29 tháng 8, 2016

Tiên trách đảng hậu trách dân

Thiện Ý
H1

Theo tin giới truyền thông thì hôm 18-8-2016 vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm của tỉnh Yên Bái tên Đỗ Cường Minh đã tự sát sau khi xông vào phòng của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái, nổ súng bắn nhiều phát giết chết cả hai lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền tỉnh Yên Bái.
Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khiến đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức có mặt tại Yên Bái ngay trong ngày xảy ra vụ thảm sát. Ông nói vụ nổ súng “có tính chất nghiêm trọng từ trước tới nay” và yêu cầu Bộ Công an phải tức tốc điều tra và đưa ra kết luận về vụ nổ súng này. Trong khi Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, lúc vừa xảy ra vụ việc đã vội vã cho báo giới biết công an sẽ không khởi tố vụ án vì thủ phạm Đỗ Cường Minh đã chết, nhưng nay lại tuyên bố sẽ khởi tố vụ án. Không rõ vì sao có sự đổi ý này.
Phản ứng của công luận sau vụ thảm sát này bị truyền thông nhà nước Việt Nam kết án là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tại Yên Bái. Sự lên án này chắc là thể hiện quan điểm của đảng và chính quyền CSVN.
Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, đúng ra đảng và chính quyền CSVN phải “Tiên trách đảng, hậu trách dân”; và khôn ngoan hơn là nên giữ im lặng.
“Tiên trách đảng” là đảng CSVN hãy tự kiểm điểm để hiểu vì sao nhân dân lại “phản cảm” đến như thế trước cái chết thảm của hai lãnh đạo đảng và chính quyền cao nhất tại địa phương. Phải tự nhìn lại mình để thấy rằng, đây là hệ quả tất nhiên của những chủ trương, chính sách cai trị của đảng CSVN đã tác hại và làm mất niềm tin, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân như thế nào, để giờ đây mọi tai họa xảy đến cho đảng lại trở thành nỗi vui như “mở cờ trong bụng” của nhân dân. Vì đây chính là sự tích lũy những bất mãn và ngày càng làm xấu đi mối quan hệ khởi đầu tốt đẹp của thời kỳ “Đảng ta” còn nằm gai nếm mật đấu tranh giành chính quyền, phải dựa vào sức người, sức của nhân dân. Nhưng sau khi nắm được chính quyền, “Đảng ta” đã quay lưng lại với dân, lộ nguyên hình là một tập đoàn thống trị mới, khởi đi từ sự áp đặt trên cả nước cái gọi là “Chế độ xã hội chủ nghĩa” trái với ý nguyện của nhân dân, với các cán bộ đảng viên CSVN là “giai cấp thống trị mới” nắm độc quyền cai trị sắt máu trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản.
Sau gần nửa thế kỷ, giai cấp thống trị mới này đã dùng bộ máy chuyên chính vô sản (quân đội, công an, tòa án, nhà tù…) trấn áp nhân dân để bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp cầm quyền. Hệ quả là mọi tầng lớp nhân dân phải sống nhiều năm dưới chế độ công an trị, bị tước đoạt hầu hết các quyền tự do, dân chủ căn bản, đói nghèo cơm áo. Mãi cho đến trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam (1995-2016), đời sống nhân dân ta mới dần dần được cải thiện, một số quyền dân chủ, dân sinh mới được đảng và nhà cầm quyền CSVN từng bước trả lại do sự đấu tranh kiên trì của nhân dân.
Nhưng cũng chính nhờ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam sau 20 năm chấm dứt cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1975-1995) đã cứu nguy chế độ và tạo cơ hội thuận lợi cho đảng CSVN tồn tại nhờ thực hiện chính sách “Mở cửa”, với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chính trong môi trường kinh tế thị trường này, các cán bộ đảng viên đã được tư sản hóa và một số có chức, có quyền đã trở nên giàu có nhanh chóng nhờ tham nhũng, cửa quyền, móc ngoặc, đầu tư trá hình…và trở thành những nhà tư bản Đỏ. Từ thực tế này đã hình thành các phe nhóm lợi ích trong nội bộ đảng CSVN, dẫn đến tranh chấp nội bộ trong cơ chế đảng và bộ máy nhà nước. Đảng CSVN trở thành đấu trường tranh dành, đoạt lợi cho cá nhân và phe nhóm lợi ích. Chính cơ cấu tổ chức và nhân sự lãnh đạo đảng và chính quyền CSVN đã đẻ ra hệ thống tham nhũng để nuôi sống chế độ độc tài đảng trị hiện nay, nên chủ trương chống và diệt tham nhũng cũng chỉ là chiêu bài lừa mị nhân dân mà thôi!
Trong khi đó, quan hệ có lúc “ý đảng, lòng dân là một”, thì thực tế dần dần biến thành “ý đảng luôn phản lòng dân” phát triển thành “mâu thuẫn đối kháng” giữa đảng CSVN và nhân dân. Đây là nguyên nhân sâu xa, dẫn đến hiện tượng phần đông nhân dân bàng quan vô cảm hay tỏ ra vui mừng “hả hê” khi thấy hai quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tỉnh Yên Bái bị chính một đồng chí có chức có quyền cấp dưới sát hại.
Vụ thảm sát ở Yên Bái chỉ là một trong nhiều vụ việc tương tự đã hoặc sẽ xảy ra trong tương lai ở mức độ khác nhau, dưới hình thức này hay hình thức khác. Hiện nay cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra, chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân đưa đến vụ thảm sát. Nhưng theo cách lý giải trên, kết nối các sự kiện được các quan chức như bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, công bố tại cuộc họp báo chiều ngày 18-8-2016, cũng như từ các nguồn tin khác, vụ việc có thể đã diễn biến như sau:
Vụ việc có thể đã khởi đi từ chủ trương sáp nhập Chi cục kiểm lâm (nơi ông Đỗ Cường Minh đang làm chi cục trưởng) vào Chi cục phát triển lâm nghiệp (mặc dù bà Trà trong cuộc họp báo khẳng định nguyên nhân vụ nổ súng không phải xuất phát từ công tác nội bộ…). Ông Minh mất chức Chi cục trưởng cùng nghĩa với mất quyền lợi bao lâu nay thủ đắc được từ ngành kiểm lâm là một ngành hàng đầu giúp các quan chức lãnh đạo trở nên giàu có rất nhanh, nhờ cấu kết với lâm tặc ăn chia lợi nhuận từ các vụ cưa xẻ lậu gỗ quý trong rừng. Mặc dầu như bà Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết “tỉnh có chủ trương sáp nhập Chi cục kiểm lâm với một đơn vị khác nhưng chưa có quyết định cụ thể và lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Đỗ Cường Minh để “làm công tác tư tưởng”. Hai vị lãnh đạo hàng đầu đảng và chính quyền Yên Bái có thể đã gây áp lực buộc ông Minh phải chấp hành quyết định sáp nhập Chi cục kiểm lâm vào Chi cục phát triển lâm nghiệp với một “đồng chí” khác đứng đầu, nếu không những việc làm khuất tất móc ngoặc với lâm tặc làm giàu bất chính trong quá khứ của Ông Minh sẽ bị phanh phui. Vì phẫn uất trước sự bức bách của những lãnh đạo quyền thế hơn mình và cũng vì lo sợ nếu các hành động phạm pháp trong quá khứ được ô dù cha vợ là cựu bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bao che, nay thất thế mà bị phanh phui thì danh vọng, của cải tiêu tan, nên Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã chọn cách giải quyết cùng chết với hai lãnh đạo cao nhất của đảng và chính quyền Yên Bái. Và ông đã thực hiện thảm sát ngay trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII, dự trù sẽ công bố quyết định sát nhập cơ cấu tổ chức và người đứng đầu cơ cấu tổ chức mới, không phải là ông Đỗ Cường Minh.
Ngay sau cuộc thảm sát, có lẽ vì không muốn “bức giây động rừng” hậu quả không tốt cho hàng ngũ tham quan trong tỉnh và ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của đảng, nên người đứng đầu ngành công an địa phương đã vội tuyên bố “sẽ không khởi tố vụ án do thủ phạm Đỗ Cường Minh đã chết…”. Nhưng sau đó, dường như thấy không thể lấy vải thưa che mắt công luận nên giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã nói lại “sẽ khởi vụ án”.
Như vậy thực chất của vụ thảm sát ở Yên Bái chỉ là sự thanh toán nội bộ giữa các cá nhân thuộc các nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ đảng và chính quyền địa phương. Vì thế “đảng ta” không thể trách dân là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tại Yên Bái. Có điều, có thể vì “giận mất khôn” chăng, mà đảng và chính quyền đã để cho báo chí nhà nước công bố “phản cảm tiêu cực” này của nhân nhân đối với đảng. Vì làm như thế sẽ có tác dụng phản tuyên truyền, bất lợi cho đảng khi tự ghi nhận và xác định trước công luận quả thực có mối quan hệ tình cảm không tốt đẹp ngày gia tăng cường độ giữa đảng và nước CSVN với nhân dân, đến độ trở thành “mâu thuẫn đối kháng”.

Chúng tôi thiết nghĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần kiểm điểm rút kinh nghiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương để sau này chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền quản lý chặt chẽ hơn nữa hệ thống báo chí nhà nước, tránh đưa ra những phê phán công luận gây phản tác dụng như thế.

Không có nhận xét nào:

Trang