11 tháng 9, 2015

Cần thuốc cực độc để diệt tham nhũng

Tác giả: Thế Kha
 Thế thì lấy ai để… làm việc nhể? :
——–
Tham nhũng đang là trở ngại lớn ở Việt Nam so với các nước lân cận như Indonesia, Trung Quốc, thậm chí Campuchia
Tại buổi Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản” do Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 26-11, ông Giles Lever, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam, dẫn chứng: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam dù cải thiện nhưng chỉ có 18% người dân tin rằng tham nhũng đã giảm.
Bớt giao dịch trực tiếp giữa cán bộ và dân
Theo ông Giles Lever, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng tham nhũng đang là trở ngại lớn ở Việt Nam so với các nước lân cận như Indonesia, Trung Quốc, thậm chí Campuchia. Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia, ông Giles Lever nhấn mạnh: “Nhiều nơi “chuột” tham nhũng được nuôi quá lớn nên vừa ăn hết tài sản lại vừa làm “vỡ bình”.
Vì thế, cần một con mèo thật mạnh hoặc có thuốc chuột cực độc để diệt chuột, nếu không ta sẽ bị chuột đuổi khỏi nhà”.
Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính II Vũ Quốc Hảo bị tuyên tử hình trong vụ án khai khống thiết bị lặn từ 100 triệu đồng thành 130 tỉ đồng rồi chiếm đoạt Ảnh: PHẠM DŨNG
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết khảo sát mới đây của VCCI cho thấy hơn 50% doanh nghiệp được hỏi phản ánh phải chi trả chi phí không chính thức trong kinh doanh. Do đó, ông Lộc đề nghị cần sớm xây dựng mạng cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính thống nhất để cán bộ công chức không thể từ chối thực hiện các thủ tục khi có yêu cầu.
Đồng tình, đại diện Đại sứ quán New Zealand cho rằng Việt Nam cần giảm thiểu giao dịch dùng tiền mặt và phát triển mạnh các giao dịch điện tử, bớt giao dịch trực tiếp giữa cán bộ với người dân thì mới chặn cơ hội cho tham nhũng.
Chặn tiền tham nhũng chảy ra nước ngoài
Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế – Bộ Tư pháp, dẫn số liệu của VKSND Tối cao tính từ ngày 1-10-2010 tới 30-4-2013 cho thấy tổng tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng được xác định, phát hiện trên 17.000 tỉ đồng nhưng tổng giá trị tài sản thu hồi chỉ trên 5.000 tỉ đồng (khoảng 29,4%).
Thực tế nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản, theo ông Tú, là do các đối tượng phạm tội đã chuyển hóa tài sản tinh vi, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài.
Ông Tú cho hay cơ quan tình báo về tài chính của Việt Nam (Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định đã gửi những thông tin về giao dịch đáng ngờ và các tài liệu về tình báo tài chính khác đến những cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vụ việc nào về rửa tiền hay tham nhũng được xử lý dựa trên các nguồn này.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, kiến nghị cần tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, cần có biện pháp ngăn chặn từ trước, chứ không đợi tới khi người phạm tội tẩu tán tài sản hoặc tài sản chảy ra nước ngoài rồi mới tìm cách xử lý thu hồi vì sẽ rất khó khăn.
Người dân chưa mạnh dạn tố giác tham nhũng
Ông Võ Thái Nguyên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết sau khi tỉnh công bố chi tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng đối với mỗi tin tố giác tham nhũng, nhiều người dân đã gọi điện về đường dây nóng (055.3821237 hoặc 0913428304) của Ban Nội chính Tỉnh ủy để tố giác những hành vi tiêu cực, liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, phần lớn người dân chỉ gọi điện thoại vào đường dây nóng. Khi được yêu cầu cung cấp họ tên, địa chỉ rõ ràng để tạo thuận lợi cho việc phát hiện vụ việc, chi trả tiền báo tin, người dân chưa mạnh dạn cung cấp.
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bảo vệ tính mạng cho người báo tin là khâu quan trọng hàng đầu. Tuyệt đối khi có người báo tin tham nhũng, Ban Nội chính sẽ có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người báo tin.

Không có nhận xét nào:

Trang