Đó là khát vọng của người chiến sĩ xa nhà mong muốn được trở về đoàn tụ với gia đình. Là tiếng lòng của người mẹ bao năm ngóng chờ tin con, người vợ đón đợi tin chồng. Đó còn là khát vọng của người chiến sĩ may mắn trở về sau chiến tranh trong hành trình đi tìm đồng đội...Tất cả được tái hiện trong 5 lớp kịch dựa vào những câu chuyện có thật trên nền các tác phẩm âm nhạc kết hợp với những chia sẻ của thân nhân các liệt sĩ, thành viên các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (TKQT HCLS) tạo nên một chương trình giao lưu đầy cảm xúc, diễn ra tối 27-7, tại Hội trường Bộ Quốc phòng với chủ đề “Khát vọng đoàn tụ”. Chương trình do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1237 phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tổ chức; được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân đội tham dự giao lưu. Ảnh: VŨ QUANG THÁI
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu tại chương trình. Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Thị Khiết, Trưởng ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về TKQT HCLS; Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về TKQT HCLS; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đại diện các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: VŨ QUANG THÁI
Tham dự chương trình giao lưu còn có ngài Hun-phan-ny, Đại sứ Vương quốc Cam-pu-chia tại Việt Nam và đồng chí Phim-mạ-chăn-vong-phan-nha, Tùy viên Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.
Một thời đạn bom, một thời hào hùng
Phát biểu tại buổi giao lưu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với nước những tình cảm và lòng biết ơn sâu nặng, lời thăm hỏi ân cần thân thiết nhất (toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước đăng trong số báo hôm nay).
Phóng sự về Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh-liệt sĩ mở đầu Chương trình giao lưu nghệ thuật nói lên sự quan tâm của Người đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “... Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta .../... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...”. (Trích diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, ngày 5-1-1960).
Chiến tranh-Hai tiếng luôn kèm theo nó là những mất mát, đau thương của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc. Khi đất nước gặp phải họa xâm lăng, lớp lớp thanh niên Việt Nam kế tiếp nhau lên đường hành quân ra mặt trận. Lớp kịch “Trước giờ ra trận” tái hiện khung cảnh một đơn vị bộ đội chủ lực chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Các anh chia cho nhau từng lọ đựng thuốc penicillin và mảnh giấy nhỏ để ghi rõ tên, tuổi, quê quán, đơn vị phòng khi ngã xuống. Chiến tranh dẫu rất khắc nghiệt, nhưng với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", những người lính Cụ Hồ không những luôn thể hiện rõ tư tưởng tiến công để giành chiến thắng, mà họ còn rất chủ động chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất một cách nhẹ nhàng, bình thản. Thời gian như ngừng lại, cả hội trường xúc động, nghẹn ngào trước hình ảnh thi hài đồng chí Hòa (tên nhân vật) được an táng cùng chiếc lọ penicillin với ngôi mộ đắp vội và lời hẹn của đồng đội: “Hòa ơi! Mày nằm lại đây nhé. Chiến thắng, tao sẽ quay lại đón mày về với thầy u. Giờ chúng tao phải vào trận đây!”.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm hỏi, động viên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: VŨ QUANG THÁI
Bỗng chốc đâu đó trong hội trường có tiếng nấc nghẹn. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của các mẹ, các chị có mặt tại buổi giao lưu nghệ thuật này. Trong niềm xúc động nghẹn ngào, mẹ Tô Thị Roan (97 tuổi), ở Tây Ninh, Tiền Hải, Thái Bình nói với tôi: "Mẹ có 5 đứa con thì 4 đứa là thương binh và một đứa là liệt sĩ. Thằng Sở (liệt sĩ Nguyễn Hữu Sở) hy sinh năm 1969. 47 năm đã trôi qua, một nửa cuộc đời mẹ đã mong ngóng đón đợi tin con trở về, vậy mà ước nguyện ấy đến giờ vẫn chưa thành hiện thực".
Mong các anh trở về đoàn tụ quê hương...
Hòa bình lập lại, những người chiến sĩ may mắn trở về, nhiều người trong số ấy mang trên mình với bao vết thương, cùng lời hẹn ước trở lại tìm đồng đội. Và một lời hẹn ước của người chiến sĩ trở về chưa được thực hiện thì vẫn còn đó những người mẹ, người vợ ngày đêm ngóng đợi thông tin về phần mộ của con, của chồng. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác TKQT HCLS. Hiện cả nước có 20 đội TKQT HCLS chuyên trách do các đơn vị quân đội quản lý, đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt có ý nghĩa này cả địa bàn trong nước, cũng như trên nước bạn Lào, nước bạn Cam-pu-chia. Cùng với đó là sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các cựu chiến binh từng trải qua những năm tháng chiến đấu, biết được nơi an táng đồng đội của mình cũng đồng lòng, chung sức. Tất cả đều cùng chung ước nguyện: Được đón các anh về đoàn tụ với Tổ quốc, với quê hương, với gia đình...
Trên nền nhạc “Bài ca không quên”, khán giả thật sự xúc động với câu chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Văn Lệnh, 90 tuổi (quê Hà Nội). Bao năm qua vẫn chiếc xe đạp cũ, một ba lô buộc đằng sau đựng sơ đồ mộ chí, thư thân nhân các gia đình gửi, di ảnh liệt sĩ, cùng với cơm nắm muối vừng, chai nước lọc, chiếc khăn mặt quàng cổ, người cựu chiến binh già đã lặn lội khắp các nghĩa trang, trở lại những vùng chiến sự ác liệt năm xưa để đi tìm hài cốt các liệt sĩ. Với ông Lệnh: Còn sức khỏe, ông còn tiếp tục cuộc hành trình thực hiện lời hứa với những đồng đội năm xưa và cũng là để làm vơi đi phần nào nỗi đau của các bà, các mẹ; của mỗi người vợ liệt sĩ sau chiến tranh khi chưa biết hài cốt của con mình, chồng mình hiện đang ở đâu.
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: VŨ QUANG THÁI
Tham gia giao lưu, Thượng tá Nguyễn Văn Chính, Đội trưởng Đội TKQT HCLS K589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình gửi đến các mẹ, các chị và đông đảo khán giả lời hứa của thế hệ hôm nay trong hành trình đi tìm đồng đội. Theo đó, vượt lên tất cả những khó khăn, với tất cả trách nhiệm tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, nhân viên các đội TKQT HCLS vẫn miệt mài ngày đêm cần mẫn đối chiếu những thông tin trong hồ sơ lưu trữ, gặp gỡ nhân chứng và tiến hành TKQT được hàng vạn HCLS đưa về Đất Mẹ.
Sau tất cả những khó khăn, vất vả, chia sẻ về cảm xúc của mình khi tìm được hài cốt các liệt sĩ, Thượng tá Phùng Ngọc Phương, Đội trưởng Đội TKQT HCLS Bộ CHQS tỉnh Nghệ An nói: “Mỗi khi tìm được một bộ HCLS, cảm xúc trong chúng tôi thật khó diễn tả! Khi ấy, chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh những người mẹ ngồi bên mâm cơm ngóng đợi tin con suốt mấy chục năm ròng. Rồi những người vợ ngày ngày tựa cửa ngóng tin chồng... Chính những hình ảnh ấy càng thúc giục chúng tôi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ để đưa các anh sớm trở về với quê hương, với các mẹ, các chị...”.
Trực tiếp theo dõi chương trình, anh Nguyễn Văn Thu, ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, em trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân (hy sinh ngày 15-8-1968 tại Tiên Phước, Quảng Nam) cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" nói chung, công tác TKQT HCLS nói riêng. Anh Thu mong một ngày nào đó anh cùng gia đình cũng được hưởng niềm hạnh phúc “đoàn tụ” như bao gia đình liệt sĩ khác.
Đêm giao lưu khép lại bằng những hình ảnh buổi lễ truy điệu liệt sĩ, với đoàn tiêu binh quân phục chỉnh tề và người mẹ chống gậy chầm chậm bước từng bước cùng dân làng tiễn đưa anh bằng những ngọn nến tri ân. Và với tất cả sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng nhân dân cả nước, sẽ có nhiều hơn nữa những người mẹ, người vợ được hưởng hạnh phúc cả ngày "đoàn tụ"...
DUY THÀNH/qđnd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét