Sáng 28.3, tàu ngầm tự chế của ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty cơ khí Quốc Hòa, cụm CN Phong Phú (TP.Thái Bình) - đã được cho chạy thử nghiệm trong hồ. Hàng trăm người dân tò mò đã đến chứng kiến buổi thử nghiệm “có một không hai” này.
Việc tàu ngầm được thử nghiệm trong hồ là bước tiếp theo sau khi ông Hòa đã thử nghiệm thành công ở trong bể tự xây để kiểm tra khả năng lặn, nổi của tàu cũng như hoạt động của hệ thống không khí tuần hoàn (bộ phận quan trọng nhất của tàu ngầm).
Sự kiện “có một không hai” của quê lúa
Ngay từ sáng sớm, việc cẩu tàu ngầm lên xe tải để chở ra hồ đã được tiến hành. Nghe tin, người dân kéo đến càng lúc càng đông, gây ùn tắc cục bộ ở trước cổng Cty. Khi chiếc xe tải “siêu trường, siêu trọng” chở chiếc tàu ngầm chạy trên đường, nhiều người dân nơi xe đi qua đã “mắt tròn mắt dẹt” nhìn theo, rồi khi biết chuyện, họ ý ới rủ nhau đi xem. Nhiều người còn gọi điện cho người thân đến.
Nơi tiến hành thử nghiệm tàu ngầm là một chiếc hồ nhân tạo nằm trong KCN Vĩnh Trà (thành phố Thái Bình - cách Cty Quốc Hòa khoảng 3km). Hồ rộng khoảng 3ha, có độ sâu khoảng 2m. Ông Hòa cho biết: Người trông coi hồ đã đồng ý cho ông chạy tàu ngầm ở hồ, với điều kiện là... không được làm chết cá.
“Mục đích của thử nghiệm trong hồ là kiểm tra khả năng chạy nổi của tàu như hoạt động của bánh lái, chân vịt và hệ thống điện tử… và tập lái để khỏi bỡ ngỡ khi sau này chạy ra biển” - ông Hòa cho hay.
Đúng 10h38, ông Hòa được chiếc cần cẩu “cẩu” ông vào chiếc tàu ngầm đã hạ sẵn dưới lòng hồ trong tiếng vỗ tay đầy phấn khích của người dân… Sau khi chui vào trong tàu và đóng kín nắp, ông Hòa đã lái tàu ngầm chạy nổi nhiều vòng quanh chiếc hồ với tốc độ chậm, trong sự hồi hộp của nhiều người dân theo dõi. Khi chạy, tàu ngầm chỉ ngập 3/4, phần còn lại vẫn nổi. Do độ sâu của hồ không đủ nên ông Hòa không thể cho tàu ngầm lặn thử.
Có mặt tại hồ để theo dõi buổi thử nghiệm, ông Bùi Đức Nhuận cho biết: “Tôi rất cảm phục ông Hòa, bởi qua việc làm tàu ngầm này, thấy ông Hòa là người có ý chí, dám nghĩ dám làm và rất giỏi về khoa học kỹ thuật. Làm tàu ngầm đâu phải đơn giản, đòi hỏi phải có trình độ khoa học cao”.
Ông Nhuận cũng nhận định: “Nhưng có lẽ để chạy được ra biển thì cũng cần phải có quá trình. Làm cái này (tàu ngầm) khó mà”. Còn ông Mai Trung Ký - bạn lâu năm của ông Hòa - cho biết: “Tôi nghĩ việc khen-chê là quyền của mọi người. Cái chính là sự thật công việc ông Hòa làm nó thế nào. Hôm nay, như các bạn đã thấy tận mắt là tàu đã chạy được đó thôi”.
“Tôi không tin là tàu không được cấp phép ra biển”
Sau khoảng thời gian gần 2 giờ đồng hồ chạy thử, đến 12h trưa, ông Hòa đã kết thúc buổi chạy thử nghiệm tàu ngầm. Trong vòng vây của các phóng viên và người dân, ông Hòa cho biết, buổi thử nghiệm đã thành công, máy vận hành rất tốt và ông cảm thấy vui vui trong lòng vì đã không phụ lòng mong mỏi của những người yêu thích chiếc tàu ngầm này.
“Thời gian vừa rồi tôi thử nghiệm tại bể thì hoạt động của tàu ngầm đều đảm bảo, nhất là hệ thống tuần hoàn không khí hoạt động rất hoàn hảo. Còn hôm nay, như các bạn đã thấy, tàu đã chạy nổi rất tốt, hệ thống chân vịt, bánh lái... không có vấn đề gì xảy ra. Chỉ tiếc là hồ không đủ độ sâu nên tàu không thể lặn được. Tuy nhiên, để biết nó hoạt động tốt như thế nào thì cần phải ra biển để chạy” - ông Hòa nói.
Khi được hỏi về việc có thời điểm ông Hòa mở nắp tàu và có khói bốc lên, ông Hòa giải thích đó là do ông cố tình rút thử một ống của tàu ngầm để khói nó xì ra (tạo ra sự cố) để xử lý, tập thoát hiểm. “Như các bạn thấy, sau đó tàu vẫn chạy bình thường”- ông Hòa cười nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động: “Khi nào thì ông định đưa tàu ra biển để chạy?”, ông Hòa nói: “Khi nào ra biển thì cần phải chờ sự cho phép của Chính phủ, Bộ Quốc phòng”. “Nếu không được cấp phép thì sao, thưa ông?” - phóng viên Báo Lao Động hỏi tiếp.
Ông Hòa khẳng định, ông không tin là không được cấp phép. “Tôi chắc chắn sẽ được cấp phép vì (chiếc tàu ngầm) là trí tuệ của người Việt mình, không có lý do gì mà không cấp phép” - ông lý giải. Câu trả lời này của ông Hòa làm dậy lên một tràng vỗ tay của người dân đang đứng ở xung quanh.
Trong lần trao đổi với phóng viên Lao Động trước khi thử nghiệm ở hồ, khi được hỏi về vấn đề giấy phép để ra biển, ông Hòa cho biết: “Tôi sẽ gửi công văn lên Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, BTL Bộ đội Biên phòng để đề nghị được cấp phép ra biển. Việc chạy thử nghiệm ở biển sẽ phụ thuộc vào việc cấp giấy phép này”.
Tuy nhiên, nhiều người am hiểu chuyện đặt câu hỏi: Đơn vị nào sẽ cấp phép và cấp phép như thế nào? Bởi lẽ tàu ngầm do cá nhân làm là lĩnh vực quá... mới lạ. Cụ thể: Đăng kiểm chưa có danh mục loại phương tiện này, Luật Hàng hải cũng không đề cập đến; giấy phép lái tàu ngầm thì cũng chưa có tiền lệ…
Trong khi đó, một lãnh đạo của Phòng Cảnh sát đường thủy (CA tỉnh Thái Bình) khẳng định, tàu ngầm tự chế Trường Sa sẽ chỉ được phép ra biển và các sông lớn của Thái Bình khi nào có đầy đủ giấy phép; còn nếu chưa được cấp phép đầy đủ thì sẽ bị đình chỉ ngay, dù là chạy thử nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét