(Seatimes) “Tình trạng "nhờn" luật ở Việt Nam đang ở mức báo động. Người ta có thể vận dụng điều này, vận dụng điều khác để có thể minh giải được những cái làm không đúng pháp luật... Đây cũng là hệ quả của cả tư tưởng phong kiến và cả tư tưởng bao cấp”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – nhận định.
Tại buổi tọa đàm “Bất cập trong xử lý vi phạm pháp luật về môi trường và tăng cường quản trị bảo vệ môi trường” trong khuôn khổ Chương trình Nhịp cầu báo chí thường kỳ do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tuần trước, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – có chia sẻ thẳng thắn về vấn đề “nhờn” luật nói chung và Luật Bảo vệ Môi trường nói riêng tại Việt Nam.
- Thưa Giáo sư, xin ông chia sẻ cụ thể hơn quan điểm của ông về tình trạng “nhờn” luật ở Việt Nam.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.
Tình trạng “nhờn” luật ở Việt Nam đang ở mức báo động. Cái này thể hiện ngay ở Luật Đất đai. Luật Đất đai có những điều mà chả ai thực hiện cả mà vẫn vui vẻ với nhau: chính quyền vui, nhân dân vui… Và Luật Bảo vệ Môi trường tương tự cũng như vậy.
Một cái ĐTM (Đánh giá tác động môi trường – PV) làm như thế nào để nó đúng là công cụ quản lý môi trường thật, thì sự thực mà nói, chả ai có tiêu chí gì để đánh giá ĐTM nào là đúng. Để đến khi xảy ra sự cố thì bấy giờ mới quay ngược trở lại phê phán ai lập ĐTM, ai là người duyệt… Rồi cũng đủ thứ giải thích, nào là dự án bị điều chỉnh, chỉ tiêu kinh tế - xã hội bị điều chỉnh, tất cả mọi việc giải thích ai cũng thấy “như vậy là không phải tại em”. Một cái luật mà để xảy ra một sự cố rất lớn, cuối cùng chứng minh là chả phải tại ai, vậy là thế nào?
- Vậy theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân của tình trạng “nhờn” này?
Chúng ta thấy rằng luật chung, chưa đủ chi tiết thì dẫn đến trạng thái rất dễ “nhờn” luật. Người ta có thể vận dụng điều này, vận dụng điều khác để có thể minh giải được những cái làm không đúng pháp luật. Và cuối cùng mọi người đều vui cả thì ngay cả bản thân người dân – những người thấp bé nhất – cũng sẵn sàng nói rằng “tôi chả sợ gì luật pháp cả”. Đấy là trạng thái đáng báo động về tình trạng "nhờn" luật. Và trong nhiều luật hiện nay, Việt Nam đang ở tình trạng "nhờn" luật.
Tất nhiên, bên cạnh việc nhờn luật do hệ thống pháp luật của ta chưa thỏa mãn với yêu cầu thực tế, còn có một chuyện nữa, ở Việt Nam có một tập quán là người có thẩm quyền có khi có quyết định hơn cả luật pháp.
Ví dụ, một vụ môi trường thế này thì xử thế nào, có khi ý kiến chỉ đạo của ông Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND là có thể xử lý hoặc có thể vận dụng pháp luật thế nào để cho ông này có thể ít bị xử lý, ông kia ít tội hơn. Đấy là cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay, là cách tiếp cận kiểu phong kiến, tức là vẫn có những người có quyền quyết định về mặt áp dụng luật pháp chứ bản thân luật pháp không có tính độc lập để nó xử lý tất cả mọi việc sao cho công bằng. Đây cũng là hệ quả của cả tư tưởng phong kiến và cả tư tưởng bao cấp.
Còn những quyết định ảnh hưởng đến môi trường không giống như luật pháp yêu cầu vì khung luật pháp chúng ta rất dễ vận dụng để có thể làm nó thay đổi.
- Xét riêng câu chuyện hệ thống pháp luật chưa thỏa mãn với yêu cầu thực tế, sắp tới Luật Bảo vệ Môi trường sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua, xin Giáo sư cho biết những bất cập trong quan điểm bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật hiện hành?
Trước những bất cập về hiện trạng bảo vệ môi trường, câu chuyện sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường ai cũng nghĩ là giải pháp đầu tiên, nhưng vấn đề là sửa thế nào. Nhìn lại Luật Bảo vệ Môi trường, chúng ta mới thấy một số điểm.
Thứ nhất là quan điểm đối với bảo vệ môi trường. Như tôi nói, vấn đề bảo vệ môi trường ở đây thì chúng ta có đánh đổi hay không đánh đổi. Hai cái hậu quả tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước hay nói cách khác là quá trình tìm kiếm sự giàu có cho đất nước, mà quá trình tìm kiếm sự giàu có ấy chắc chắn là một số nhỏ nào đó sẽ giàu lên và một bộ phận nhất định sẽ phải nghèo đi. Điều này đã chứng minh qua lịch sử và hiện nay nó đã diễn ra ở các nước. Việc giàu có lên của một đất nước bao giờ cũng kéo theo sự nghèo đói của một bộ phận mà chúng ta vẫn nói là nhóm dễ bị tổn thương.
Cái kéo theo thứ hai là hệ quả môi trường bị phá hủy. Vậy quan điểm của chúng ta là chúng ta chấp nhận việc này thế nào?
Quan điểm chính thống là chúng ta cho rằng chúng ta vẫn phát triển nhưng vẫn bảo vệ môi trường một cách nghiêm nhất. Tức là, quan điểm chính thống về mặt chính trị là chúng ta không đánh đổi, nhưng có thể việc đánh đổi diễn ra ở cấp thấp hơn, ví như cấp tỉnh, vì môi trường đầu tư, vì ưu đãi đầu tư, vì sự giàu có của tỉnh, phải thế này thế khác. Có thể ở cấp tỉnh, câu chuyện đánh đổi xảy ra một cách ngấm ngầm, trong chỉ đạo của tỉnh, chứ còn quan điểm chính trị của cả nước, tôi tin rằng không có sự đánh đổi.
Điểm thứ 2 nữa là trong Luật Bảo vệ Môi trường hiện nay có nói là: Sự nghiệp bảo vệ môi trường là sự nghiệp của tất cả các tổ chức, hộ gia đình và người dân. Đấy là câu rất đúng. Nhưng chúng ta đưa yếu tố người dân giác ngộ về bảo vệ môi trường và thực hiện bảo vệ môi trường như thế nào - đó là một yếu tố trong luật cần lưu ý tới. Vai trò của người dân trong việc nhận thức đối với bảo vệ môi trường, trong việc giám sát đối với việc thực thi pháp luật môi trường, giám sát những nơi để xảy ra ô nhiễm môi trường và đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường, trong Luật Bảo vệ Môi trường nào cũng như vậy, đều nói bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, nhưng hoàn toàn không thể hiện đúng trong luật.
Thứ 3, công cụ ĐTM, ĐMC (Đánh giá môi trường chiến lược – PV) và cam kết bảo vệ môi trường luôn ở trạng thái xộc xệch với lý do: Khung pháp luật chưa thực sự đúng; hoặc có thể đưa ra giải pháp đúng, nhưng giải pháp đó không được thực hiện - không được thực hiện do có sự dung túng của cơ quan quản lý hoặc không được thực hiện không có sự dung túng của cơ quan quản lý.
- Vậy, câu chuyện sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường cần đi theo hướng nào?
Chúng ta cần có sự thay đổi lớn trong Luật Bảo vệ Môi trường. Còn nếu chúng ta lại tiếp tục đi theo cách như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, tức là vấn đề được thực hiện đầy đủ, nhưng tạo thành luật khung và đến khi thực thi thì nghị định của Chính phủ sẽ trở thành yếu tố quan trọng, thì nếu nghị định đủ chi tiết thì thực thi sẽ tốt, rồi kể cả đủ chi tiết nhưng trách nhiệm thực thi yếu, thì sẽ quay trở lại câu chuyện “nhờn” luật nói trên.
GS. Đặng Hùng Võ kiến nghị dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường cần bổ sung thêm các quy định:
- Tạo cơ chế cụ thể để thực hiện công khai và minh bạch hệ thống thông tin về môi trường;
- Tạo trình tự, thủ tục cụ thể để người dân tham gia vào ĐMC, ĐTM;
- Tạo cơ chế cụ thể để người dân thực hiện quyền giám sát đối với các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đối với quá trình thực thi pháp luật;
- Có quy định cụ thể về thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý;
- Xây dựng và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá quốc gia về môi trường.
1 nhận xét:
Ở Việt Nam hiện nay người soạn ra luật pháp không bao giờ thực hiện ,có khi còn lợi dụng chỗ sơ hở của luật để làm bậy ,làm lợi cho mình .Vậy thì người dân Việt Nam nhờn luật chẳng có gì là lạ.
Đăng nhận xét