Tác giả: Vũ Minh Khương
KD: Đọc tên tác giả, lại nhớ mãi bài viết hay và hùng hồn của Vũ Minh Khương: Chặt cầu để tiến lên, đăng trên Tuần VN, gây chấn động xã hội vì sức thuyết phục. Nhưng ngay sau đó, bài viết bị bóc xuống. Đến giờ, đọc lại vẫn thấy nguyên tính thời sự.
LTS: Nhân chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước ta, xin giới thiệu ý kiến của TS. Vũ Minh Khương (trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đại học Quốc gia Singapore) về việc cần định hình lại hướng đi của dân tộc, kiến tạo những giá trị mới để dân tộc có thể cường thịnh.
Hơn 1.000 học sinh tạo hình lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của đất nước Việt Nam. Ảnh: Laodong.com.vn
Chỉ còn khoảng ba thập kỷ nữa, vào năm 2045, Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày giành độc lập. Thế nhưng, chúng ta hình như vẫn chưa xác định được rõ mục tiêu và giá trị tối thượng của dân tộc trong công cuộc phát triển.
Nghĩ về thế nước
Việt Nam đang đối diện với những thách thức khó khăn hơn nhiều so với thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bởi lẽ mục tiêu và giá trị tối thượng cho công cuộc giải phóng dân tộc rất rõ ràng và thôi thúc: dân tộc độc lập, đất nước thống nhất, người Việt Nam làm chủ vận mệnh của mình.
Trong khi đó, mục tiêu và giá trị tối thượng của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước còn mơ hồ, thậm chí lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện. Thêm nữa, quyền lợi cá nhân của người có trách nhiệm và người dân trong thời bình không còn gắn kết thống nhất như trong thời kỳ chiến tranh.
Vì vậy dễ xảy ra tình trạng “đồng sàng dị mộng” nếu việc lựa chọn người lãnh đạo không được thực hiện một cách dân chủ và cẩn trọng. Việc biến những nội dung có tính phương tiện, chẳng hạn như “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”, thành một yếu tố bất biến đang làm suy yếu, thậm chí tê liệt, những nỗ lực của thế hệ hôm nay.
Thay đổi hành vi, kiến tạo giá trị
Hành vi của một con người phụ thuộc vào ba yếu tố chính: cân nhắc lợi-hại, chuẩn mực-niềm tin, và điều kiện thúc đẩy. Điều đáng tiếc là, công cuộc phát triển của chúng ta cho đến nay chưa thực sự coi trọng xây dựng nền tảng thể chế để ba yếu tố này khích lệ các hành vi kiến tạo giá trị, đem lại lợi ích cộng đồng cùng với lợi ích cá nhân, thúc đẩy xã hội phát triển và không ngừng hoàn thiện.
Người Việt Nam chúng ta hôm nay dễ sa đà vào những hành vi có hại cho cộng đồng và công cuộc phát triển, như chạy chọt-đút lót, tham nhũng, làm ăn chụp giật là vì cả ba yếu tố hành vi – cân nhắc lợi hại, chuẩn mực – niềm tin, và điều kiện thúc đẩy – đều khuyến khích những hành vi này.
Chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn và những công dân cao quý và mạnh mẽ hơn nếu gia đình cũng như xã hội coi nhân cách không kém phần quan trọng so với sức khoẻ; lòng ham hiểu biết quan trọng không kém bằng cấp; ý thức học hỏi, vươn lên chân chính quan trọng không kém sắc đẹp hay chiều cao.
Thay đổi hành vi con người theo hướng tích cực cần những cải cách sâu rộng ở cả ba lĩnh vực: nhân sự (tuyển chọn người giỏi), tổ chức (đề bạt người hiền tài, tạo cơ chế khích lệ cống hiến và chiến công), và thể chế (minh bạch, dân chủ, trọng lòng dân).
Tôi thấy rất nhiều ánh mắt đang mong đợi sự đổi thay của các bạn trẻ. Tin rằng, thế hệ người Việt Nam chúng ta hôm nay nhất định sẽ cùng nhau làm nên sự đổi thay kỳ vĩ mà thế hệ cha anh hằng mong đợi.
Thực tế cho thấy, con người là trung tâm của mọi đổi thay. Thay đổi sâu sắc chỉ đến nếu con người ở vị trí then chốt dám dũng cảm đổi thay chính mình để vươn lên ngang tầm đòi hỏi của tình thế và cục diện phát triển. Tầm nhìn, phẩm chất hiến dâng, và năng lực hành động là những yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi thay này.
Tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân
Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là hoạch định và triển khai một chiến lược cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, có sức thôi thúc mạnh mẽ và sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội. Năng lực hoạch định chiến lược của Việt Nam còn rất yếu. Một điểm yếu thường thấy là chúng ta không coi các mục tiêu chiến lược, chẳng hạn như “người Việt Nam trở thành chủ thể tự tin, năng động, và có trách nhiệm trong xã hội toàn cầu”, như ưu tiên tối thượng chi phối mọi nỗ lực của toàn xã hội.
Trái lại, chúng ta thường luẩn quẩn với các yếu tố có tính phương tiện như tuân thủ qui định nào đó của các bộ ngành hoặc đảm bảo số giờ dạy chủ nghĩa Mác-Lênin trong chương trình học.
Có lẽ giáo dục phải nghĩ rộng hơn, sâu hơn, và xa hơn về những tố chất mà người Việt cần có để làm chủ thể phát triển của cá nhân mình, gia đình mình, và đất nước mình trong thế kỷ 21 này. Về vấn đề này, mô hình 5 – trí tuệ của giáo sư Howard Gardner rất đáng tham khảo.
Trí tuệ thứ nhất (disciplined mind) liên quan đến chuyên môn sâu. Mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức đủ để làm chuyên gia trong một lĩnh vực mà mình say mê và lựa chọn. Trí tuệ thứ hai (synthesizing mind) nhấn mạnh khả năng tổng hợp thông tin và kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Trí tuệ thứ ba (creating mind) là về năng lực sáng tạo, đưa ra ý tưởng và cách thức giải quyết mới cho các vấn đề gặp phải. Trí tuệ thứ tư (respectful mind) thể hiện năng lực tôn trọng người khác và chủ kiến khác biệt, kiến tạo nên giá trị mới qua sự hiểu biết và hợp tác có hiệu quả.
Trí tuệ thứ năm (ethical mind) thể hiện sự tôn trọng và nỗ lực bảo tồn các giá trị đạo đức trong cả nghề nghiệp, cuộc sống, và hoạt động xã hội.
Cải cách giáo dục cũng là một quá trình cải biến nhằm thay đổi sâu sắc nhận thức, tạo nên một thang bậc lành mạnh và bền vững cho hệ thống giá trị toàn xã hội. Chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn và những công dân cao quý và mạnh mẽ hơn nếu gia đình cũng như xã hội coi nhân cách không kém phần quan trọng so với sức khoẻ; lòng ham hiểu biết quan trọng không kém bằng cấp; ý thức học hỏi, vươn lên chân chính quan trọng không kém sắc đẹp hay chiều cao.
Tôi thấy rất nhiều ánh mắt đang mong đợi sự đổi thay của các bạn trẻ. Tin rằng, thế hệ người Việt Nam chúng ta hôm nay nhất định sẽ cùng nhau làm nên sự đổi thay kỳ vĩ mà thế hệ cha anh hằng mong đợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét