20 tháng 5, 2014

10 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giỏi thủy chiến. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều trận thủy chiến “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử.
Đánh giặc Quỳnh Châu – chiến tích thời Hùng Vương
Các nghiên cứu lịch sử khẳng định người Việt từ thời Vua Hùng đã rất giỏi thủy chiến. Tuy vậy, dấu vết của những trận thủy chiến đầu tiên của dân tộc hầu như không còn được lưu lại trong sử sách.
Chỉ còn một số truyền thuyết của cư dân vùng ven biển Bắc Bộ đề cập đến những cuộc chiến đó, tiêu biểu là một truyền thuyết được ghi nhận ở Hải Phòng.
Theo đó, vào thời Hùng Vương thứ 6, nhân dân sống ở ven bờ biển của nước Văn Lang thường rơi vào cảnh khốn đốn do quân giặc từ đảo Quỳnh Châu đưa thuyền vào cướp phá hàng năm. Trước lời kêu cứu của dân, Vua Hùng đã đem quân về, đóng ở một cái hang mà ngày nay là hang Vua ở Hải Phòng.
Dưới sự lãnh đạo của Hùng Vương, quân và dân Văn Lang đã đánh tan nhiều cuộc tấn công của giặc Quỳnh Châu và cuối cùng, đóng thuyền chiến vượt biển sang tận đảo Quỳnh Châu, phá tan sào huyệt địch rồi rút về. Kể từ đó, giặc biển Quỳnh Châu không còn dám vào quấy phá nước ta nữa.
Truyền thuyết này đã chứng tỏ rằng, hoạt động thủy chiến của người Việt thời Vua Hùng không chỉ giới hạn trong các sông, hồ thuộc đất liền, mà còn diễn ra trên cả các vùng biển xa.
Trận Hồ Điển Triệt và cơ hội bị bỏ lỡ của Lý Nam Đế
Hồ Điển Triệt (nay thuộc xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) là nơi từng diễn ra trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế vào thế kỷ VI.
Theo sử sách, sau khi tiến hành khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Lương, vào tháng 2 năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lập nước lấy tên là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Đầu năm 545, nhà Lương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Vạn Xuân, nhằm khôi phục sự thống trị.
Với lực lượng áp đảo, vào tháng 7/545, quân xâm lược đã tiến sâu vào lưu vực sông Hồng, đẩy lực lượng Lý Nam Đế vào tình thế khó khăn, phải bỏ thành Tô Lịch và rút về miền đồi núi Động Lão (Vĩnh Phúc) để bảo toàn lực lượng. Sau một thời gian củng cố lực lượng, tháng 10/546, Lý Nam Đế kéo quân ra hạ thủy trại ở hồ Điển Triệt, sẵn sàng nghênh địch.
Quân Lương ngược dòng sông Lô lên định phá doanh trại của Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt, nhưng thất bại liên tiếp do địa thế vùng hồ này quả hiểm yếu, đành co cụm lại ở vòng ngoài của hồ. Tuy vậy, quân Lý Nam Đế vẫn cố thủ, không xuất kích để tiêu diệt kẻ địch đang ở thế bị động.
Nhân một đêm mưa lũ khiến mực nước hồ Điển Triệt dâng cao, quân Lương nhanh chóng tung chiến thuyền đánh úp căn cứ của Lý Nam Đế. Nghĩa quân bị đánh bất ngờ, không kịp phòng bị nên chống đỡ không nổi, phải mở đường máu rút lúi khỏi hồ Điển Triệt trong sự truy kích của kẻ thù.
Sau lần thất bại này, Lý Nam Đế phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ), giao lại toàn bộ binh quyền cho Triệu Quang Phục.
Trận Bạch Đằng 938 và chiến thuật đóng cọc gỗ kinh điển
Trận Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh giữa quân dân Việt Nam - thời đó gọi là Tĩnh Hải quân và chưa có quốc hiệu chính thức - do Ngô Quyền lãnh đạo với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Nguyên nhân dẫn đến trận đánh bắt đầu từ năm năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ (bố vợ của Ngô Quyền) để chiếm quyền, nhưng lại không có chỗ dựa chính trị vững chắc nên đã cầu cứu nhà Nam Hán để bảo vệ quyền lực của mình.
Ngô Quyền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn, rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy.
Theo sử sách, khi nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng rằng:
“Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.
Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt của sông Bạch Đằng, Ngô Quyền sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp.
Khi cuộc chiến diễn ra, ông đã nhử quân Nam Hán vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền quân Nam Hán mắc cạn mới giao chiến. Kết quả, quân Nam Hán thảm bại, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lược.
Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua, đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Trận Bạch Đằng 981 - kế mai phục của Lê Đại Hành
Trận Bạch Đằng 981 là một trận đánh có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh giữa nước Tống và Đại Cồ Việt, diễn ra từ tháng 1-4/981.
Năm 979, sau khi cha con vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, tranh chấp quyền lực trong cung đình đã xảy ra giữa phe của Lê Hoàn (941-1005) và một số đại thần thân cận của Đinh Tiên Hoàng. Lê Hoàn đã giết chết các đối thủ và củng cố sự kiểm soát triều đình.
Thấy triều đình nước Việt rối ren, nhà Tống ráo riết chuẩn bị đưa quân đánh chiếm Đại Cồ Việt. Trước tình hình đó, Lê Hoàn lên ngôi vua (sử thường gọi là Lê Đại Hành), lấy niên hiệu là Thiên Phúc.
Đầu năm 981, vua nhà Tống cho quân sang đánh Đại Cồ Việt. Chiến sự diễn ra ác liệt cả trên bộ và trên sông trong nhiều tháng trời giữa quân đội hai bên. Đến giữa tháng 4/981, thủy quân Tống do Hầu Nhân Bảo thống lĩnh thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến đối phương đã phải quay về sông Bạch Đằng và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trước tình hình này Lê Đại Hành đã chuẩn bị cho một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Ông chọn một khúc sông hiểm yếu rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn.
Ngày 28/4/981, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo rồi vờ “thua chạy”. Quân Tống đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục và bị hủy diệt gần như toàn bộ.
Sau thất bại của đạo quân thủy, quân bộ của nước Tống hoảng sợ bỏ chạy về nước, bị truy kích và tiêu diệt quá nửa. Sau cuộc chiến tranh này, nhà Tống đã phải thừa nhận Lê Hoàn là người cai trị Đại Cồ Việt.
Nhật Lệ - trận thủy chiến lịch sử giữa Đại Việt và Chiêm Thành
Quan hệ giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành là một mối quan hệ rất phức tạp trong lịch sử khu vực Đông Nam Á thời Trung đại.
Do điều kiện tự nhiên lãnh thổ quốc gia hẹp lại trải dài dọc theo bờ biển, giao thông Nam Bắc bằng đường bộ không thuận tiện, chủ yếu phải thực hiện bằng đường biển nên người Chiêm rất thạo nghề sông biển và lực lượng hải quân mạnh. Với lực lượng đó, quân Chiêm Thành từng nhiều lần đánh phá Đại Việt.
Tuy vậy, do tiềm lực quân sự yếu hơn nên người Chiêm Thành cũng nhiều lần phải hứng chịu những thất bại thảm khốc trước đế chế Đại Việt hùng mạnh. Trong các thất bại này, có thể kể đến trận thủy chiến Nhật Lệ.
Theo đó, vào năm 1069, vua Lý Thái Tông và danh tướng Lý Thường Kiệt đã đem 5 vạn quân đi chinh phạt Chiêm Thành nhằm ngăn chặn hành động tiếp tay cho nhà Tống quấy phá biên giới phía Nam của Đại Việt.
Lực lượng Đại Việt đã hành quân bằng đường biển và khi đến cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) thì gặp thuỷ quân Chiêm chặn đánh. Tại đây, lực lượng của Chiêm Thành đã bị đánh tan trước sức mạnh của đạo thủy quân Đại Việt.
Sau trận này, Lý Thánh Tông đã cho quân tiến xuống cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn) mà không gặp sức kháng cự nào của thuỷ quân Chiêm. Điều này chứng tỏ rằng, thuỷ quân Chiêm đã tan vỡ từ trận Nhật Lệ, hoặc vì quá sợ hãi mà không dám ra giao chiến.
Một số trận thủy chiến quy mô không lớn nhưng mang tầm vóc trọng đại; đơn cử như chiến thắng của người Việt trước pháo hạm phương Tây hùng mạnh.
Tranh minh họa trận đánh trên sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1288
Trận Bạch Đằng năm 1288 – sự hồi sinh của lịch sử
Vào năm 1287, nhà Nguyên mở đầu cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người, lại bị mất đoàn thuyền chở lương trong trận Vân Đồn. Trước tình thế bất lợi, quân Nguyên tổ chức rút về nước theo nhiều hướng khác nhau.
Vào tháng 3/1288, đạo quân thủy của kẻ xâm lược do Ô Mã Nhi thống lĩnh rút qua ngả sông Bạch Đằng, nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử bằng trận địa cọc gỗ của Ngô Quyền trước quân Nam Hán năm 938. Lần này, danh tướng Trần Hưng Đạo quyết định áp dụng kế sách của tiền nhân để tiêu diệt quân xâm lược.
Trần Hưng Đạo nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật thủy triều của sông Bạch Đằng để vạch ra thế trận cọc và bố trí mai phục quân Nguyên. Trận đánh mở đầu bằng những đòn nhử của thủy quân Đại Việt. Quân Nguyên tiến hành truy kích và rơi vào bãi cọc lúc nào không hay. Khi nước triều rút, thảm họa đã ập xuống đầu quân xâm lược.
Những con thuyền lớn của phương Bắc bị dồn ứ, tan vỡ khi va vào những chiếc cọc nhọn hoắt, trong khi quân mai phục của Đại Việt tràn ra từ hai bên bờ với khí thế ngút trời. Kết cục tất yếu đã xảy ra: quân Nguyên thảm bại, mất 4 vạn quân, 400 chiến thuyền và nhiều tướng lĩnh chủ chốt bị bắt sống.
Trận thắng trên sông Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của Đại Việt trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần 3. Kể từ đó về sau, nhà Nguyên không bao giờ còn dám nghĩ đến chuyện xâm chiếm Đại Việt nữa.
Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là một trong những trận đánh nổi bật nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
Trận Cảng Eo: Người Việt đánh bại hạm đội châu Âu
Từ đầu thế kỷ 17, Công ty Đông Ấn Hà Lan nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong công cuộc khai thác thuộc địa châu Á của thực dân phương Tây và trở thành nỗi sợ hãi của nhiều triều đại phong kiến trong khu vực.
Tại Việt Nam thời kỳ này, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã có sự liên kết với lực lượng Đông Ấn Hà Lan để chống lại chúa Nguyễn. Từ năm 1641, giữa quân của chúa Nguyễn và người Hà Lan đã có nhiều cuộc đụng độ nhưng chưa có trận chiến quyết định nào để thay đổi cục diện giằng co.
Mùa hè năm 1643, theo yêu cầu của chúa Trịnh, Công ty Đông Ấn Hà Lan phái ba pháo hạm lớn đến hội quân với họ Trịnh tại sông Gianh (Quảng Bình). Trong hải trình của mình, hạm đội này bị gió thổi giạt vào gần cảng Eo của Đàng Trong (Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ngày nay).
Biết tin, vào ngày 7/7/1643, đích thân chúa Nguyễn Phúc Lan và Thế tử Nguyễn Phúc Tần dẫn 50 thuyền tiến thẳng ra cảng Eo. Khi nhìn thấy đối phương, thủy binh Nguyễn lao thẳng vào tấn công. Với số lượng vượt trội, đội thuyền chúa Nguyễn nhanh chóng bao vây ba chiến hạm Hà Lan và đánh phá quyết liệt.
Quân Nguyễn đã tràn lên boong chiến hạm lớn nhất của Hà Lan mang tên De Wijdeness do thuyền trưởng Pieter Baek chỉ huy, bẻ bánh lái, chặt gẫy cột buồm khiến chiến hạm này bị tê liệt hoàn toàn. Bị dồn vào bước đường cùng, thuyền trưởng Hà Lan cho châm lửa đốt kho thuốc súng, khiến tàu nổ tung. Hầu như toàn bộ những người có mặt trên tàu, gồm quân chúa Nguyễn và 200 binh sĩ Hà Lan, kể cả Baek thiệt mạng.
Hai chiến hạm còn lại cố thoát vòng vây và tăng hết tốc lực để bỏ chạy. Một chiếc trong số đó đâm vào đá ngầm và chìm xuống biển khi bị truy đuổi.
Thủy quân của chúa Nguyễn đã giành chiến thắng, dù hỏa lực mạnh của người Hà Lan đã khiến họ chìm 7 thuyền và mất 700-800 binh sĩ. Trận đánh này là lần đầu tiên trong lịch sử thuỷ quân của người Việt chiến thắng trước một hạm đội châu Âu.
Sau trận đánh, do e ngại thủy binh chúa Nguyễn mà Công ty Đông Ấn Hà Lan không còn dám đưa tàu thuyền vào Đàng Trong nữa.
Tử địa của người Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút
Tháng 7/1784, mượn cớ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, khoảng 50.000 quân Xiêm với hơn 300 chiến thuyền cùng khoảng 4.000 quân Nguyễn Ánh theo 2 đường thuỷ bộ tiến vào vùng đất Kiên Giang của Việt Nam.
Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm - Nguyễn đã chiếm được một số vùng đất phía Tây Gia Định, đóng quân ở căn cứ Trà Tân (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) để chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định.
Trước tình hình này, tháng 1/1785, lãnh tụ của nghĩa quân Tây Sơn là Nguyễn Huệ đã đưa 20.000 quân thuỷ bộ từ Quy Nhơn vào Gia Định. Không chủ trương phòng thủ Gia Định đang bị uy hiếp, ông đã đưa quân lên Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm.
Trong những ngày đầu, Nguyễn Huệ dùng lực lượng nhỏ thăm dò, nghi binh, cử người mang của cải cầu hoà với tướng giặc nhằm tạo sự chủ quan, gây chia rẽ nội bộ và dụ quân Xiêm - Nguyễn sớm tiến đánh Mỹ Tho. Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (khoảng 6-7 km) được chọn làm nơi quyết chiến.
Rạng sáng ngày 19/1/1785, toàn bộ lực lượng Xiêm – Nguyễn theo đường thuỷ tiến đánh thành Mỹ Tho. Khi kẻ thù lọt vào trận địa phục kích tại Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn dùng pháo đặt trên thuyền, trên bờ và cù lao Thới Sơn bắn áp đảo, đồng thời thuỷ binh từ các nhánh sông tiến ra và từ Mỹ Tho kéo lên chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn, bộ binh đón lõng diệt tàn quân chốn chạy trên bờ.
Kết quả là toàn bộ chiến thuyền và phần lớn quân Xiêm - Nguyễn bị tiêu diệt. Quân Xiêm chỉ sống sót khoảng vài ngàn, phải mở đường máu chạy về nước. Nguyễn Ánh cũng vội vã tìm đường chạy sang Xiêm.
Với chiến thắng có ý nghĩa chiến lược này, Nguyễn Huệ đã đập tan ý đồ “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh và âm mưu xâm lược của quân Xiêm.
Đại thủy chiến Thị Nại – trận Xích Bích của người Việt
Năm 1800, thế trận giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn rơi vào thế giằng co. Vào thời điểm này, thành Quy Nhơn - một địa điểm tối quan trọng về chiến của chúa Nguyễn đang bị quân Tây Sơn uy hiếp mạnh mẽ. Quân tiếp viện cho thành không thể đến bằng đường thủy do phía Tây Sơn bố trí một đội thủy quân cực mạnh để bảo vệ cửa biển Thị Nại.
Quyết cứu thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Ánh đưa hạm đội hùng hậu chưa từng có tiến ra phá vòng vây của Tây Sơn ở đầm Thị Nại, với trên dưới 1.000 chiến hạm, trong số đó có 5 chiếc mang được 46 khẩu đại bác.
Quân Tây Sơn không thua kém khi cho án ngữ ở cửa biển Thị Nại 3 chiến hạm khổng lồ Định Quốc - trang bị hơn 60 đại bác. Phía sau là gần 2.000 chiến thuyền lớn nhỏ. Lực lượng Tây Sơn còn được hỗ trợ bởi nhiều đại pháo đặt trên cửa ngõ vào Thị Nại.
Sau nhiều lần bị đập tan ngay tại cửa đầm bởi hỏa lực phòng thủ của đối phương, chúa Nguyễn quyết định thu quân về để họp bàn các tướng bàn kế tiêu diệt hạm đội Tây Sơn. Nhận định mùa gió đang thuận lợi, họ thống nhất sẽ dùng hỏa công.
Đêm rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (1801), 1.200 quân Nguyễn bí mật đổ bộ lên bờ, đánh úp các pháo đài của Tây Sơn nhằm hóa giải các cỗ đại pháo. Quân tiên phong của chúa Nguyễn cũng cải trang thành thuyền Tây Sơn vượt qua cửa phòng thủ tiến sâu vào bên trong bắn phá.
Trước sự bối rối của đối phương, toàn bộ hạm đội của nhà Nguyễn tổng tấn công bằng hỏa lực mạnh. 3 chiến hạm Định Quốc của Tây Sơn bị trên 60 chiếc thuyền tiên phong của quân Nguyễn bao vây và đánh chìm. Thủy quân Nguyễn đánh thọc sâu, và thuận hướng gió nên sức mạnh tấn công phát huy tối đa, khiến hạm đội Tây Sơn cháy phần phật trong một biển lửa.
Trận Thị Nại đã kết thúc với chiến thắng toàn diện của chúa Nguyễn. Sau trận đánh này, Nguyễn Ánh liên tiếp giành chiến thắng và nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.
Trận thủy chiến Thị Nại có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ, đó là trận Xích Bích ở cuối thời Đông Hán bên Trung Quốc.
Cả hai trận đánh đều diễn ra trong các cuộc nội chiến giành quyền làm chủ đất nước, đều diễn ra trên mặt nước với quy mô rất lớn, quy tụ hầu như toàn bộ lực lượng của thủy quân của các bên tham chiến, và đặc biệt là lực lượng chiến thắng đã dùng lối đánh hỏa công dựa vào hướng gió thuận lợi.
Trận Nhật Tảo – trận đánh nhỏ mang tầm vóc lịch sử vĩ đại
Năm 1861 là thời điểm thực dân Pháp đang mở rộng cuộc xâm chiến Nam Kỳ. Ngày 23/6 năm đó, quân Pháp đánh chiếm Gò Công (Tiền Giang), rồi cho tiểu hạm Espérance (tiếng Pháp nghĩa là Hy Vọng), đến đồn trú ở sông Nhật Tảo.
Espérance là một tàu bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị một đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng. Đây là một trong những tàu chiến mạnh nhất trên sông nước của quân Pháp lúc bấy giờ.
Quyền quản cơ Nguyễn Trung Trực của nhà Nguyễn cùng các đồng sự đã chuẩn bị kế hoạch tấn công chiếc tiểu hạm này trong một thời gian dài.
Trưa ngày 10/12, ông chỉ huy đội cảm tử quân gồm 59 người (có thông tin cho là 150 người), phân tán trên nhiều thuyền nhỏ, giả làm thuyền đám cưới, áp sát pháo hạm Espérance, lúc này đang tuần tra trên sông.
Bằng vũ khí thô sơ, nghĩa quân bất thần nhảy lên boong tàu, diệt 37 tên địch (có 17 người Pháp). Sau khi lấy búa phá tàu không được, nghĩa quân bèn nổi lửa đốt cháy con tàu – được coi là biểu tượng cho sự xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Chiến thắng này đã làm nức lòng nhân dân Việt Nam thời điểm đó. Khi tin ra đến Huế, vua Tự Đức liền cho ban lệnh trọng thưởng cho tất cả những người tham gia trận đánh.
Viên thanh tra bản xứ tại Nam Kỳ tên Paulin Vial gọi đây là “một sự kiện đau đớn làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động, đau lòng sâu sắc trong lòng người Pháp”.
                                                                                                          Theo Khoa học và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Trang