25 tháng 6, 2014

Phải hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Dự án Luật Hộ tịch được xây dựng trên cơ sở kế thừa nhiều quy định hiện hành của pháp luật về hộ tịch, đã được thực tế kiểm nghiệm phù hợp, áp dụng ổn định để đưa vào Luật. Đồng thời, đã đưa ra nội dung mới, có tính đột phá trong quản lý hộ tịch, như việc áp dụng Số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch.
Tuy nhiên, vướng mắc đặt ra không hoàn toàn đến từ Luật Hộ tịch mà là những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa dự án Luật này với dự án Luật Căn cước công dân. Nhiều ĐBQH cho rằng, dẫu giải quyết những ý kiến khác nhau theo hướng nào thì mục tiêu ưu tiên phải là bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp mới.
ĐBQH Lê Đắc Lâm (Bình Thuận): Để quản lý thống nhất số định danh cá nhân, đề nghị QH giao cho một bộ quản lý, giúp Chính phủ theo dõi chặt chẽ, tránh chồng chéo
Về mối quan hệ giữa giấy khai sinh với thẻ căn cước công dân theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân. Theo Tờ trình của dự án Luật trong giai đoạn hiện nay cần duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em, đồng thời cũng có quy định tại dự thảo Luật Căn cước công dân thì sẽ tiến hành việc cấp thẻ căn cước công dân cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh. Tuy nhiên, giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân, mặc dù có một số thông tin về cá nhân giống nhau nhưng vẫn còn nhiều thông tin của cá nhân chưa thống nhất.
Thứ nhất, theo Luật Hộ tịch, đối với giấy khai sinh và một số thông tin cá nhân giống thẻ căn cước công dân thì cần phải ghi thêm quốc tịch, tên cha mẹ và địa chỉ. Mọi người có quyền yêu cầu truy nguyên quốc tịch trong trường hợp giấy khai sinh không có tên cha mẹ thì người có quyền truy tìm cha mẹ cho mình và yêu cầu cơ quan chức năng bổ sung tên cha mẹ, quốc tịch vào giấy khai sinh trong khi thẻ căn cước công dân không đáp ứng yêu cầu này.
Thứ hai, có những vấn đề diễn ra trong thực tiễn mà thẻ căn cước công dân không thích ứng kịp thời đối với các trường hợp trẻ em sau khi sinh ra 24 giờ thì chết. Theo quy định của pháp luật thì người thân trẻ em phải đến phường, xã, thị trấn nơi cư trú để khai sinh và khai tử cùng một lúc theo Nghị định số 158 ngày 27.12.2005 của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch. Về thủ tục kê khai rất đơn giản, chỉ cần nộp thêm giấy báo sinh và giấy báo tử cho công chức tư pháp hộ tịch cấp xã và cấp huyện để được giải quyết kịp thời cả hai loại giấy khai sinh, khai tử và ký vào sổ hộ tịch.
Theo dự thảo Luật Căn cước công dân thì công dân Việt Nam và người nước ngoài phải đi lại hai nơi là cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc huyện để đăng ký hai loại giấy tờ là thẻ căn cước công dân và giấy khai tử, với trường hợp nêu trên sẽ gây ra sự phiền toái cho công dân và người nước ngoài đi lại nhiều nơi.
Thứ ba, theo dự án Luật Hộ tịch và dự án Luật Căn cước công dân, mỗi người được mang một số định danh cá nhân suốt đời, được ghi vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh, thẻ căn cước công dân. Để quản lý thống nhất số định danh cá nhân về mặt nhà nước, đề nghị Quốc hội nên giao cho một bộ quản lý, giúp Chính phủ theo dõi chặt chẽ, tránh sự chồng chéo. Theo đó, tôi nhận thấy khai sinh là một bộ phận của quản lý hộ tịch không thể tách rời, được xem xét là tiền đề để cấp thẻ căn cước công dân khi công dân được 14 tuổi. Do đó, tôi đồng ý theo Tờ trình của Chính phủ như tại Điều 3 về nội dung đăng ký hộ tịch của dự án Luật Hộ tịch và duy trì cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
ĐBQH Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai): Nên bỏ quy định về khái niệm Số định danh cá nhân trong dự thảo Luật Căn cước công dân
Trong triển khai thi hành Hiến pháp 2013 QH đã thông qua và hiện nay đang từng bước đi vào cuộc sống thì các dự thảo luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nhất là bảo đảm thuận lợi, giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân là mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ cũng như mỗi công chức, viên chức đang hướng tới. Trong tình hình hiện nay, tôi thấy Đề án 896 (Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư) của Chính phủ là một cố gắng rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu nêu trên và để đưa Hiến pháp đến với người dân.
Trong lộ trình của Đề án, nhất là cơ sở tích hợp dữ liệu quốc gia, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi toàn quốc. Và khi có cơ sở dữ liệu này, các dự án luật như Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Hộ tịch sẽ có những thay đổi rất lớn, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ví dụ lộ trình đặt ra đến năm 2020 khi có được thẻ căn cước công dân thì các giấy tờ liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu sẽ được xóa bỏ. Tôi cho rằng nếu đạt được mục tiêu này vào năm 2020 thì lúc đó người dân dù điều kiện có thể khó khăn nhưng những yêu cầu về bản thân được giải quyết một cách thuận lợi nhất. Từ đó các thủ tục hành chính mà mục tiêu Đề án 896 đề ra sẽ đạt được.
Hiện nay vẫn còn một số các ý kiến chưa thống nhất giữa dự thảo Luật Căn cước công dân và dự thảo Luật Hộ tịch. Tôi cho rằng những vấn đề này trong giai đoạn quá độ từ nay đến năm 2015 khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như đến năm 2020 khi chúng ta có thể triển khai được thẻ căn cước công dân cũng có thể có những bước chuyển tiếp. Ví dụ như giấy khai sinh hay một số các nội dung mà trong dự thảo Luật Hộ tịch đã nêu. Tuy nhiên, do mục tiêu như Đề án 896 đề ra, tôi đề nghị trong dự thảo Luật Hộ tịch này nên bỏ quy định về khái niệm số định danh cá nhân. Bởi vì số định danh cá nhân đã được quy định ở trong dự thảo Luật Căn cước của công dân. Tương tự như vậy, tôi cũng đề nghị bỏ quy định về số định danh cá nhân, cấp số định danh cá nhân, bởi vì nội dung này đã được quy định ở trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Và bỏ quy định về nơi cư trú của cá nhân, vì nội dung này cũng đã được quy định ở trong Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): Cần có sự phối hợp thống nhất giữa hai Bộ được giao chủ trì soạn thảo hai dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân
Tôi nhất trí việc ban hành Luật Hộ tịch, vì lý do công tác đăng ký hộ tịch hiện nay còn nặng nề, nhất là nặng về tính chất hành chính, thủ tục, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Vấn đề liên quan đến hộ tịch nằm rải rác ở nhiều văn bản luật. Do vậy, việc pháp điển hóa, hệ thống hóa thành Luật Hộ tịch là hợp lý trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính của nước ta hiện nay.
Về vấn đề chưa thống nhất giữa hai dự án luật Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân với Đề án 896, dự án Luật Hộ tịch quy định giao công chức tư pháp hộ tịch cấp giấy khai sinh và cấp sổ định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo khoản 2, Điều 16. Trong khi đó, dự án Luật Căn cước công dân cũng quy định trẻ em sinh ra sẽ được cơ quan công an cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân. Tôi thấy hai dự án Luật này đều do Chính phủ trình nhưng mỗi bộ soạn thảo một dự án Luật. Bộ Công an là Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp là Luật Hộ tịch. Hai bộ này cần phối hợp thống nhất với nhau trong quá trình soạn thảo để tránh trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.
Theo quy định của pháp luật hiện hành và từ trước đến nay, giấy khai sinh là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người từ khi mới sinh ra, có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, giúp xác định một cách chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân như họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, họ tên cha mẹ... làm cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau như hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, văn bằng chứng chỉ, chứng minh nhân dân. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, giấy khai sinh còn có ý nghĩa như giấy thông hành phục vụ cho việc đi lại như dự án Luật Hộ tịch quy định là phù hợp, bảo đảm mục tiêu đã được xác định tại Đề án 896.
Theo khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật Căn cước công dân thì căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân theo quy định của Luật này là để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Do đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm căn cước trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Vì vậy, ở độ tuổi dưới 14 tuổi các đặc điểm của trẻ em chưa ổn định, kinh nghiệm đa phần các nước cấp thẻ căn cước công dân cho những người ở độ tuổi 14-15, thậm chí 18 tuổi, khi đặc điểm nhận dạng khá ổn định, ít thay đổi. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay cấp giấy chứng minh nhân dân từ đủ 14 tuổi, độ tuổi này bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự từ đủ tuổi 14. Mặt khác, Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định miễn thủ tục xác minh về nhân thân đối với người dưới 14 tuổi. Do đó, cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, về lâu dài để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tôi đề nghị xử lý thẩm quyền về cấp số định danh cá nhân theo hướng khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong và chính thức đi vào vận hành thì khi đăng ký khai sinh, công chức tư pháp, hộ tịch nhập thông tin khai sinh của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân và ghi vào sổ hộ tịch, trích lục khai sinh. Số định danh cá nhân là số thẻ căn cước công dân. Đồng thời thời điểm chuyển đổi thẩm quyền và thủ tục xác lập số định danh cá nhân cần được quy định phù hợp với kết quả triển khai theo Đề án 896.
Để bảo đảm quyền con người và thúc đẩy việc giảm bớt các loại giấy tờ của công dân thì trẻ em ngay từ khi mới sinh ra phải được cấp sổ định danh cá nhân. Cần quy định vấn đề này trong Luật Hộ tịch và chọn thời điểm thực hiện cho phù hợp.
Nguyễn Vũ ghi; (Ảnh: Thái Bình)

Không có nhận xét nào:

Trang