Tình trạng đường mới xây bị lún diễn ra nhiều nơi. Ảnh TL.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2014 dự kiến sẽ công bố ngày 10-7 cho thấy hàng loạt các vấn đề yếu kém, buông lỏng lâu nay trong việc quản lý dự án đầu tư công vẫn hoàn toàn không được khắc phục.
Chẳng hạn, tình trạng hàng loạt dự án tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt lần đầu với số vốn rất cao. Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng 20.920 tỉ đồng, tăng 0,85 lần so với tổng mức đầu tư (TMĐT) phê duyệt lần đầu; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng, tăng 0,89 lần; Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng, tăng 0,5 lần; Dự án Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu tăng 6.096 tỉ đồng, tăng 0,8 lần; Dự án tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc (BT) tăng 1.183 tỉ đồng; Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ tăng 775 tỉ đồng....
Bên cạnh đó, không ít các dự án có điều chỉnh tăng quy mô mà vẫn được chấp nhận. Ví dụ như dự án đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc-Khả Phong (Hà Nam) tăng 122,2 tỉ đồng, bằng 3,8 lần TMĐT được phê duyệt lần đầu hay 30 dự án ở Lào Cai tăng 203 tỉ đồng, tăng 0,26 lần TMĐT được phê duyệt lần đầu.
Thậm chí Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, đến tháng 6-2014 tổng chi phí đầu tư vượt TMĐT 3.385 tỉ đồng nhưng Chủ đầu tư chưa trình Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh.
Trong khi đó, việc lập TMĐT với nhiều dự án ở Hà Nội cho thấy tình trạng ”vống” lên. Ví dụ, Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - đường Láng: TMĐT phê duyệt hơn 348 tỉ đồng, tổng dự toán được duyệt gần 224 tỉ đồng (giảm hơn 124 tỉ đồng); Cầu Nguyễn Chí Thanh - đường Kim Mã: TMĐT phê duyệt hơn 360 tỉ đồng, tổng dự toán duyệt gần 233 tỉ đồng (giảm gần 128 tỉ đồng); Cầu Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài: TMĐT phê duyệt 306 tỉ đồng, tổng dự toán duyệt 211 tỉ đồng (giảm 95 tỉ đồng).
Theo tinh thần của Chỉ thị 1792, các dự án không được khởi công mới nếu chưa bố trí được vốn. Song, có rất nhiều tỉnh vẫn khởi công các dự án mới: TPHCM 1.097 dự án; Quảng Ninh 262 dự án; Cao Bằng 302 dự án; Bắc Kạn 240 dự án; Lạng Sơn 229 dự án; Lai Châu 278 dự án; Phú Thọ 289 dự án; Vĩnh Phúc 293 dự án; Hà Nam 220 dự án; Hà Tĩnh 338 dự án; Quảng Nam 522 dự án; Phú Yên 322 dự án; Khánh Hòa 617 dự án; Ninh Thuận 208 dự án; Đăk Lắk 206 dự án; Đồng Nai 403 dự án...
Bên cạnh đó, nhiều nơi bị phát hiện vẫn phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, mà Chỉ thị 1792 của Thủ tướng đã yêu cầu. Đó là các Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (BOT); Dự án Thủy lợi, thủy điện Quảng Trị; Dự án mở rộng Trụ sở Cục Tần số vô tuyến điện; tỉnh Vĩnh Phúc (Dự án đầu tư xây dựng công trình Trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc, Liễu Trì mở rộng); các dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; một số dự án của TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Long An, Sóc Trăng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bình Thuận.
Trên đây chỉ là vài con số sơ lược từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Dù vậy, nó cho thấy Chỉ thị 1792, chỉ thị quan trọng nhất để tái cơ cấu đầu tư công, vẫn bị phớt lờ.
Chỉ thị 1792 đã xác định trách nhiệm của người đứng đầu các dự án đầu tư công nếu để xảy ra sai phạm, như Kiểm toán Nhà nước đã vạch ra ở trên.
Song, thực tế thì có mấy ai sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét