không công xuất bản tại Paris năm 1991.
Đến đây bạn đọc có thể muốn biết trong những năm tháng này Trương Tửu đã sống như thế nào? Đáng tiếc là ông không để lại một chút tài liệu nào phản ánh thái độ, tâm tư của ông đối với sự kiện Nhân Văn- Giai Phẩm cũng như việc ông bị đấu tố. Chỉ biết rằng trong Bản kiểm điểm ông tin rằng những việc làm như việc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân của những người lãnh đạo văn nghệ sẽ làm cho bộ máy lãnh đạo văn nghệ tốt hơn, dân chủ, bình đẳng với văn nghệ sĩ, việc tán thành báo Nhân Văn, Đất mới, viết bài cho Giai phẩm, với hy vọng đời sống xã hội được tự do tư tưởng, đường lối dân chủ hóa của Đảng được thực hiện nhanh hơn, việc góp ý đấu tranh với các cán bộ quản lý quan liêu, độc đoán ở trường đại học như bỏ Hội đồng giáo sư, sắp xếp cấp bậc, đề bạt giáo sư, bổ dụng sinh viên tốt nghiệp, chọn nghiên cứu sinh, kỷ luật số người viết bài, biên tập Đất mới… là để làm cho trường đại học xứng với vai trò của nó.
Giáo sư Phan Ngọc, một người trợ giảng của ông nhớ lại:
Tôi còn nhớ rõ hôm GS Trương Tửu bị phê bình và cách chức. Tôi thấy anh đi ra thản nhiên. Lòng tự hỏi : “ Anh làm cách nào để sống đây!”. Tôi có nghề phiên dịch sẽ sống bằng nghề này, một nghề có thể nói không động chạm tới chính trị. Còn anh thì làm thế nào để sống? (16)
Tuy cá tính Trương Tửu cực đoan nhưng ông luôn quan tâm và yêu quý, giúp đỡ học trò. Nhiều sinh viên của hai khóa học 1953-1956, 1954- 1957 như Nguyễn Đình Chú, Văn Tâm, Ninh Viết Giao, Nguyễn Văn Hoàn, Đoàn Minh Tân… vẫn còn giữ trong ký ức những kỷ niệm tốt đẹp về ông.(17)
*****
Sau các đợt đấu tố Trương Tửu bị kỷ luật cách chức vào giữa năm 1958. Ông xin nghỉ hẳn công tác, không làm việc tiếp cũng không nhận lương hưu hoặc trợ cấp, tự kiếm sống bằng một thứ nghề mới không ai nghĩ đến, đó là nghề chữa bệnh đông y. Lúc bấy giờ ông chưa đầy 45 tuổi, một cái tuổi còn tràn trề sinh lực và sức sáng tạo. Ông cũng đoạn tuyệt với hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Cũng xin nói thêm từ 1958 cho tới lúc Tương Tửu mất là 41 năm, một quãng đời không phải là ngắn. Không thể không nói những chấn thương tâm lý dữ dội đã làm cho ông thờ ơ với những vấn đề văn hóa văn nghệ đã một thời lôi cuốn ông vào tâm một cơn bão thời đại. Ông cũng không viết hồi ký và không cho phép ai viết tự truyện về mình. Giữa các ý tưởng viết sách của ông như Phép dưỡng sinh, Tử vi đẩu số, Một số vần đề về châm cứu học ông chỉ còn vương vấn với mỗi Nàng Kiều với dự định viết Nợ Kiều phải trả cho xong. Tiếc rằng sức khỏe đã không cho phép ông hoàn thành các đề cương này ngoài một vài đoạn ghi chép như Suy nghĩ về Tam tài luận, Cái nghiệp trong thuyết nhân quả, Các mẫu người, Nhà khoa học là hiện thân của đạo đức, đề cương Nợ Kiều phải trả cho xong…
Trong vài ba bài thơ hiếm hoi còn lại cho thấy ông vẫn giữ được một niềm tin tự tại:
Băng giá tan rồi xuân lại đến(18)
Cây còn thân gốc vẫn còn hoa(19)
Mong rằng dù ở cõi nào Trương Tửu cũng thấy được những cơn gió xuân đang thổi về, đang làm xanh lại những trang sách của đời ông.
Chú thích :

1- Văn khiện Đảng.
2- Tiến quân vào thành trì khoa học! Bài nói của Giáo sư Trương Tửu ở Đài phát thanh Bắc Kinh ngày 23-5-1956. Tập san ĐHSP 1956.
3- Gọi NVGP là một phong trào bởi tư tưởng đòi hỏi cải cách dân chủ không chỉ có ở nhóm báo chí Nhân Văn và Giai Phẩm mà bao gồm cả nhiều lĩnh vực rộng lớn của xã hội miền Bắc lúc đó.
4- Chỉnh huấn là gì ? NXB Minh Đức Thời Đại 1955, trang 82-83
5- Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ. NXB Minh Đức Thời Đại 1955, trang 91.
6- SĐD trang 15-16
7- Hồ sơ Văn kiện Đảng
8- Xem Một vài khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ. Nguyễn Đình Thi. Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 140 (27-9-1956).
9- Thông báo này được in trong báo Văn nghệ số 141 ngày 4-10-1956.
10- Văn nghệ và chính trị
11- Bđ d
12- 13- Trương Tửu trích lời Lê nin trong Tổ chức Đảng và văn học Đảng
14- Bài đã dăng trên website của Viện Văn học tháng 3-2012
15- Phương diện lý thuyết của Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu . Trịnh Bá Đĩnh. Hồ sơ Trương Tửu. Web Viet – Studies Trần Hữu Dũng
16- Phan Ngọc. Một vài điều ít được nhắc lại về nhà phê bình Trương Tửu. Hồ sơ Trương Tửu. Web Viet-Studies Trần hữu Dũng
17- Đọc thêm hồi ký Xứ Nghệ và tôi của Ninh Viết Giao. NXB Nghệ An 2006
18- Nâng chén. Tết Đinh Sửu 1977. Tư liệu của gia đình Trương Tửu
18- Họa lại thơ tặng của Lê Văn Siêu ngày 28-6-1985. Tư liệu của gia đình Trương Tửu

Suy nghĩ về đổi mới toàn diện triệt để giáo dục và đào tạo


Trần Đình Sử
Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
clip_image002

Đã đúng ba năm chẵn tính từ ngày có nghị quyết TW kì họp thứ 8 khoá 11 (4/11/2013) về giáo dục đào tạo. Đây có thể coi là nghị quyết nêu vấn đề sâu sắc nhất, “kiên quyết” nhất, “bức thiết” nhất, “dứt khoát” nhất, “quyết liệt” nhất của Đảng cộng sản VN về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.
Tuy nhiên cũng giống như nhiều nghị quyết khác của Đảng đều nêu ra từ trên xuống, không dựa từ cở sở lên, thiếu điều kiện từ cơ sở để thực hiện, nói một cách khác là nghị quyết duy ý chí, cho nên thực hiện bao giờ cũng tốn kém, lúng túng và bất cập, mà kết quả không lấy gì làm hứa hẹn... Cần phải nói ngay rằng nghị quyết ngay từ khi ra đời đã không phải được dư luận đồng thuận. Sau khi nghị quyết ra đời cũng có nhiều ý kiến phản biện, trước hết là vấn đề triết lí giáo dục. GS Phạm Minh Hạc cho rằng triết lí giáo dục đã nằm trong đường lối của Đảng rồi, không cần thảo luận nữa, tuy nhiên nhiều trí thức cho rằng đào tạo con người phải đặt lên đầu mục tiêu con người nhân văn, dân tộc và tự do, trong khi đó mục tiêu của chúng ta nhấn mạnh ở việc đào tạo nhân lực. Có một số ý kiến cho rằng nếu mục tiêu đào tạo ra con người theo kiểu “con ngoan, trò giỏi”, sau thành công dân ngoan, làm việc giỏi theo kiểu vâng lời, bảo sao nghe vậy thì đó không thể là người công dân của một nước phát triển. Cho đến nay vấn đề triết lí giáo dục vẫn chưa ngả ngũ. Trên thực tế, khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được thờ trong các nhà trường là một điều phi lí, trong khi khẩu hiệu của Unesco học để biết, học để sáng tạo, học để sống và để chung sống vẫn chưa thật sự đi vào nhà trường. Điều này cho thấy tư tưởng bảo thủ trong giáo dục Việt Nam hiện rất nặng nề, nó cản trở giáo dục Việt Nam thay đổi.
Vấn đề thứ hai tôi muốn nêu lên là để thực hiện một nghị quyết lớn như thế chúng ta hầu như thiêú việc tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục và cập nhật các kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trên thế giới. Các việc làm của Bộ giáo dục như dự án về ngoại ngữ tiếng Anh, dự án về trường học mới VNEN đều là dự án khép kín, xã hội nói chung là không biết, không ai được biết và tham gia ý kiến. Chỉ để sau khi đã tiêu hết tiền của dự án, sau khi các địa phương tỏ ra bất mản với dự án ấy đề nghị dừng thì xã hội mới biết. Ở đây phải nói rằng cách làm khép kín là rất cũ. Chúng tôi đã nêu kinh nghiệm của việc đổi mới giáo dục lần trước là do thiếu sự đồng thuận của xã hội, bởi vì thiếu công bố thông tin. Lần này lại lặp lại. Tôi nghe nói các vị chuyên gia, lãnh đạo giáo dục sang Columbia hình như vẫn không tiếp cận được chương trình và SGK đem về dịch tham khảo, mà họ chỉ tiếp cận ý tưởng rồi về triển khai riêng có tính chất nhóm. Cách triển khai đã có tiền của Ngân hàng thế giới cho nên họ không cần tham gia của các chuyên gia giáo dục trong nước. Vì quá tin vào một phương án VNEN, cho nên trong thời gian ấy không có phương án khác được thực hiện. Nếu có bây giờ cúng ta đã có các kết quả bổ sung cho nhau. Đến bây giờ thời gian không còn nữa. Bây giờ kêu gọi chắt lọc cái tốt của VNEN để kết hợp với cái khác thì lấy đâu ra? VNEN là nhà trường phát huy năng lực tự quản và năng lực tự học của HS đối với các lớp học ghép các lớp khác nhau, thích hợp với vùng núi, HS ít. Áp dụng cho lớp HS đông như VN là không ổn, phần lớn HS thực hiện theo lối diễn chứ không thực có tự học và tự quản. Trò diễn này chúng tôi đã thấy nhiều rồi. Vấn đề là phải làm sao cho HS VN biết tự học. Đây vẫn là vấn đề mà nhiều nhà giáo VN từ thời các thứ trưởng đáng kính như các GS Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Kỳ đã nêu mà chưa có kết luận khoa học và thực tiễn. Thêm nữa, thiếu nhân tố khêu gợi và gây cảm hững của thầy thì quá trình học tập của HS khó mà khởi động, sẽ không được thực hiện đầy đủ.
Tôi cho rằng để thực hiện một nghị quyết lớn như nghị quyết 29 thì cần triển khai một lúc nhiều đề tài về khoa học giáo dục, từ mục tiêu, phương pháp dạy học, cách thi, tổ chức thi, cách ra đề, cách soạn chương trình mới, phương pháp ra đề mở, cách tích hợp các môn học tự nhiên và xã hội, công bố các dự kiến để lấy dư luận trong xã hội. Cách làm việc của Bộ là có một nhóm nhỏ khép kín, danh sách ấy do ai phụ trách, gồm những chuyên gia nào cũng không thấy công bố. Vì thế cho nên khi đưa ra, về môn sử đã bị dư luận không đồng tình. Và vì lí do đó mà cho đến nay chương trình tổng thể vẫn chưa thông qua được. Mà chương trình này chưa thông qua thì chương trình bộ môn cũng chưa thể biên soạn.
Các trường đại học cũng rất quan tâm, nhưng họ không được giao việc, hoặc chỉ giao các việc phụ như đề xuất form của SGK, mà không đề cập nội dung. Tôi cho rằng một núi công việc còn nguyên chưa đụng đến, ví như tích hợp các môn xã hội, các môn tự nhiên, việc tích hợp đó có thể có những variant nào, variant nào có ưu điểm, hình như chưa ai biết. Trong bộ môn ngữ văn trước đây chương trình phân bố theo lịch sử văn học. Khoa tôi làm chương trình, muốn thay mô hình đó nhưng bị quan điểm bảo thủ phản đối. Nay dạy theo năng lực nghe nói đọc viết, vậy chương trình các lớp sẽ phân hoá như thế nào, chưa thấy ai nghiên cứu và đề xuất, mà thiếu nguyên tắc ấy thì khó mà xây dựng chương trình ngữ văn từ 6 – 9 và từ 10 – 12. Một việc rất lớn như vậy mà chúng ta thiếu chiến lược động viên trí tuệ xã hội vào công việc. Phải chăng là vì tiền? Vì sợ phải chia chác cho nên phải thu thu giấu giấu trong nhóm nhỏ, mà cách làm như vậy rõ ràng đã không thành công. Nếu bộ giáo dục còn theo nguyên tắc lợi ích nhóm (nguyên tắc này chi phối từ trung ương đến địa phương, thì nó chi phối trong Bộ cũng là chuyện bình thường thôi), thì việc đổi mới giáo dục không thể thành công. Khi nói đến điều này tôi đã xác định là mình đã cao tuổi rồi, không có điều kiện tham gia nữa. Nếu có thì chỉ một vài việc không quá nặng nhọc. Cho nên không phải vì lợi ích mà nếu vấn đề này. Cứ nhìn cung cách làm dự án này tôi nghĩ rằng kết quả của đợt đổi mới giáo dục này sẽ khó đạt kết quả mong muốn.
Bây giờ thì thời gian đã quá muộn. Chỉ còn một năm 2017, mà năm 2018 đã phải có sách làm theo cuốn chiếu để đổi mới giáo dục, tôi cho là vội vã và sẽ thất bại. Sách mới chưa có điều kiện thẩm định, thí điểm, rút kinh nghiệm, giáo viên chưa được bồi dưỡng, bồi dưỡng như cách chúng ta đã làm trước đây đã không có kết quả thì tôi cho rằng lần này nếu không thay đổi thì vẫn không kết quả. Chính vì vậy tôi đề nghị lùi thời gian thực hiện chương trình mới lại. Không theo kế hoạch 2018, vì đề ra chúng ta sẽ phải chạy cho kịp, và lúc đó sẽ bộc lộ thêm nhiều khiếm khuyết nữa.
Về dự án dạy tiếng Anh, là lĩnh vực ngoài chuyên môn của tôi xin không góp ý. Mới đây bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại công bố sẽ thực hiện dự án dạy tiếng Trung như là ngoại ngữ thứ nhất, còn tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai. Tôi xin nói ngay cách hiểu ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai như thế là trái với cách dùng thông thường được giới ngữ học chấp nhận. Đối với nước ta, tiếng Việt là ngôn ngữ duy nhất, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, do đó không có chuyện tiếng Trung là ngoại ngữ thứ nhất được. Một nhà lãnh đạo mà dùng khái niệm sai lệch như thế là không thể chấp nhận, gây hiểu lầm trong xã hội.
Bây giờ xin góp ý về chủ trương thi trắc nghiệm. Quyết định thi trắc nghiệm trong kỳ thi quốc gia năm 2017 là một quyết định hơi vội, khiến học sinh và giáo viên bị động, chuẩn bị không kịp. Nếu cách thi sẽ chỉ đạo cách học theo nguyên tắc thi thế nào học thế ấy thì học sinh sẽ học theo lối trắc nghiệm. Không học trình bày mạch lạc theo logic. Thêm nữa, có nhiều phương án trắc nghiệm. Chúng ta đã nghiên cứu hết các phương án chưa mà đã quy định hình thức trắc nghiệm. Theo tôi biết, về môn ngữ văn lối trắc nghiệm vẫn sử dụng lâu nay tỏ ra rất sơ lược và ấu trĩ. Chưa đi vào cơ chế đọc hiểu văn học của hoạt động đọc. Nếu không nghiên cứu mà đến khi phải sử dụng trắc nghiệm ở môn ngữ văn thì HS và GV chắc chăn sẽ lúng túng. Trắc nghiệm môn xã hội chưa tích hợp hoặc tích hợp sẽ là vấn đề mới, tôi chưa biết bộ đã tổ chức nghiên cứu như thế nào mà quyết định ra đề trắc nghiệm. Đề tự luận môn ngữ văn không có gì mới, HS có thể là được, nhưng các môn xã hội khác là cả một vấn đề đáng lo. Bây giờ thì Bộ đã quyết định rồi, các trường đều phải thực hiện. Nhưng tôi vẫn lo là chưa chuẩn bị chu đáo sẽ nảy sinh sự cố không mong muốn.
Trên đây là một số ý kiến nêu ra để trao đổi, mong là sẽ có ích cho việc thực hiện nghị quyết 29TW về giáo dục đào tạo. Nếu có gì chưa ổn xin được lượng thứ.

20 THÁNG 11, MỜI RƯỢU VÀ KIỀU

Ông Bộ trưởng giáo dục, không thương giáo viên của mình thì chớ, còn trách họ “… Các thầy cô phải giữ phẩm chất. Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc”. Câu nói thật khó hiểu, giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trách người lôi kéo chứ sao lại trách người bị ép?
___
Lê Văn
Có người bảo 20 tháng 11 là ngày “lễ”, có người thì bảo “không”. Lễ hay không, chưa bàn, nhưng các ngành khác đều có “ngày” thì ngành giáo dục có “ngày” là chuyện công bình và xứng đáng, bởi giáo dục là “quốc sách”, là ngành “chính” đào tạo con người cho xã hội. Nghị quyết nầy, đại hội kia dành cho giáo dục một số chương, điều hẳn hoi, gần đây nhất là chủ trương cải cách giáo dục cơ bản, toàn diện.
Cứ đến ngày 20.11, các cơ sở giáo dục tổ chức kỷ niệm. Ngày “kỷ niệm” nầy (tạm chia) ra hai phần: lễ và hội.
Phần lễ tiến hành trước, người dự là thầy, trò và khách mời (cấp trên của ngành, chính quyền, phụ huynh học sinh). Nội dung chính của buổi lễ có diễn văn của chủ nhà, báo cáo một số thành tích đã đạt, các phát biểu của các đại biểu, và (quan trọng nhất) phát biểu “chỉ đạo” của lãnh đạo. Ngoài ra cũng có thể có “cảm tưởng” của một số người được chọn trước. Xen kẻ là những tiết mục văn nghệ, dâng hoa, trao bằng khen, phát thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong năm qua.
Hầu như trong các diễn văn, các phát biểu đều không thiếu các câu “dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo/ nghề thầy là nghề cao quí/ trọng thầy mới đươc làm thầy/ không thầy đố mầy làm nên/ dù khó khăn gian khổ cũng thi đua dạy tốt, học tốt/ thầy trò trường XYZ quyết tâm lập thành tích để chào mừng sự kiện ABC. …” Có vị còn nêu gương ông Carnot, người Pháp, làm đến đại tướng mà khi về làng vẫn đến thăm thầy cũ. Quý hóa biết bao. Pháp không nói những câu trên nhưng họ hành xử lại đẹp, còn ta?
Có vị lại góp ý với giáo viên rằng thầy cô phải cải tiến phương pháp giảng dạy, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, phải nâng cao năng lực, phẩm chất (đừng nhậu nhẹt, đừng đàn đúm nhau đi karaoke mang tiếng xấu, bị tai nạn…), phải tôn trọng nhân cách học sinh, v.v…Cũng hay. Nhưng các việc nầy giáo viên đã làm hằng ngày và còn hơn thế, tức là thực hiện các chủ trương mới nhất của ngành như nói không với thành tích, nhà trường thân thiện, mô hình trường VNEN…
Phần hội là liên hoan, tuy phụ, nhưng sôi nổi. Phần nầy là tiệc trà thân mật có thêm văn nghệ, giáo viên, học sinh, khách hát hò, kể chuyện, đố vui… Tiệc tùng thì không thể thiếu rượu, bia. Người ta nâng cốc (hô dzô 100%) chúc mừng chung. Rồi có người mang ly đi bàn nầy, bàn nọ chúc riêng. Quan khách chúc mừng thầy cô, đáp lại, giáo viên, chủ nhà mời khách, đó là xã giao không phải là nhiệm vụ, nhiệm viếc gì. Có người còn thấy vinh dự được “cụng ly” với lãnh đạo.
Đến đây sực nhớ chuyện 21 giáo viên nữ, cấp 1, cấp 2, ở Hồng Lĩnh, Nghệ An được “trên” điều đi tiếp khách, “mời rượu” các quan chức địa phương trong buổi liên hoan “Dân ca-ví dăm”, sau đó còn đi hát hò với các vị nữa. Theo ông trưởng phòng giáo dục, ông chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh, đây là nhiệm vụ chính trị. Nhưng báo “Giáo Dục” ngày 17.11.2016 có bài “Nhiệm vụ chính trị là gì mà giáo viên không muốn làm thì cũng tránh đường trời ?”. Báo nầy dẫn lời một giáo viên mầm non ngậm ngùi “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ”.
Thật buồn! Nhưng, ông Bộ trưởng giáo dục, không thương giáo viên của mình thì chớ, còn trách họ “… Các thầy cô phải giữ phẩm chất. Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc”.
Câu nói thật khó hiểu, giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trách người lôi kéo chứ sao lại trách người bị ép?
Nếu chính quyền, phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh điều giáo viên đi làm sạch môi trường biển, lao động công ích thì chẳng ai có ý kiến.
Tại sao chỉ điều giáo viên nữ mà không điều giáo viên nam hay công nhân các ngành khác đi tiếp khách? Có vị đã cho rằng giáo viên nữ có nhan sắc. Rất sành điệu! Uống rượu mà có người đẹp tiếp thì còn thú (vị) nào bằng, nếu xỉn chút xíu (biết đâu) lại thú hơn. Lời ông trưởng phòng giáo dục Hồng lĩnh “…Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Trong các vị trên, chắc chắn có vị có con, cháu đang đi học, 20 tháng 11 nầy, vị nào đến trường chúc mừng “Ngày Nhà Giáo” ? Có vị nào sẽ gặp lại những cô đã mời rượu mình? Nếu được mời phát biểu ý kiến, quí vị sẽ nói thế nào? –Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương cho sáng học sinh noi theo/ muốn sang thì bắt cầu kiều/ muốn con hay chữ phải yêu kính thầy… hay một câu nào hay hơn?
Ai đã qua cấp phổ thông đều học “Kiều”. Chuyện “mời rượu” ở Hồng lĩnh sao giống giống một đoạn trong “Kiều”. Khi tên tổng đốc Hồ Tôn Hiến giết được Từ Hải bèn mở tiệc ăn mừng chiến thắng, y bắt Kiều mời rượu. Cụ Nguyễn Du viết “Trong quân mở tiệc hạ công/ xôn xao tơ trúc, hội đồng quân quan/ bắt nàng thị yến dưới màn/ giở say lại ép vặn đàn nhặt tâu…nghe càng đắm ngắm càng say/ lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Thấy người đẹp, Hồ Tôn Hiến, một tổng đốc trọng thần rất thâm mưu cũng tính kế “vồ” một miếng, huống chi là hạng thổ quan địa phương.
Đọc đoạn trên thấy thương thân phận Kiều, ghét tay Hồ Tôn Hiến. Nghe chuyện “mời rượu” ở Hồng Lĩnh lại thấy thông cảm cho những cô giáo nơi kia. Nhưng có điều, Kiều là người phụ nữ trong chế độ phong kiến, bị khinh bỉ, áp bức, có khi bị xem là món giải trí của đàn ông. Kiều không có “ngày”. Còn các cô ngày nay đã được “giải phóng”, được bình đẳng, đến như “cô gái sông Hương” cũng sẽ “.. thơm như hương nhụy hoa lài/ trong như nước suối ban mai giữa rừng…(Tố Hữu). Các cô có “ngày”.
Mai đây, ngày 20 tháng 11 các cô sẽ được nghe “trọng thầy mới được làm thầy/ nghề thầy là nghề cao quí toàn xã hội tôn vinh”. Nghe vậy cũng sướng rồi, cần gì mời rượu.

NỘI DUNG BÓC BĂNG CUỘC ĐIỆN THOẠI GIỮA HỒNG HÀ VÀ HÀ SỸ PHU NGÀY 10-3-2007

Hà Sĩ Phu
Lê Hồng Hà. Ảnh: pro & contra
Lê Hồng Hà. Ảnh: pro & contra
Đôi lời viết thêm ngày 18-11-2016: Chỉ vài giờ nữa vị cựu Đại tá công an Lê Hồng Hà sẽ “lên đài” Hoàn Vũ, tan vào mây khói của vũ trụ thiên thu. Để tưởng nhớ và xét đoán nhân vật trước thời cuộc, không gì bằng công bố một tư liệu đã lưu trữ. Không cần bình luận gì thêm, chỉ xin lưu ý: Đây là Hồng Hà của tháng 3 năm 2007! (HSP)
***
Hồng Hà: Chào… Tốt rồi…. Tranh cãi nhé, Hà Sỹ Phu là hay tranh cãi lắm đấy (cười)… Thế nghe mình nói có rõ không? Rõ hả? Rồi, tốt lắm. Vậy sáng nay cho mình phát biểu trong nửa tiếng thôi, ông Phu và ông Quốc phát biểu thì để sau, đã biết số điện thoại của mình rồi mà…. Thế số điện thoại của Hà Sỹ Phu bây giờ là bao nhiêu? (HSP bị cắt hết 3 điện thoại bàn và không biết bao nhiêu SIM di động). Thế à? Thôi,vậy mình sẽ gọi qua Bùi Minh Quốc. Bây giờ tôi nói được chưa? Trước hết tôi kéo dài ngày tết ra để chúc tết các vị đã. Tôi chúc 03 cái, anh nhận được cái gì thì tuỳ anh, còn không thì trả lại (cười). Cái thứ nhất là có sức khoẻ, mọi sự như ý. Cái thứ hai là phát “tài”, tài chính hay tài năng thì tuỳ các ông hiểu. Cái thứ ba là đầu năm đẻ “con” trai, cuối năm đẻ “con “ gái (cười). Thế nhé!
Còn hôm nay tôi đề nghị dành nửa giờ để tôi phát biểu ý kiến của tôi, bởi vì qua theo dõi tình hình và xem các tài liệu của trong và ngoài, tôi thấy có một số vấn đề cần phải có sự trao đổi, mà tôi phát biểu ngày hôm nay coi như người phát biểu đầu tiên trong cuộc toạ đàm và mong rằng các vị xem xét đóng góp ý kiến sau, có phê phán hẳn hoi để mình hoàn chỉnh tư duy của mình. Cách suy nghĩ của tôi với tư cách như là một người quan sát chính trị mà bình luận, chứ không phải một nhà hoạt động chính trị. Thế nhé!
Bây giờ tôi phát biểu xung quanh 03 loại vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tôi nêu lên một cách tổng quát cuộc đấu tranh ở nước ta trong 30 năm qua. Hai nữa tôi muốn đi vào một số đặc trưng của cuộc đấu tranh ở nước ta. Ba nữa là tôi suy nghĩ một số hướng đấu tranh trước mắt của các tầng lớp nhân dân. Tức là có 03 loại vấn đề. Bây giờ tôi đi vào loại vấn đề thứ nhất.
1/ Với vấn đề thứ nhất thì tôi suy nghĩ thế này, bây giờ chúng ta đặt một cái tên cho cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân ở nước Việt Nam thì gọi tên cuộc đấu tranh đó là gì? Có người cho rằng đó là cuộc cách mạng dân chủ, có người cho rằng thế này thế khác, tôi thì tôi gọi tên của nó như thế này, đây là một cuộc đấu tranh vì sự phát triển và dân chủ hoá đất nước Việt Nam. Theo quan niệm của tôi thì tôi đặt vấn đề phát triển và dân chủ hoá là đi liền với nhau và tôi quan niệm sự phát triển của đất nước Việt Nam là cái tổng quát, dân chủ hoá đất nước là một nội dung của phát triển, một động lực và là một mục tiêu của phát triển. Vì vậy tôi đặt vấn đề đây là cuộc đấu tranh vì sự phát triển và dân chủ hoá đất nước, chứ tôi không đặt vấn đề dân chủ hoá nói riêng hoặc dân chủ hoá một cách độc lập với sự phát triển. Đây là ý kiến thứ nhất của phần thứ nhất này.
Ý kiến thứ hai, đây là một cuộc đấu tranh vì sự phát triển và dân chủ hoá của đất nước trong điều kiện mô hình chuyên chính vô sản áp dụng ở Việt Nam. Như vậy, nó khác với các nước phương Tây, khi đấu tranh để dân chủ hoá đất nước thì các nước phương Tây phải giải quyết một chế độ quân chủ chuyên chế và đi liền với giai cấp tư sản của CNTB phát triển. Còn ở nước Việt Nam ta hiện nay, cuộc đấu tranh để dân chủ hoá và phát triển lại tiến hành trong điều kiện của một nền chuvên chính vô sản vận dụng ở Việt Nam. Khi nghiên cứu vấn đề này, có lẽ chúng ta cần phải ít nhất là tổng kết lại quá trình từ năm 1975 trở lại đây. Sở dĩ lấy mốc nărn 1975 là vì lúc đó đất nước đã thống nhất và hoàn toàn độc lập, còn việc phân chia các thời kỳ ở Việt Nam thì đó là một vấn đề rất phức tạp cần trao đổi sau nhưng tôi cứ lấy mốc từ 1975 trở lại đây và tôi nhìn 30 năm ấy khác với một số tài liệu đã phát biểu. Tôi thấy một số tài liệu phát biểu chỉ tập trung lên án và phê phán cái chế độ chuyên chính vô sản do Đảng Cộng sản cầm quyền, còn tôi thì muốn phân tích 30 năm qua dưới con mắt nhìn đây là một cuộc đấu tranh giữa hai bên, một bên là Đảng Cộng sản cầm quyền và một bên là các tầng lớp nhân dân. Cuộc đấu tranh này xoay xung quanh vấn đề đi tìm con đường phát triển cho đất nước Việt Nam.
Đứng về phía Đảng Cộng sản cầm quyền thì họ xuất phát từ học thuyết Mác-Lênin nên họ cho rằng, sau khi đã giải phóng và thống nhất đất nước thì Việt Nam phải đi vào con đường quá độ đi lên xây dựng CNXH. Tất cả nội dung của con đường này đã được thể hiện rất rõ trong Đại hội 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976. Đường lối ấy là một đường lối sai lầm, vi vậy chỉ vận dụng trong vài năm thôi thì cả đất nước Việt Nam đi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội toàn diện và lâu dài. Đứng trước tình hình ấy, các tầng lớp nhân dân phải đi tìm con đường phát triển để bảo đảm lợi ích sống còn của mình và để đảm bảo cho đất nước phát triển. Do đó mới có những vấn đề như khoán hộ nổi lên, hoặc vấn đề đòi phải chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đảng Cộng sản định cố tiêu diệt giới tư sản dân tộc qua cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh nhưng trong 30 nărn qua, các tầng lớp nhân dân đã đấu tranh và từ đó cho đến nay, tầng lớp doanh nhân và những chủ trang trại ở nông thôn phát triển ngày càng lớn mạnh. Do đó, ý kiến của tôi muốn đề nghị là phân tích, nhận xét 30 năm qua dưới một nhãn quan đây là cuộc đấu tranh giữa hai bên, chứ không phải chỉ một chiều Đảng Cộng sản muốn làm gì thì làm.
Tôi có một cách đánh giá như thế này, qua 30 năm thì dân thắng Đảng thua trên mặt kinh tế và tư tưởng, dân chưa thắng về chính trị vì Đảng Cộng sản còn nắm được công an và bộ đội.
Tại sao lại nói dân đã thắng về kinh tế và tư tưởng, vì trên mặt kinh tế mà nói, chủ trương và đường lối của Đảng Cộng sản là phải công hữu hoá, là phải xoá kinh tế TBCN, phải xoá kinh tế cá thể, là phải chuyển nền kinh tế sang nền kinh tế kế hoạch tập trung. Nhưng sau 30 năm, hợp tác xã bị phá tan tành, việc định xoá kinh tế cá thể không xoá nổi, kinh tế hộ gia đình và kinh tế nhiều thành phần hiện nay là một hiện tượng lớn nhất của đất nước. Đảng định xoá bỏ giai cấp tư sản thì doanh nhân Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ chỉ còn lại một khu vực quốc doanh làm ăn thua lỗ và trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế thì đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, về kinh tế thì tôi khái quát là dân thắng Đảng thua.
Về tư tưởng, Đảng Cộng sản muốn dùng Chủ nghĩa Mác-Lênin làm tư tưởng chỉ đạo toàn bộ xã hội, phải xây dựng lý tưởng XHCN trong các tầng lớp nhân dân. Theo tôi suy nghĩ, mặc dù hiện nay trường Đảng còn giảng Mác-Lênin, các trường đại học còn phải dạy Mác-Lênin và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phải xuất bản tác phẩm Mác-Lênin nhưng trong các tầng lớp nhân dân, lý tưởng CNXH không còn là vấn đề nữa và Chủ nghĩa Mác-Lênin không có vị trí lớn nào trong suy nghĩ của nhân dân. Vì vậy, mình mới nêu lên nhận định là trên mặt kinh tế và tư tưởng thì dân thắng Đảng thua, Đảng chỉ chưa thua trên mặt chính trị mà thôi.
Qua 30 năm, chúng ta thấy rất rõ rằng CNXH Nhà nước xâm nhập vào Việt Nam, nhưng từ đổi mới thì CNXH Nhà nước bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam. CNXH Nhà nước xâm nhập vào Việt Nam là theo con đường chính trị đi trước, kinh tế tư tưởng đi sau, nhưng khi bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam thì CNXH Nhà nước lại ra đi từ kinh tế trước, sau đến tư tưởng và chính trị là cuối cùng. Như vậy, lộ trình xâm nhập và lộ trình ra đi là ngược nhau. Từ thực tiễn 30 năm qua, có lẽ chúng ta phải có nhiệm vụ phân tích, phát hiện được những đặc trưng của cuộc đấu tranh ở Việt Nam xem nó là thế nào, nó khác gì so với các nước ở trên thế giới. Việc ấy là một việc rất lớn, nó đòi hỏi phải có một trí tuệ tập thể của tầng lớp trí thức ở Việt Nam chứ không thể nào một vài trí thức ở đây đó làm nổi việc này và tập thể ấy có nhiệm vụ bổ sung cho nhau, phê phán nhau thì mới ra nổi. Như vậy ý kiến thứ nhất của tôi tổng quát là như thế.
2/ Bây giờ tôi đi sang phần thứ hai, đó là từ thực tiễn 30 năm, từ cách đặt vấn đề suy nghĩ như thế, tôi thử phát hiện những đặc trưng cơ bản của cuộc đấu tranh ở Việt Nam hiện nay là như thế nào. Trong những đặc trưng cơ bản này, ý kiến của tôi muốn nêu lên một số điểm cụ thể như sau:
– Một, cuộc đấu tranh để phát triển và dân chủ hoá đất nước trong điều kiện của một nền chuyên chính vô sản là một sự nghiệp cực kỳ khó khăn nhưng có khả năng thắng lợi lớn. Chúng ta phải hiểu rằng thể chế chuyên chính vô sản là một thể chế rất mạnh, nên nếu có ý đồ sử dụng lực lượng vũ trang xâm nhập từ bên ngoài hoặc tổ chức lực lượng bạo loạn ở trong nước để lật đổ chính quyền này thì phải nói rằng trước sau gì cũng thất bại. Nhưng đồng thời kinh nghiệm 30 năm qua cho thấy, trong điều kiện nền chuyên chính vô sản như thế nhưng dân đã thắng lợi về kinh tế và về tư tưởng. Cho nên, nếu có một đường lối, một phương thức, một sách lược về đấu tranh đúng thì trong điều kiện nền chuyên chính vô sản vẫn có điều kiện giành được thắng lợi. Và chế độ chuyên chính vô sản ấy mặt nào đó thì rất mạnh nhưng lại có mặt rất yếu, nó có khuynh hướng là một quá trình tự tan rã. Vì sao? Vì đường lối xây dựng kinh tế và xã hội của mô hình CNXH Nhà nước ấy là một mô hình phản phát triển , sai lầm, nó làm cho những đất nước đi vào CNXH là nghèo khổ. Và với chế độ độc đảng thì cán bộ nắm quyền bị tha hoá, do đó mất hết uy tín trong nhân dân. Đường lối mà làm kìm hãm sự phát triển xã hội và khiến cán bộ tha hoá, mất hết uy tín trong nhân dân thì đây là một quá trình tự vỡ. Vì vậy, khi các tầng lớp nhân dân và các lực lượng mà ta tạm gọi là dân chủ đứng lên đấu tranh thì không phải là do mình đứng ra tổ chức các lực lượng để đánh đổ chế độ ấy đâu mà là hỗ trợ cho quá trình tự vỡ của chế độ ấy. Đây là vấn đề thứ nhất nhé, tức là nền chuyên chính vô sản mạnh nhưng đồng thời lại rất yếu, nó đang trong quá trình tự tan vỡ và các lực lượng trong nước hoạt động lúc này là hỗ trợ cho sự tự vỡ ấy.
– Vấn đề thứ hai là tính chất của cuộc đấu tranh. Đây là một cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt những chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản cầm quyền, những chính sách phản dân hại nước nhưng không phải là một cuộc đấu tranh để lật đổ chính quyền hiện nay. Đối với chính quyền hiện nay, nếu họ làm những việc gì đúng đắn có lợi cho dân tộc thì nhân dân hoan nghênh, còn nếu họ làm những chính sách gì có hại cho sự phát triển của dân tộc thì nhân dân đấu tranh để chấm dứt. Họ cũng có những chính sách đúng, ví dụ như vừa rồi vận động để dân tộc Việt Nam gia nhập WTO hoặc tổ chức Hội nghị APEC, đây là những hành động rất đúng thì chúng ta ủng hộ. Như vậy, cần phải làm rõ luận điểm: đây là một cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt những chính sách sai lầm chứ không phải là cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền. Một luận điểm nữa: đây là cuộc đấu tranh chấm dứt vai trò độc đảng, đảng trị của Đảng Cộng sản chứ không phải là cuộc đấu tranh để đánh đổ và xoá bỏ Đảng Cộng sản. Phải nói rằng Đảng Cộng sản có những công lao trong chiến tranh giải phóng dân tộc nhưng từ 1975 trở đi thì họ lại đưa dân tộc vào chỗ sai lầm. Thành ra bây giờ mình làm chấm dứt vai trò độc đảng trong chính thể chuyên chính vô sản nhưng không phải là một cuộc đánh đổ để xoá bỏ Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản vẫn có thể tiếp tục tồn tại và là một lực lượng chính trị tham gia chế độ dân chủ đa nguyên. Đây là ý thứ hai.
Ý thứ ba, đây là cuộc đấu tranh để chống lại việc quốc đạo hoá Chủ nghĩa Mác-Lênin, đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin thành lý thuyết quốc gia bắt cả dân tộc này đi theo thì đó là thảm hoạ. Nhưng cuộc đấu tranh này cũng không phải là cuộc đấu tranh để chống Chủ nghĩa Mác-Lênin, mà chỉ là chống lại việc quốc đạo hoá Chủ nghãa Mác-Lênin.
Như vậy, qua kinh nghiệm của 30 năm và những năm trước nữa, tôi thấy có 03 đặc điểm: Một là cuộc đấu tranh để chấm dứt những sai lầm của chính quyền chứ không phải để lật đổ chính quyền; Hai là cuộc đấu tranh để chấm dứt vai trò độc đảng, đảng trị trong nền chuyên chính vô sản chứ không phải để xoá bỏ, đánh đổ Đảng Cộng sản; Ba là cuộc đấu tranh để chống lại việc quốc đạo hoá Chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không phải để chống Chủ nghĩa Mác-Lênin. Tính chất của cuộc đấu tranh có ba điểm như thế nhé!
– Vấn đề thứ ba, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vừa rồi không phải do một đảng chính trị đối lập nào lãnh đạo cả. Nó cũng không do một cương lĩnh chính trị nào lãnh đạo cả. Tất cả những thắng lợi về kinh tế như khoán hộ, như hình thành lớp doanh nhân Việt Nam, như kế hoạch hoá tập trung phải chuyển sang kinh tế thị trường… xuất hiện như là một nhu cầu thiết thực về đời sống của các tầng lớp nhân dân và nó hình thành, chứ nó không phải do một đảng chính trị hay một cương lĩnh nào lãnh đạo cả. Đấy là một đặc điểm ở đất nước Việt Nam.
– Điểm thứ tư, trận địa đấu tranh giữa hai bên , một bên là Đảng cầm quyền và một bên là các tầng lớp nhân dân. Điều này không giống như các nước khác, các nước khác khi đấu tranh dân chủ hóa thì nó diễn ra giữa một bên là đảng cầm quyền và một bên là những đảng dân chủ đối lập lãnh đạo một khối lượng quần chúng khác, trong khi ở Việt nam là giữa Đảng cầm quyền và các tầng lớp nhân dân.Theo mình suy nghĩ, lực lượng tiền phong của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh này có 3 loại người: Một là giới Trí thức, hai là giới Doanh nhân, ba là những lực lượng tiến bộ trong cơ quan Nhà nước. Vì vậy, hình thái trận địa của cuộc đấu tranh tại Việt nam khác với trận địa ở các nước khác.Đấy là điểm thứ tư.
– Điểm thứ năm, do trận địa đấu tranh như thế nên phương thức đấu tranh ở Việt nam là đấu tranh trong tình hình hợp pháp tối đa. Về điểm này, có thể xem xét và học tập ý kiến của Phan Chu Trinh. Cuộc đấu tranh hợp pháp tối đa có nghĩa là chúng ta phải giữ lấy tính hợp pháp, phải sử dụng những khẩu hiệu của hiến pháp, của luật pháp hiện nay đã có để đấu tranh.Do đó, về cơ bản, thái độ của chúng ta là nên ủng hộ vấn đề đổi mới (của Đảng) nhưng đòi hỏi đổi mới phải triệt để, anh không được đưa đổi mới ra để làm nửa vời, để mỵ dân.Đấy là vấn đề thứ năm.
– Vấn đề thứ sáu, do cuộc đấu tranh trong điều kiện như thế nên nó chỉ có thể thắng lợi một cách dần dần, quá trình tiến lên là một quá trình tiệm tiến chú không có đột biến.Có lẽ không thể nào đùng một cái mà thắng lợi ngay được mà phải đi nhiều bước. Và do cách thắng lợi của nó như thế nên hình thái thắng lợi có khi không được rõ ràng, khoa trương gì ghê gớm cả. Ví dụ: vấn đề khoán hộ, dần dần nó đánh tan hợp tác xã thì đấy là một quá trình tiệm tiến; sự hình thành các doanh nhân Việt nam cả về lượng và về chất cũng là một quá trình tiệm tiến chứ không phải mở ngay ra tức khắc. Cho nên, sự tiến bộ của đất nước Việt nam khi nó hình thành có khi phải theo lộ trình, tức là hình thành, xuất hiện một cách âm thầm, không chính thức, không hợp pháp, rồi dần dần mới được công nhận và được hợp pháp hóa. Có lẽ quá trình đấu tranh ấy sẽ phải tiến hành như thế chăng?
Hiện nay có nhiều vấn đề chúng ta chưa có một cái tổng kết gì cho nó rõ cả. Ví dụ, cái nhóm của Lê Đức Anh và TCII có thể nói từ năm 91 ở Đại hội VII đã chiếm lĩnh một vị trí ghê gớm trong Đảng và trong hệt thống chính trị này, nhưng đến năm 2006 thì nó sụp đổ. Vậy tại sao một lực lượng ghê gớm như thế mà lại sụp đổ? Phân tích phương thức đấu tranh là gì, công lao là của ai và có kinh nghiệm gì thì chúng ta hiện nay chưa ai có tổng kết gì cả.
Như vậy là tôi đã nêu lên một vài đặc trưng của cuộc đấu tranh ở Việt nam nhé! Đấy là phần thứ hai.
3/ Phần thứ ba, đó là trước mắt cuộc đấu tranh đang tập trung vào những vấn đề gì? Theo mình suy nghĩ và khái quát lại những hiện tượng đấu tranh ở trong toàn quốc thì tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh ấy hiện đang tập trung vào lĩnh vực đổi mới chính trị, tức là đấu tranh trên lĩnh vực chính trị. Cuộc đấu tranh ấy nó thừa hưởng thành quả đấu tranh thắng lợi trên mặt kinh tế và tư tưởng trong 30 năm qua và hiện nay nó đang bước vào một thời kỳ mới là tập trung đổi mới chính trị, mà chủ đề chính là “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự, chứ không phải “Nhà nước pháp quyền XHCN”. Nó phải là cuộc đấu tranh để xây dựng một chế độ dân chủ thật sự chứ không phải chế độ dân chủ XHCN và nội dung của nó là phải chấm dứt mô hình chuyên chính vô sản, có nghĩa là phải chấm dứt mô hình đảng độc quyền lãnh đạo, đảng trị.
Nội dung của cuộc đấu tranh đổi mới chính trị này có thể nêu lên 05 điểm cụ thể:
– Thứ nhất, đấu tranh để Quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất theo đúng Hiến pháp.
– Thứ hai , luật hóa điều 4 Hiến pháp, hoặc nếu không thì phải ra luật về sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi ra luật về Mặt trận Tổ quốc thì phải ra luật vế đảng Cộng sản lãnh đạo và điều quan trọng là phải thanh toán hai hệ thống chính quyền đang tồn tại hiện nay ở Trung ương cho đến cơ sở. Hôm nọ, trong báo Gia đình và Xã hội cách đây độ một tuần hay là 10 ngày, nó có đăng một bài trả lời phỏng vấn của Đặng Hữu Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, có đưa ra một số liệu rất đáng lưu ý thế này, tổng số người ăn lương theo ngân sách Nhà nước hiện nay là 66 vạn, trong đó có 21 vạn là viên chức hành chính Nhà nước, 28 vạn là cán bộ phường xã, 27 vạn là Đảng và đoàn thể. Như thế là viên chức hành chính Nhà nước chỉ có 21 vạn mà biên chế của Đảng và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương lại đến 27 vạn, Cho nên, nếu không giải quyết được vấn đề này thì bàn về cải cách hành chính của 21 vạn chỉ là vô nghĩa. Tại sao nhân dân anh hùng như thế này mà không tập trung xây dựng được UBND và HĐND cho tốt, mà phải có thêm hệ thống cấp ủy đảng lãnh đạo? Nó thành ra 02 hệ thống chính quyền rất chồng chéo. Cho nên hội nghị Trung ương 4 vừa rồi không dám bàn đến ngân sách của Đảng vì nếu bàn thì sẽ thấy được Đảng đang được sở hữu và quản lý một khối lượng chi tiêu và tài sản khổng lồ.Do đó, điểm thứ hai là phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng và thanh lý được hệ thống hai chính quyền.
– Thứ ba là phải đấu tranh để Tư pháp độc lập, các tòa án chỉ xử theo pháp luật chứ các cấp ủy Đảng không được quyền can thiệp.
– Thứ tư là đấu tranh từng bước để Quân đội và Công an chỉ được trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, không được quyền trung thành với Đảng.
– Thứ năm là phải ban hành mới luật lập hội và luật tự do báo chí.
Theo như tôi suy nghĩ sau khi đã khái quát lại những cuộc đấu tranh trong Đại hội, trong Quốc hội và trên báo chí thời gian qua thì thấy có lẽ cuộc đấu tranh trước mắt đang chuyển sang lĩnh vực chính trị là trung tâm. Và theo cách đặt vấn đề của người ta thì cuộc đấu tranh này đang diễn ra trong một môi trường mới với những đặc điểm sau:
+ Thứ nhất, nó tiến hành cuộc đấu tranh chính trị này trên cơ sở những thắng lợi trên mặt tư tưởng và kinh tế của 30 năm trước đây chứ nó không phải xuất phát từ số o mà tiến hành.
+ Thứ hai, năm 2006 xuất hiện một thế trận mới, đó là đảng Cộng sản cầm quyền ở vào thế bị động, còn các lực lượng tiến bộ đang phát triển và tấn công một cách mạnh mẽ. Thêm vào đó là sự xuất hiện của các tổ chức dân chủ và các tờ báo dân chủ đã làm cho thế trận đổi khác rồi.
+ Thứ ba, nước Việt nam đã gia nhập WTO, tức là hội nhập quốc tế và việc hội nhập ấy sẽ ngày càng đẩy tới chứ anh không thể cưỡng được.
+ Thứ tư, việc tiến hành đấu tranh chính trị này diễn ra trên cơ sở một cơ cấu xã hội mới xuất hiện, nghĩa là hiện nay trong xã hội Việt nam đã phân tầng và hình thành ra các tầng lớp xã hội mới có vị trí khác trước. Vì vậy, cuộc đấu tranh chính trị là rất khó khăn vì nó đụng đến vấn đề quyền và lợi của tầng lớp cầm quyền hiện nay nhưng lại được tiến hành trong môi trường hoàn toàn thuận lợi.
Tuy nhiên, đây là ý kiến mà ở ngoài này trong anh em còn đang khác nhau. Một loại ý kiến thì cho rằng ở nước Việt nam này phải 10-15 năm nữa mới chuyển biến, còn một loại ý kiến cho rằng trong điều kiện thuận lợi như thế này thì trong những năm trước mắt có thể giành được thắng lợi. Do đó, mình đề nghị các anh em ở trong ấy suy nghĩ xung quanh vấn đề đấu tranh chính trị, vấn đề bầu cử Quốc hội. Đấy, xin các ông suy nghĩ, theo dõi và đóng góp ý kiến.
Ngoài ra tôi cũng đã đề nghị các anh em ở ngoài này là khi các ông tham gia đấu tranh thì vấn đề phê phán, lên án ông Hồ thì xin các ông gác lại cho. Quyền nhận xét về ông Hồ thì đó là quyền của mỗi người, nhưng trong đấu tranh chính trị hiện nay, để cho các tầng lớp nhân dân có thể tham gia cùng đấu tranh thì phải tạm gác lại vấn đề phê phán ông Hồ. Đối với đảng Cộng sản thì nếu phê phán những cái hiện nay thì cứ phê phán nhưng tránh phủ nhận tất cả công lao của Đảng trong chiến tranh giải phóng trước đây vì như thế sẽ không có lợi trong vấn đề tập hợp lực lượng.
Đấy, tôi đã phát biểu quá 30 phút rồi, vậy xin ông Hà Sĩ Phu, ông Bùi Minh Quốc suy nghĩ, rồi một tuần nữa các ông phê phán lại tôi (cười). Được không? Có nghe rõ không?…Tốt rồi! ..
Hà Sĩ Phu: Thưa anh Hồng hà, hôm nay được nghe anh trình bày những ý kiến rất là thú vị. Trước hết tôi thật ngạc nhiên vì ở tuổi anh mà sự suy nghĩ còn hệ thống, mạch lạc, chính xác như thế thì đã ít có rồi, nhưng điều lạ nữa là khả năng diễn đạt sao vẫn còn lưu loát, rõ ràng, sáng sủa như thế.
Về nội dung, anh đã đặt được ra những vấn đề căn bản để thảo luận, đã đưa ra những ý kiến cá nhân, trong đó có nhiều ý kiến mới và chính xác. Trên cơ sở đó, chắc chắn còn phải bàn luận, mở rộng, cụ thể hóa và phản biện nữa.
Nhưng để làm được việc đó, xin có 3 ý kiến đề xuất với anh thế này:
– Đề nghị anh văn bản hóa cho, đánh máy vi tính thành bài Text gửi cho anh em, để vừa nghe vừa đọc nữa. Những ý kiến góp của anh em có thể cũng viết thành bài, có thể ký tên thật hay bút danh, rồi tập hợp lại sẽ có thể có ích cho nhiều người. Tất nhiên có những vấn đề muốn hiểu đúng cần đọc “giữa các hàng chữ”.
– Về quy mô của sự thảo luận, ý anh định thế nào, chỉ giao lưu hẹp trong một số anh em thân tín hay định mở rộng ra đến đâu, xin anh cho biết.
– Trong những anh em có tấm lòng đối với sự dân chủ và phát triển đất nước thì từ trước tới nay chưa có sự trao đổi chung một cách hệ thống nào, nay anh khởi xướng việc trao đổi này là rất tốt. Nhưng công cuộc “dân chủ hóa và phát triển đất nước” này không phải nay mới bắt đầu từ đầu, mà cũng đã đi được một quãng khá xa rồi. Ngoài những ý kiến khá gần nhau như ý kiến của anh với chúng tôi thì cũng có những xu hướng rất khác. Sự nở rộ bên trong và bên ngoài vừa rồi có những mặt tốt, nhưng cũng có những xu hướng, những phương pháp có thể nói là sai lầm, gây tác hại. Vậy thái độ của những người có suy nghĩ đúng đắn phải ứng xử thế nào trước tình hình phức tạp đó, xin anh suy nghĩ trước để rồi có thể trao đổi.
Hồng Hà: Những ý anh nói vừa rồi hình như để động viên tôi, nhưng tôi nghe không được rõ, có thể vì phương tiện của anh tồi quá (cùng cười), vậy anh bổ sung vào rồi gửi ra cho tôi.
Hà Sĩ Phu- Bùi Minh Quốc: Vâng, cảm ơn anh Hồng Hà. Anh nhớ viết thành bài nhé!

Trang