7 tháng 5, 2014

Thời của mẹ

Khiếu Quang Bảo
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ nằm dưới chân đồi A1. Nhìn từ cổng vào như một tòa thành cổ, trầm mặc, nặng nề. Tường thành hai bên chạy dài hai bức phù điêu mô phỏng các hoạt động của quân và dân tham gia chiến dịch cho tới ngày toàn thắng. Vào trong, là một không gian rộng mát ngọt, tương phản với quảng trường phía ngoài nắng nóng gắt gay những ngày đầu mùa hè.
Trên hai ngàn mộ chí dựng đứng thẳng tắp như binh đoàn xếp hàng trên thảm cỏ xanh biếc non tơ. Không gian tĩnh lặng. Chỉ nghe tiếng reo ầm ào của lá trong gió. Giai điệu quen của “Hò kéo pháo”, của “Giải phóng Điện Biên”. Những tán cây năm chục năm tuổi rậm rì như ủ thời gian lại. Hoa phượng vĩ thì đỏ rực như lửa. Và hoa bằng lăng lại tím ngắt như một nỗi nhớ thương.
Nghĩa trang không lúc nào vắng bóng người thăm viếng. Không đông nhưng đủ để không hiu quạnh. Hình như ai lên Điện Biên cũng tới nghĩa trang như một nghĩa cử tưởng nhớ và biết ơn các liệt sĩ mọi miền quê đã mãi mãi nằm lại đây. Để rồi bỗng bùi ngùi nghẹn đắng một nỗi đau: Các mộ chí không tên. Không có mộ phần riêng biệt, nhưng tên tuổi các liệt sĩ được ghi danh đông đủ nơi bảng vàng “Tổ quốc ghi công đời đời biết ơn”, khắc chữ đỏ trên nền nhũ vàng, chạy dài trên hai bức tường mặt trong cổng. Tên các liệt sĩ được xếp theo địa phương tỉnh, thứ tự theo bảng chữ cái tiếng Việt. Cách ba mét một có một bình lư hương bằng đồng lúc nào cũng bảng lảng khói. Một vài tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ có tới năm sáu chục liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này.
Có một bà mẹ khoảng bảy lăm bảy sáu tuổi, bận áo dài phin nâu, tay chống chiếc gậy trúc từ tỉnh Hà Nam lên Điện Biên thăm viếng nghĩa trang. Đi bên bà mẹ là một người đàn ông chừng năm mươi lăm tuổi, y phục chỉnh tề của quan chức, tay cầm chiếc quạt giấy quạt phía sau bà mẹ. Bên kia, lại có một chàng trai trẻ tay cầm chiếc ô đen lớn che cho bà mẹ. Cả ba bước vào cổng, đặt lên chiếc bàn kê giáp cổng ra vào tờ bạc mười nghìn đồng, lượm hai thẻ hương trong chồng hương để sẵn, chậm rãi đi về phía tay phải tường thành, nơi ghi bảng vàng Tổ quốc ghi công, và đến đoạn tường ghi danh các liệt sĩ của tỉnh Hà Nam. Họ dừng lại. Chậm rãi đốt nhang, cắm vào bình đồng. Cả ba đứng dàn hàng ngang rầm rầm khấn điều gì đó. Bà mẹ khấn lâu hơn, mắt ngấn lệ. Chàng trai trẻ lấy chiếc ghế xếp vải bạt mở ra đặt xuống sàn đá. Người đàn ông đứng tuổi đỡ bà mẹ ngồi xuống ghế. Xé chiếc khăn giấy ướt lau mặt cho bà mẹ, lau kỹ hơn vào đôi mắt. Bà mẹ đau đáu nhìn vào hàng chữ P, tên Phong. Không biết thân nhân liệt sĩ của bà mẹ là Phong nào, ở đó có sáu liệt sĩ tên Phong: Trần Văn Phong, Lại Hữu Phong, Nguyễn Thế Phong, Phùng Quốc Phong, Lê Xuân Phong, và Trịnh Phong?
Bà mẹ ngồi như thiền niệm. Hai người đàn ông, một trung niên, một trai trẻ lùi đứng dưới thềm phía sau. Để bà mẹ hoài niệm về một thời của mẹ.
*
Một trận đánh cảm tử bằng bộc phá chấn động cả một vùng các quân khu hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng, phá tan bành chiếc tầu chiến giặc Pháp tuần tiễu trên sông Đáy quãng làng Phù Ninh gần thị xã Phủ Lý. Tiêu diệt tòan bộ trung đội lê dương. Người cảm tử quân Việt Minh đã hy sinh anh dũng. Lúc ấy quãng nửa đêm, vào một ngày giữa tháng sáu năm 1952. Dân làng Phù Ninh được một phen sợ hãi vì tiếng nổ long trời lở đất. Không ai ra khỏi nhà. Chỉ nép bên cánh cửa nghe ngóng. Duy tiểu đội dân quân được lệnh tỏa ra bãi sông tuần tra kiểm soát. Có một cô gái mở một mũi cắt qua bãi ngô lần ra mép sông. Bất ngờ cô bắt gặp một xác người nằm sấp giấu mình vào luống ngô rậm rì. Cô khum bàn tay soi đèn pin: một chàng trai. Anh bận bộ đồ vải đen ướt sũng. Cô lật chàng trai nằm ngửa. Đặt tay lên lồng ngực: tim vẫn đập đều. Đưa ngón tay trước lỗ mũi: hơi thở nóng hổi. Một đường máu chảy dài xuống má đã đông, tím sẫm. Có một sức mạnh kì diệu thổi vào đôi tay và đôi vai, cô xốc lẹ anh lên lưng mình xăm xăm băng qua bãi ngô, lên đê, cõng anh vào làng đưa về nhà mình. Bố cô gái đứng chặn ở cửa, hỏi: “- Ai?” “- Người mình!” Người bố giúp cô gái đưa chàng trai vào buồng trong, lật nắp căn hầm bí mật và đưa chàng trai xuống đó. Nhà cô gái là nơi nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Cô nhanh chóng cởi bỏ bộ áo quần ướt, thay cho chàng trai bằng bộ áo quần khô của bố. Dùng rượu trộn gừng giã xoa khắp người anh. Thân thể anh không có vết thương. Có lẽ sức công phá của thuốc nổ quá mạnh đã đập ép vào người anh gây đổ máu cam. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu hỏa, cô nhận ra gương mặt chàng trai thật tuấn tú nhưng can trường. Khoảng gần hai giờ sau, bỗng chàng trai cựa quậy mấy ngón tay, rồi bàn tay. Mí mắt anh hé mở, bỗng bật dậy. Cô gái vội đè anh nằm xuống chiếc chõng tre: “- Hoan hô! Anh tỉnh rồi. Hãy nằm yên dưỡng thương. Em tên Sáu. Tiểu đội trưởng dân quân”. “- Tôi đang ở đâu?” “- An toàn hầm! Hi hi”. Chàng trai nhếc mép cười. Căn hầm sâu dài cài chống cột tre như thế này không lạ gì với anh. Anh tin cô gái. “- Tôi tên Phong”. “- Được rồi. Mai mới phải khai báo. Nhiệm vụ cho anh lúc này là mau bình phục. Mệnh lệnh đấy!” Cô bón cháo mẹ cô vừa nấu cho anh. Thơm lừng nóng hổi. Ăn ngon lành. Lấy thêm bát nữa. Anh không ngăn. Đói là cái chắc. Cô khuyên anh đừng lo lắng, an tâm ngủ lấy lại sức. Rời hầm, cô để lại cho anh hai quả lựu đạn và một con dao găm.
Cô gái dặn bố để mắt tới anh. Rồi băng qua đê ra ngoài bãi sông đúng cái lối cô đã cõng anh về nhà, cẩn thận xóa những dấu vết trên cát, trên cỏ mà ngày mai cô cầm chắc giặc sẽ kéo về càn quét tìm Việt minh ở những làng ven quãng sông. Không sai. Bảy giờ sáng lê dương và lính dõng từ thị xã đã chia thàng hai mũi hành quân về. Chúng gọi loa xua dân làng Phù Ninh tập trung ở sân đình. Không thiếu một ai. Chúng xét hỏi từng người. Không ai bảo ai mà ai cũng trả lời: “- Có nghe thấy tiếng nổ lớn”, “- Sợ quá!”, “- Chỉ ở trong nhà không dám ra xem”, “- Không thấy ai chạy vào làng”…Chúng xục xạo một số nơi chúng nghi. Trên sông, chúng bủa lưới tìm vớt xác lính chết. Gần ba chục tên. Thiếu hai xác. Cũng không thấy xác tên Việt minh đánh bom cảm tử. Chúng nghi. Rồi tự lý giải nước sông đang mùa lũ có thể đã cuốn trôi những xác đó xuôi về hạ nguồn. Trọn một buổi sáng quần thảo mà không phát hiện ra có gì khả nghi. Tên chỉ huy trận càn ra lệnh rút quân. Dân làng thở phào. Cô gái mừng nhất. Không một ai trong làng biết dưới căn hầm bí mật nơi nhà cô ở, đang nuôi giấu một cảm tử quân Việt minh may mắn sống sót trong trận đánh tầu chiến trên sông đêm qua. Bố cô gái mật báo chuyện này với em trai ông là bí thư chi bộ, cũng là chú cô gái. Bằng đường dây bí mật, chú cô gái báo cáo với tổ chức. Ông nhận được chỉ thị “Tuyệt mật. Dưỡng thương tích cực. Chờ mệnh lệnh tiếp.” Cô gái không hay biết gì về việc có đường dây bí mật lại nằm ngay trong những người thân gia đình mình.
Được bố mẹ hỗ trợ, cô gái vẫn tham gia việc nhà việc làng như không có chuyện gì xảy ra. Cô dành thời gian vào các buổi sáng sớm, buổi trưa, và chiều tối, xuống hầm săn sóc anh, chuyển bữa ăn xuống cho anh, những thực phẩm tốt nhất, giàu dinh dưỡng nhất Sức khỏe chàng trai phục hồi rất nhanh. Một tuần lễ bên nhau như thế, nhận được từ nhau những cái nhìn đằm thắm, những cái đụng chạm trong không gian eo hẹp của căn hầm, thời gian như mỗi ngày một ngắn, qua đi nhanh, hai con tim tuổi trẻ bỗng nhận ra có những phút giây đồng điệu. Những ngày đầu là cảm nhận tình đồng chí cùng lý tưởng. Sau, manh nha một tình yêu. Ở một vùng quê giặc tạm chiếm, ngày là của địch đêm là của ta, giành giật với thời gian, một tình yêu có phần gấp gáp không thể đợi chờ. Đêm nay ở bên nhau. Ngày mai có thể ra đi không hẹn ngày trở lại. Đất nước trong cơn binh lửa. Nhiều cuộc chia ly từng hy sinh như thế. Tiền phương đang thắng trận. Làng Phù Thịnh, Phù An đã nổi lên phá tề. Các huyện khác cũng thế. Như là bắt chước nhau. Vào ngày thứ tám, chú cô gái lần đầu tiên đến nhà cô kể từ khi có anh lính cảm tử ở đây, gõ tín hiệu bảo cháu gái mình đưa chàng trai lên cửa hầm. Chú trao cho chàng trai mảnh giấy bản nhỏ xíu. Anh ta hà hơi. Những con chữ hiện hình. Đọc xong, chàng trai đưa vào miệng nhai rồi nuốt chửng, nói với chú cô: “- Rõ!”, rồi trở xuống hầm. Chú cô cũng vội vã ra đi. Cô gái rất đỗi ngạc nhiên. “Ra chú cô đã biết”.
Đêm ấy là một đêm mãi mãi không quên. Chàng trai được tổ chức giao nhiệm vụ mới. Anh phải chia tay cô gái vào lúc ba giờ sáng. Niềm vui chưa đầy gang. “Cảm tử quân”, cụm từ đó bóp nghẹn tình yêu mới nhen. Linh cảm. Cô sẽ mất anh. Tổ quốc sẽ mất một anh hùng. Một con người lúc nào cũng coi lý tưởng cao hơn cái chết. Một ý nghĩ quá khích lóe sáng trong đầu cô. Cô gái hồi hộp và lo sợ, đưa hai tay đặt lên hai má anh, day nhẹ: “- Em yêu anh. Gấp lắm rồi. Em xin được giữ lại dòng máu anh hùng nơi anh trong người em!” Chàng trai sửng sốt. Bối rối. Cô gái vội vã cởi khuy áo. Cầm đôi bàn tay anh đặt lên ngực mình, nơi tinh khôi nhất tuổi mười chín. Rồi cô ôm anh, kéo đổ anh lên tấm thân đang run rẩy nóng hôi hổi …
Mẹ cô gái chỉ được biết việc hệ trọng này khi bắt gặp cô ăn dở, nhai mận chấm muối ngon lành như nhai kẹo dồi chó nhân lạc. Bản ngã tinh tế của người mẹ nhận ra ngực con gái mình mập lên. Đầu vú nhô cao lồ lộ khi con gái tắm xong không mặc áo trong. Cái bụng lùm lùm như mông trẻ. Bà gặng hỏi. Con gái với một chút e lệ, dúi đầu vào ngực mẹ, giọng thổn thức đầy tự hào: “- Mẹ sắp có đứa cháu mang dòng máu cảm tử quân!” Bà choáng. Cô gái bỗng giật mình: “- Suýt nữa con quên dặn mẹ. Tuyệt mật. Lộ chuyện sẽ rất nguy hiểm! Anh Phong lên Điện Biên nhận nhiệm vụ mới! Con giữ lại cho Tổ quốc một đứa con người anh hùng, là điều nên làm phải không mẹ?” Bà rơm rớm nước mắt. Con gái bà đáng yêu nhưng dại khờ. Sao nó lại có ý nghĩ táo tợn đến thế. Còn bao nhiêu chuyện sau đó thì sao? Khôn lường!
Mẹ cô ôm cô vào lòng nghẹn ngào không nói nên lời. Cũng không thể quở mắng. Trao đổi kín với chồng. Ông trố mắt. Với em trai ông. Cũng bàng hòang. Ở cương vị bí thư chi bộ, ông sẽ phải giải quyết chuyện này kết hợp giữa lý trí và tình cảm. Tâm hồn nó cao thượng như thánh thần. Nhưng hành động thì…Ông không biết quy trách nhiệm nó thế nào. Cháu ông đang là tiểu đội trưởng dân quân rất tốt. Một đối tượng kết nạp đảng. Nó làm khó cho ông. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, cháu ông vừa sai lại vừa đúng. Phải tuyệt đối giữ bí mật. Phải bảo toàn tính mạng cho đứa trẻ và cháu gái ông. Thà để nó chịu tiếng xấu chửa hoang, còn hơn việc làm thiêng liêng đó của nó trở thành vô nghĩa.
Bụng cô gái ngày một lớn. Dân làng Phù Ninh tiếng to tiếng nhỏ bàn tán. Người ta không nghĩ cô lại là cô gái hư hỏng. Bố mẹ cô là người sống đúng mực, được dân làng quý trọng. Cô cũng vậy, một cô gái ngoan hiền, nhiều nhà có con trai lớn vọng ngưỡng. Nhưng điều kỳ lạ là cô gái không biểu hiện xấu hổ, che đậy cái bụng ngày một to ra. Bạn bè gái hỏi thăm, cô cười cười: “- Một lần xuống bãi sông, mình nhìn thấy hai vết chân. Nghịch, ướm thử, thế là mang thai. Đêm ấy nằm mơ, một bà tiên hiện lên bảo, con đang mang thai một đứa trẻ mang dòng máu anh hùng đấy!” Vậy là làng Phù Ninh truyền tai nhau một câu chuyện hoang đường. Dân làng tốt bụng hỏi thăm bố mẹ cô gái. Bố mẹ cô cũng nói như vậy và xin dân làng bỏ qua cho cháu vụng dại, chờ sau này xem sao. Xem ra có điều bí ẩn, nhưng quyết không phải chuyện xấu xa. Cô gái không vụng dại. Dân làng rồi cũng bớt quan tâm. Còn biết bao việc bề bộn, trai đi bộ đội gái đi dân công ra hỏa tuyến. Người ở lại lao động cấy trồng sáng tối trên đồng trên bãi sông.
Lạ lùng nhất với cô gái, là chàng trung đội trưởng dân quân lại cầu hôn cô trong hoàn cảnh này. Anh yêu cô từ lâu mà không dám thổ lộ. Đây là cơ hội. Anh nghĩ thế, và xin cô để anh lấy cô làm vợ. Anh tình nguyện nhận đứa trẻ trong bụng cô là con anh. Anh sẽ nuôi dưỡng nó chu đáo nên người. Anh nói: “- Em không có lỗi. Chỉ là một phút nông nổi!” “- Em rất quý anh. Một chàng trai tốt. Nhưng đứa bé không thể là con anh. Anh đừng lo cho danh dự của em. Anh biết chuyện gì mà nói em nông nổi?” Nói đến đấy cô gái dừng. Để lại trong lòng anh thêm khó hiểu. Ngày chàng trung đội trưởng dân quân nhập ngũ tòng quân, cô gái mang cái bụng chửa vượt mặt tiễn anh. Cô nắm tay anh cười nói lời dịu êm: “- Tha lỗi cho em vì em không thể. Chờ ngày chiến thắng trở về anh sẽ hiểu. Mẹ con em sẽ đón anh. Đừng buồn!” Lại thêm một chàng trai ra sa trường mang theo hình ảnh cô gái.
Cô gái đã sinh một cậu bé to đùng khỏe mạnh khóc chào đời oang oang, có tràng hoa quấn cổ. Cô đặt tên nó là Phù. Từ đầu của tên làng Phù Ninh. Bà mụ cười rạng rỡ mép kéo tận mang tai “- Tôi chưa thấy thằng nhóc nào dữ dằn thế. Chúc mừng cháu!” Bạn bè cô gái xúm lại đùa: “- Nó chưa vươn vai đấy. Nó sợ bà mụ ngã lại mắc tội thất kính!” Đàn bà con gái đứng quanh cùng cười ồ lên. Cô gái đang mệt mà cũng cười vật vã, trách: “- Sao chúng mày nhớ dai thế?” “- À, truyền thuyết mà lị!”
Nói trộm vía, thằng bé bú khỏe lớn nhanh như thổi tuy còn xa mới giống Phù Đổng. Bây giờ người ta lại soi ngắm thằng bé giống ai ở cái làng Phù Ninh này. Tốn công. Chẳng giống ai cả. Nhưng có tin đồn thưa thớt, đồ rằng thằng bé hao hao anh trung đội trưởng dân quân. Bằng chứng, khi tiễn anh ta lên đường nhập ngũ cô gái có nắm tay anh cười nói thân thiết. Và trước nữa anh ta đã từng thiên vị với tiểu đội của cô Sáu hơn những tiểu đội khác.
Cuối tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hòa bình lập lại ở miền Bắc. Toàn dân mừng vui khôn siết. Những gia đình có người đi chiến đấu ngóng chờ người thân trở về thăm nhà. Họ đã trở về đủ đầy. Cô gái trẻ thì chờ chàng trai cảm tử quân. Vào mỗi xế chiều, cô dắt tay đứa trẻ chập chững ra đầu làng vẻ như đi dạo, nhưng là để ngóng trông. Đã dài ngày rồi. Lòng cô như có lửa. Có dự cảm xấu. Không thấy chàng cảm tử quân. Mà cuối rốt lại là anh trung đội trưởng dân quân cũ trở về. Tới thăm, anh nhìn cô như hỏi. Cô biết anh muốn hỏi điều gì rồi. Bây giờ, hết chiến tranh, cô không còn phải giấu giếm nữa. Cô kể với anh tất tần tật chuyện cô với Phong. Anh lặng đi, nắm lấy tay cô. Trời ơi! Một quyết định lớn lao không ai nghĩ tới mà cô đã nghĩ tới. Cuộc đời mới oái oăm làm sao. Anh không biết bắt đầu chuyện từ đâu nữa. Anh dè dặt nói lại với cô, rằng ở đơn vị có thông báo cho các chiến sĩ học tập tấm gương hy sinh của một chiến sĩ tên là Phong. Khi tấn công đồi A1, có một lô cốt địch cố thủ kiên cố nã đại liên ra, bộ đội ta xông lên đều trúng đạn. Hy sinh nhiều quá. Một chiến sĩ cảm tử quyết định bò sát vào miệng lỗ châu mai, ném lựu đạn vào trong lô cốt. Nhưng ném vào quả nào địch lại nhặt ném ra quả đó. Đến lần thứ ba, ném vào hai quả liền, xong, người chiến sĩ ấy áp lưng mình chắn lỗ châu mai. Lựu đạn nổ, hắt tung người chiến sĩ ấy ra thân thể tan nát nhiều phần. Địch trong lô cốt bị tiêu diệt. Ngay lúc ấy bộ đội ta ào lên đánh chiếm đồi A1. Nhưng có thể…Anh định an ủi cô có thể là một Phong nào khác, quay lại, đã thấy cô ngất lịm. Anh hốt hoảng vực cô lên lòng mình líu ríu lay gọi. Năm phút sau cô bừng tỉnh đứng phắt dậy đứng giữa nhà vung tay lên nói to: “- Không thể nào. Không thể nào!” Rồi đột ngột lại vung tay lên: “- Có thể. Có thể. Chính Phong ấy đấy. Cảm tử quân mà!”, và chân cô khụy xuống, nằm sóng soài trên nền nhà. Mắt trân trân nhìn lên khoảng trống không sẫm tối vô hồn…
Cô gái đau đớn đến não lòng. Ốm. Dân làng Phù Ninh giờ đã hiểu, quý yêu và cảm phục cô. Thăm hỏi cô với một cách nhìn có phần kính trọng. Anh trung đội trưởng dân quân cũ quan tâm tới mẹ con cô gái một cách đặc biệt. Ngày nào cũng qua. Cô cảm ơn anh, và xa xôi nói rằng cô sẽ suốt đời sống với người đã khuất, là Phong, và nuôi dạy con trưởng thành.
Tổ chức xác minh. Hành động của cô gái là minh bạch. Lý lịch gia đình cô gái trong như thủy tinh, một đường dây cách mạng.
Cô gái được chính quyền tỉnh cho đi học bổ túc văn hóa, rồi vào đại học ngành y. Bảy tuổi, cháu Phù được theo học trường nội trú trung ương và qua Liên xô học tại trường đại học Lô-mô-nô-xốp. Khi mẹ được nghỉ hưu, anh đón mẹ lên Hà Nội sống bên anh, bù lại những năm dài dằng dặc xa cách và đơn côi. Khi ấy anh đã là Tổng Giám đốc một Tổng Công ty truyền thông, mà cả anh và đơn vị ấy cùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới…
*
Bà mẹ đang ngồi trước bức trường tường Tổ quốc ghi công nơi nghĩa trang Điện Biên, chính là cô tiểu đội trưởng dân quân làng Phù Ninh cách nay năm mươi bảy năm. Người đàn ông đi bên bà là con trai bà có với người cảm tử quân mà bà chỉ biết mỗi tên là Phong. Còn người trai trẻ là lái xe của con trai bà. Bà mẹ đã lên thăm viếng nghĩa trang lần này là lần thứ năm. Cũng bởi chàng trung đội trưởng dân quân cũ làng Phù Ninh theo đoàn cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa báo tin cho bà, rằng trên bảng vàng ghi công các liệt sĩ Điện Biên thấy có tên Phong. Vậy là bà đòi con trai đưa bà lên viếng chồng, và với con trai là viếng bố. Không biết người lính cảm tử ấy quê ở đâu, nhưng làng Phù Ninh Hà Nam là nơi ghi nhận kỷ niệm sâu sắc nhất mà bà đã giữ lại được cho chàng một dòng máu anh hùng. Coi như chàng quê Hà Nam. Có sao đâu. Còn hơn là không.
Cùng lúc đó, một đoàn cựu chiến binh từ Hải Phòng lên, cũng đến viếng. Một thương binh cụt một tay tới nách lò dò đến quãng ghi danh các liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, cạnh nơi bà mẹ ngồi. Người thương binh già đó chúi cặp mắt đeo kính lão vào bảng chữ dò tìm. Bỗng ông reo lên ngỡ như mình đang ở cái tuổi năm mươi sáu năm trước: “- Đây rồi. Thằng Quốc. Tao lên thăm mày đây. Nhớ lắm Quốc ơi. Tao muốn làm trận mưa nuôi con suối chảy, Quốc ơi uống ngụm mát lòng!” Bỗng ông ngớ ra: “- Ơ! Có ba tên Quốc. Vậy là thằng Quốc nào? Mình chỉ biết tên mà không biết họ nó!” Bà mẹ chột dạ, nhưng cũng buồn cười với cái chất lính vô tư của ông, đứng lên, lại gần ông thương binh: “- Thế ông cũng không biết họ của liệt sĩ đó à?” “- Vâng. Tôi bị thương mất một tay. Anh ta cứu tôi. Ôm tôi trong lòng. Rồi anh ta trúng đạn thay tôi, chỉ kịp nói tên mình là Quốc, quê Thanh Hóa, rồi tắt thở”. Bà mẹ cúi đầu, mắt ngấn lệ. Trở lại chỗ cũ bà ngồi, thở dài lẩm bẩm: “- Vậy đâu phải riêng mình!”
Người con trai bà mẹ bảo chàng lái xe trẻ đốt thêm nắm nhang. Nói với mẹ cắm tiếp một tuần hương nữa. Rồi nên về khách sạn nghỉ kẻo mẹ mệt. Người con trai bà cũng đề xuất: “- Con chụp tấm ảnh dãy tên có các liệt sĩ tên Phong, cùng một số ảnh của nghĩa trang. Con phóng to để trên ban thờ. Mỗi năm mẹ thêm già yếu, không thể đi hơn nghìn cây số thế này mãi được. Mẹ thắp hương ở nhà cũng giống như lên đây. Được không mẹ?” Bà mẹ nghĩ một lúc, rồi nói: “- Cứ làm thế đi. Sang năm tính sau. Biết đâu mẹ vẫn khỏe, có khi còn khỏe hơn năm nay thì sao?” Con trai và cậu lái xe cùng cười: “- Vâng ạ!” Con trai bà cảm nhận, có lẽ mẹ mình sẽ tiếp tục sống và nâng niu thời của mẹ đến hơi thở cuối cùng.

Không có nhận xét nào:

Trang