2 tháng 7, 2015

Điều gì còn bị che giấu phía sau 1 triệu bản kê khai tài sản?

Tác giả: Quốc Toản
KD: Thanh tra Chính phủ cho biết, trong số gần 1 triệu người kê khai tài sản, chỉ có 4 người không trung thực… (Quốc Toản)
Thật đáng mừng, trong XH còn đầy rẫy bệnh dối trá, thì trong 01 triệu bản kê khai tài sản, chỉ có 04 người không trung thực.
Nhưng mừng xong, mình lại ngẩn nơ tự hỏi: Các bác Thanh tra không nắm được gốc của đồng tiền các đối tượng thuộc diện kê khai, thì làm thế nào để biết họ trung thực hay không trung thực nhể. Có khác gì ngụ ngôn thầy bói úp voi xưa kia không. Úp được cái đuôi voi, đã nghĩ là ôm được cả con voi rùi :
—————
Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 về công tác chỉ đạo, điều hành. Theo đó tính đến ngày 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ. 
Kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai; 317.167 (đạt 32,4%) bản đã được công khai theo hình thức niêm yết; 662.129 (đạt 67,6%) bản đã công khai theo hình thức công bố.
Trong số 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Đáng chú ý, có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Thanh tra Chính phủ cho biết trong 6 tháng qua có 3 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đã xử lý kỷ luật 03 người (Cách chức 1 người; cảnh cáo 1 người; khiển trách 1 người).
Cũng theo đánh giá về kết quả phòng chống tham nhũng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc chỉ đạo điều hành trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn phức tạp…
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh. Ảnh: (Tá Lâm/Vietnamnet)
Vậy, những con số trên đã phản ánh đầy đủ tính trung thực, chính xác trong việc xác minh, kê khai tài sản, thu nhập, áp dụng cho đối tượng kê khai tài sản?
Hôm 30/6, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng nhận định, việc xác minh, kê khai tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng tỏ ra nghi ngờ về con số gần triệu người kê khai tài sản, chỉ có 4 người không trung thực.
“Hiện vẫn chưa có đủ cơ sở để chứng minh (bác bỏ) số
liệu về nhóm người (4 người) thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nêu trên là không chính xác.
Tuy nhiên theo tôi đây là điều khó tin. Bởi việc kê khai, xác minh tài sản hiện nay vẫn nặng tính hình thức. Không loại trừ trường hợp người ta kê khai, thống kê tài sản, thu nhập để lấy thành tích hơn là đi vào thực chất để tìm giải pháp khắc phục…”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho biết.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng cũng chỉ rõ hạn chế trong vấn đề xác minh, kê khai tài sản ở nước ta hiện nay.
“Hiện tại, cơ chế để tạo ra sự công khai minh bạch trong việc xác minh, kê khai tài sản, nhằm đảm thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng chưa được thể chế hóa một cách rõ ràng, cụ thể.
Chưa có các biện pháp mang tính chất căn bản để triển khai những nguyên tắc nêu trên”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh chỉ rõ.
Cũng theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, việc xác minh tài sản, thu nhập cần thực hiện một cách khoa học.
“Cần đi vào thực chất vấn đề kê khai, xác minh tài sản hơn là cách làm tràn lan, hình thức. Việc xác minh, kê khai tài sản chỉ nên áp dụng đối với những đối tượng cần thiết, vào thời điểm thích hợp”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.
Đề cập đến giải pháp nhằm thực hiện việc xác minh, kê
khai tài sản – một trong những biện pháp để chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng, cần công, khai minh thông tin trong việc xác minh tài sản, thu nhập của đối tượng được xác minh để người dân được biết, giám sát.
“Nên nhớ rằng, ba nguyên tắc: Công khai; minh bạch; và trách nhiệm giải trình đối với người dân là các yếu tố cơ bản của nền quản trị hiện đại trong một xã hội ít tham nhũng.
Việc khai tài sản phải đảm bảo tính khách quan như công bố rộng rãi cho nhân dân được biết.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cấp trên phải trả lời, giải thích xem tài sản đó như thế nào khi người dân có nhu cầu được biết. 
Còn nếu việc kê khai mang tính hình thức, tức là báo cáo cho nhau biết (nghe) thì chẳng có tác dụng gì.
Do vậy, để vấn đề xác minh, kê khai tài sản đem lại hiệu thực chất hơn, cần phải tăng cường hoạt động giám sát của các đoàn thể chính trị, các tổ chức quần chúng. Có như vậy thì người dân mới có quyền giám sát và phản biện…
Mặt khác, phải đảm bảo tính công khai và minh bạch (bầu cử, bỏ phiếu, kê khai tài sản…) nhằm đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật…”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh đề nghị.

Không có nhận xét nào:

Trang