14 tháng 9, 2015

Công chức, viên chức “giá” trăm triệu: Ai biết ma ăn cỗ lúc nào?

Tác giả: Quốc Toản
Giới phân tích cho rằng, có hiện tượng chạy công chức, viên chức, nhưng việc “bắt tận tay” không hề đơn giản…
“Công chức, viên chức giá trăm triệu”?
Thông tin nghi vấn Hà Nội có hiện tượng chạy công chức, viên chức “giá” cả trăm triệu đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo đó, hôm 10/9, nhiều tờ báo đăng tải thông tin nghi vấn “chạy” viên chức mầm non tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). 
Cụ thể, để có một xuất vào viên chức giáo dục mầm non tại huyện này, người có nhu cầu phải “đút” cho “cò” số tiền 200 triệu đồng, cùng với lời hứa “tỷ lệ đỗ tới 99,9%, nếu không sẽ được hoàn lại tiền”.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội rộ lên chuyện chạy việc “giá” trăm triệu.
Ảnh minh họa của Vũ Toàn
Trước đó (2012) tại cuộc thảo luận của Hội đồng Nhân dân thành phố về tổng biên chế hành chính 2013, ông Trần Trọng Dực – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, để đỗ công chức ở Thủ đô, số tiền người ta phải bỏ ra không dưới 100 triệu đồng.
Thông tin ông Trần Trọng Dực cung cấp những tưởng sẽ là cơ hội để làm rõ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ có tiêu cực trong việc thực hiện chính sách nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra rất…sạch sẽ (không có chuyện chạy công chức) của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trước nghi án “chạy” công chức không dưới 100 triệu đồng” tiếp tục thử thách lòng tin của nhân dân trước những thông tin không phải không có cơ sở.
Những con số có phần “khiêm tốn” về những trường hợp bị phát hiện, xử lý liên quan tới việc chạy công chức, viên chức”, có phản ánh đúng hiện tượng “chạy trọt” được cho là còn tồn tại trong các cơ quan công quyền ở nước ta.
Trong khi đó, một khảo nghiệm khác – Báo cáo chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2014) lại cho thấy kết quả ngược lại. 
Theo đó, có khoảng 50% người được hỏi cho biết phải “lót tay” để vào công chức…
Điều mà nhiều người biết (có hiện tượng chạy công chức, viên chức), tại sao cơ quan chức năng lại… không biết, không xử lý triệt để? 
Có bao nhiều công chức, viên chức trăm triệu chưa bị lộ?
Hôm 11/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số đại biểu quốc hội, chuyên gia cùng cho rằng có hiện tượng có hiện tượng chạy công chức, viên chức “giá” cao.
Tuy nhiên, việc đưa ra bằng chứng thuyết phục, “bắt tận tay” những người có hành vi tiêu cực không hề đơn giản.
“Dư luận xã hội bàn tán về chuyện chạy công chức, viên chức là có thật. Thực chất đây là hành vi đưa, nhận hối
lộ. Tuy nhiên, để xác định độ tin cậy của thông tin này là điều rất khó”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, trên thực tế số người bị phát hiện, xử lý trong việc “chạy” công chức rất ít. 
“Không có bằng chứng thuyết phục thì sẽ khó kết luận được rằng, việc chạy công chức, viên chức phải mất khoản tiền lớn.
Có cung, ắt có cầu. Người có nhu cầu, họ sẵn sàng bỏ tiền để “chạy” việc. Khi đã “chạy” được rồi thì người ta chẳng dại gì mà đi tố cáo để gây thêm rắc rối…
Mặt khác, người nhận tiền cũng phải tìm cách “ăn” cho khéo léo để khỏi bị lộ.
Cho nên mới có chuyện công chức, viên chức “giá” trăm triệu, nhưng chưa làm gì được do không có bằng chứng thuyết phục.
Do đó, việc phát hiện, xử lý tiêu cực trong việc “chạy” công chức, viên chức rất khó khăn”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích. 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, việc “chạy” công chức, viên chức không phải là hiện tượng mang tính phổ biến trong xã hội.
“Thực ra đây là chuyện vụng trộm giữa đơn vị tuyển dụng và người có nhu cầu. Nó chỉ là hiện tượng xã hội, chưa mang tính phổ biến.
Nói như vậy không có nghĩa là “làm lơ” với các hành vi tiêu cực này. Bởi lẽ, nếu phát hiện, nhưng không có biện pháp ngăn chặn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cảnh báo.
Trong khi đó, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, việc người ta phải “lót tay” để vào công chức… là chuyện tương đối phổ biến.
Tuy nhiên, để phát hiện hiện tượng tiêu cực trong việc chạy chọt, xin việc không hề đơn giản
“Điều này xuất phát từ suy nghĩ, tố cáo không mang lại lợi ích gì. Thủ tục tố cáo rườm rà hoặc họ không biết tố cáo như thế nào. Số khác thì lo sợ bị trù úm, trả thù…
Thay vào đó, người dân thể hiện thái độ trơ lì hoặc coi đó là tình trạng bất khả kháng đối với hiện tượng tiêu cực nói trên”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhận định.
Khu vực công vẫn “đắt hàng”?
Nhiều ý kiến cho rằng, tại khu vực hành chính công, có những vị trí tuyển dụng, lương thấp, khó đảm bảo nhu cầu cuộc sống nhưng người ta vẫn chấp nhận “chạy” để có một một môi trường làm việc ổn định, đồng thời không nằm ngoài mục đích “thăng quan, tiến chức”.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh: Báo Kiến thức)
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng, có sự “méo mó” trong tuyển dụng nhân lực tại khu vực công xuất phát từ thang đánh giá năng lực con người bị lệch chuẩn.
“Một xã hội có nền quản trị kém, rất dễ nảy sinh tiêu cực. Theo đó, thang đánh giá về năng lực, đạo đức của con người lệch chuẩn, thì việc dùng tiền để đạt được mục đích xin việc, thăng chức…là chuyện tương đối phổ biến.
Mặt khác, đừng tưởng người ta muốn đưa “quà” cho người khác để đạt được mục đích xin việc.
Thực tế có những người giỏi thực sự nhưng họ vẫn sợ không có chỗ đứng trong xã hội chỉ vì chuyện quan hệ, tiền bạc…nên họ mới phải làm thế.
Họ là “nạn nhân” trong hệ thống quản trị chưa lành mạnh”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh phân tích.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu giải pháp, để hạn chế tình trạng chạy trọt”, cần phải có sự thay đổi mang tính hệ thống.
“Đừng vội lạc quan cho rằng một thông tư, một nghị định, một phát biểu mang tính răn đe, có thể giải quyết được chuyện này.
Quan trọng là phải hoàn thiện các thang đánh giá về chuẩn mực đạo đức, về năng lực của con người một cách cụ thể, hoàn thiện việc phân công công việc một cách chuyên nghiệp, khi đó vấn đề “quà cáp”, chạy trọt sẽ hạn chế”, PGS. TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.

Không có nhận xét nào:

Trang