(Chính trị - Xã hội) - Bộ máy công chức 2,8 triệu người, có tới 30% người 'cắp ô'. Đoàn công tác của IMF khuyến nghị, Việt Nam cần giảm chi lương cho cán bộ khu vực công.
Từ 28/5 - 11/6/2014, đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ IMF do ông John Nelmes, trưởng đoàn tham khảo điều 4 của điều lệ IMF dẫn đầu đã khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách giảm chi lương cho cán bộ khu vực công.
Dẫn chứng cho khuyến nghị giảm chi lương nói trên, ông John Nelmes nêu số liệu ở Việt Nam, hiện mức chi là 9,25% GDP cho lương ở khu vực công, cao hơn rất nhiều so với mức 7% GDP của các nước đang phát triển.
Việt Nam hiện chi 9,25% GDP cho lương ở khu vực công
Theo thông tin Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cung cấp hồi đầu năm 2013 tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Việt Nam hiện có 2,8 triệu công chức.
Thử làm một phép so sánh với nước Mỹ: dân số Việt Nam chưa bằng 1/3 dân số Mỹ (tổng dân số Mỹ hiện gần 317 triệu người), diện tích Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Mỹ thế nhưng, số công chức của Việt Nam lại vượt qua cả Mỹ. Theo thống kê quốc gia này có khoảng 2,1 triệu công chức.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, số cán bộ công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1% nhưng Phó Thủ tướng lại đưa ra một con số nhiều gấp 30 lần: khoảng 30% (840.000 người) 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về'.
Thử làm một phép tính đơn giản, bình quân mỗi công chức hưởng lương 5 triệu đồng/tháng thôi, mỗi năm ngân sách cũng phải mất hơn 50.000 tỉ đồng để nuôi 30% công chức 'cắp ô' này.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ bình luận rằng: Công chức Việt Nam làm ít nhưng đòi lương cao. Thực tế quy định làm việc 8 tiếng/ngày nhưng có khi anh chỉ làm 1 - 2 tiếng/ngày như vậy, mức lương nhận được so với đóng góp là quá cao. Vì vậy, nhất thiết phải thay đổi tư duy, không thể cứ đòi hỏi hưởng nhiều nhưng cống hiến ít.
An Thái (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét