2 tháng 3, 2016

Tâm lý dân tộc với cuộc cải cách hành chính hiện nay

Tác giả: Ðỗ Thái Ðồng (Văn Nghệ- 2008)
KD: Việt Nam suốt 4, 5 thế kỷ qua, hầu như không có 3 nhân vật chính có thể làm chỗ dựa cho một nhà nước trung ương tập quyền mạnh: – Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại “nhất thời”. – Không có tầng lớp trí thức độc lập với nhà nước để có được các trào lưu học thuật, tư tưởng riêng. Học để làm quan, tuyệt đại đa số kẻ sĩ đều mộng làm quan lớn hơn là giữ vai trò kẻ sĩ. – Không có lớp doanh nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ra ngoài nước.
Với ba cái không đó thì không thể có một nhà nước trung ương tập quyền mạnh được. Cái ta có là một nhà nước quan lại chứ không phải quan liêu. Ðám quan lại này vì là “nhất thời” nên không thể có một truyền thống quản lý nào vững chắc, lâu dài được. Thiếu quý tộc, vắng thương nhân, không có sĩ phu độc lập – nếu vậy thì trên cái nền căn tính dân tộc có lẽ chỉ còn có tính nông dân là ưu trội (Đỗ Thái Đồng).
.Bài viết hơi dài, bàn về cải cách hành chính nhưng rất thú vị. Xin đăng lên đẻ bạn đọc chia sẻ
—————
Trong số những cái mà người phương Ðông học ở người phương Tây thì nền Hành chính công là cái đáng học nhất, sau những cái tân tiến khác về kỹ thuật. Bộ máy hành chính Tây phương cho thấy hai ưu điểm rõ nhất: tinh giản và hữu hiệu. Ðó là cái hấp dẫn người Ðông phương cũng giống như các máy móc khác, vừa tốn ít người, vừa năng suất cao…
Nhưng với hai ưu điểm hấp dẫn ấy, phương Ðông, kể cả Nhật Bản, cũng không dễ dàng du nhập bộ máy này, bởi còn có những điều khác rất bất tiện khi muốn lắp đặt nó vào một khuôn khổ xã hội cổ lỗ. Ở đó cả sự tinh giản lẫn sự hữu hiệu đều không phải là những giá trị đáng hoan nghênh, thậm chí không đáng được xếp vào các nấc thang giá trị cổ truyền.
1. Phương Ðông không có truyền thống viên chức, dù chỉ là một thứ quản gia. Trong quản lý, họ chú trọng quản lý người hơn là quản lý việc. Lấy người trước, đặt việc sau, ở đây những giá trị truyền thống cao hơn là hữu hiệu. Tổ chức không theo nguyên lý của cái máy nên không cần tinh giản để đỡ cồng kềnh. Trái lại, sự châu tuần xung quanh ngôi vị trung tâm, sự đủ mặt bá quan văn võ, sự đông đảo của đám thư lại, sai nha… đấy mới là những giá trị của một tổ chức mạnh.
Tất cả những khuôn mẫu và những giá trị đó suy đến cùng đều có nguồn gốc tâm lý. Tất nhiên, đây vẫn là một tâm lý Ðông phương nói chung. Còn muốn đi vào những đường biên giới dân tộc mà xét thêm các đặc tính cụ thể và khác biệt nào đó thì nhà Tâm lý học Dân tộc còn phải gia công hơn nữa.
Trong trường hợp của Việt Nam, sự tìm tòi những yếu tố tâm lý dân tộc nào đó, thuận lợi hay cản ngại cho cuộc cải cách hành chính hiện nay phần nào đã có sẵn trong những cố gắng mổ xẻ các cấu trúc xã hội, cũng như các cấu trúc tinh thần của người Việt ít ra từ các phong trào Ðông Du, phong trào Duy Tân đến nay. Và chiều hướng chính trong đó lại là chiều hướng phê phán cái cổ hủ mà ta ôm ấp từ cả ngàn năm trước. Về tâm lý, nó là những cố tật, những căn bệnh lâu đời. Ta không có một Lỗ Tấn từng làm cuộc giải phẫu tâm thần người Trung Quốc, tuy cũng không thiếu những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… để mà phơi bày mặt trái của tâm hồn Việt Nam.
Nhưng dù sao, đó cũng mới chỉ là mô tả. Còn truy nguyên các mặt trái ấy để biết nó có căn rễ từ đâu thì lại rất ít công trình khảo cứu đến nơi đến chốn.
Bế tắc về phương pháp có thể là lý do chính. Nghiên cứu Tâm lý Dân tộc cần phải vượt qua bế tắc này.
2. Với Xã hội học, người ta xuất phát từ các cấu trúc xã hội khách quan để đi tới các cấu trúc tinh thần chủ quan. Do vậy, trước một vấn đề, phải đặt ra một khung lý thuyết cho phép sắp xếp các dữ kiện theo một cấu trúc nào đó và lý giải các cấu trúc ấy. Với câu hỏi về vấn đề cải cách hành chính hiện nay cũng vậy. Cái thuận và cái nghịch không phải ở những lý lẽ hay mong muốn, không phải ở chỗ người ta có sẵn sàng cải cách hay không và cải cách theo hướng nào. Ngay cả một trạng thái tinh thần làm nền cho cuộc cải cách cũng không chỉ đơn giản là chuyện người ta mang một tâm thế có lợi hay bất lợi cho cải cách.
Hơn nữa, một tâm thế nào đó thuộc về một trạng thái tinh thần của cả một dân tộc chỉ một phần thuộc về ý thức, phần khác, có thể là lớn hơn, lại thuộc về những động lực vô thức. Ở đó, nhà Xã hội học quả là phải nhờ ở nhà Tâm lý học, để hiểu được cái gọi là “vô thức xã hội” (như cách nói của Durkheim), hoặc “vô thức tập thể” như cách nói của C.G. Jung. cả hai cách nói ấy đều xác nhận sự tồn tại những động lực sâu kín đằng sau các hành vi xã hội luôn luôn tỏ ra là không hoàn toàn duy lý.
Hành động cải cách hành chính cũng vậy. Cái lý của mô hình phương Tây với hai giá trị Tinh giản và Hữu hiệu chỉ là những động lực trên bề mặt. Còn ở bề sâu thì cả hai kiểu xã hội Tây phương -nơi sản sinh nó, và Ðông phương -nơi người ta du nhập nó, mỗi nơi đều có động lực ẩn dấu từ trong các cơ cấu xã hội – văn hóa của nó.
Tính dân tộc có thể có ảnh hưởng đến các hành vi này và trong mỗi trường hợp của mỗi quốc gia dân tộc, người ta phải hiểu các kiểu hành vi này không phải chỉ theo những đường biên giới địa lý, mà nhiều hơn là trên những đường biên giới tinh thần như cách nói của Benedict. Chính điều đó giải thích vì sao mà trong đời sống công dân, người Mỹ tin nhiều hơn ở giới luật sư, còn người Ðức lại tin nhiều hơn ở các viên chức hành chính.
Cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam được xúc tiến mới đây gần như đã đi theo một đường vòng, không nhắm thẳng vào hai mục tiêu tinh giản và hữu hiệu. Bởi vì, nếu nhắm thẳng vào hai mục tiêu ấy, thì trọng tâm của cuộc cải cách sẽ là ở những thay đổi về bộ máy, về guồng máy. Trong khi không đụng tới hoặc là chưa đụng tới bộ máy, cuộc cải cách hành chính thời gian qua lại nhắm vào thủ tục nhiều hơn. Khẩu hiệu “một dấu một cửa” cho thấy sự ưu tiên về thủ tục, cốt là tránh phiền hà thủ tục hơn là sự tinh giản bộ máy và làm cho nó có hiệu quả hơn. Sau biết bao cố gắng giảm biên chế, chúng ta vẫn không nhích lên được bước nào đáng kể để làm cho bộ máy tinh giản hơn. Chính từ đó ta tìm ra một lối rẽ, một con đường vòng mà cái đích sẽ đến sau này lại là cái chưa ai hình dung được.
Ðộng lực nào đã lái chúng ta đi vào con đường vòng ấy? Ðó là câu hỏi đáng lưu tâm nhất. Trả lời câu hỏi đó là nhiệm vụ của khoa học xã hội, trong đó có Tâm lý học Dân tộc.
3. Có một giả thuyết lâu nay vẫn được dùng trong giới khoa học xã hội nước ta, mỗi khi nói về bản sắc Việt Nam – Giả thuyết về một “Việt Nam làng xã”. Tất nhiên, đây không phải là giả thuyết duy nhất, nhưng có lẽ là thông dụng nhất. Và để theo sát chủ đề cuộc tọa đàm hôm nay, ta có thể nhắc tới cái gọi là “tâm lý làng xã” hay chăng? Ở đó, “phép vua thua lệ làng” là một kiểu hành vi cố hữu có tính dân tộc sâu sắc chăng? Ðó là một vật cản làm cho người Việt Nam không đi xa được trong nhiều chuyện, kể cả cải cách hành chính?
Sở dĩ đặt lại nhiều câu hỏi như vậy, vì ở đây, có lẽ có một định kiến hơn là một giả thuyết khoa học cho phép những tìm tòi. Trong khi không thành công về việc tổ chức nền hành chính, từ cấp trung ương với tất cả những chức năng quản lý công quyền, thì người ta lại đổ lỗi cho làng xã – một tổ chức xã hội đảm đương những chức năng hoàn toàn khác trong các cộng đồng nông thôn nhỏ bé mà ở đó hành chính không bao giờ là hành vi thiết yếu của nó. Nhà nước trung ương áp đặt vào làng xã các lề lối hành chính theo quyền lực và mục tiêu của mình. Viên chức đại diện cho nhà nước trung ương ở làng, tùy thời mà có tên gọi khác nhau, nhưng giả dụ một anh Lý trưởng không hề tồn tại trong làng thì chúng ta tin rằng làng vẫn có tất cả những cách thức để thực hiện nền tự quản của nó. Nền tự quản này không cần đến hành chính, hoặc ít ra cũng gần như thế.
Tôi tin chắc ở điều này, qua tất cả những nghiên cứu thực địa của mình từ những năm 1980, trong những cuộc khảo sát vùng đồng bằng Bắc Bộ, hoặc những công trình nghiên cứu ở đồng bằng sông Cửu Long hơn 10 năm qua. Và gần đây nhất, trong công trình tập thể chúng tôi cùng làm với các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Thái Lan dưới tiêu đề “Hiện đại hóa ở các xã hội châu Á”. Phát hiện chủ yếu của tôi là trong cơ cấu làng có hai kiểu quan hệ: quan hệ nguyên sơ và quan hệ chức năng, cả hai lại dựa trên nền tảng mạng lưới các quan hệ thân thuộc hiểu theo nghĩa rộng nhất.
Chẳng cần đến hành chính, tức là hành chính công quyền, thì các cơ cấu ấy vẫn hoạt động, các quan hệ ấy tự động điều chỉnh mọi chuyện của làng. Tuy nhà nước trung ương có áp đặt vào làng một kiểu nhân vật cầm quyền như Hào Lý chẳng hạn, thì nhóm này cũng chỉ có thể hành động như một cạnh của cái tam giác LÃO-HÀO-MỤC, mà ở hai cạnh kia lão và mục luôn luôn là những nhóm phi chính thức, không có chức năng quản lý trực tiếp việc làng.
Làng, theo tôi, là một tổ chức phi chính phủ (NGO), một tổ chức cơ bản của xã hội Dân sự ở Việt Nam, là một phát minh độc đáo của người Việt từ một lịch sử thật riêng biệt của mình.
Tại sao người ta lại đem những bất lực và yếu kém của bộ máy hành chính công quyền, vốn dĩ là chuyện của chính phủ, để đổ lỗi cho một tổ chức xã hội căn bản là phi chính phủ? Tại sao người ta lại không nhắm vào nhà nước trung ương, mà lại nhắm vào các đơn vị xã hội địa phương, để chỉ trích tình trạng suy yếu của nền hành chính? Có phải vì làng xã vốn tự nó chống lại hành chính không?
Hoàn toàn không! Trái lại, nhà nước trung ương phải biết ơn các làng rất nhiều, nhờ nó mà guồng máy hành chính ở làng xã luôn luôn là tinh giản nhất, ít tốn kém nhất mà cũng hữu hiệu vào loại nhất. Chẳng thế mà chính phủ chỉ cần bổ nhiệm một anh lý trưởng mà thôi, không cần trả lương anh ta, thậm chí đám quan lại cấp trên còn được anh ta hối lộ để chạy chọt chân lý trưởng ấy. Lâu nay, người ta xóa các làng và bày đặt một bộ máy hành chính khổng lồ ở cấp xã, để rồi khốn khổ vì cả sự cồng kềnh và kém hiệu quả của nó. Ðấy có phải là lỗi ở các làng không?
Tóm lại, có hai chuyện khác nhau, một chuyện thuộc về nhà nước quan phương, một chuyện về tổ chức NGO và xã hội dân sự. Lẫn lộn hai chuyện đó để rồi cứ ra sức nói xấu về bản tính người Việt là một “giống người làng xã” vô tổ chức, vô kỷ luật, tùy tiện, cục bộ, hủ lậu… thì thật là chuyện tầm phào, nhiều định kiến mà không có chút gì là khoa học.
Tôi không bênh vực làng và coi nó là một tổ chức xã hội vĩnh cửu. Tôi theo dõi và chờ đợi rồi đây làng sẽ giải thể, các cấu trúc của làng dần dần sẽ đi vào quá trình tan rã hoặc đúng hơn là giải cấu trúc (destructuration) cũng là khái niệm tôi đã dùng từ năm 1980 đến nay. Với những điều kiện nào? Với tất cả những điều kiện mới được tạo ra từ công nghiệp hóa. Mà làng thì chỉ là một tổ chức xã hội nông nghiệp, không thể tự nó công nghiệp hóa được. Vậy cần phải trông cậy ở nhà nước trung ương là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa. Nhà nước đó có đủ mạnh không để biến quốc gia thành một nước công nghiệp? Và vì thế, nền hành chính là việc cấp thiết, nó phải mạnh. Nếu chưa đủ mạnh hoặc là ốm yếu thì phải tìm căn bệnh ở đâu chứ không phải ở chuyện “phép vua thua lệ làng”. Tìm đúng căn bệnh thì mới bốc thuốc được.
4. Ðáng lẽ tham luận của tôi chỉ nên dừng ở đó. Các nhà sử học là những người có thẩm quyền nhất để làm các vị y sư tài giỏi trong chuyện định bệnh này. Tuy nhiên, vẫn theo đuổi ý tưởng về cấu trúc xã hội, tôi cũng muốn góp vài nhận xét, hay nói đúng hơn, vài băn khoăn sau đây:
Từ sau nhà Trần, nhất là sau mấy triều vua đầu của nhà Lê, ở Việt Nam không có triều đại nào thật sự có được một nhà nước trung ương tập quyền đủ mạnh. Ðủ mạnh trước hết trong lĩnh vực kinh tế, với khả năng tạo dựng được sức mạnh kinh tế của chính nó, và khuyến khích các thế lực kinh tế khác ở trong dân. Và văn hóa, thì từ sau văn hóa Lý-Trần, xét ra các triều đại cũng không đủ mạnh để tạo dựng một nền văn trị nhiều sức thuyết phục, dù rằng thành tựu lẻ tẻ thì cũng không ít.
Tại sao vậy? Nhìn về cơ cấu xã hội, ta thấy Việt Nam suốt 4, 5 thế kỷ qua, hầu như không có 3 nhân vật chính có thể làm chỗ dựa cho một nhà nước trung ương tập quyền mạnh:
– Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại “nhất thời”.
– Không có tầng lớp trí thức độc lập với nhà nước để có được các trào lưu học thuật, tư tưởng riêng. Rất hiếm thấy cái cốt cách như Lý Bạch “Thiên tử hô lai bất thượng thuyền”. Học để làm quan, tuyệt đại đa số kẻ sĩ đều mộng làm quan lớn hơn là giữ vai trò kẻ sĩ.
– Không có lớp doanh nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ra ngoài nước.
Với ba cái không đó thì không thể có một nhà nước trung ương tập quyền mạnh được. Cái ta có là một nhà nước quan lại chứ không phải quan liêu. Ðám quan lại này vì là “nhất thời” nên không thể có một truyền thống quản lý nào vững chắc, lâu dài được.
Thiếu quý tộc, vắng thương nhân, không có sĩ phu độc lập – nếu vậy thì trên cái nền căn tính dân tộc có lẽ chỉ còn có tính nông dân là ưu trội. Từ đây người ta lầm tưởng mà đổ lỗi cho làng.
Bởi vì cứ nói nông dân là phải nghĩ tới làng. Thực ra nông dân chỉ là số đông trong làng và ngay cả ở làng, họ cũng không phải là chủ thể. Tôi ngờ rằng, phần lớn các làng thoạt tiên cũng không hẳn đã do nông dân khởi xướng mà lập ra.
Ở phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh, có một làng tên là Tân Tạo, nghĩa là mới lập. Làng lưu truyền một câu đối thờ thần như sau:
Vế 1. “Tân vận, hội Tân xuân, Lục ấp Khánh duy Tân chi đức”
Vế 2. “Tạo Nhân, giai Tạo Vật, nhất thôn chiêm đại tạo chi ân”
Khẩu khí rõ ràng là của kẻ sĩ muốn nối tiếp tinh thần lập các “tiểu vũ trụ” như ngoài Trung, ngoài Bắc. Còn lập làng ở trong Nam, hình như đám điền chủ và đám tướng tá quân đội có vai trò rất lớn chăng?
Giờ đây ta chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu không có một nhà nước trung ương tập quyền đủ mạnh thì rồi ta sẽ đi theo cách nào. Nhiều nước, nếu không phải là hết thảy nhà nước châu Á đều làm công nghiệp hóa bằng nhà nước trung ương mạnh. Nhà nước làm vô cùng nhiều việc để biến đổi nông thôn. Tài lực của nhà nước không còn phụ thuộc vào sự cống nạp của nông thôn như trước nữa.
Nếu ta cũng tất yếu phải đi theo kiểu một nhà nước mạnh, với nền hành chính công tinh giản và hữu hiệu, thì ta phải làm gì với ba cái thiếu trên kia.
Nếu không, ta phải hình dung một lối đi nào khác chứ không thể loay hoay quanh cuộc cải cách về thủ tục mà né tránh căn bệnh nan y từ trong bộ máy này.

Không có nhận xét nào:

Trang