22 tháng 7, 2015

Tột cùng của sự bóc lột nông dân


Ôi, một 'sào khoán' mà phải đóng hơn chục khoản thu !
XUÂN HÙNG
Người nông dân Việt Nam thật là khổ, dưới thời phong kiến thì bị địa chủ, quan lại bóc lột, thời thực dân thì bị thực dân bóc lột. Câu chuyện chị Dậu phải đứt ruột bán con để lấy tiền đóng thuế cứu chồng trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố đã nói lên nổi thống cùng của người nông dân Việt nam trước cách mạng. Rồi những bài thơ, bài vè nói về chế độ thuế hà khắc như;"Các thứ thuế kể sao cho xiết/Thuế xí kia mới thật lạ lùng/Làm cho thập thất cửu không/Làm cho đau đớn khốn cùng không thôi".Chính vì hiểu được nổi khổ gánh nặng sưu thuế đó, nên sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mong muốn miễn giảm thuê Nông nghiệp cho Nông dân. Từ năm 2000 đến nay nhà nước cũng đã có nhiều chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp cho Nông dân. Nhưng đến nay ở nhiều nơi người Nông dân vẫn bị bóc lột, và trở nên bần cùng hóa.
Thời gian qua, báo Nông nghiệp Việt Nam cho đăng loạt bài phóng sự điều tra "Gánh nặng quê nghèo" với nội dung chính quyền nhiều xã ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lạm thu các khoản trái quy định. Số tiền lạm thu ở 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện lên đến 23.867.662.000đ. Đó là chưa kể các khoản thu chính ở các thôn, xóm. (Đọc thêm tại http://nongnghiep.vn).
Bà Lê Thị Hương (Thường Nga -Can Lộc- Hà Tỉnh) khóc 
khi kể về các khoản thu. Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam.
Ở thế kỷ 21, giữa thiên đường XHCN mà còn có cảnh người nông dân khóc vì phải đóng quá nhiều các loại thuế, phí, quả là chuyện không thể tin được, thật mà cứ ngỡ như bịa. Nếu không phải báo nhà nước đăng thì có lẽ nhiều người sẽ cho là do thế lực thù địch dựng chuyện, bịa đặt, vu khống để âm mưu chia rẻ đoàn kết này nọ.
Thật khủng khiếp, cán bộ địa phương một tay có thể che trời, pháp luật, công lý, đạo lý không có. Đến nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi đọc phóng sự trên cũng phải nhận xét; " Nơi đây cán bộ cấp xã có thể làm bất cứ điều gì để hành hạ người Nông dân: không còn tình yêu thương, không có một cái nhìn nhân văn". Sự việc đâu phải một hai năm mà kéo dài cả chục năm trời, dân kêu than cả một vùng quê mà không ai nghe thấy. Thủ đoạn tận thu không chừa một ai, từ em bé mới chào đời cho tới cả cụ già sắp chết. Nhiều gia đình chịu không nổi đành bỏ quê đi vào Nam kiếm sống, thậm chí có người còn nghĩ quẩn định tìm đến cái chết để có tiền nộp sản? #danluan
Đọc mà thương dân quá, cuộc sống hàng ngày đã phải đối diện với nhiều thứ thuế, phí, mà chính quyền địa phương còn tự đẻ ra các khoản thu trời đất để bóc lột dân nghèo.
Đây không chỉ là câu chuyện riêng ở Can Lộc (Hà Tỉnh) mà còn là tình trạng chung ở Nông thôn Việt Nam ngày nay. Vụ việc trên có thể còn diễn ra nhiều nơi, ở nhiều làng quê khác trên cả nước, nhưng mức độ khác nhau mà thôi.
Tôi là con người sinh ra trong gia đình cha mẹ điều là Nông dân, tôi hiểu được phần nào cảnh khổ của người làm nông. Nhớ, cứ mỗi khi đến mùa, lúa phơi còn chưa khô thì trên Xã đã loa nộp thuế. Đọc tên từng hộ, từng khoản nộp, nộp chậm thì bị phạt, không nộp, nộp thiếu thì ghi nợ, có nhiều nhà nợ năm này chồng nợ năm kia. Khi có việc làm giấy tờ gì, lên xã thì câu trước tiên được cán bộ hỏi là, đã đóng góp đầy đủ chưa, rồi dỡ sổ nợ ra xem. Có gia đình muốn vay 10 triệu ngân hàng về đầu tư làm ăn mà còn nợ thuế trên 10 triệu, lên xin giấy chứng nhận thì cán bộ nói nộp thuế mới đóng dấu, thế là bỏ luôn. Cạnh nhà tôi có một gia đình, nhà đông miệng ăn, ruộng thì ít, vụ nào lúa cũng bán non để nộp sản và đóng tiền lãi ngân hàng. Vụ nào cũng đi vay gối đầu về ăn, rồi lãi mẹ đẻ lãi con nợ lại thêm nợ. Có lần khi đến hạn mà không có tiền trả ngân hàng, bị cưỡng chế tài sản. Tài sản giá trị nhất là con bò (để cày bừa), cũng bị tịch thu. Khi anh cán bộ tới dắc bò thì mấy đưa trẻ chạy ra giữ lại, hai bên giằng co cái dây thừng, cứ kéo qua kéo lại.
Đi tiếp xúc cử tri thấy các vị lãnh đạo nói hay lắm, nào là quan tâm tới Nông nghiệp, Nông dân, nào là kế hoạch này kế hoạch kia, chính sách này chính sách kia để nâng cao đời sống Nông dân...các vị chỉ nói chuyện trên trời dưới đất thôi, trong khi đời sống thiết thực của dân thì không nghĩ. Xin hỏi, Khi các vị nâng ly bia mát lạnh có nghĩ tới những giọt mồ hôi mặn chát của nông dân trên cánh đồng giữa cái nắng 40 độ. Khi các vị ngồi xe hơi có nhớ tới đôi chân trần lội ruộng giữa cái lạnh của mùa đông. Khi các vị ăn đặc sản có nghĩ tới bữa ăn cơm rau của người nông dân. Khi các vị ở nhà lầu, ngủ điều hòa có nghĩ tới những con người nằm trong nhà tranh vách đất với chiếc quạt nan trên tay.
Ông Nguyễn Duy Lợi (phó chủ tịch hội nông dân) nói "Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có nghị định, chỉ thị nhắc nhở nhưng không hiểu sao họ vẫn vi phạm" hiểu sao là hiểu cái gì ? Không lẽ khi làm sai cứ xin lỗi, cứ rút kinh nghiệm là xong, hay là lại như ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của quốc hội) nói "Nhân dân mình rộng lượng lắm, lãnh đạo làm sai thì cứ chân thành xin lỗi dân một câu và thực hiện việc khắc phục những cái sai đó, nhân dân sẳn sằng tha thứ"
Là lực lượng quyết định làm nên thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945, nhưng 70 năm sau cuộc cách mạng ấy thân phận, đời sống người nông dân Việt Nam có gì thay đổi? Phải oằn mình làm để nuôi bộ máy 3 trong 1 (Đảng, chính quyền, đoàn thể). Họ dường như là nạn nhân trực tiếp của thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa, họ có thể trở thành vô sản bất cứ lúc nào. Trên Thế giới trừ mấy nước XHCN thì không biết có còn nước nào Nông dân lại khốn khổ như ở Việt Nam. Nhưng cũng không ở đâu người Nông dân lại cam chịu như ở Việt Nam.
Nhân dân là chủ của đất nước, họ đâu phải là những con ong chăm chỉ làm ra những giọt mật ngọt để nuôi các vị cán bộ - kẻ được coi là đầy tớ của dân. Những việc làm trên rỏ ràng đã vi phạm pháp luật, nếu xử lý không nghiêm, không dứt điểm thì sẽ để lại hậu quả khó lường.

Không có nhận xét nào:

Trang