7 tháng 5, 2014

'Vì sao lại khuất tất với dân?'

Chính quyền cần 'công minh chính đại' mà không nên làm những việc 'mờ ám', 'khuất tất' trong ứng xử với dân, nhất là trong xử lý các xung đột, mâu thuẫn đất đai với người dân, theo một nhà nghiên cứu từ trong nước. 
Trao đổi với BBC hôm 04/5/2014 từ Hà Nội, Giáo sư Mạc Văn Trang, nguyên chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng nhiều vụ giải tỏa, cưỡng chế đất đai của chính quyền ở nhiều địa phương tỏ ra phản cảm khi có những yếu tố 'xã hội đen'. 
Nhà tâm lý học nói: "Tôi thấy chính quyền ở địa phương họ không từ một thủ đoạn gì, một âm mưu, một hành vi xấu xa gì họ không làm để đạt được mục đích, ở đây nó có sự câu kết giữa doanh nhân có thế lực, họ làm ăn không chính đáng, với lại những quan chức thối nát của chính quyền, 
"Và hai lực lượng đó câu kết với nhau, họ vừa ra lệnh, vừa đưa tiền, để cho các lực lượng công an, rồi các lực lượng dân phòng, rồi các lực lượng khác mà công an huy động, thì tính chất của nó như là xã hội đen vậy." 
'Giải pháp triệt để' 
Theo Giáo sư Trang, nếu không có sự thay đổi kịp thời, tình hình có thể sẽ trở nên càng phức tạp và khó giải quyết, ông nói: 
"Tôi thấy rất khó, vì ở trung ương, các ông lãnh đạo cấp cao luôn luôn nói đến dân chủ, đến dân, rồi đến nhân quyền, rồi phải thể hiện cán bộ là đầy tớ của dân, nhưng mà nói trên lý thuyết thôi, còn trên thực tế bản thân các ông cũng không kiểm soát được ở địa phương người ta làm gì, 
"Và thứ hai, chính quyền địa phương liên kết với nhau trở thành một thế lực, người ta gọi là nhóm lợi ích, tìm cách bênh che cho nhau, tìm cách để cho cấp trên không thể làm gì được." 
Nhà nghiên cứu tin rằng để giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp và xung đột này, nhà nước cần cân đối lại một mô hình quản lý vĩ mô mà ông gọi là 'thế tam giác chân kiềng' với xã hội dân sự có vai trò được thừa nhận bên cạnh nhà nước và nền kinh tế thị trường, nhằm bênh vực cho quyền lợi chính đáng của người dân, trong đó có nông dân. 
Ở đầu cuộc trao đổi với BBC, Giáo sư Trang bình luận về một số mô hình ứng xử, và cách thức xử lý mang màu sắc thiếu 'công minh chính đại' hoặc 'lạm dụng bạo hành' ở một số địa phương khi chính quyền tiến hành các vụ giải tỏa, cưỡng chế ruộng đất của dân. (BBC) 
* * * 
'Nhà nước đã làm sai vai trò?' 
Xung đột đất đai ở Việt Nam đang cho thấy một thực tế nhà nước đã làm sai vai trò của mình, theo một nhà nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn từ trong nước. 
Trao đổi với BBC hôm 04/5/2014, Giáo sư Tô Duy Hợp, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng hiện nay trong nhiều vụ tranh chấp đất đai, ruộng đất, nhà nước và các chính quyền địa phương đã trực tiếp 'xung đột' với người dân. 
Theo nhà nghiên cứu này, nhà nước thay vì như vậy nên xem xét lại quan hệ của mình để điều chỉnh sao cho chẳng hạn trong các quan hệ tranh chấp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp, tổ chức thuê đất với người dân bị cưỡng chế, lấy lại đất v.v..., nhà nước trở thành người 'trung gian' làm trọng tài hòa giải. 
Để tránh tình trạng đối đầu trực tiếp giữa chính quyền với dân, theo Giáo sư Hợp, nhà nước cũng cần xem xét lại luật, trong đó nên công nhận sở hữu tư nhân về ruộng đất, đất đai của người dân, đặc biệt trong đó của nông dân. 
'Tiên phong và bị hại' 
Nhà xã hội học cho rằng người nông dân Việt Nam gần đây từ người đi 'tiên phong' trong đổi mới kinh tế đất nước, đã trở thành người bị thiệt hại nhất. 
Trong cuộc trao đổi hôm Chủ Nhật, GS Tô Duy Hợp nói: 
"Quan điểm của tôi là bất cứ nhà nước nào tiến bộ là cũng phải chia ra những phần đất: đất thuộc về an ninh quốc gia, rồi phần đất để dự trữ, phần đất gọi là đất công và còn lại là đất tư, 
"Ruộng đất tư là quyền, các nước đều thế cả, lịch sử Việt Nam cũng đã từng có như thế, làm sao bây giờ lại công hữu hóa hết, làm cho người nông dân mất hết, và người nông dân rất khó... 
"Nông dân gần đây là tiên phong trong công cuộc đổi mới, nhưng bây giờ nông dân lại thiệt hại nhất." 

Kiểu nhà nước như chúng ta hiện nay chưa giải quyết được mâu thuẫn cơ bản giữa các tầng lớp xã hội, hồi xưa mới manh nha áp bức và bất công, giờ thì nhan nhản. Văn hoá xuống cấp, xã hội suy đồi, nói chung là sắp bên bờ vực của sự nguy vong. Nhà nước nào cũng mang tinh lịch sử xã hội, thiết nghĩ nếu không đổi mới triệt để đưa đất nước tiến lên thì nên nhường lại vai trò lãnh đạo xã hội cho các lực lượng tiến bộ khác. Hồi xưa khi được giáo dục về các chuẩn mực đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa thì luôn đề cao sự trung thực, vậy xin hỏi tình trang xã hội hiện nay là tất yếu của sự phát triển hay đó là kết quả của một định hướng sai lầm mà nguyên nhân chính là sự lạc hậu của thể chế nhà nước ? Câu trả lời chính xác nhất nằm ở đâu ? Có một nhận xét hơi ba rào phúng thế này : " nếu đã có trường phục hồi nhân phẩm cho các đối tượng mại dâm, ma tuý... Thì cũng nên thu nạp thêm mấy ông quan tham để giáo dục lại nhân phẩm ". 
Sao chính quyền "của dân,vì dân" lại kết hợp với giang hồ xã hội đen để đàn áp nhân dân ,vậy là sao? Không lẽ thể chế này là một tập đoàn Maphia tội phạm.Mô phật! Không phải như vậy chứ! Đảng ta quang vinh vĩ đại đâu rồi ? Sao lại để những cảnh như thế này diễn ra làm hoen ố trang sử của đảng.Những vị vua cộng sản ơi ! Sẽ có một lúc nào đó lịch sử sẽ lên án những việc làm tội ác 
của các vị,sao không để luôn bọn giang hồ xã hội đen cùng mặc sắc phục công an cho nó đoàn kết để có sức mạnh hơn.Giả danh làm gì vì những người mặc sắc phục "Công an nhân dân" cũng có hơn gì bọn xã hội đen đâu!

Không có nhận xét nào:

Trang