9 tháng 9, 2015

Chủ nghĩa tư bản có gây nên nghèo đói hay không?

Chủ nghĩa tư bản bị đổ lỗi cho nhiều vấn đề ngày nay: nghèo đói, bất bình đẳng, thất nghiệp, thậm chí cả sự ấm lên toàn cầu. Như Giáo hoàng Francis đã nói trong một bài phát biểu gần đây ở Bolivia: “Chúng ta không thể chịu đựng hệ thống này được nữa: nông dân không thể chịu nổi nó, công nhân không thể chịu nổi nó, các cộng đồng không thể chịu nổi nó, các dân tộc không thể chịu nổi nó. Tự thân trái đất – hay Đất mẹ, như Thánh Francis từng nói – cũng không còn chịu nổi nó”.
Nhưng liệu vấn đề khiến Đức Francis bận tâm có phải là hậu quả của những gì mà Ngài gọi là “chủ nghĩa tư bản không kiểm soát” hay không? Hay bởi sự thất bại đáng ngạc nhiên của chủ nghĩa tư bản khi cố gắng thực hiện những gì ta mong đợi? Một chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy công bằng xã hội nên dựa vào chủ nghĩa tư bản được kiểm soát hay dựa vào việc xóa bỏ các rào cản ngăn chặn nó mở rộng?
Câu trả lời cho vấn đề ở Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, và châu Á rõ ràng là phương án thứ hai. Để giải thích điều này, ta nên nhớ lại cách mà Karl Marx hình dung tương lai.
Đối với Marx, vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản là tổ chức lại sản xuất. Sẽ không còn các trang trại gia đình, các xưởng thủ công, hay “đất nước của những tiểu thương,” như tên gọi mà Napoleon đã khinh bỉ đặt cho nước Anh. Tất cả các hoạt động tiểu tư sản này sẽ bị san bằng bởi những thứ tương ứng là Zara, Toyota, Airbus, hay Walmart ngày nay.
Kết quả là, các phương tiện sản xuất sẽ không còn thuộc sở hữu của người lao động, như ở trang trại gia đình hoặc xưởng thủ công, mà thuộc về “tư bản.” Công nhân sẽ chỉ sở hữu sức lao động của bản thân, thứ mà họ buộc phải đem trao đổi để lấy đồng lương ít ỏi. Dù sao thì họ cũng còn may mắn hơn “đội quân dự bị của người thất nghiệp” – một nhóm người nhàn rỗi, đủ lớn để khiến những kẻ khác lo sợ mất việc, nhưng đủ nhỏ để không lãng phí phần giá trị thặng dư có được nếu họ làm việc.
Khi mọi tầng lớp xã hội trước đây đều biến thành giai cấp công nhân, và mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay của nhóm nhỏ các chủ sở hữu “tư bản,” một cuộc cách mạng vô sản sẽ dẫn nhân loại đến một thế giới công bằng hoàn hảo: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu,” như câu nói nổi tiếng của Marx.
Rõ ràng, nhà thơ và triết gia Paul Valéry đã đúng: “Tương lai, giống như những thứ khác, sẽ không còn như nó đã từng.” Nhưng chúng ta không nên chế giễu tiên đoán sai lầm nổi tiếng của Marx. Bởi suy cho cùng, như nhà vật lý Niels Bohr từng gượng lưu ý, “Dự đoán là việc khó khăn, nhất là dự đoán tương lai”.
Giờ thì chúng ta đều biết rằng khi vết mực đang dần khô trên Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thì tiền lương ở châu Âu và Mỹ đã tăng dần trong suốt 160 năm, biến người lao động trở thành một phần của tầng lớp trung lưu, với xe hơi, các khoản thế chấp, lương hưu, và các lề thói tiểu tư sản. Các chính trị gia ngày nay hứa hẹn tạo ra công ăn việc làm – nói cách khác là tạo nhiều cơ hội để bị tư bản bóc lột – chứ không tìm cách tước đoạt các phương tiện sản xuất.
Chủ nghĩa tư bản có thể đạt được sự chuyển đổi này vì việc tổ chức lại sản xuất khiến năng suất gia tăng nhanh chưa từng có. Phân công lao động trong và giữa các doanh nghiệp, điều mà Adam Smith đã hình dung từ năm 1776 như là động lực tăng trưởng, sẽ tạo sự chuyên môn hóa giữa các cá nhân giúp cho toàn thể làm được nhiều hơn là từng bộ phận, và hình thành nên một mạng lưới trao đổi và hợp tác ngày càng lan rộng.
Một tập đoàn hiện đại sẽ có các chuyên gia trong từng khâu sản xuất, thiết kế, tiếp thị, bán hàng, tài chính, kế toán, quản lý nhân sự, hậu cần, thuế, hợp đồng, vân vân. Mô hình sản xuất hiện đại không chỉ là sự tích lũy nhà xưởng và phương tiện sản xuất của tư bản, và được vận hành một cách máy móc bởi các công nhân có thể bị thay thế. Thay vào đó, nó là một mạng lưới nhân lực được điều phối, gồm nhiều loại vốn nhân lực khác nhau. Ở các nước phát triển, chủ nghĩa tư bản đã biến gần như tất cả mọi người trở thành người làm công ăn lương, nhưng nó cũng giúp xóa bỏ đói nghèo và làm cho họ trở nên giàu có hơn những gì Marx có thể tưởng tượng.
Đây không phải là điều duy nhất Marx đã sai. Đáng ngạc nhiên hơn, tổ chức lại sản xuất theo kiểu tư bản chủ nghĩa dần dần biến mất ở các nước đang phát triển, khiến phần lớn lực lượng lao động nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ nghĩa tư bản. Các con số này thật đáng kinh ngạc. Trong khi chỉ 1 trên 9 người ở Mỹ là lao động tự do thì tỉ lệ này ở Ấn Độ là 19 trên 20 người. Chưa tới 1/5 số người lao động ở Peru là đang làm việc cho loại hình doanh nghiệp tư nhân mà Marx đã hình dung. Còn ở Mexico là khoảng 1/3.
Ngay trong nội bộ các nước, mức độ giàu có cũng gắn liền với tỉ lệ lao động trong các doanh nghiệp tư bản. Tại bang Nuevo León của Mexico, 2/3 số công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, trong khi ở bang Chiapas con số này là 1/7. Vậy nên chẳng ngạc nhiên khi thu nhập bình quân đầu người ở Nuevo León cao gấp 9 lần so với ở Chiapas. ỞColombia, thu nhập bình quân đầu người ở thủ đô Bogota gấp 4 lần ở Maicao. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi lao động tư bản ở Bogota cũng cao hơn 6 lần.
Tại đất nước Bolivia nghèo khổ, Đức Francis đã chỉ trích “ham muốn lợi nhuận bằng mọi giá, không quan tâm đến việc người dân bị đẩy ra lề xã hội hay tàn phá thiên nhiên,” cùng với “sự tin tưởng thô thiển và ngây thơ vào lòng tốt của những người nắm giữ quyền lực kinh tế và vào cơ chế vận hành được thần thánh hóa của hệ thống kinh tế hiện hành”.
Nhưng lời giải thích cho sự thất bại của chủ nghĩa tư bản này là chưa chính xác. Các công ty có lợi nhuận cao nhất trên thế giới đang không bóc lột Bolivia. Họ đơn giản là không hiện diện ở đó, bởi họ thấy rằng nơi này sẽ không sinh lợi nhuận. Vấn đề cơ bản của các nước đang phát triển là chủ nghĩa tư bản đã không tổ chức lại sản xuất và không cung cấp việc làm cho những nước hay những vùng nghèo nhất, đặt lực lượng lao động tại đó bên ngoài phạm vi hoạt động của họ.
Như Rafael Di Tella và Robert MacCulloch đã chứng minh, đặc trưng của các nước nghèo nhất thế giới không phải là sự tin tưởng một cách ngây thơ vào chủ nghĩa tư bản, mà là hoàn toàn không tin tưởng, dẫn đến sự can thiệp và điều tiết quá mức của chính phủ đối với doanh nghiệp. Trong những điều kiện như vậy, chủ nghĩa tư bản không phát triển và nền kinh tế vẫn cứ nghèo nàn.
Đức Francis đã đúng khi tập trung sự chú ý vào tình cảnh của những người nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, sự khốn khổ của họ không phải là hậu quả của chủ nghĩa tư bản không kiểm soát, mà là của chủ nghĩa tư bản bị kiểm soát một cách sai lầm.
/Nguồn: Ricardo Hausmann, 
“Does Capitalism Cause Poverty?”, Project Syndicate, 21/08/2015

Không có nhận xét nào:

Trang