31 tháng 7, 2015

Hai người nói về người hai mặt

Tôi chưa được đi Campuchia dù nước này rất gần. Khi nào có tiền sẽ đi, mà chờ đến khi có tiền cũng hơi lâu. Nhưng tôi đọc nhiều, nghe nhiều, có biết về Campuchia, biết bên ấy có tượng Bayon lắm mặt. Hôm qua nghe bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thao thao bất tuyệt tại cuộc họp HĐND Sài Gòn, tôi nghĩ chả phải dạng người lắm mặt chỉ có ở Campuchia, liền viết trên Fb như thế này:
Tôi chả biết nói làm sao, nhưng bà Quyết Tâm của hội đồng cai trị Sài Gòn hôm họp quốc hội thì tranh luận ngoài hành lang với ông Đinh La Thăng hăng lắm, đòi bỏ phí xe máy, nghĩ cũng mừng. Ai ngờ hôm qua bà ấy lại cãi với nhiều vị đòi bỏ, cứ khăng khăng bảo là phải thu bởi chính phủ đã ban hành nghị định 38, nó còn có hiệu lực, dù vô lý vẫn phải thi hành, bao giờ chính phủ bỏ thì thành phố mới bỏ.
Hóa ra mình nhầm, cứ tưởng cái con người ấy biết nghĩ đến dân. Vậy mà lại đại biểu cho dân, mà là trùm đại biểu mới bỏ mẹ chứ.
Lúc sau, đọc trên Fb của ông bạn đồng nghiệp Ngọc Vinh, ông ấy còn phân tích ghê hơn, xin đưa về đây, nguyên văn:
Khi bà ấy "gào thét" trên diễn đàn quốc hội , đối chất với bộ trưởng giao thông đòi bỏ thu phí xe máy cho dân, mạng xã hội đầy những lời ca ngợi. "Tuân theo" thời sự, tôi có đặt anh em PV ngoài Hà Nội viết một chân dung chính trị về bà nhưng kết quả là: họ từ chối. Tại sao, tôi hỏi và đây là câu trả lời của họ: "Đó là người hai mặt, mị dân. Lúc nói thế này lúc nói thế khác, ko xứng đáng được viết".
Quả thật, bây giờ bà ấy "xoay trục" 180 độ, tích cực đề nghị TP.HCM thu phí xe máy của dân sao cho hiệu quả, trong khi các tỉnh thành khác người ta kiên quyết bỏ thu. Đúng là ko gì qua mắt bọn nhà báo được dù có che giấu giỏi cở nào. Trong cuộc chơi chính trị, giữ gìn phẩm giá và uy tín cá nhân là điều tối cần thiết để một chính khách có thể thành công và để lại dấu ấn tốt trong lòng công chúng. Nhưng rất tiếc bà ấy đã ko như vậy, cho nên bà ấy mãi mãi ko xứng đáng được có một chân dung đàng hoàng trên mặt báo!
Thật tội nghiệp, nhưng đó là điều luôn luôn công bằng với kẻ sống hai mặt, nói làm bất nhất!
Nguyễn Thông - Ngọc Vinh

Tiếp tục dùng hàng “made in China”

“…Sự kiện Phùng Quang Thanh, ông là thật hay giả nói sau, nhưng ông ta phải có mặt trong một buổi tối « Khát vọng đoàn tụ ». Cái tên thật là mập mờ và bí ẩn. Đoàn tụ năm 2020 à. Có thể lắm chứ. Nghe nói có cả khúc nhạc Tàu ở đó…”
Quan sát những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang ở trong rất nhiều trạng thái. Phần đông thật sự lo lắng không biết tương lai Việt Nam sẽ trôi về đâu. Phần thì lạc quan hơn vì nhận thấy đảng cộng sản Việt Nam đang ở bước đường cùng. Phần thì ngán ngẩm, lo ngại chuyên chính độc tài vẫn còn mạnh, kéo lê dân tộc này thêm một thời gian nữa.
Cứ như một chu kỳ, càng gần đại hội cuộc đấu đá nội bộ trong đảng càng trở lên căng thẳng và quyết liệt. Ngày xưa, nó chỉ thông qua các lời đồn đoán, xì xào. Thì nay, có thêm các trang Chân dung quyền lực, Nguyen Thuy Trang. Ngày xưa, đảng dẫn dắt dư luận. Ngày nay, đảng bắt đầu phải đối phó với dư luận.
Thông tin đã được rộng mở hơn bởi các trang CDQL và NTT. Dù nó được sử dụng vì lợi ích của một phe nhóm, nhưng nó mang đến cho ta thêm dữ liệu để phân tích, phán đoán, tìm hiểu những bí ẩn mà lâu nay đảng vẫn muốn che giấu : tính khốc liệt đến tàn nhẫn trong đấu đá nội bộ và yếu tố Trung Quốc đan xen trong các cuộc tranh giành không khoan nhượng đó.
1. Đấu đá nội bộ
Tranh giành quyền lực ở Việt Nam là cuộc đấu đá ngầm trong bóng tối. Dân không được bầu, trong đảng tự chọi nhau để lựa chọn. Do đó, trong đảng lúc nào cũng có một quyền lực ngầm nắm quyền chọn lựa đó.
Trước và sau 1975, khó ai có thể quên quyền lực khét tiếng của ông Lê Đức Thọ. Với vai trò là trưởng ban tổ chức trung ương, ông chi phối tuyệt đối trong việc lựa chọn lãnh đạo đảng và chính quyền. Sau đó đến Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu với việc thành lập tổng cục 2, một tổ chức tình báo trong quân đội, có thêm chức năng theo dõi các hoạt động của các quan chức cao cấp trong đảng và nhà nước. Từ đó, nó đã chi phối chính trường ở Việt Nam trong thời gian dài, thậm chí đến ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi ông đã là Thủ tướng, trong các cuộc gặp thân mật với cấp dưới, ông hay kể câu chuyện ông đã được lãnh đạo lựa chọn ngay từ lúc ông còn rất trẻ làm hạt giống lãnh đạo ra sao. Với ngụ ý đây là sự lựa chọn sáng suốt, ông đã tự cho mình ý thức khai thác và gìn giữ khi quyền lực đến tay. Những kinh nghiệm như vậy đã rèn cho giới lãnh đạo một kỹ năng ngày càng hoàn thiện để vào sâu, vươn cao và ảnh hưởng lâu dài.
Những kỹ năng đó có thể gói gọn trong cụm từ « bản lĩnh lãnh đạo » được sử dụng trong bài : Bản lĩnh của lãnh đạo Hà nội qua vụ chặt cây xanh, trên trang Nguyễn Tấn Dũng. Khoan chưa phân tích sự đấu đá mà tập trung vào xem bài báo liệt kê những kỹ năng một nhà lãnh đạo Việt Nam, đó là : công thủ vẹn toàn trong phát ngôn; Biến việc to thành việc nhỏ, biến việc quan trọng thành việc không đáng quan tâm; đánh bùn sang ao, đánh tráo khái niệm, làm chệch hướng dư luận; Quá mù ra mưa hoặc làm chìm vấn đề trốn tránh trách nhiệm… Bài báo tỏ ra rất hiểu đối phương nhưng chứng tỏ nó đã được đúc kết rất công phu từ thực tế chính trường Việt Nam.
Tính khốc liệt đến tàn nhẫn trong cuộc đấu đá nội bộ là việc cứ gần đến mỗi đại hội lại hay xảy ra những cái chết bất ngờ. Khỏi cần liệt kê dẫn chứng. Nhưng điều đó cho thấy, thứ « truyền thống » này đã thành nếp. Gạt bỏ nhau bất kỳ thủ đoạn, kể cả thanh trừng nếu có cơ hội.
Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị đều là những ca hớ hênh, chưa đủ « bản lĩnh », đành lãnh trọn hậu quả. Chắc họ chưa thấm bài học « phút thứ 90» hoặc bài học : trong cuộc đấu súng tay ba, kẻ bắn kém nhất dễ thành người duy nhất sống sót. Hoặc giả họ không có những người chống lưng đủ mạnh để đối phó với đối phương.
Văn hóa loại bỏ nhau có ở các cấp, càng lên cao càng khốc liệt. Ở cấp thấp, đó là kỹ năng sống sót. Ở cấp cao, đó là mánh khóe vươn cao. Kỹ năng này ngày càng hoàn thiện tạo ra « bản lĩnh lãnh đạo » rất đặc sắc ở Việt Nam. Một số bước thường thấy: tìm ô dù, chỗ chống lưng; tạo phe cánh, phân hóa cô lập đối phương; tìm sơ hở dìm đối phương, tạo thanh thế; cuối cùng là cài cắm con cái và họ hàng để duy trì ảnh hưởng lâu dài.
Hãy nhìn những bức ảnh mà lãnh đạo cao nhất Việt Nam chụp chung với nhau trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy họ đứng cùng nhau đấy, nhưng mỗi người một suy nghĩ, một tính toán, một mưu mô. Họ đang đồng lòng ở bề ngoài, nhưng bên trong họ gườm gườm nhau kinh lắm đấy.
2. Yếu tố Trung Quốc trong đấu đá nội bộ
Đôi khi lịch sử lập lại những tình huống hao hao giống nhau. Tình trạng nội bộ đảng hiện nay đang có những diễn biến tương tự như đã từng xảy ra trước khi có Thành Đô. Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh không phải là không có những ý kiến phản đối. Chẳng qua, các ông đã làm ra Thành Đô vì các ông mạnh hơn và đã thắng thế phe phản đối.
Chúng ta thường có thói quen chia nội bộ thành hai phe: phe thân Trung Quốc và phe thân Phương Tây và Mỹ. Thật ra, kể cả giai đoạn trước Thành Đô và hiện nay, nội bộ đảng chưa có phe thân Phương Tây rõ rệt. Do vậy, ở cả hai thời kỳ, phân loại hay nhất có lẽ là: phe thân Trung Quốc và phe nói không.
Ở Thành Đô, phe muốn dựa vào Trung Quốc đã thắng. Hiện nay, hai phe vẫn đang còn căng thẳng chưa ngã ngũ, nhưng dường như cán cân đang nghiêng về phe nói không.
Ở Thành Đô, nội bộ đã bị Trung Quốc thao túng gây ra sự phân hóa, mâu thuẫn giữa Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng. Thế và lực để ông Lê Đức Anh giành thắng thế với ông Nguyễn Cơ Thạch, không phải đến từ các cá nhân mà đến từ sự tiếp tay, nâng đỡ, can thiệp của Trung Quốc.
Phùng Quang Thanh trong buổi « Khát vọng đoàn tụ »
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang muốn nắm thật chặt quân đội Việt Nam. Lực lượng duy nhất có thể đe dọa tầm kiểm soát của Trung Quốc đối với Việt Nam. Sự kiện Phùng Quang Thanh vừa diễn ra nó mang cả hai mặt : mặt đấu đá nội bộ vì họ Phùng dường như là đối thủ nặng ký đang chạy đua đến chức tổng bí thư và mặt yếu tố Trung Quốc, phe nói không đã đồng tình với nhau đánh Phùng vì Phùng có nhiều bằng chứng vẫn muốn thân với Trung cộng.
Phải chăng lần này, Trung Quốc đã mất ảnh hưởng không còn có thể chia rẽ nội bộ Việt Nam. Điều đó chỉ đúng một nửa. Trong khi Bộ ngoại giao đã thuyết phục được ông Trọng đi Mỹ, xóa được đôi chút hình ảnh thân Trung Quốc của ông. Thì hình như chính ông lại muốn giữ lại nó trước con mắt người Trung, bằng cách ông ôm hôn quá mức thắm thiết ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Trung Quốc trong chuyến đi Việt Nam vừa qua.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đang giằng co, căng thẳng, nó mang thêm tính phức tạp vì yếu tố Trung Quốc đan xen. Sau Thành Đô, một trong những chiến lược của Trung Quốc là khống chế toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam, hầu như các bố trí về nhân sự trong đảng đều có yếu tố ảnh hưởng Trung Quốc.
Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch đã suy giảm nhưng không hẳn đã hết hoàn toàn. Há miệng mắc quai với Thành Đô, dễ gì lãnh đạo Việt Nam thoát khỏi vòng kiểm tỏa của Trung Quốc. Vòng vây dường như đang muốn khép chặt lại, từ biên giới Tây - Nam, từ mọi phía của tình báo Trung Quốc.
Sự kiện Phùng Quang Thanh, ông là thật hay giả nói sau, nhưng ông ta phải có mặt trong một buổi tối « Khát vọng đoàn tụ ». Cái tên thật là mập mờ và bí ẩn. Đoàn tụ năm 2020 à. Có thể lắm chứ. Nghe nói có cả khúc nhạc Tàu ở đó. Nếu ở đây cũng có yếu tố Trung Quốc nữa thì hẳn những bí ẩn made in China còn dài dài, như nó vẫn đang có ở Ba Đình.
Lịch sử đang chạy rất nhanh. Sắp tới sẽ là bước ngoặt. Thế giới bên ngoài đang chạy vù vù. Chúng ta đang quá tụt hậu. Con đường mà đảng dẫn dắt dân tộc bấy lâu nay chỉ là loanh quanh, luẩn quẩn. Nó bị giam trong các con ngõ « xã hội chủ nghĩa », không làm sao ra nổi để đi trên xa lộ « văn minh của nhân loại ».
Trong chiếc xe ôtô, có một số để xe lùi. Đã đến lúc sử dụng GPS « tiến bộ của loài người », gài số lùi, đưa xe chuyển hướng ra ngay xa lộ « văn minh của nhân loại». Rời xa những phố Tàu tăm tối, rời xa các con ngõ tắt tị « xã hội chủ nghĩa », nó chỉ đưa chúng ta sánh vai với bố con anh Ủn-Bắc Hàn mà thôi.
Đặng Xương Hùng

29 tháng 7, 2015

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Câu chuyện “giai thoại dòng họ cụ Hồ” này tôi đã nghe Giáo sư Trần Quốc Vượng nói hồi tôi làm học trò của ông, và cũng nghe nói một lần đến Mỹ ông đã kể chuyện này nên bị “đì” một thời gian. Nhà văn Sơn Tùng viết nhiều sách về cụ Hồ cũng nói chuyện này, nhưng cũng chỉ là nói chuyện hoặc viết thành bài rồi lưu truyền. Ở nước ngoài, người ta in chuyện này vào sách cũng đã lâu. Nhưng ở Việt Nam thì chuyện này chỉ lưu truyền không chính thức. Gần đây, lần đầu tiên tôi thấy một Website của Nhà nước công bố chuyện này, đó là Website của huyện Nam Đàn quê cụ Hồ: http://www.namdan.gov.vn/ . Đó là câu chuyện cụ Hồ mang họ Hồ (Quỳnh Đôi) chứ không phải họ Nguyễn Sinh (Kim Liên). Vì thế mới có chuyện ông Nguyễn Sinh Hùng (hồi còn làm Bộ trưởng Tài chính) và ông Hồ Xuân Hùng (hồi còn làm Chủ tịch Nghệ An) đã “bí mật” đưa mộ bà nội của cụ Hồ là bà Hà Thị Hy lên núi Động Tranh trên dãy Đại Huệ gần Lăng mộ mẹ cụ Hồ là bà Hoàng Thị Loan. Tôi nghe Hồ Xuân Hùng kể chuyện xây mộ bà Hà Thị Hy, và khi cùng đến thắp hương cho bà, Hồ Xuân Hùng đã nói với Nguyễn Sinh Hùng: “Tôi mới là cháu thật của Bác Hồ”…
Nay thì trong Gia phả họ Hồ, đã thấy ghi tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
NHỮNG GIAI THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH
TRẦN QUỐC VƯỢNG
“… câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa từng ai viết. Chỉ là lời truyền miệng dân gian… phạm vi lan truyền và số người biết câu chuyện này phải nói là hạn hẹp. Vì người ta SỢ.…
… Đến đây tôi sẽ khép (lại) bài kể lể đã khá dài dòng của mình bằng câu chuyện một người tuy có tên tưổi nhưng không lấy gì làm nổi tiếng lắm, hay đúng hơn cả là đã trở nên có tên tuổi nhờ gắn bó máu thịt với một người có tên tuổi (nhưng từ đầu đến cuối câu chuyện của tôi đều nói về các nhà Nho, các vị thái học sinh, tiến sĩ, bảng nhãn hay là phó bảng cả).
Đó là câu chuyện về cụ thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Nguyễn Sinh Huy.
Phó bảng là một học vị dưới tiến sĩ, chĩ mới xuất hiện ở Việt Nam từ đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (1830-31).
Trong một lá đơn bằng tiếng Pháp gởi Bộ Thuộc địa Pháp, Nguyễn Tất Thành (sau là Hồ Chí Minh) đã khéo dịch tên học vị của phụ thân mình là sous docteur [1] như ngày nay ta gọi là phó tiến sĩ.
Quê hương cụ, là làng Kim Liên, tên Nôm là làng Sen huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Nhưng đậu phó bảng rồi cụ đã làm Thừa biện Bộ Lễ ở Huế rồi Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Rồi bỏ quan (hay bị mất chức quan), cụ phiêu dạt về Sài Gòn, ngồi bắt mạch kê đơn ở tiệm thuốc bắc Hoa kiều, để có chút cơm rượu… Lại phiêu lãng nữa, tới miền Tây Nam bộ, và cuối cùng mất ở Cao Lãnh (Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Mộ cụ phó bảng được xây lại cuối năm 1954 sau sự kiện Genève tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam.
Người ta làm như thế vì cụ Hồ. Cũng như mộ bà Hoàng Thị Loan vợ cụ phó bảng và là thân mẫu Hồ Chí Minh mới được dời xây lại vài năm nay ở Nam Đàn, Nghệ An. Người ta làm thế cũng vì cụ Hồ. Hai ngôi mộ này, cũng như bản thân Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng Ba Đình, Hà Nội, đều hiện hữu ngoài ý thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Hồ vốn được xem là người giản dị, khiêm nhường…
Cũng đã có dăm cuốn sách nói về gia thế cụ Hồ Chí Minh, nhưng câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa từng ai viết.
Chỉ là lời truyền miệng dân gian, ở Kim Liên, Nam Đàn, ở một số người gốc Nghệ hiện sống tại Hà Nội và nhiều nơi khác trên mảnh đất Việt Nam. Nếu trong Folklore, có hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là lan truyền thì từ lâu câu chuyện này cũng đã lan truyền từ làng Kim Liên ra khắp huyện Nam Đàn rồi khắp tỉnh Nghệ An rồi rộng ra hơn nữa … Nhưng phạm vi lan truyền và số người biết câu chuyện này phải nói là hạn hẹp. Vì người ta SỢ.
Sợ động chạm đến cụ Hồ. Một cái sợ vô nghĩa nhưng người ta cứ gán cho nó cái ý nghĩa chính trị giả tạo. Vì như bà Trịnh Khắc Niệm viết trong cuốn truyện bằng tiếng Anh Life and Death in Shanghai, [2] đã được dịch ra tiếng Việt: Ở xã hội xã hội chủ nghĩa, cuộc đời của các lãnh tụ cộng sản được coi là “bí mật quốc gia”.
Nhưng đây không phải là chuyện cụ Hồ, tuy cũng có dính dáng đến cụ Hồ. Mà vì đây là chuyện cụ thân sinh ra cụ Hồ, cụ Nguyễn Sinh Huy, mà cũng là chuyện truyền miệng thôi, nghĩa là thuộc phạm trù giai thoại, Folklore, chứ không thuộc phạm trù lịch sử, như tôi đã nói từ đầu bài này.
Người dân Kim Liên đồn rằng Nguyễn Sinh Huy không phải là thuộc dòng máu mủ của dòng họ Nguyễn Sinh làng này. Mà là con của một người khác: ông đồ nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo.
Cử nhân Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (đây là quê gốc của Hồ Quý Ly, nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, đây cũng là quê gốc của anh em Tây Sơn thế kỷ XVIII, vốn họ Hồ ở xứ Nghệ, đây cũng là quê hương Hoàng Văn Hoan, người đồng chí thân cận một thời của cụ Hồ Chí Minh, được cụ Hồ giao phụ trách công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời kháng chiến chống Pháp và là Đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, hiện sống lưu vong ở Trung Hoa, có viết một tài liệu về lịch sử làng Quỳnh Đôi, quê ông. Bà vợ nhà văn lớn Đặng Thai Mai, người một thời làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ của cụ Hồ 45-46 rồi làm Viện trưởng Viện trưởng Viện Văn học, là Hồ Thị Loan, cũng thuộc dòng họ Hồ này ở làng Quỳnh Đôi). Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước (thế kỷ XIX) cử nhân Hồ Sĩ Tạo có thời gian ngồi dạy học ở một nhà họ Hà, người làng Sài, cùng một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, với làng Sen (Kim Liên). Đó là một nhà nghệ nhân dân gian, trong nhà có “phường hát ả đào”.
Nhà họ Hà có cô con gái tên là Hà Thị Hy, tài hoa, nhan sắc, đàn ngọt, hát hay, múa khéo, đặc biệt là múa đèn (đội đèn trên đầu, để đèn trên hai cánh tay, vừa hát vừa múa mà dầu trong đĩa không sánh ra ngoài) nên người làng thường gọi là cô Đèn. Người ta thường bảo: má hồng thì mệnh bạc. Như Đặng Trần Côn viết mở đầu khúc ngâm chinh phụ: “Hồng nhan đa truân” (Gái má hồng nhiều nỗi truân chuyên). Hay như Nguyễn Du than thở giùm người đẹp tài hoa trong truyện Kiều: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “Rằng hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”).
Và ở thời ấy, dưới chế độ quân chủ nho giáo, lấy tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương) làm gốc, người ta vẫn xem thường nghề ca xướng và con nhà ca xướng (“xướng ca vô loài”).
Cô Đèn, Hà Thị Hy tài hoa nhan sắc là thế mà rồi ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Mà trong nhà thì lại luôn có bậc văn nhân: ông cử Hồ Sĩ Tạo. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là lẽ thường theo tâm lý dân gian, huống chi là giữa văn nhân – tài tử – giai nhân. “Trai tài ggái sắc” mà! Và cô Hà Thị Hy bỗng dưng “không chồng mà chửa”. Mà ông cử Tạo thì đã có vợ, có con rồi! Lệ làng ngày trước phạt vạ rất nặng nề, sỉ nhục hạng gái “chửa hoang”, hạng “gian phu dâm phụ”. Để tránh nỗi nhục cho con gái mình và cho cả ông cử Tạo đang làm “thầy đồ” được hết sức kính trọng trong nhà mình, họ Hà phải bù đầu suy tính…
Lúc bấy giờ ở làng Sen cùng xã có ông Nguyễn Sinh Nhậm, dân cày, tuổi cao mà góa vợ (bà vợ trước đã có một con trai là Nguyễn Sinh Thuyết, và người con trai này cũng đã có vợ).
Nhà họ Hà bèn cho gọi ông Nguyễn Sinh Nhậm đến điều đình, “cho không” cô Hy làm vợ kế ông này, như một người con gái xướng ca, quá lứa, lỡ thì, lấy ông già góa vợ, mong ém nhém việc cô gái đã “to bụng”.
Công việc rồi cũng xong. Cô Hy ôm bụng về nhà chồng, có cưới có cheo cẩn thận. Việc phạt vạ của làng không thể xảy ra. Nhưng cô gái tài hoa nhan sắc thì bao đêm khóc thầm vì bẽ bàng, hờn duyên tủi phận. Và ông lão nông dốt nát tuy được không cô gái đẹp nhưng cũng buồn vì đâu có đẹp đôi, lại cắn răng chịu đựng cái tiếng ăn “của thừa”, “người ăn ốc (ông cử Tạo), kẻ đổ vỏ (cụ lão nông Nhậm)”. “Miệng tiếng thế gian xì xầm”, ai mà bịt miệng nổi dân làng. Mà trước hết là lời “nói ra, nói vào”, lời chì chiết của nàng dâu vợ anh Thuyết, vốn nổi tiếng ngoa ngoắt, lắm điều. Ông Nhậm đành cho con trai và vợ anh ta ra ở riêng, và mình ở riêng với bà vợ kế.
Chỉ ít tháng sau, bà vợ kế này đã sinh nở một mụn con trai, được ông đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, lấy họ ông mặc dù ông biết rõ hơn ai hết đó không phải là con ông, con nhà họ Nguyễn Sinh này. Nàng dâu ông càng “tiếng bấc, tiếng chì” hơn trước, vì ngoài việc bố chồng “rước của tội, của nợ”, “lấy đĩ làm vợ” thì nay còn nỗi lo”: Người con trai này – được ông nhận làm con, lớn lên sẽ được quyền chia xẻ cái gia tài vốn cũng chẳng nhiều nhặn gì của một gia đình nông phu thôn dã. Việc ấy xảy ra vào năm Quý Hợi, đời vua Tự Đức thứ 16 (1863).
Vì trọng tuổi, lại vì lo phiền, vài năm sau cụ Nhậm qua đời và cũng chỉ ít lâu sau đó, bà Hy cũng mất. Nguyễn Sinh Sắc trở thành đứa trẻ mồ côi. Lên bốn, về ở với người anh gọi là “cùng cha khác mẹ” mà thật ra là “khác cả cha lẫn mẹ”, cùng với bà chị dâu ngoa ngoắt, khó tính, lúc nào cũng chỉ muốn tống cổ cái thằng “em hờ” của chồng này đi cho “rảnh nợ”.
Không cần nói, ta cũng hiểu Nguyễn Sinh Sắc khổ tâm về tinh thần, khổ cực về vật chất như thế nào trong cái cảnh nhà Nguyễn Sinh như vậy. Ta cảm thấy vô cùng thương xót một đứa trẻ mồ côi sớm chịu cảnh ngang trái của cuộc đời. Bên ngoại thì ông bà đều đã mất, họ Hà chẳng còn ai chịu cưu mang đứa trẻ có số kiếp hẩm hiu này.
May có ông tú đồ nho Hoàng Xuân Đường, người làng Chùa (Hoàng Trù) gần đó, xót thương đứa trẻ, dù sao cũng là hòn máu rơi của một nhà nho khác, lại có vẻ sáng dạ, nên đã đón về làm con nuôi, cho ăn học. Và đến khi Nguyễn Sinh Sắc 18 tuổi, ông bà đồ họ Hoàng lại gả cho cô con gái đầu lòng, Hoàng Thị Loan, mới 13 tuổi đầu, cho làm vợ, lại làm cho căn nhà tranh ba gian ở ngay làng Chùa, để vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc ăn ở riêng.
Ta dễ hiểu vì sao Nguyễn Sinh Sắc gắn bó với họ hàng làng quê bên vợ, làng Chùa, hơn là với làng Sơn “quê nội”, quê cha “hờ”. Con cái ông, từ người con gái đầu Nguyễn Thị Thanh, qua người con trai đầu Nguyễn Sinh Khiêm (tục gọi là ông cả Đạt) đến người con trai thứ Nguyễn Sinh Côn (hay Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh) đều được sinh ra và bước đầu lớn lên ở làng Chùa bên quê mẹ hay là quê ngoại. Khi cụ Tú Hoàng (Hoàng Xuân Đường) mất, vợ chồng con cái Nguyễn Sinh Sắc lại về ăn ở chung với bà đồ Hoàng. Các cháu đều quấn quít quanh bà ngoại.
Qua giỗ đầu cụ Tú Hoàng, Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hương khoa Giáp Ngọ và đậu cử nhân (1894). Ông được nhận ruộng “học điền”, ruộng công của làng Chùa chia cho những người có học (nhằm khuyến khích việc học) để học thêm – chứ không phải nhận ruộng học của làng Sen. Khoa thi Hội Ất Mùi (1895), ông thi trượt.
Nhờ sự vận động gửi gấm của ông Hồ Sĩ Tạo, người cha thực của Nguyễn Sinh Sắc, với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được coi như ấm sinh, để được nhận vào học Quốc Tử Giám ở kinh đô. (Ai cũng biết: để được nhận vào học Quốc Tử Giám và làm giám sinh phải là con cháu của những gia đình có thế lực, gọi là “danh gia tử đệ”. Nếu không có sự can thiệp của ông Hồ Sĩ Tạo là bậc khoa bảng cao quan thì làm sao Nguyễn Sinh Sắc được nhận? Thế là dù sao Hồ Sĩ Tạo vẫn còn có một “cử chỉ đẹp” với đứa con mà mình không dám nhận). Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám. Khoa thi Hội Mậu Tuất (1898), ông lại trượt.
Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901) bà Hoàng Thị Loan ốm mất ở kinh đô Huế, sau khi sinh đứa con trai út (đứa con trai này ít ngày sau cũng chết). Nguyễn Sinh Côn (Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ngày sau) trở thành con trai út.
Nguyễn Sinh Huy đem hai con trai về làng Chùa gửi mẹ vợ nuôi nấng chăm sóc giùm rồi trở vào Kinh thi Hội. Khoa Tân Sửu (1901) này, ông đậu phó bảng và được “vinh quy bái tổ” về làng. Theo thể thức triều đình, lễ vinh quy này phải diễn ra ở quê nội, dù là quê nội danh nghĩa, tức là làng Sen – Kim Liên. Hội đồng hương lý và dân xã đã dựng nhà tranh năm gian (chứ không phải nhà ngói) trên một khoảnh đất vườn làng Sen, để đón quan phó bảng tân khoa Nguyễn Sinh Huy về làng.
Thế là buộc lòng ông phải về “quê nội”. Ông cũng đón hai con trai về ở cùng ông. Lần đầu tiên Nguyễn Sinh Côn (Hồ Chí Minh ngày sau) về ở quê nội nhưng thân ông, lòng ông vẫn hướng về quê ngoại là cái gì “đích thực” và gắn bó với tuổi thơ ông. Ông phó bảng có đến thăm cụ Hồ Sĩ Tạo.
Nhưng gia đình ông phó bảng cùng hai con trai cũng không ở lâu tại Kim Liên. Chưa đầy ba năm! Sau khi mẹ vợ mất, ông vào kinh đô nhận chức quan (1904) ở Bộ Lễ, đem theo hai con trai vô Huế học. Năm 1907, ông bị đổi đi Tri huyện Bình Khê … Rồi sau khi bỏ quan (hay mất quan), khoảng 1910, ông phiêu bạt vô Sài Gòn rồi Lục tỉnh Nam Kỳ. Không bao giờ ông về làng Sen trở lại nữa…
Ở làng Sen sau này, chỉ có bà Thanh và ông Cả Đạt (Khiêm), cả hai đều không lập gia đình riêng.
Người ta bảo lúc sau, khi cụ Hồ Sĩ Tạo đã qua đời, năm nào bà Thanh cũng qua Quỳnh Đôi góp giỗ cụ Hồ Sĩ Tạo. Thế nghĩa là cái “bí mật” về cội nguồn của cụ phó bảng Huy, trong số các con cụ, ít nhất có bà con gái đầu biết. Người ta bảo: ông Cả Đạt cũng biết, tuy không bao giờ ông sang Quỳnh Đôi nhận họ.
Còn Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành – có biết không? Từ khoảng 11 đến 14 tuổi, ông ở làng Sen, có nhẽ nào không ai nói cho ông biết? Hay là trước đó nữa, khi ông ở làng Chùa quê ngoại gần gặn làng Sen! Hay là sau đó nữa chả lẽ không khi nào cụ phó bảng Huy hay bà Thanh hay ông Cả Đạt lại không kể với ông về “bí mật” của gốc tích thân phụ mình?
Không có chứng cớ gì về việc ông Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – biết hay không biết chuyện này… Sau này, khi hoạt động cách mạng, ông còn mang nhiều tên khác nữa. Nhưng đến đầu thập kỷ 40 của thế kỷ này, thì người ta thấy ông mang tên Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, khi tên tuổi Hồ Chí Minh trở thành công khai thì cũng bắt đầu từ đó dân gian Việt Nam, từ trí thức đến người dân quê, lại âm thầm bàn tán: vì sao Nguyễn Ái Quốc lại đổi tên là Hồ Chí Minh? Và tên này cụ giữ mãi cho tới khi “về với Các Mác, Lê-nin” năm 1969.
Cuộc đời thực của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – còn quá nhiều dấu hỏi chứ phải đâu riêng gì một cái tên! Và biết làm sao được khi cụ Hồ, tôi nói lại một lần nữa theo cảm thức của người Ấn Độ, đã trở thành “huyền thoại”. Huyền thoại Hồ Chí Minh được hình thành trong vô thức dân gian mà Carl Gustav Jung gọi là vô thức tập thể. Nhưng nó cũng có phần được hình thành một cách hữu thức, bởi một số cán bộ gần gụi cụ Hồ. Nghĩa là một phần cuộc đời cụ Hồ đã được huyền thoại hóa.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, người ta còn in cả cuốn sách (mỏng thôi) về sấm Trạng Trình có những câu vận vào cụ Hồ và sự nghiệp Cách mạng tháng Tám. Và sấm Trạng Trình vẫn được vận vào cụ Hồ còn lâu về sau nữa, ở miền Nam Việt Nam và hiện nay ở một số người Việt lưu vong, dù là với hậu ý không ưa gì cụ Hồ… Nhưng đó lại không phải là chủ đề của bài viết này.
Trở lại với cái tên Hồ Chí Minh, lời truyền miệng dân gian bảo rằng: Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải cụ Nguyễn Sinh Nhậm.
Và dân làng Sen cũng bảo: Thì cứ xem, lần đầu tiên về thăm quê hương, sau cách mạng, sau mấy chục năm xa quê (15-6-1957), từ thị xã Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, cụ Hồ đã về làng Chùa trước, rồi sau mới sang làng Sen “quê nội”! [3]
Riêng tôi nghĩ, thì cũng phải thôi. Vì như ở trên ta đã thấy, cả một thời thơ ấu của cụ Hồ là gắn bó với quê ngoại làng Chùa, nơi cụ sinh ra và bước đầu lớn lên. Chứ đâu phải làng Sen, là nơi cụ chỉ ở có vài năm, lại là khi đã bắt đầu khôn lớn?
Tôi không muốn có bất cứ kết luận “khoa học” gì về bài viết này. Vì nó không phải là một luận văn khoa học. Đây chỉ là việc ghi lại một số lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh hay là cái khổ tâm, hay là cái “mặc cảm” của một số nhà trí thức Nho gia từ đầu thế kỷ XIV (Trương Hán Siêu, Chu Văn An) đến đầu thế kỷ XX (Nguyễn Sinh Huy) đối với làng quê. [4]
Còn viết lách, thì bao giờ chẳng là chuyện: “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”. (Viết không [bao giờ] hết lời nói, Lời nói không [bao giờ] hết ý!).
(trích: Trong cõi. Nxb Trăm Hoa, California, 1993, tr. 252-259)

Khâm phục và thương/ xót

Bùi Tín
Xin chớ ai bảo Đảng CS là một đảng độc đoán không dân chủ. Ngay sau khi cướp được chính quyền tháng 8 năm 1945, đảng CS đã đặt tên nước ta là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với ba tiêu đề đẹp đẽ là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Ông Hồ Chí Minh từng nói một câu cực hay, đã trở thành châm ngôn có giá trị cao đẹp : «Không có gì quý hơn Độc lập Tự do ». Ông còn nói rõ thêm «Nước nhà có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì».
Thế nhưng oái oăm thay, đã 70 năm, dưới sự cai trị của đảng CS, tự do bầu cử, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình vẫn còn là điều xa xỉ, cấm kỵ trong đời sống xã hội, chỉ tồn tại trên Hiến pháp, cất kỹ trong bảo tàng, thư viện, tủ sách, là những hàng chữ chết, chỉ để trang trí cho chế độ toàn trị. Vẫn theo nếp «dân chủ trên giấy» như thế, cứ đến mỗi kỳ đại hội đảng, Bộ Chính trị lại nhũn nhặn, lịch sự mời toàn đảng và toàn dân tích cực tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng và thẳng thắn góp ý vào các dự thảo văn kiện sẽ trình đại hội, trong đó quan trọng nhất là Bản Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương kiểm điểm tình hình mọi mặt 5 năm qua, đề ra định hướng cho 5 năm, 10 năm tới. Bộ Chính trị cam kết sẽ tham khảo, tiếp thu những ý kiến xây dựng để bổ sung, điều chỉnh các văn kiện,làm cho văn kiện đại hội thông qua phản ánh đúng suy nghĩ, nguyện vọng của toàn đảng và toàn dân. Nghe thật hay !
Vậy mà, đã qua hơn 10 đại hội,nếu so sánh dự thảo ban đầu với nghị quyết đại hội, ai cũng thấy không hề có thay đổi, bổ sung hay điều chỉnh gì đáng kể cả.
Năm nay sẽ có gì thay đổi chăng? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 7/7/2015 vừa qua đã nói với Tổng thống Brack Obama trong Phòng Bầu dục của Tòa Bạch ốc: «Nhân quyền và Dân chủ cũng là điều chúng tôi rất quan tâm». Theo dõi trên các mạng tự do, có thể thấy nhiều đảng viên trí thức có trình độ, tâm huyết công khai góp ý với các văn kiện Đại hội XII. Đây là những ý kiến rất quý, được nghiền ngẫm sâu sắc, rất đáng được trao đổi và tiếp nhận. Đó là những chính kiến, luận văn, góp ý của các ông Lê Công Giàu,Vũ Văn Thôn, Tống Viết Công, Lê Thân, Nguyễn Thu Giang, Tương Lai, Hà Tuấn Trung, Vũ Duy Phú… được đăng trên mạng Dân làm báo gần đây nhất.
Tổng Bí thư, 16 ủy viên Bộ Chính trị, 200 ủy viên Trung ương đảng… đã có ai chú ý đến những bản góp ý công phu, tâm huyết trên đây? Hay vẫn là thái độ kẻ cả, độc quyền chân lý, mục hạ vô nhân, khả năng lắng nghe vẫn là con số không ?
Tôi thực sự khâm phục ông Nguyễn Trung, từng gặp khi ông làm việc ở Bộ Ngoại giao, rồi làm Đại sứ ở Thái Lan. Ông là nhà trí thức năng động, ham tranh luận, đọc sách báo đủ loại, tư duy rất trẻ, khỏe, năm nay tròn 80 tuổi. Ông thực sự là trí thức dân tộc, yêu nước, thương dân, gạn dạ, từng cầm súng chiến đấu.
Có thể nói ông hiện là «Quán quân góp ý cho Đại hội đảng» tuy đã nghỉ hưu.
Gộp lại tất cả các luận văn, công trình ngiên cứu, tác phẩm góp ý có thể lên đến hàng ngìn trang, thành một cuốn tâm thư đồ sộ, hấp dẫn về nhiều mặt. Đáng chú ý nhất là các bài «Đừng bỏ lỡ cơ hội thảo Hiến pháp mới», «Lựa chọn của tôi», «Yêu nước: nói thật», «Chữ Tín», «Hiểm họa Đen», «Cải cách thể chế», «Hoàn thiện kinh tế thị trường», «Cùng nhau suy nghĩ», «Đổi mới Đảng», « Đại Hội XII: Lựa chọn gì?», «Câu trả lời cho năm 2015»… Ông cũng quan tâm theo dõi thời sự quốc tế để viết bài «Về bài diễn văn của Tổng thống
CHLB Đức», «Câu chuyện Myanmar». Đặc biệt là ông viết 2 tập tiểu thuyết
chính trị dài, nhiều tập Dòng đời và Lũ, gửi gắm tất cả suy tư chính trị của mình qua các nhân vật chính diện và phản diện mà chân dung có thật ngoài đời, với nhiều cuộc tranh luận chính trị sống động (có thể tìm đọc các tác phẩm này trên mạng Việt – Studies của nhà báo Trần Hữu Dũng). Tôi thực sự cảm kích về tấm lòng quý báu, trăn trở khôn nguôi trước tình hình
suy thoái của đất nước, về tài năng chính trị, văn học đa diện, về ý chí kiên trì
đấu tranh góp ý không hề mệt mỏi của ông Nguyễn Trung. Khi thì ông thuyết
phục bằng lý lẽ rành rọt, lập luận chặt chẽ, khi thì cảnh báo nghiêm khắc, thậm
chí có khi lên án phân minh «nếu không thức tỉnh để bỏ qua thời cơ vàng, một
mực phụ thuộc bành trướng, không giật mình thức tỉnh, lãnh đạo Đảng phản
bội lý tưởng của mình, phản bội nhân dân, có thể nói thành tội đồ của dân tộc». Ông Nguyễn Trung hy vọng ý tưởng của ông được lãnh đạo và toàn đảng, toàn
dân lắng nghe, trao đổi, thảo luận để có thể làm chuyển biến tình hình, nhất là
vào dịp Đại Hội XII sắp tới. Nhưng… thật đáng buồn khi phải viết đến chữ «nhưng». Nhưng trong Bộ
Chính trị, trong Ban chấp hành Trung ương, trong hơn 3 triệu đảng viên, trong
giới trí thức đảng viên và ngoài đảng, đã có ai quan tâm đến những trước tác
đồ sộ nói trên của ông? Lãnh đạo đã có ai hồi âm trả lời cho ông ? Hình như chỉ có Cụ già Nguyễn Khắc Mai trong tổ chức Minh Triết VN có bài đáp ứng lẻ loi. Tôi rất buồn và thương tiếc xót xa khi bao nhiêu công sức, tâm tư, trí tuệ của
một trí thức, hăng hái bền bỉ, tận tụy đến thế mà gần như rơi vào hư không, trở
thành công cốc, không có tác động gì đến lãnh đạo và đông đảo nhân dân.
Có lẽ giới trí thức nước ta trước thái độ ù lỳ, trơ như đá, tự thỏa mãn không
cần nghe ai hết của toàn thể lãnh đạo, chỉ còn một con đường là gia nhập các
tổ chức xã hội dân sự, dấn thân qua hành động, xuống đường cùng đông đảo
đồng bào, thành hàng ngũ có tổ chức trật tự chặt chẽ, biểu ngữ rõ ràng ngắn
gọn, đấu tranh bằng trái tim, ý chí, bước chân cùng nhau vững bước, miệng hô lớn… làm vũ khí hòa bình, ôn hòa mà linh nghiệm. Đó là con đường rất hiệu quả làm nên lịch sử của Mahatma Gandhi, của Nelson Mandela, của nhân dân Dresden, Leipzig, Berlin ở Đông Đức đã làm sụp đổ bức tường Berlin, là nhân dân Tunisia, Ai Cập mới đây.
Rất mong đông đảo bà con ta tìm đọc tác phẩm của nhà chính trị - ngoại giao, -
nhà văn hóa Nguyễn Trung và suy nghĩ vì sao lãnh đạo lại bỏ phí vô vàn trí tuệ,
tâm huyết quý báu như thế, để cùng ông Trung rời bỏ tháp ngà góp ý triền
miên vô vọng, chung sức tìm ra con đường đấu tranh có hiệu quả nhất, vì độc
lập cho dân tộc, an ninh công bằng xã hội và hạnh phúc cho toàn dân.

Điều cả cuộc đời con người truy cầu là gi?

Một cô gái người Hoa nhiệt tình giới thiệu cho chàng trai người Anh đến Trung Quốc dạy học, chàng trai hỏi cô gái một câu, khiến cô gái có chút choáng váng!
Tại một thị trấn nhỏ của nước Anh, có một chàng trai, kiếm sống bằng cách hát rong trên đường phố. Cũng ở khu đó, có một cô gái người Hoa, rời xa gia đình đến đó để làm thuê. Cả hai thường đến một nhà hàng nhỏ để ăn cơm, thế là sau nhiều lần gặp nhau họ đã trở nên thân thiết.
Một ngày, cô gái người Hoa nói với người thanh niên đó: “Đừng đi hát rong nữa, hãy làm một nghề nghiệp gì đó đi. Tôi giới thiệu cho anh đến Trung Quốc dạy học, ở đó, anh hoàn toàn có thể kiếm được nhiều tiền hơn công việc hiện tại”.
(Ảnh: internet)
Người thanh niên nghe xong, lúc đầu còn có chút bất ngờ, sau đó mới hỏi lại:“Chẳng lẽ công việc hiện tại của tôi không phải là một nghề nghiệp ư? Tôi thích nghề này, nó mang đến cho tôi và những người khác niềm vui, có gì là không tốt chứ? Tôi cần gì phải đi xa nghìn trùng, vứt bỏ người thân, vứt bỏ gia đình, đi làm công việc mà tôi cũng không thích?“
Ở bên nước Anh, bất kể là người già hay trẻ nhỏ, họ đều ngạc nhiên, họ không hiểu được tại sao chỉ vì để kiếm thêm được một chút tiền mà phải vứt bỏ người thân, từ bỏ hạnh phúc, có cái gì đáng giá vậy? Ở trong mắt họ, gia đình đoàn tụ, bình an yên ổn, đó mới là hạnh phúc nhất. Mọi người trong thị trấn nhỏ này đều cảm thấy rằng cô gái này quá là đáng thương.
Cả cuộc đời của con người, rốt cuộc là truy cầu điều gì?
Một thương nhân người Mỹ ngồi trên bến tàu của một làng chài nhỏ trên bờ biển Mexico, xem một ngư dân Mexico đang chèo chiếc thuyền nhỏ cập bến. Trên chiếc thuyền nhỏ có một vài chiếc đuôi cá Đại Hoàng và vây Cá Ngừ. Vị thương nhân người Mỹ này khen ngợi người ngư dân Mexico bắt được loại cá có giá trị cao như thế, và còn hỏi người ngư dân đã mất bao nhiêu lâu để bắt được số cá đó. Người ngư dân Mexico nói, chỉ một lát là bắt được từng đó rồi. Vị thương nhân người Mỹ lại hỏi, anh tại sao lại không nán lại lâu hơn một chút để bắt được thật nhiều cá hơn? Người ngư dân Mexico cảm thấy không cần làm như thế liền nói: “Số cá này là đã đủ cho người nhà tôi dùng rồi!”
Vị thương nhân người Mỹ hỏi: “Như thế thì thời gian trong ngày của anh còn rất nhiều, anh làm những việc gì?”
Người ngư dân Mexico giải thích: “Tôi à? Tôi mỗi ngày ngủ đến lúc hết buồn ngủ mới dậy, ra biển đánh bắt mấy con cá, sau đó trở về nhà chơi cùng các con, rồi ngủ trưa cùng vợ, lúc hoàng hôn đến, cùng với anh em uống chút rượu, chơi đàn ghi ta. Cuộc sống của tôi trôi qua vô cùng tốt đẹp.”
(Ảnh: internet)
Thương nhân người Mỹ cho rằng như thế là không tốt liền nghĩ kế giúp người ngư dân, anh ta nói: “Tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard tôi có thể giúp anh bận rộn hơn, mỗi ngày anh hãy dành nhiều thời gian đi bắt cá hơn, đến khi đó anh sẽ có tiền để mua một chiếc thuyền to hơn một chút, đương nhiên anh sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa, anh lại mua được một chiếc thuyền to hơn nữa, sau đó anh có thể có được cả một đoàn thuyền đánh cá”
Đến lúc đó anh không cần phải mang cá đi bán cho người buôn cá, mà trực tiếp bán cho cơ sở chế biến cá, sau nữa anh có thể mở một nhà máy chế biến đồ hộp, như thế anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, tiêu thụ. Sau đó anh có thể từ bỏ làng chài nhỏ này, chuyển đến Mexico, lại chuyển đến Los Angeles, cuối cùng là đến New York, ở đó xí nghiệp kinh doanh của anh sẽ không ngừng phát triển mở rộng.
Người ngư dân Mexico hỏi: “Điều này phải mất bao nhiêu thời gian đây?”
Vị thương nhân người Mỹ trả lời: “15 đến 20 năm”
Người ngư dân Mexico hỏi: “Vậy còn sau đó thì sao?”
Vị thương nhân người Mỹ cười lớn và nói: “Sau đó thì anh có thể ở nhà làm hoàng đế! Thời cơ thích hợp đến, anh có thể đưa cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần của Công ty anh cho dân chúng, đến lúc đó anh sẽ giàu có đấy, anh có thể có vài tỷ, vài tỷ đô la tiền lợi nhuận.”
“Tiếp sau đó nữa thì sao?”
Vị người Mỹ nói: “Cho đến lúc đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể đến bờ biển của làng chài nhỏ mà sinh sống, mỗi ngày ngủ đến tỉnh ngủ mới dậy, ra bờ biển bắt vài con cá, chơi cùng các con, lại cùng vợ ngủ trưa, lúc hoàng hôn, lại cùng anh em trong thôn uống chút rượu và chơi đàn ghi- ta.”
Người ngư dân Mexico nghi ngại nói: “Tôi hiện tại chẳng đúng là đang như thế sao?”
Gia đình hòa thuận, cuộc sống yên bình, chẳng phải đã là một loại thành công và hạnh phúc sao?
Theo daikynguyenvn.com

Báo Trung Quốc: Thủ tướng Việt Nam ‘nhắm’ ghế Tổng bí thư

lanh dao 2
Tin Đa Chiều - Đăng ngày: 4:25 PM - 28/01/201
Một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đăng bài bình luận cho rằng 2015 sẽ là năm căng thẳng chính trị ở Việt Nam trong khi chuẩn bị cho Đại hội thứ 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới, đồng thời nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài viết hôm 25/1, tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.
Tờ báo cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để khống chế sự lớn mạnh của Trung Quốc”.
Hoàn cầu Thời báo cho rằng 2015 sẽ là “một năm sống còn cho “cuộc chơi ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam”, và rằng trong năm nay, Trung Quốc “sẽ phải đối mặt với một tình thế còn căng thẳng hơn so với năm 2014” từ Việt Nam.
Ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam ở Quảng Châu, nói với VOA Việt Ngữ về tờ báo mà ông cho là phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc.
“Tờ Hoàn cầu Thời báo, theo như họ tự giới thiệu, thì nó là tờ báo con của báo Nhân dân. Những tin gì mà nó không đăng được trên Nhân dân nhật báo thì nó đăng ở trên Hoàn cầu Thời báo. Ví dụ chẳng hạn trên tờ Nhân dân Nhật Báo thì nó không bao giờ phê phán, chửi bới Việt Nam cả, nhưng mà tờ Hoàn cầu Thời báo thì nó đăng. Nó chửi mình, công kích mình, chả nể gì mình cả. Coi như phát biểu chính thức của Trung Quốc rồi đấy”.
Trong khi đó, luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định nhận định trên Facebook: “Nếu đúng báo Hoàn Cầu viết như trích dẫn, thì rõ ràng Bắc Kinh đang lo ngại sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Việt Nam sang phía Mỹ dưới quyền lãnh đạo đảng và nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vậy Thủ tướng đang trở thành mối đe doạ của Bắc Kinh chăng? Giọng điệu của báo Hoàn Cầu thể hiện điều đó”.
Trong khi đó, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung Dương Danh Dy cho rằng báo chí Việt Nam cũng nên đáp trả những tuyên bố của tờ Hoàn cầu Thời báo.
“Mình cũng đối đảng với họ mà. Báo họ phê phán mình thì báo mình đập lại, phê phán họ, thế thôi. Theo tôi, báo thôi, chứ chính quyền thì không cần thiết. Báo đáp lại là đủ rồi.”
Trong một bài phân tích công bố mới đây, chuyên gia về tình hình Việt Nam Carl Thayer cũng đã nhắc tới những đồn đoán ở trong nước về việc ông Nguyễn Tấn Dũng “có tham vọng trở thành Tổng bí thư kế tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Bài bình luận của Hoàn cầu Thời báo được đăng tải đúng vào ngày diễn ra hội thảo quy mô nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam.
Một người tham gia buổi hội thảo này, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng xu hướng phát triển chung của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ “tương đối rõ ràng và sáng sủa”.
Có hai lĩnh vực mà ông Lợi cho rằng phát triển nhanh thời gian qua giữa hai nước là thương mại và quốc phòng.
Khi được hỏi rằng liệu có phải những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ thời gian qua của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ, ông Lợi nói:
“Qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng rồi qua nhiều bình luận khác nhau thì chuyện đó cũng tương đối rõ. Nhưng mà điều cơ bản nhất của Việt Nam là làm sao để vừa chơi được với Mỹ mà lại không làm mất lòng Trung Quốc. Đó là một bài toán khó của Việt Nam. Chắc chắn đó là một phương châm chung để giữ một môi trường ổn định. Đó là mục tiêu quan trọng bậc nhất. Chơi với Mỹ mà lại làm cho tình hình căng thẳng hơn thì có lẽ phải xem xét một cách cẩn thận. Nếu mà không chơi với Mỹ mà vấn đề ở biển Đông lại căng thẳng hơn thì cũng là một vấn đề khó. Phương châm là thế nhưng phải linh hoạt trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể”.
Trong tháng qua, tờ Hoàn cầu Thời báo đã cáo buộc Bộ trưởng Giao thông Việt Nam Đinh La Thăng “tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc” sau khi ông “xạc” một nhà thầu Trung Quốc vì để xảy ra hai sự cố làm một người chết và ít nhất 3 người bị thương tại một dự án đường sắt trọng điểm ở thủ đô của Việt Nam.
Sau đó, Báo Giao thông Vận tải của Việt Nam đã lên án tờ báo của Trung Quốc “chính trị hóa” và “thổi phồng” vụ việc.
Theo VOA

Nhìn lịch sử và thực tế từ góc độ nào?

Bà mẹ VNAH và gia đình liệt sĩ bị chính quyền cướp đất trắng tay
khiếu kiện mãi vẫn không ai giải quyết!không thấu
Mình đọc bài "Đừng nhìn lịch sử và sự hy sinh qua lỗ đồng xu" của Nguyễn Văn Minh đăng trên báo Quân đội nhân dân ... Mình thấy nên bàn, vì vậy mình gửi bài này đến trang BVB đưa lên mạng cho anh em bàn.
Theo mình, giá trị của sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ ta vô cùng to lớn, cao cả đã mang lại độc lập, thống nhất đất nước - điều mà bao đời dân ta mong mỏi.
Sẽ không có, hoặc không tạo điều kiện cho những đánh giá trái ngược nảy nở, nếu như sau ngày đất nước thống nhất dân ta thực sự sum họp một nhà (ngay trong nhận thức hòa giải dân tộc, ‘gác lại quá khứ, hướng tới tương lai), thực sự được sống tự do, được làm chủ đất nước, kinh tế phát triển, đất nước và người dân giàu, mạnh. Không như hiện nay: Dân cày mất ruộng, công nhân làm thuê với đồng lương rẻ mạt - những người quyết định thắng lợi bị bần cùng hóa, việc thực hiện chính sach với những gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công không được thực hiện kịp thời, chu đáo, còn nhiều bất công và cả sự lợi dụng… Trong khi đó: Bộ máy lãnh đạo đảng, nhà nước các cấp, các ngành với ‘bộ phận không nhỏ’ đưa nhau "ăn" trên xương máu đồng bào, tham nhũng, hà hiếp nhân dân, đem quân đội, công an đi trấn áp dân để vơ vét làm giàu bất chính cho mình ... Những kẻ cầm quyền hà hiếp dân làm cho mọi người oán hận, làm cho uy tín của đảng lãnh đạo bị mất dần trong lòng dân. 
Chính chúng ta là những người hết đời cống hiến hy sinh cho dân, cho công cuộc lãnh đạo của đảng ( ngày xưa ) thấy thực trạng của hệ thống lãnh đạo, điều hành của đảng hôm nay cũng không khỏi buồn phiền, không khỏi lo lắng, không khỏi phẫn nộ ... Làm sao mà tránh khỏi nhiều người “nghĩ xấu” (thực chất là nghĩ đúng) về sự lãnh đạo của đảng hiện nay. Ngay trên đầu trang blog này, chủ trang đã trích đăng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì Độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.Cái lỗ khóa cần phải tra chìa để mở bung cánh cửa cho không khí, ánh sáng của nền độc lập, tự do thực sự chính là điều khảng định, lý giải trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vậy, tôi đâu có ngờ một nhà báo đã kỳ cựu của báo Quân đội nhân dân lúc nào cũng vung tay cao lên để hô khẩu hiệu rất quyết liệt, chỉ nhìn đời duy nhất “một màu hồng”, nay lại cố tình gán ghép, chụp mũ những người phê phán những tồn tại, yếu kém, chỉ thẳng ra những sai lầm của đảng là “ nhắm mắt trước thực tế, cách nhìn thiển cận, phiến diện, nhìn qua lỗ đồng xu”. Theo tôi, với cách viết báo chỉ nhắm che chắn, bưng bít sự thật, nịnh lãnh đạo, chỉ ‘ca ngợi một chiều’, không dám nhìn thẳng và nêu ra sự thật, chính tác giả Nguyễn Văn Minh đang ‘nhìn đời qua lỗ đồng xu’, qua lỗ khóa nhỏ hẹp bưng bít mọi sự thật. Phải không anh Bồng và đông đảo bạn đọc?
(Vũ Linh – Tây Hồ, Hà Nội)
* * *
Đừng nhìn lịch sử và sự hy sinh qua lỗ đồng xu
QĐND - Tháng Bảy, cả nước nặng lòng tri ân những người đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế mà, đây đó trên internet vẫn xuất hiện những lời lẽ lạc lõng, những cách nhìn lộn ngược, nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu với các luận điệu không thể chấp nhận như: Cuộc kháng chiến chống Mỹ thực chất chỉ là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, “nội chiến”, nếu khéo léo “tránh” chiến tranh thì đất nước đã hóa “Rồng”; phải xem lại hy sinh xương máu có xứng với hiện thực hôm nay…
Sự “cân đong đo đếm” đáng hổ thẹn
Trên một trang fanpage từ hải ngoại đã xuyên tạc lịch sử khi tung luận điệu cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ là cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” và những anh hùng, dũng sĩ, thương binh của chúng ta chỉ là những kẻ khát máu, “giết người mà được tặng huân chương”.
Chung dòng nước ngược ấy, họ tiếp tục tán dương các luận điệu cũ rích về cái gọi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cái gọi là “bên thắng cuộc”. Một nhà văn từng trải nghiệm chiến tranh nay lại “phản tỉnh”, cho sự hy sinh xương máu “của bên nào cũng như nhau”, không nên ca ngợi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng quá vì sẽ đau lòng các bà mẹ lính Việt Nam Cộng hòa. Họ còn trơ trẽn hô hào, kêu gọi lãnh đạo Đảng, Nhà nước hãy đến đặt hoa tưởng niệm tất cả những người chết vì chiến tranh thay vì chỉ viếng nghĩa trang liệt sĩ… Họ rêu rao: “Nếu vì một hậu chiến như thế này hôm nay, thì có đáng cho những hy sinh khủng khiếp như đã qua? Ta cũng phải từ hậu chiến mà nhìn lại chiến tranh”.
Họ quan tâm, ưu tiên, ghi công các bà mẹ liệt sĩ, thương binh như thế đấy!
Nhà văn Đông La, người từng có nhiều bài viết phản biện các quan điểm xét lại lịch sử đã gọi đó là “cái nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”. Còn Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người từng là lính quân lực Việt Nam Cộng hòa sau định cư tại Mỹ đã nhiều lần phản bác quan điểm “nội chiến”, “chiến tranh ủy nhiệm”. Theo ông, “đứng trên bình diện dân tộc thì cuộc chiến tranh Việt Nam có thể tóm gọn trong một câu: “Đó là cuộc tranh đấu giành độc lập và thống nhất cho nước nhà, theo truyền thống chống ngoại xâm trong suốt dòng lịch sử của Việt Nam, và đã thành công. Chấm hết!”. Ngay như ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”.
Vậy thì, không có gì phải nghi ngờ về sự hy sinh xương máu để giành tự do, độc lập. Đó là dòng chảy tiếp nối của lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta, một lịch sử mà năm xưa, chính nhà văn nay lội ngược dòng đã từng viết: “Từ trong đêm mờ xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình… Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu?”.
Biết ơn là lẽ sống
Đây cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi nói về sự hy sinh của những liệt sĩ, thương binh. Người viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào”… “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Lê-nin từng để lại một luận điểm bất hủ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Tự bảo vệ thành quả cách mạng còn bao gồm bảo vệ, trân trọng cả sự hy sinh xương máu của những người cống hiến cho Tổ quốc. “Không thể chấp nhận thành “Rồng” nhưng làm nô lệ”-Đó cũng là điều Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định khi trò chuyện với các đồng đội cựu tù binh vào dịp 30-4 vừa qua. Chủ tịch nước nói: “Để đổi lấy độc lập, đổi lấy tự do thì hàng triệu người chúng ta đã phải nằm xuống trên mảnh đất này. Chúng ta phải nói điều đó để nhắc nhở chính bản thân chúng ta, nhắc nhở con cháu chúng ta không được quên một điều rằng, muốn giữ vững độc lập tự do phải đổi bằng xương máu. Nhắc như vậy cũng để cảnh cáo ai đó cũng là người Việt Nam nhưng nói rằng, việc gì mà phải kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, không đánh đuổi đế quốc có khi đã trở thành rồng, thế tức là người đó muốn nói rằng, hãy cam tâm chịu nô lệ nhưng trở thành rồng lại hay hơn... Họ muốn “pha loãng” để rồi đổi trắng thay đen, chà đạp lên lịch sử dân tộc”.
Biết ơn những người hy sinh xương máu vì Tổ quốc cũng là lẽ sống của mọi dân tộc trên thế giới. Còn nhớ trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít gần đây, Tổng thống Nga Pu-tin có phát biểu xúc động về sự hy sinh của tiền nhân: “Cha ông chúng ta đã sống qua những tổn thất, mất mát và đau đớn khôn cùng. Họ vắt kiệt sức lao động trong giới hạn của con người. Họ thậm chí chiến đấu đến chết. Họ là tấm gương cho danh dự và lòng yêu nước thật sự. Chúng ta thể hiện lòng kính trọng, niềm biết ơn với tất cả những người đã chiến đấu cho mỗi con phố, từng mái nhà, từng mặt trận để bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta. Chúng ta nghiêng mình trước những người anh hùng hy sinh trong những trận chiến khốc liệt...”.
Cũng phải phân biệt rạch ròi giữa cái giá của sự hy sinh với hiện thực xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chúng ta không phủ nhận những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành, kiến tạo sự phát triển đất nước nhưng không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ vì những hạn chế, bất cập mà vội cho rằng, sự hy sinh là “vô nghĩa”. Ngược lại, cả nước đang dốc lòng, dốc sức thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa không ngừng chăm lo, cải thiện cuộc sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích lời anh Đặng Văn Quang, từng là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trên túi bom Quảng Trị chia sẻ trên mạng xã hội: “Ai đó đã từng viết: “Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Tôi thiết nghĩ đây là một cách nhìn thiển cận, phiến diện. Nhân dân ta làm nên chiến thắng, nếu không có sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân thì có đâu ngày thống nhất đất nước hôm nay. Nhưng từ trong sâu thẳm của lòng mình, trong hoàn cảnh hiện tại, trong chừng mực nào đó, tôi vẫn thấy những người làm nên kỳ tích anh hùng, đang có những thua thấm, thiệt thòi, mất mát hy sinh, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu, hậu quả của nó vẫn còn là gánh nặng. Đất nước đổi mới, chuyển mình, nhân dân chẳng những đã có cơm no áo ấm mà còn là cơm ngon áo đẹp. Những con đường, những cây cầu, những thành phố mới mọc lên… Thành quả đó được xây trên xương máu của bao người, trên sự mất mát đau thương không kể xiết của cả dân tộc. “Một tấc non sông, một dòng máu đỏ”. May mắn, hạnh phúc thay, chúng ta đang được sống trong hòa bình, những ai đã sống qua chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của nó. Hãy trân trọng giữ gìn môi trường hòa bình đã có hôm nay. Xin ai đó đừng lú lẫn, u mê tin lời xằng bậy để phỉ báng lịch sử, phủ nhận, phủi sạch sự mất mát hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân”.
NGUYỄN VĂN MINH

Tình hình chính trường Việt Nam

Quan sát những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang ở trong rất nhiều trạng thái. Phần đông thật sự lo lắng không biết tương lai Việt Nam sẽ trôi về đâu. Phần thì lạc quan hơn vì nhận thấy đảng cộng sản Việt Nam đang ở bước đường cùng. Phần thì ngán ngẩm, lo ngại chuyên chính độc tài vẫn còn mạnh, kéo lê dân tộc này thêm một thời gian nữa.
Cứ như một chu kỳ, càng gần đại hội cuộc đấu đá nội bộ trong đảng càng trở lên căng thẳng và quyết liệt. Ngày xưa, nó chỉ thông qua các lời đồn đoán, xì xào. Thì nay, có thêm các trang Chân dung quyền lực, Nguyen Thuy Trang. Ngày xưa, đảng dẫn dắt dư luận. Ngày nay, đảng bắt đầu phải đối phó với dư luận.
Thông tin đã được rộng mở hơn bởi các trang CDQL và NTT. Dù nó được sử dụng vì lợi ích của một phe nhóm, nhưng nó mang đến cho ta thêm dữ liệu để phân tích, phán đoán, tìm hiểu những bí ẩn mà lâu nay đảng vẫn muốn che dấu : tính khốc liệt đến tàn nhẫn trong đấu đá nội bộ và yếu tố Trung Quốc đan xen trong các cuộc tranh giành không khoan nhượng đó.
Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự 
Việt Nam tại Genève (Thụy Sĩ)
1. Đấu đá nội bộ.
Tranh giành quyền lực ở Việt Nam là cuộc đấu đá ngầm trong bóng tối. Dân không được bầu, trong đảng tự chọi nhau để lựa chọn. Do đó, trong đảng lúc nào cũng có một quyền lực ngầm nắm quyền chọn lựa đó.
Trước và sau 1975, khó ai có thể quên quyền lực khét tiếng của ông Lê Đức Thọ. Với vai trò là trưởng ban tổ chức trung ương, ông chi phối tuyệt đối trong việc lựa chọn lãnh đạo đảng và chính quyền. Sau đó đến Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu với việc thành lập tổng cục 2, một tổ chức tình báo trong quân đội, có thêm chức năng theo dõi các hoạt động của các quan chức cao cấp trong đảng và nhà nước. Từ đó, nó đã chi phối chính trường ở Việt Nam trong thời gian dài, thậm chí đến ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi ông đã là Thủ tướng, trong các cuộc gặp thân mật với cấp dưới, ông hay kể câu chuyện ông đã được lãnh đạo lựa chọn ngay từ lúc ông còn rất trẻ làm hạt giống lãnh đạo ra sao. Với ngụ ý đây là sự lựa chọn sáng suốt, ông đã tự cho mình ý thức khai thác và gìn giữ khi quyền lực đến tay. Những kinh nghiệm như vậy đã rèn cho giới lãnh đạo một kỹ năng ngày càng hoàn thiện để vào sâu, vươn cao và ảnh hưởng lâu dài.
Những kỹ năng đó có thể gói gọn trong cụm từ « bản lĩnh lãnh đạo » được sử dụng trong bài : Bản lĩnh của lãnh đạo Hà nội qua vụ chặt cây xanh, trên trang Nguyễn Tấn Dũng. Khoan chưa phân tích sự đấu đá mà tập trung vào xem bài báo liệt kê những kỹ năng một nhà lãnh đạo Việt Nam, đó là : công thủ vẹn toàn trong phát ngôn ; Biến việc to thành việc nhỏ, biến việc quan trọng thành việc không đáng quan tâm ; Đánh bùn sang ao, đánh tráo khái niệm, làm chệch hướng dư luận ; Quá mù ra mưa hoặc làm chìm vấn đề trốn tránh trách nhiệm…Bài báo tỏ ra rất hiểu đối phương nhưng chứng tỏ nó đã được đúc kết rất công phu từ thực tế chính trường Việt Nam.
Tính khốc liệt đến tàn nhẫn trong cuộc đấu đá nội bộ là việc cứ gần đến mỗi đại hội lại hay xảy ra những cái chết bất ngờ. Khỏi cần liệt kê dẫn chứng. Nhưng điều đó cho thấy, thứ « truyền thống » này đã thành nếp. Gạt bỏ nhau bất kỳ thủ đoạn, kể cả thanh trừng nếu có cơ hội.
Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị đều là những ca hớ hênh, chưa đủ « bản lĩnh », đành lãnh trọn hậu quả. Chắc họ chưa thấm bài học « phút thứ 90» hoặc bài học : trong cuộc đấu súng tay ba, kẻ bắn kém nhất dễ thành người duy nhất sống sót. Hoặc giả họ không có những người chống lưng đủ mạnh để đối phó với đối phương.
Văn hóa loại bỏ nhau có ở các cấp, càng lên cao càng khốc liệt. Ở cấp thấp, đó là kỹ năng sống sót. Ở cấp cao, đó là mánh khóe vươn cao. Kỹ năng này ngày càng hoàn thiện tạo ra « bản lĩnh lãnh đạo » rất đặc sắc ở Việt Nam. Một số bước thường thấy : tìm ô dù, chỗ chống lưng ; tạo phe cánh, phân hóa cô lập đối phương ; tìm sơ hở dìm đối phương, tạo thanh thế ; cuối cùng là cài cắm con cái và họ hàng để duy trì ảnh hưởng lâu dài.
Hãy nhìn những bức ảnh mà lãnh đạo cao nhất Việt Nam chụp chung với nhau trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy họ đứng cùng nhau đấy, nhưng mỗi người một suy nghĩ, một tính toán, một mưu mô. Họ đang đồng lòng ở bề ngoài, nhưng bên trong họ gườm gườm nhau kinh lắm đấy.
2. Yếu tố Trung Quốc trong đấu đá nội bộ.
Đôi khi lịch sử lập lại những tình huống hao hao giống nhau. Tình trạng nội bộ đảng hiện nay đang có những diễn biến tương tự như đã từng xảy ra trước khi có Thành Đô. Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh không phải là không có những ý kiến phản đối. Chẳng qua, các ông đã làm ra Thành Đô vì các ông mạnh hơn và đã thắng thế phe phản đối.
Chúng ta thường có thói quen chia nội bộ thành hai phe : phe thân Trung Quốc và phe thân Phương Tây và Mỹ. Thật ra, kể cả giai đoạn trước Thành Đô và hiện nay, nội bộ đảng chưa có phe thân Phương Tây rõ rệt. Do vậy, ở cả hai thời kỳ, phân loại hay nhất có lẽ là : phe thân Trung Quốc và phe nói không.
Ở Thành Đô, phe muốn dựa vào Trung Quốc đã thắng. Hiện nay, hai phe vẫn đang còn căng thẳng chưa ngã ngũ, nhưng dường như cán cân đang nghiêng về phe nói không.
Ở Thành Đô, nội bộ đã bị Trung Quốc thao túng gây ra sự phân hóa, mâu thuẫn giữa Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng. Thế và lực để ông Lê Đức Anh giành thắng thế với ông Nguyễn Cơ Thạch, không phải đến từ các cá nhân mà đến từ sự tiếp tay, nâng đỡ, can thiệp của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang muốn nắm thật chặt quân đội Việt Nam. Lực lượng duy nhất có thể đe dọa tầm kiểm soát của Trung Quốc đối với Việt Nam. Sự kiện Phùng Quang Thanh vừa diễn ra nó mang cả hai mặt : mặt đấu đá nội bộ vì Phùng dường như là đối thủ nặng ký đang chạy đua đến chức tổng bí thư và mặt yếu tố Trung Quốc, phe nói không đã đồng tình với nhau đánh Phùng vì Phùng có nhiều bằng chứng vẫn muốn thân với Trung cộng.
Phải chăng lần này, Trung Quốc đã mất ảnh hưởng không còn có thể chia rẽ nội bộ Việt Nam. Điều đó chỉ đúng một nửa. Trong khi Bộ ngoại giao đã thuyết phục được ông Trọng đi Mỹ, xóa được đôi chút hình ảnh thân Trung Quốc của ông. Thì hình như chính ông lại muốn giữ lại nó trước con mắt người Trung, bằng cách ông ôm hôn quá mức thắm thiết ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Trung Quốc trong chuyến đi Việt Nam vừa qua.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đang giằng co, căng thẳng, nó mang thêm tính phức tạp vì yếu tố Trung Quốc đan xen. Sau Thành Đô, một trong những chiến lược của Trung Quốc là khống chế toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam, hầu như các bố trí về nhân sự trong đảng đều có yếu tố ảnh hưởng Trung Quốc.
Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch đã suy giảm nhưng không hẳn đã hết hoàn toàn. Há miệng mắc quai với Thành Đô, dễ gì lãnh đạo Việt Nam thoát khỏi vòng kiểm tỏa của Trung Quốc. Vòng vây dường như đang muốn khép chặt lại, từ biên giới Tây - Nam, từ mọi phía của tình báo Trung Quốc.
Sự kiện Phùng Quang Thanh, ông là thật hay giả nói sau, nhưng ông ta phải có mặt trong một buổi tối « Khát vọng đoàn tụ ». Cái tên thật là mập mờ và bí ẩn. Đoàn tụ năm 2020 à. Có thể lắm chứ. Nghe nói có cả khúc nhạc Tàu ở đó. Nếu ở đây cũng có yếu tố Trung Quốc nữa thì hẳn những bí ẩn made in China còn dài dài, như nó vẫn đang có ở Ba Đình.
Lịch sử đang chạy rất nhanh. Sắp tới sẽ là bước ngoặt. Thế giới bên ngoài đang chạy vù vù. Chúng ta đang quá tụt hậu. Con đường mà đảng dẫn dắt dân tộc bấy lâu nay chỉ là loanh quanh, luẩn quẩn. Nó bị giam trong các con ngõ « xã hội chủ nghĩa », không làm sao ra nổi để đi trên xa lộ « văn minh của nhân loại ».
Trong chiếc xe ôtô, có một số để xe lùi. Đã đến lúc sử dụng GPS « tiến bộ của loài người », gài số lùi, đưa xe chuyển hướng ra ngay xa lộ « văn minh của nhân loại». Rời xa những phố Tàu tăm tối, rời xa các con ngõ tắt tị « xã hội chủ nghĩa », nó chỉ đưa chúng ta sánh vai với bố con anh Ủn-Bắc Hàn mà thôi.
Đặng Xương Hùng/

28 tháng 7, 2015

Hun Sen bất ngờ thừa nhận cạo sửa bản đồ là có ẩn ý

Tác giả: Ts Trần Công Trục
Hun Sen đã công khai vạch rõ thực chất của những “là bài chính trị bản đồ”, mặc dù những gì ông nói không phải là lời tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng thường thấy.
*Buồn cười quá, các trang mạng XH hôm nay lặng như tờ, sau chương trình của Tivi tối qua, có sự xuất hiện của ông ĐT Phùng Quang Thanh. Cái gốc của những dư luận râm ran bàn loạn lâu nay về ông ĐT, chính là vì thông tin u u minh minh, mặc dù các báo “lề phải” đăng tin, nhưng các trang mạng XH không tin ở những tin tức đó, mà vẫn thích bàn về…. tin đồn hơn. Bản chất là gì, là người ta mất niềm tin ngay với báo “lề phải” :
————
GDVN: Xung quanh những phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen liên quan đến biên giới Việt Nam – Campuchia và quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc giữa hai nước ông nói trước cuộc họp Nội các hôm Thứ Sáu 24/7, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ có một vài lời bình luận xin trân trọng gửi đến độc giả.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Là người đã tham gia đoàn đàm phán về biên giới với Campuchia ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi cho rằng Thủ tướng Hun Sen đã nói đúng sự thật về việc Campuchia cạo sửa bản đồ trước khi đàm phán với Việt Nam: “Tôi không làm gì sai về điều này. Khi các cán bộ có thẩm quyền của Campuchia nhận được chỉ thị của Hoàng thân Norodom Sihanouk năm 1964, họ đã chỉnh sửa bản đồ của Campuchia, lúc đó tôi chỉ mới 12 tuổi.”
Phát biểu của Thủ tướng Hun Sen đã phản ánh đúng thực tế của quá trình nghiên cứu, lựa chọn các mảnh bản đồ bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương in trước năm 1954 do 2 đoàn đàm phán cấp chuyên viên về biên giới Việt Nam và Campuchia thực hiện ngay từ khi hai bên đồng ý tiến hang đàm phán về biên giới.
Cụ thể là, phía Campuchia đã đưa ra 26 mảnh bản đồ dọc tuyến biên giới đã được cắt dán thành 3 mảnh lớn, trên đó có cạo sửa 7 khu vực, lớn nhất là khu vực Bu – phơ – răng. Phía Việt Nam đã kiểm tra 3 mảnh bản đồ lớn này và đã phát hiện chỉ có 5 mảnh là của Sở Địa dư Đông Dương in, 5 mảnh không xác định được Cơ quan in vì bị cắt dán, 16 mảnh do Campuchia in và tái bản.
Những mảnh bản đồ bonne bị cạo sửa là: 156w- 172w- 192w-201e- 219e-219w -218e. Việt Nam đã thẳng thắn trao đối với phía Campuchia về những phát hiện này, phía Campuchia cũng đã phải thừa nhận và cuối cùng hai bên đã thống nhất lựa chọn được 26 mảnh bản đồ bonne gốc để đính kèm Hiệp ước nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới năm 1983.
Từ tình hình nói trên cho thấy, thực chất của những mảnh bản đồ mà một số nhân vật thuộc đảng phái đối lập Campuchia CNRP đang sử dụng chỉ có thể là những mảnh bản đồ bị cạo sửa theo lệnh của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Vì vậy, có thể nói đó chỉ là những “lá bài chính trị” trong ván cờ quyền lực đang diễn ra hết sức khốc liệt ở Campuchia.
Chính Thủ tướng Hun Sen đã công khai vạch rõ thực chất của những “là bài chính trị bản đồ”, mặc dù những gì ông nói không phải là lời tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng thường thấy của những chính khách bản lĩnh mà chỉ là những lời phân bua, thanh minh đầy cảm xúc trước tình thế chính trị hiện nay của Campuchia.
Liên quan đế chủ quyền các đảo bao gồm Phú Quốc, thậm chí cả đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen nói: “Ở thời điểm đó, họ đã “bỏ rơi” đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc của Việt Nam) và Kampuchea Krom (tức người Khmer ở Nam Bộ, ViệtNam)…cho Việt Nam. Tôi không thể đòi lại được”.
Phát biểu này nếu quả đúng là do chính miệng ông Hun Sen nói ra thì phải chăng đây là một sự né tránh bị động trước sức ép của phe đối lập kích động cử tri chĩa mũi nhọn vào đảng cầm quyền CPP hiện nay? Hay đây lại là cách thức mà Thủ tướng Campuchia buộc phải sử dụng để làm “hài lòng” cho những thế lực đang áp dụng mọi thủ đoạn để hạ bệ ông? Hoặc phải chăng lời nói ấy xuất phát từ nhận thức theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy tại Campuchia?
Để trả lời những câu hỏi này không đơn giản một vài câu là xong, xin vui lòng đón đọc phần bình luận tiếp theo để thấy rõ quá trình xác lập chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như việc phân định chủ quyền các đảo và vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia một cách công khai, minh bạch, hợp pháp.

Bưng bít thông tin chỉ có hại !

- Tao giật dây thế nào thì Click chuột đúng thế, nghe chưa?!
- Tại sao chúng ta lại đề cập tới quyền tiếp cận thông tin tại thời điểm này?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Đúng ra phải làm sớm hơn. Chúng ta muốn đi vào xã hội văn minh tiến bộ hơn, toàn cầu hóa, thì Luật thông tin phải đầy đủ hơn để đề cao năng lực và quyền của người công dân. Chế độ của ta nhấn mạnh vai trò của Nhà nước. Ngày xưa quan lại chỉ thích cho ra từng thông tin tí một, có lợi cho mình, thế thì bây giờ cũng thế thôi. Sự đặc quyền đó tạo ra một xã hội lộn xộn, dễ tạo môi trường lợi dụng quyền lực để nhỏ giọt, buôn bán thông tin kiếm lợi.
- Ý ông là sự lợi dụng chiếm hữu thông tin để phục vụ lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân? Nó thể hiện như thế nào? gây ra những tác động như thế nào cho xã hội?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Có thể nhìn thấy rõ nhất là vấn đề quy hoạch đô thị. Thông tin quy hoạch mà không công khai đầy đủ, thường chỉ một nhóm biết, và họ làm điên đảo xã hội, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến đất đai.
- Đất đai nổi lên là vấn đề dễ dàng gây sự bức xúc, mất ổn định xã hội. Những vụ việc như Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết hay gần đây nhất là vụ máy xúc cán vào một người dân ở Hải Dương. Theo ông đâu là nguyên nhân chính? Có liên quan đến câu chuyện thông tin và chính sách không? 
Gs. Nguyễn Khắc Mai
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Sáng nay tôi đi khám bệnh ngồi bên cạnh gần một ông già, ông trò chuyện về người quay clip vụ Hải Dương. Một xã hội văn minh thì chính quyền phải tôn vinh những người ấy. Họ đã giúp làm sáng tỏ một sự thật mà do mình quản lý kém, mà mình không xử lý xong thì dân đã giúp. Một Đảng văn minh, một Nhà nước có văn hóa, một đội ngũ công chức đúng đắn sẽ biết ơn và tạo điều kiện cho nhiều người giúp tìm thông tin. Tuy nhiên hiện nay những người có công (ghi lại vụ việc) lại có nguy cơ trở thành người có tội, bị chính quyền xử lý.
- Thực ra chuyện này cũng khá là phổ biến: vụ gian lận thi cử Đồi Ngô, vụ trường Lương Thế Vinh…, em quay clip bị kỷ luật. Những trường hợp như thế nó thể hiện điều gì? Do chính quyền của chúng ta chưa tự tin, chưa biết cách đối diện khủng hoảng truyền thông, tư duy cố chấp, không tiếp thu… hay điều gì khác?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Hiện nay thể chế của mình được vận hành trong tổng thể củatư duy quân trưởng. Quân là người lớn sau thành Vua, quân trưởng trong nhà (gia trưởng), quân trưởng trong ông thầy, quân trưởng là ông hiệu trưởng; ở bên ngoài quân trưởng là anh công an, anh cấp ủy, bí thư... với tư duy: nếu thông tin không phải do tôi đưa ra là thông tin bậy bạ.
Khi nói đến Nhà nước là nói cả hệ thống cầm quyền, và người dân vì không có dân thì Nhà nước vô nghĩa. Các định nghĩa Nhà nước đều như vậy. Nhà nước , trong đó có dân phải luôn biết tôn trọng những cái gì mà dân đóng góp.Không phải vô duyên, vô lối mà ông Mác đã nói một câu rất hay, mà các nhà lãnh đạo và tuyên huấn của ta không muốn hiểu là “Nhà nước có cơ sở tự nhiển là gia đình, và cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự.”Câu hỏi của chị có liên quan đến triết lý nhà nước và pháp quyền của ta không chính xác.
- Theo quan sát của ông, trước nay những người có trách nhiệm đại diện cho Nhà nước hiểu và thực thi quyền tiếp cận thông tin của dân thế nào?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Về cơ bản họ hiểu rằng quyền thông tin là của họ. Người dân được họ ban phát. Ông thủ trưởng nào thiện chí thì cho thông tin rộng, còn lại là khép kín hoặc độc quyền. Đấy là cái tồn tại cơ bản. Luật này mình phải phá vỡ hiện trạng đó.
Nước mình có thể tiếp cận một triết lý mới: sự phối hợp tôn vinh giữa hai người Dân và Nhà nước, không có Dân thì làm gì có Nhà nước. Nhà nước hay Chính phủ là người dân nắm chính quyền, không thể tổ chức tách biệt với dân.Đấy là tư tưởng của Đông Kinh Ngĩa thục.
- Chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 70 năm độc lập và 30 năm đổi mới. Chứng kiến chiều dài lịch sử, ông nhận định thế nào về sự độc lập và đổi mới trong quá trình phát triển đất nước, thể hiện qua cái góc nhìn thông tin - truyền thông?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Hiến pháp 1946 rất tôn trọng tự do tư tưởng, tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận và quyền tự do thông tin. Khi ông Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Nội vụ, sau đó chuyển đến ông Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Nội vụ thì hai ông bộ trưởng này đã ký hàng loạt quyết định cấp giấy phép cho những tờ báo tư nhân. Chỉ cần đưa ra tên là gì, ai là người chủ bút, địa điểm đó ở đâu, trong 5 ngày có giấy phép. Tuy nhiên những thay đổi sau này của chúng ta đã không được như vậy nữa.
- Sự nở rộ Internet và mạng xã hội cho phép mọi người sử dụng đưa những thông tin trực tiếp tới công chúng như một nhà báo. Nhưng có vẻ như hệ thống quản lý của chúng ta vẫn chưa chấp nhận thực tế đó, chưa có một sự ứng xử tương xứng với sự phát triển đó. Qua vụ Hải Dương chẳng hạn, đại diện chính quyền vẫn nói rằng “không có chuyện máy xúc chèn qua người” bất chấp người dân quay clip đưa lên công luận. Có vẻ tư duy “tôi nói gì dân nghe đấy, tôi cho gì dân được đấy” được “gìn giữ” khá triệt để?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Thật ra thì tư duy ấy đã bắt đầu có chút thay đổi. Mấy ngày trước chính quyền Hải Dương tuyên bố và báo cáo cấp trên là “không có chuyện ấy”. Nhưng mà bây giờ họ phải ra lệnh buộc công an điều tra. Họ không thể nhắm mắt trước sự thật, ấy là tiến bộ, dù không phải là một tiến bộ có ý thức.
Giá như những người cầm quyền ý thức rõ ràng hơn, tiến bộ hơn, thì không bao giờ để xảy ra những chuyện như thế để luôn tạo ra sự đồng thuận.
- Cụ thể người có chức trách nên ý thức, hoặc thay đổi thế nào, theo ông?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Trong một phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói “không thể cấm đưa thông tin lên mạng xã hội” mà phải ứng xử bằng cách đưa thông tin chính xác, kịp thời. Đấy chính là nhận thức mới trong chính quyền.
Có một thực tế, hính như cách quản lý thông tin của chúng ta đang có vấn đề cho nên có những cái mang tính chất chính thống, nghiêm túc, những vấn đề quốc tế dân sinh mà người dân cần phải biết lại thành “kín kín hở hở”.
-Trong khi xã hội đổ xô vào bàn tán, bươi móc những vụ thảm sát, tư thế ngủ của hoa hậu trên ghế máy bay… Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông phải lên tiếng. Theo ông đâu là vấn đề, giải quyết ra sao?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Theo tôi trước hết chúng ta phải theo tư duy phức hợp, dựa vào rất nhiều mặt; nhưng biết lựa ra những yếu tố chính để điều chỉnh. Tôi lấy một ví dụ, ở các nước phương Tây, trước một hành động, một hành vi của người cầm quyền đều được đưa ra mổ xẻ bình luận. Người dân có thể phê bình hay ủng hộ. Những người có chức trách do đó cũng học được những bài học và họ tự điều chỉnh các phương thức điều hành xã hội cho phù hợp.
Có lần tôi tranh thủ trao đổi, trò chuyện với ông Nguyễn Minh Triết khi ông đang là Bí thư thành ủy của TP.HCM “Hàng tháng, hàng quý, anh nên mời gọi những trí thức trẻ 30, 40 ở TP Hồ Chí Minh đến và anh chia sẻ với họ những vấn đề của đất nước, của thành phố. Họ sẽ trình bày với anh theo nhiều cách thức khác nhau. Cả anh và họ sẽ có hai cái lợi: một, mình nhận được thông tin ý kiến mới; hai, những người trẻ ấy sẽ sớm trưởng thành vì họ được va chạm, không chỉ là vấn đề chuyên môn riêng của họ mà họ có thể va chạm được những vấn đề của xã hội, của thành phố, của đất nước. Thệ hệ họ sẽ trưởng thành”.
Đấy chính là chia sẻ thông tin với dân. Giống như chỉ còn 6 tháng nữa là Đại hội Đảng diễn ra, dân có biết thông tin gì không? Không! Việc lớn của quốc gia mà dân không biết/ không được tham gia là vấn đề. Đại hội Đảng không còn là việc riêng của ai vì đã được ghi trong điều 4 Hiến pháp, đã ở tầm dân tộc, tầm quốc gia, phải là vấn đề người dân được biết, được đồng hành.
- Giống như vừa rồi Quốc hội “họp kín về vấn đề Biển Đông”, kín về một vấn đề rất hở?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Tâm thế, ý thức như thế vừa là hệ thống thể chế, vừa là rào cản của con người. Khi chúng ta nói đến cải tiến xã hội, cải cách tư duy, ta cũng nói làm thế nào để có một thể chế mạnh mẽ, và có những con người có tư duy cởi mở, vững vàng.
Gần đây trên mạng lưu truyền bài diễn văn của một cô bé 17 tuổi của Trung Quốc, đang trở thành thời sự. “Tổ quốc tôi ông là ai”. Họ đã đào tạo ra được những cá nhân trẻ có tư duy độc lập, mạnh mẽ, sắc sảo như vậy. Nếu mình cũng làm được việc tôn vinh những cá nhân như vậy thì thế hệ trẻ sẽ trưởng thành và họ sẽ tác động mạnh mẽ vào tiến trình phát triển xã hội. Lớp trẻ cấp tiến sẽ lan tỏa trí tuệ và tâm hồn của họ.
- Chúng ta thường đề cập đến tự do ngôn luận như cách thông tin được chia sẻ nhiều chiều giúp ta có các góc nhìn và quyết định sáng suốt hơn. Theo ông, tự do ngôn luận, hay tự do thông tin nên thế nào thì tốt nhất cho sự tiến bộ của đất nước?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Cái dở của chúng ta là cái gì cũng thích hình sự hóa. Ngày xưa ở nhà tù người ta vạch một vòng tròn, tù nhân không được bước ra khỏi vòng tròn ấy. Nhân loại cũng đã tạo ra được những “vùng cấm” thông tin; nhưng cái gì cũng vạch, cấm, thì không đúng.
Tôi nhớ những năm 1977, miền Bắc có nhiều người đi xe Honda, nhưng Chính phủ thấy thế là tốn xăng, bởi vì anh có bán xăng cho người ta đâu, phải mua theo suất. Tôi có một cái xe máy mà khốn khổ đi kiếm xăng vì chỉ được cung cấp một phiếu mấy lít làm sao đủ được.
Chính phủ thấy tình hình như thế nên ra một chỉ thị “cấm những người dưới cán sự bốn (cán sự bốn là được 64 đồng), đi xe máy”. Dở cười dở khóc! Ví như một anh công an dưới cán sự bốn , lương có 40, 50 đồng nhưng anh ta cần đi xe để bắt tội phạm thì phải làm sao? Sau này lại có những quy định dở cười dở mếu khác như xe đi ngày chẵn, ngày lẻ, ngực lép…
Nếu công dân được chia sẻ/trao đổi thông tin đầy đủ, họ sẽ hỗ trợ rất tốt cho Chính phủ. Những chính sách ngớ ngẩn như vậy sẽ bớt đi. Mặt khác, chính quyền được lợi khi thông tin đưa ra chính thống, chính xác và có chất lượng hơn.
Chắc ông đã biết về vụ nhiễu loạn thông tin về sức khỏe của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Từ trường hợp cụ thể này, ông có thể nói gì về việc minh bạch và chủ động cung cấp thông tin?
Ở các nước,tình hình sức khỏe của quan chức cao cấp thường được dư luận xã hội quan tâm.Đây là tình trạng lành mạnh của xã hội.Khác với trước đây, một ông bị bệnh tâm thần làm cán bộ lãnh đạo chẳng ai biết, ai quan tâm.Ở xã hội văn minh tiên tiến không như vậy.Cho dân biết tình trạng sức khỏe thật của quan chức cao cấp là việc bình thường.Càng bưng bít, sự đồn thổi càng gia tăng.Không phải chỉ có chuyện Phùng tương quân,người ta đang dấu đầu hở đuôi nhiều vấn đề lắm.Đó là dấu hiệu lạc hậu, yếu kém chẳng hay ho gì.
- Nhưng mặt khác, thông tin cũng có thể làm lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng; trật tự xã hội rối loạn?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Minh bạch thông tin có thể ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích, còn lợi ích quốc gia thì phải có Luật. 
Bản thân thông tin cần đối diện với văn hóa, văn minh; dùng những biện pháp văn minh để ứng phó với cái xấu trong thông tin, nhưng đừng biến thông tin ấy thành đặc quyền, đặc lợi cho riêng bản thân người nào, nhóm nào.
Giống như chuyện tranh cử Tổng thống ở phương Tây, các phe thoải mái đấu nhau. Nhưng khi anh lên làm Tổng thống rồi anh không thể nào không nói một câu “Bây giờ tôi là người của toàn dân tộc. Tôi không chỉ phục vụ nhóm đã bỏ phiếu cho tôi; tôi còn phục vụ các nhóm từng không ủng hộ, không bỏ phiếu, tôi phải làm như vậy!”
Đấy là vấn đề của chúng ta hiện nay, phải nâng mình lên, trân trọng và dung nạp giá trị của các nhóm công dân khác nhau vì sự hài hòa trong xã hội.
- Hiểu nhau hơn chúng ta dễ thông cảm và bao dung hơn, vận hành một xã hội trơn chu hơn, ý ông là vậy?
- Ông Nguyễn Khắc Mai: Tôi chứng kiến câu chuyện thế này: trong một tranh chấp dân sự cấp địa phương; người dân không tìm được sự đồng thuận. Trước khi đưa nhau ra tòa, họ mời một hòa thượng có hiểu biết về giáo lý đến phân xử, và nói chuyện thế nào là “sắc”, thế nào là “không”.
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của toàn dân. Nhưng đài phát thanh truyền hình của toàn dân lại không dành 1 giờ, 1 phút nào cho nhu cầu đó. Người ta cần rao giảng giáo lý chính thống và xã hội cần hiểu và tôn trọng.Thông tin phải đem lại văn hóa, văn minh,lòng nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau và cũng biết thế nào là quyền là hạn của người dân và của nhà cầm quyền.
Hoàng Hường (Thực hiện)

Trang