6 tháng 3, 2016

Những người cộng sản Việt Nam trước thử thách khi những người bất đồng chính kiến ứng cử Quốc hội

Văn Việt
Hiếu Tân dịch từ Reuters
Ông Nguyễn Quang A đang chụp cảnh người biểu tình chống TQ ngày 17-2-2016. Ảnh: Reuters/ KHAM
Ông Nguyễn Quang A đang chụp cảnh người biểu tình chống TQ ngày 17-2-2016. Ảnh: Reuters/ KHAM
HÀ NỘI – Nguyễn Quang A, một cựu doanh nhân Công nghệ Thông tin và nhà hoạt động ngân hàng đang mở một cuộc vận động trong khuôn khổ quy định để được bầu vào Quốc hội Việt Nam, công khai tài sản của mình, vận động ủng hộ của cử tri và xuất hiện trong một video clip hấp dẫn trên mạng.
Tuy nhiên ông không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng không phải là loại ứng viên mà đảng cai trị độc quyền mong muốn có trong hệ thống lập pháp luôn sẵn sàng nhất trí cúa họ.
Quang A là một trong những nhà phản biện lớn nhất trong số 19 nhà bất đồng chính kiến đang thử vận động với tư cách ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 này, quyết định thử tính chân thực trong những hứa hẹn tăng cường dân chủ của Đảng.
“Họ bảo chúng tôi có quyền [ứng cử] và nói rằng chế độ là dân chủ” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng ta hãy xem họ biến những lời hùng biện này thành thực tế.”
Khích những người cộng sản hơn nữa, ông Quang A còn đợi xem liệu lãnh đạo Đảng Nguyễn Phú Trọng có vận động tái cử vào Quốc hội không để ông có thể đối đầu với ông này trong cuộc bầu cử.
Việc cho phép thách thức vào cuối 40 năm đơn độc cầm quyền có thể giúp đánh bóng Đảng Cộng sản, mà đa số người dân coi là không thể chạm đến được, trong một nước có hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi.
Tuy nhiên một hệ thống xem xét lý lịch khắc nghiệt và những cản trở khác của Đảng khiến các nhà bất đồng chính kiến hầu như không thể thành công.
Cuộc vận động ứng cử vào Quốc hội là một bộ phận của xu hướng bắt đầu cách đây ba năm trong đó Đảng Cộng sản bị thách thức công khai không chỉ bởi các nhà văn, luật gia, học giả, nghệ sĩ, mà cả trong hàng ngũ của Đảng.
Quang A và những nhà hoạt động khác nói mục đích [của họ] là sử dụng tính đại chúng của truyền thông xã hội để giám sát Đảng cộng sản 4,5 triệu đảng viên và khuyến khích tham dự chính trị từ bên ngoài.
Nhà bình luận chính trị Lê Hồng Hiệp nói rất khó có khả năng những nhà hoạt động này ngay cả được phép ứng cử vào Quốc hội.
“Đảng muốn có những tiếng nói phản biện trong Quốc hội, nhưng không phải những người mà họ không thể kiểm soát hoặc những người có thể gây những rắc rối về chính trị,” ông nói.
LÀM CHO KÍN KẼ
Quang A, người năm ngoái đã hai lần bị cầm giữ sau khi gặp những tù nhân chính trị và tham dự những hội thảo dân chủ ở nước ngoài, nói rằng những tiếng nói độc lập trong một hệ thống không có đối lập có thể sẽ củng cố tính hợp pháp của Đảng Cộng sản.
Thấy trước thế bất lợi của mình, ứng viên 69 tuổi này đang cố gắng vận động một cách kín kẽ nhất, cố gắng xin được 5.000 chữ ký ủng hộ của cử tri và những người theo dõi tình nguyện, để bảo đảm ông được đối xử công bằng.
Ví dụ, ông đã tự nguyện công khai tài sản của mình trên Facbook, gồm có đất đai và 1,7 triệu đôla trong đầu tư chứng khoán dùng những quỹ của doanh nghiệp Công nghệ Thông tin mà ông điều hành 23 năm nay.
Con số “like” trên Facebook cho cuộc vận động của ông đến nay đã đạt tới 3.700.
Trước đây bất đồng chính kiến là lĩnh vực của một số rất ít người ở Việt Nam, những người phải gặp nhau trong bí mật, hay bị giam cầm.
Ở đây truyền thông vẫn bị kiểm duyệt và những người lớn tiếng phê bình đảng phải đối mặt với sự quấy nhiễu, bắt bớ giam cầm về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Nhưng trong mấy năm gần đây trên mạng đã xuất hiện nhiều kiến nghị và thư ngỏ, trong đó có bức thư năm 2014 có chữ ký của 61 đảng viên kỳ cựu và đương nhiệm, nói rằng thất bại trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Hoa là “một tội ác với dân tộc ta.”
Một cuộc lấy ý kiến quần chúng về dự thảo Hiến pháp đã có phản ứng ngược khi trí thức và quan chức trả lời bẳng cách viết dự thảo của chính mình đề xuất một hệ thống đa đảng, được 15.000 người ủng hộ. Đảng đã bỏ qua.
Quốc hội dự kiến lần này dành 5-10 phần trăm trong số 500 ghế cho những thành viên ngoài Đảng. Những nhà lập pháp này thường được các tổ chức đảng chỉ định, mặc dù trong ủy ban thường vụ đương nhiệm có bốn thành viên tự ứng cử.
Ủy ban Bầu cử Quốc hội đã không trả lời những câu hỏi của Reuters về cơ hội cho các ứng viên tự ứng cử.
Blogger Nguyễn Đình Hà, 28, tốt nghiệp Đại học Luật, cho rằng Đảng sẽ cản trở việc ứng cứ quốc hội của anh sau khi anh trình bày một báo cáo về kiểm duyệt trước các dân biểu ở Washington D.C.
“Đảng sợ [tinh thần] độc lập như một ngọn lửa sẽ lan rộng.”
Nhưng anh nói thêm: “Có những cơ hội có thể có ích, còn việc dập tắt những tiếng nói khác sẽ gây hại nhiều hơn.”
Một người khác hi vọng thử vận may của mình với các cử tri là bà Đặng Bích Phượng, người đã gặp rắc rối trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
“Đây là một dịp để thay đổi, thậm chí nếu nó chỉ hơi hé mở,” bà nói. “Tôi muốn mang tiếng nói của nhân dân đến Quốc hội và đưa nhân dân và lãnh đạo lại gần nhau hơn.”

Không có nhận xét nào:

Trang