Bảo Dân
Tìm hiểu và thống kê thói hư tật xấu để cùng tìm cách khắc phục là một nhiệm vụ góp phần xây dựng con người mới XHCN quyết không phải là nói xấu người Việt. Nhà văn Vương Trí Nhàn rút kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu đàn anh và cũng là tự lượng sức mình, ngay khi xác định đề tài, sớm đi vào sưu tầm tài liệu, tuyển chọn những nhận xét của các trí giả Việt Nam nói về thói hư tật xấu của người Việt… Theo đó, Nguyễn Trường Tộ là người Việt Nam đầu tiên nhìn dân tộc một cách khách quan, xem xét và đánh giá cộng đồng theo những tiêu chuẩn thế giới. Sau Nguyễn Trường Tộ, từ các nhà nho Tây học, là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà v.v... tới Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên... người nào cũng có đóng góp vào việc cảnh tỉnh, tức là việc vạch ra những thói hư tật xấu, để đưa cộng đồng bước vào giai đoạn lịch sử hiện đại.
Những cố gắng dựng lại chân dung người Việt xấu xí mà Vương Trí Nhàn thu thập được trải rộng ra trên đủ mọi phương diện. Vương văn nhân tổng hợp lại và chia thành một số cụm ý kiến như sau.
1. Ăn ở luộm thuộm, ăn xổi ở thì, vụng nói chuyện, nếp sống buông tuồng tùy tiện, a dua làm bậy, thị hiếu tầm thường, ham cờ bạc. Dễ tin nhảm, lòng tin sơ sài, biến thành mê muội. Quan niệm nông nổi về cuộc sống.
2. Bảo thủ, ngại thay đổi, cam chịu, đầu hàng hoàn cảnh, khiếp nhược trước những giáo điều ngoại nhập, suy đồi thoái hóa, hư vô trống rỗng. Bịp nhau chọe nhau, hay diễn trò, đạo đức giả, nhìn hàng xóm như kẻ thù, với người nước ngoài không thật lòng và đầy nghi kỵ.
3. Sống rời rạc, đèn nhà ai nhà nấy rạng, kém ý thức pháp luật, đặt quyền lợi riêng lên trên cái chung. Tinh tướng khôn vặt “ăn cỗ đi trước lội nước đi sau”, thực dụng, vụ lợi vặt vãnh. Không trọng chữ tín. Không có khả năng đặt mình vào địa vị người khác. Quan hệ với thiên nhiên cẩu thả, thiếu tinh thần hướng thượng và óc lãng mạn chân chính.
4. Dễ thỏa mãn, không chuyên chú học hỏi nghiên cứu; học không biết cách, chỉ giỏi học lỏm. Nội dung văn chương học thuật phù phiếm. Bằng lòng với tình trạng tự phát, không đặt trí óc vào công việc.
5. Tầm nhìn hẹp, không có nhu cầu hoàn thiện, không cái gì đi tới cùng. Tình trạng phi chuẩn kéo dài, không có khả năng tự sàng lọc, không hình thành nổi bộ phận tinh hoa, dìm dập níu kéo nhau trong tình trạng bảo thủ trì trệ.
Phải chăng đây là những nhận xét tổng quát có liên quan tới trình độ sống, trình độ làm người của dân ta, chính nó là nguyên nhân hạn chế chúng ta trên đường phát triển?! Lâu nay bạn đọc nghe nói đến cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương. Nhưng nên biết là trước đó, dân tộc tính của người Trung Quốc đã được các nhà chính trị, các nhà văn hóa, các trí thức hàng đầu đất nước này đề cập tới. Lương Khải Siêu bảo dân Tàu quen óc nô lệ chỉ biết vì mình, các thói xấu như ngu muội, nhút nhát lừa đảo, võ đoán giả dối... không gì là không có. Với Tôn Trung Sơn, người Trung Quốc trình độ kiến thức thấp, xã hội giống như một chậu cát rời. Lâm Ngữ Đường còn nói thẳng là đồng bào của ông xảo quyệt. Nghĩa là không nên hoảng sợ khi thử tìm cách gọi ra một số phẩm chất tiêu cực. Tất cả đều nên coi là những giả thiết để làm việc, nếu sau khi thảo luận chúng ta thấy rằng, một số nhận xét nêu ra là không đúng, ta sẽ phải tìm một công thức khác để diễn đạt, cốt sao nắm bắt chính xác đặc tính dân tộc.
Đầu tháng tháng 9 mới đây, một tờ báo mạng đặt câu hỏi với các chuyên gia, hiện nay, những thói hư tật xấu nào, những hạn chế nào của người Việt đang được đánh giá là nghiêm trọng nhất? Câu hỏi của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM là: Theo kết quả điều tra của trung tâm với sự tham gia của gần 6.000 người dân thuộc các tầng lớp, ngành nghề ở cả ba miền thì xếp hạng bệnh giả dối, nói không đi với làm là tật xấu nghiêm trọng nhất, chiếm 81,0%. Kế đến là bệnh thành tích 75,1%. Thứ ba là bệnh thiếu ý thức pháp luật 68,2%”.
Suy cho cùng, bệnh dối trá, bệnh thành tích là cùng họ tộc. Cố Nhà báo Hữu Thọ đã từng cho rằng, muốn không phải nghe những lời nói dối thì phải biết “rửa tai” để nghe lời nói thật.
Các chuyên gia chỉ ra, nếu có pháp quyền thực sự, quan cũng như dân đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, thì quan chức sẽ phải nghiêm túc hơn khi nói và làm, sẽ không còn dám “nói một đằng làm một nẻo”, quản lý sẽ minh bạch, xã hội sẽ đi vào nền nếp, niềm tin của dân chúng sẽ được khôi phục… Điều đó có nghĩa là ở đâu có dân chủ thực sự thì ở đó, sự dối trá của quan chức sẽ không thể hoành hành và ngược lại, nơi nào thiếu dân chủ, đó là mảnh đất màu mỡ cho sự dối trá lên ngôi.
Dối trá là thói xấu đáng sợ nhất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét