Ông Lê Văn Cuông cho rằng, mùa "sưu thuế hãi hùng" ở Hậu Lộc cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh.
"Cường hào, ác bá" ở nông thôn
Thời gian qua, người dân ở các thôn Lộc Tiên (xã Hải Lộc), thôn Thái Hòa (xã Hưng Lộc) của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đang phải chịu cảnh thu các khoản đóng góp theo kiểu "sưu cao thuế nặng".
Sau khi được phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ cung cấp thông tin, ông Lê Văn Cuông (nguyên Phó đoàn ĐBQH khóa 11 tỉnh Thanh Hóa - là ĐBQH các khóa 11,12) đã bày tỏ sự bức xúc, bất bình trước tình trạng lạm thu các khoản đóng góp ở một số địa phương của huyện Hậu Lộc.
Theo ông Cuông, ở huyện Hậu Lộc từng xảy ra việc lạm thu này và báo chí cũng đã lên tiếng, tỉnh chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt, nhưng gần đây lại tiếp tục tái diễn ở một số thôn, xã.
Mùa sưu thuế hãi hùng: Cựu ĐBQH nói đó là "cường hào ác bá"
"Chứng tỏ ở Hậu Lộc đã có truyền thống không hay trong vấn đề thu các khoản đóng góp bất hợp pháp của dân", ông Cuông nói.
Ông Cuông cũng nêu rõ, trường hợp người già cả, ốm đau, không thể lao động sản xuất rồi ngay kể cả trẻ em mới sinh ra được vài tháng còn chưa biết gì đã bị chính quyền thôn bổ đầu để lạm thu như vậy thì không thể nào chấp nhận được.
"Trước đây, khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi cũng đã phát biểu và cảnh tận thu đang ở diễn ra ở một số địa phương của Hậu Lộc hiện nay, dường như cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của một bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh này.
Họ đè đầu, cưỡi cổ người dân, tận thu bằng mọi giá, từ những đứa trẻ mới sinh ra chưa biết gì, đến các cụ già nằm liệt và khi không thu được đủ thì lại có động thái là o ép, ức hiếp người dân.
Cuộc sống của người dân ở nông thôn bây giờ rất vất vả, nguồn thu rất khó khăn, có nơi chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng nhỏ, không có nghề gì làm thêm...
Thế mà chính quyền thôn lại tự ý đặt ra biết bao khoản thu bất hợp lý, trái pháp luật, có nơi lên đến trên dưới 20 khoản thu, trong đó, nhiều khoản mà tôi đọc thấy rất kỳ lạ. Điều đó là không thể nào chấp nhận được.
Ở đây, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc đã nhận rõ đây là khuyết điểm, sai và xin lỗi dân, hứa xử lý nghiêm túc.
Cá nhân tôi rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư huyện ủy, mong rằng, sẽ có sự quyết liệt xử lý, ngăn chặn kịp thời việc lạm thu trái quy định của pháp luật. Từ đó, tạo bình yên cho người dân ở nông thôn", ông bày tỏ.
Các khoản thu năm 2013 mà gia đình một hộ dân ở thôn Thái Hòa, Hưng Lộc, Hậu Lộc phải đóng góp.
Đề cập nguyên nhân tái xuất tình trạng "mùa sưu thuế hãi hùng " này, nguyên Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc này xuất phát từ chính lợi ích của một bộ phận cán bộ, chính quyền muốn có một khoản ngân sách ngoài ngân sách Nhà nước cấp xuống hàng năm.
"Một bộ phận chính quyền cơ sở muốn có khoản thu khác để tự tung, tự tác, giải quyết lợi ích cá nhân, cho nên họ đặt ra các khoản thu bất hợp pháp.
Họ lấy lý do là đồng thuận của dân nhưng phải xem có thực tế như vậy không hay là có sức ép nào đó, bắt dân phải đồng thuận để lấy cơ sở đó nhằm đè đầu, cưỡi cổ để tận thu.
Cũng cần xem họ có vì dân không hay lợi dụng dân để tự tung, tự tác. Có nhiều địa phương thu xong rồi biển thủ các khoản đó và tham ô, tham nhũng cũng từ đây mà ra. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay để có biện pháp xử lý kịp thời", ông Cuông nhấn mạnh.
ĐBQH và câu chuyện cứu bò của người dân bị tận thu
Ông cũng kể lại câu chuyện cách đây nhiều năm, khi ông đứng ra giúp một người nông dân ở huyện Thọ Xuân đòi lại con bò bị chính quyền địa phương bắt bán.
Khi đó, do không đóng đủ tiền giao thông nông thôn, 1 chị nông dân đã bị chính quyền thôn, xã đến cưỡng bức bắt con bò mới mua để cày ruộng, sau đó bán cho người khác. Con chị đó, đến ngăn thì bị họ đánh, phải đi bệnh viện.
Báo chí lúc đó lên tiếng nhưng chính quyền xã, thậm chí huyện lơ đi, không xem xét, giải quyết.
Chị này đến gặp ông Cuông và sau khi tiếp nhận thông tin, ông đã chỉ đạo văn phòng có văn bản kiến nghị huyện, xã phải trả lại bò cũng như tiền thuốc men cho con chị nhưng chính quyền cũng làm ngơ đi, đổ lỗi cho chị này ương bướng, chống đối, không chịu nộp tiền...
"Sau đó, tôi đã đề nghị và thành lập đoàn giám sát xuống tận nơi làm việc, yêu cầu trả lại con bò cho người dân.
Tôi cũng nêu rõ trong các văn bản là nếu không giải quyết thì tôi sẽ có kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét trách nhiệm của chính quyền xã, huyện.
Với sự quyết liệt, kiên trì thì sau đó xã, huyện đã trả lại con bò và tiền thuốc men cho con chị này trong quá trình điều trị. Dù việc giải quyết đó vẫn chưa thực sự thỏa đáng và người dân vẫn còn bức xúc nhưng việc chính quyền lúc đó nhận sai, sửa cũng là điều tích cực", ông Cuông kể lại.
Trở lại câu chuyện "sưu thuế hãi hùng" ở Hậu Lộc hiện tại, vị đại biểu Quốc hội khóa 11, 12 này cũng đặt ra một vấn đề, đó là, tình trạng lạm thu đã diễn ra khá lâu, người dân bức xúc nhưng chính quyền cấp xã, huyện lại không nắm được việc làm của cấp dưới.
Đến khi xảy ra vi phạm, báo chí phát hiện mà lại không có biện pháp xử lý kịp thời, cương quyết, thì rõ ràng đây là sự thiếu trách nhiệm, vô cảm trước bức xúc của người dân.
Ông cuông đặt câu hỏi, liệu có hay không, việc chính quyền xã, huyện biết nhưng lại có tình trạng đồng lõa, làm ngơ đi những việc làm sai trái của cấp dưới?
"Tôi đề nghị, lãnh đạo tỉnh phải xem xét trách nhiệm phục vụ nhân dân của lãnh đạo huyện, xã cùng với đó, xử lý nghiêm minh những người làm sai, ngăn chặn kịp thời, không cho lan tỏa ra các địa phương khác", ông kiến nghị.
(Kiến Thức Trẻ.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét