Tác giả: FB Châu Đoàn
KD: Tình cảm là thứ khó cưỡng bức nhất. Không thể bắt người ta yêu mình nếu họ không yêu. Mặt khác, trong truyền thống xưa nay người Việt vốn rất trọng chữ “nghĩa tử nghĩa tận”. Vậy tại sao, trước cái chết của các quan chức cấp cao trong tỉnh ủy Yên Bái, trên các trang mạng XH lại ít sự xót thương??? Đó là điều chính quyền nên suy nghĩ.
Có lẽ sự mất niềm tin nghiêm trọng, và chán ghét những tệ nạ sâu mọt, con ông cháu cha, lợi ích nhóm, đã khiến cho người dân “quay mặt đi”. Đừng nên trách người dân. Nên tự trách mình trước đã để mất thứ quý giá nhất trong quan hệ người- người. Đó là Niềm tin
Buồn cho dân tộc này, cho đất nước này là thế!
————————————–
Tôi sẽ cố nhìn vấn đề khách quan nhất có thể.
Bản thân sự việc bắn nhau đối với tôi không đáng quan tâm quá nhiều mặc dù thủ tướng có nói đấy là tổn thất to lớn của tỉnh Yên Bái. Có thể tôi không có đủ thông tin về những vị cán bộ này nên cảm thấy như vậy chăng? Hàng ngày có mấy chục người dân chết vì tai nạn giao thông, theo tôi đấy cũng là tổn thất. Vậy chẳng lẽ mạng sống của cán bộ đáng quý hơn người dân?
Tôi không biết tỉnh Yên Bái sẽ tổn thất thật không bởi điều ấy còn phụ thuộc vào năng lực công tác của mấy ông cán bộ. Nếu chỉ bởi chức cao mà bảo tổn thất thì tôi nghĩ không thuyết phục. Chẳng phải có nhiều ông chức cao mà khiến ngân sách thâm hụt hàng nghìn tỉ đồng hay sao? Điều này chúng ta sẽ có được câu trả lời khi có thêm thông tin. Nhưng theo lối nghĩ thông thường thì ông này chết, sẽ có ông khác lên thay. Để xem tỉnh Yên Bái có lao đao về tổn thất này không.
Sự việc không đáng quá nhiều quan tâm bởi vào thời điểm này thông tin quá ít không thể đánh giá gì được.
Điều đáng quan tâm ở đây là thái độ của cộng đồng mạng. Có thể nói là 95% mọi người có thái độ thờ ơ, nhiều người có thái độ “hả hê” bởi sự chán ghét chính quyền vốn có.
VTC có bài với dòng tít: “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”. Cái dòng tít này quả thực cũng khiến tôi phải nhìn lại tình cảm của mình. Rõ ràng đây là sự đau thương, bởi đi cùng với mấy người đàn ông kia là mấy gia đình, những người vợ, người con đau khổ, mất mát. Xét về khía cạnh này thì không ai có thể “hả hê” với sự việc xảy ra. Nhưng điều đáng nói ở đây là không ai có thể định hướng tình cảm của người dân. Bởi nếu định hướng được tình cảm thì mọi sự trên đời trở nên đơn giản quá và sẽ rất thuận tiện cho những anh chàng tán gái. Chàng ta chỉ cần làm mặt buồn và bảo: ‘Anh yêu em thế mà em không biết đánh giá và không tỏ ra yêu anh gì cả. Đến nhẽ em nên hiểu tình cảm của anh mà đáp lại đi chứ!”
Nếu có định hướng tình cảm như vậy thì cuộc đời chẳng những đơn giản mà còn rất chán. Sẽ chẳng có kẻ thất tình, chẳng có hàng triệu triệu bài thơ tình. Đời không đơn giản như vậy. Tóm lại là không thể định hướng được tình cảm.
Vậy điều gì đang diễn ra? Lòng dân quá chán ghét chính quyền. Bạn nào phản đối nhận xét của tôi không? Hay là tôi phóng đại. Hay bởi những người yêu quý chính quyền không lên tiếng, nhút nhát bày tỏ tình cảm của mình? Nếu có thì mạnh dạn lên tiếng đi nào.
Sự việc nảy chính là một bài học rất tốt cho quan chức, cán bộ của Việt Nam. Tiền nhiều mà làm gì? Chức cao mà làm gì khi dân không yêu? Con cháu các vị có tự hào về cha, ông mình không? Rõ ràng là không rồi. Trừ khi con cháu các vị chỉ chơi với con cháu các quan chức, cán bộ khác. Vậy nhé, đây là cơ hội suy ngẫm của quan chức, cán bộ và chính quyền nói chung. CHÁN GHÉT, đấy là tình cảm thực, rất thực của dân chúng với chính quyền. Đừng hỏi tại sao, bởi chính các vị chắc cũng thừa biết câu trả lời rồi.
Đừng cố gắng định hướng tình cảm bởi việc ấy là thô thiển và không thể làm được. Ai làm tốt, lòng dân sẽ tự yêu quý. Mấy chục năm qua, người dân vẫn khổ, mọi mặt đời sống đều thấp kém, người dân cảm thấy quyền của mình bị chà đạp, sao đòi dân yêu? Thay đổi cách nghĩ đi, đưa ra cải tổ quan trọng đi, và điều đầu tiên cần làm là trung thực đi.
Tôi không cổ vũ bạo lực, nếu có bạo loạn xảy ra thì tất cả chúng ta là nạn nhân. Để có được một xã hội tiến bộ thì cần có cách giải quyết văn minh. Sự việc ấy là đáng tiếc, tôi tin rằng mọi người cũng nghĩ vậy. Và mọi người cũng không ác độc gì mà “hả hê’ như bài báo nêu ra, có chăng chỉ là cơ hội để họ thể hiện sự mất lòng tin vào chính quyền. Và phản ứng của công luận cũng chỉ là trên bề mặt của sự việc và điều ấy cũng là thường tình, dễ hiểu.
Khi nhìn sự việc, hãy tách biệt và thẳng thắn thì mới mong học được điều gì đấy. Sự vơ đũa cả nắm, lẫn lộn sự việc sẽ chẳng dẫn đến đâu cả.
_____
Đọc bài này:
Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án
Tác giả: Khánh Nguyên
Điều khiến người có lương tri nhói đau là quá nhiều kẻ vô lương đang đùa cợt, thậm chí hả hê với nỗi đau tột cùng vụ thảm án xảy ra ở Yên Bái sáng nay.
———–
Vụ việc Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái mang súng vào tận phòng bắn chết Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Duy Cường và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Ngô Ngọc Tuấn sáng nay làm bao người bàng hoàng, sững sờ. Có thể nói, chưa bao giờ một vụ thảm án khủng khiếp đến thế xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Đây là mất mát to lớn và là sự cố có tính đặc biệt nghiêm trọng từ trước đến nay trên địa bàn Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung”.
Đó là sự mất mát quá lớn về cán bộ lãnh đạo cho địa phương cũng như cho hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền nói chung.
Những cán bộ này đã được đào tạo, rèn luyện kinh qua nhiều năm, nhiều chức vụ và đang giữ vị trí chủ chốt của tỉnh Yên Bái. Và chắc chắn, vụ thảm sát này sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị, xã hội của địa phương, ít hay nhiều thì khó có thể cân đo đong đếm.
Đó còn là nỗi đau tột cùng của những người vợ, người mẹ, của con cháu và người thân trong gia đình, chòm xóm. Dù họ có làm chức vụ gì, giữ cương vị nào thì phía sau họ vẫn là những gia đình, là họ hàng thân thích. Những gia đình đó đã mất đi người ông, người chồng, người cha – chắc chắn là trụ cột trong gia đình. Sự mất mát đó không gì có thể bù đắp nổi.
Thế mà, vẫn có những kẻ nhẫn tâm lại đang biến nỗi đau tột cùng ấy thành trò đùa, thậm chí công khai bày tỏ thái độ hả hê trên mạng xã hội.
Điều khiến cho những người có lương tri thấy nhói đau là mạng xã hội lại tràn ngập những lời đùa cợt, những bình luận hả hê, chà đạp lên nỗi đau đớn tột cùng của gia đình người bị nạn, của chính quyền tỉnh Yên Bái.
Rất nhiều kẻ bất lương dẫn câu nói của Thủ tướng “Chúng ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả” để ngoắc vào những phát súng của kẻ sát nhân máu lạnh.
Ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đưa ra phát biểu này tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 là nhiều lãnh đạo bộ ngành nói nhiều, làm ít; nói không đi đôi với làm. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành nói phải đi đôi với làm, giải quyết các vụ việc thuộc ngành mình quản lý đúng người, đúng việc và quy rõ trách nhiệm cụ thể.
Vậy mà, câu nói nằm trong chỉ đạo quyết liệt của ông lại bị những kẻ vô lương tâm cố tình lái vào vụ thảm án chấn động lương tri này. Đau lòng hơn, những kẻ này còn so sánh tên sát nhân máu lạnh Đỗ Cường Minh với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Phải có tâm địa độc ác thế nào mới có thể đưa ra sự so sánh khủng khiếp thế này.
Đùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh.
Ngoài kia, cơn bão số 3, còn gọi là bão Thần Sét, được dự báo có thể giật cấp 13 – 14 đang sầm sập kéo vào từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Những trận lũ quét khủng khiếp đã cướp đi bao sinh mạng và tài sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc – hậu quả đau lòng bão số 2 – chưa kịp giải quyết xong thì lũ quét lại sắp ầm ầm đổ xuống. Chưa biết điều gì đang đón đợi Yên Bái, trong khi tỉnh lại mất đi 2 lãnh đạo chủ chốt.
Xét trong hoàn cảnh ấy, đã không động viên, chia sẻ được với gia đình người bị nạn, với Yên Bái mà còn hả hê và đùa cợt với mất mát, với nỗi đau như vậy, họ còn còn chút lương tri?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét