* BÙI ĐỨC TOÀN
Đúng thế! Không chỉ “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà bây giờ các quan chức ham cầu cúng, lễ bái để cầu tài, cầu lộc và cầu quan lộ ngày càng rầm rộ đến mức mê muội.
Nếu như ngày trước, việc cầu cúng, lễ bái được coi là mê tín thì bây giờ ngược lại, người ta lại cho là chuyện tín ngưỡng bình thường. Đã một thời ấu trĩ, hành xử thái quá nên các di tích chùa chiền, đền miếu…bất kể là thờ cúng ai, từ vua chúa đến các bậc hiền tài và thành hoàng làng cũng đều bị phá bỏ hoặc trở thành hoang phế. Nhưng rồi bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, tất cả các di tích ấy được khôi phục và tôn tạo. Và rồi “Té nước theo mưa”, khắp nơi lợi dụng xây dựng thêm đền chùa, miếu mạo. Có địa phương xưa nay chẳng thấy thờ cúng ai nhưng rồi tự dưng cũng dựng lên một ngôi chùa rồi gán cho nó một sự tích nào đó để thờ cúng và hàng năm mở lễ hội. Mà đã có lễ hội thì không chỉ hoạt động tín ngưỡng mà còn kèm theo các dịch vụ kinh doanh để dân sở tại và chính quyền địa phương làm kinh tế. Thế nên bây giờ cả nước mới có tới 74.000 lễ hội lớn nhỏ, trung bình mỗi ngày có 27 lễ hội. Thế thì làm gì mà quanh năm, không chỉ có dân thường mà các quan chức cũng bận rộn với lễ hội!
Tỉnh Ninh Bình đã nổi tiếng có đền thờ vua Đinh, vua Lê với khu di tích Cố đô Hoa Lư và đền thờ nhà Lý ở huyện Hoa Lư. Còn chùa Bái Đính cổ thờ vua Đinh nằm ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Nhưng năm 2005, tỉnh Ninh Bình đã ký quyết định xây dựng chùa Bái Đính mới, cách chùa Bái Đính cổ 800m; giao cho công ty xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư và có thời hạn hoạt động 70 năm. Đây là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và cũng đạt nhiều kỷ lục ở châu Á về quy mô công trình và tượng Phật…Có người cho rằng, nhờ có chùa Bái Đính hoành tráng như thế nên đất Ninh Bình đã phát vua, phát tướng! Và rồi tin vào điều mê tín ấy, từ gần chục năm nay, ngày càng nhiều quan chức kéo về đây hành lễ, cầu cúng để mong được thăng quan, tiến chức. Những ngày này, xe công, xe tư nô nức đổ về, có lúc tắc nghẽn giao thông.
Ở lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) cũng vậy. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng đều dễ dàng nhận ra rất nhiều cán bộ, công chức từ Trung ương đến các tỉnh thành về đây xin ấn. Ô tô, xe máy ùn tắc mấy cây số dọc Quốc lộ 10. Người ta quan niệm xin ấn để năm mới được thăng quan, tiến chức. Thế nhưng dân thường làm sao có chuyện thăng quan mà cũng cứ chen nhau, đánh nhau để vào xin ấn?
Các quan đi lễ thì “tiền hô hậu ủng”, có xe cảnh sát sở tại dẫn đường. Lễ vật mang theo phải có mâm cao cỗ đầy, tiền vàng mã và đồ cúng tế phải có giá trị cao, tính bằng tiền triệu cả. Có quan tế nhị thì đi xe của doanh nghiệp nhưng có quan cứ vô tư dùng xe công cho oai, cho thanh thế. Và đã có quan trên về thì các quan sở tại phải đón tiếp trọng thị kẻo mất lòng. Kinh phí tiếp khách lại bổ vào đầu dân.
Càng lắm lễ hội thì các quan càng phải đi nhiều. Bởi quan cũng muốn đi để “đánh bóng thương hiệu” mà chính quyền sở tại cũng muốn có quan về mới thêm phần long trọng. Thế là việc công nơi nhiệm sở bị bỏ bê bởi hàng năm mỗi quan phải bỏ ra một quỹ thời gian đáng kể cho lễ hội.
Gần đây, hội chứng khai ấn và xin ấn phát triển ở nhiều địa phương. Từ mấy chục năm trước, lễ khai ấn chỉ tiến hành ở đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Bởi lễ khai ấn xuất phát từ thời nhà Trần, sau khi đánh bại giặc Nguyên Mông, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông mở tiệc mừng công, phong tước cho quan quân có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Sau này vào đầu xuân, các vua Trần đều tổ chức nghi lễ khai ấn với mục đích tế trời đất, tổ tiên, mở đầu cho một năm làm việc thuận lợi của bộ máy chính quyền.
Nhưng năm 2010, tỉnh Thái Bình cũng bắt đầu mở lễ khai ấn nhưng vào ngày 13 tháng Giêng. Rồi ở Hà Nội, ngày mồng 8 tết vừa rồi cũng bắt đầu tổ chức lễ khai ấn ở Hoàng thành Thăng Long. Lễ này không làm vào ban đêm mà làm vào buổi sáng. Có điều lạ là từ xưa tới nay, có ai nói đến ấn ở di tích nhà Trần ở Thái Bình và ấn ở Hoàng thành Thăng Long bao giờ. Rồi nhiều đền miếu khác ở một số địa phương cũng khai ấn.
Tại Hoàng Thành, các nghi thức do chủ tế và các vị chức sắc tiến hành riêng lễ khai ấn trong nền điện Kính Thiên. Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, chiếc ấn dùng hôm nay được làm từ lụa đỏ, mô phỏng ấn thời Trần, tìm thấy trong một đợt khảo cổ. Ấn được đóng lên các lá ấn làm từ giấy dó và phát cho đại biểu dự lễ.
Hoàng thành là quốc đô của đất nước, nơi 52 đời vua trị vì qua các triều đại. Vậy ấn dùng ở Hoàng thành Thăng Long không biết đại diện cho đời vua nào hay chỉ là ước lệ bởi nhà Trần có 12 đời vua?
Còn quả ấn của di tích nhà Trần tại Hưng Hà, Thái Bình cũng là câu chuyện bi hài.
Lễ khai ấn tại đền Trần Hưng Hà được tổ chức khá quy mô, với sự tham dự của hàng vạn người dân. Đồng thời trong dịp khai ấn này, đã có hàng vạn bản ấn được đóng, phát/bán cho nhân dân. Lễ khai ấn ở đây đã “lộ sáng” về hành tung của quả ấn.
Xe quan chức đi lễ hội |
Quả ấn ấy vốn được ông Trần Độ - một nghệ nhân gốm ở Bát Tràng cung tiến. Ông Độ được ông Nguyễn Văn Thái - một nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật ở Hà Nội nhượng lại. Một hôm ông Độ đến nhà ông Thái, thấy quả ấn để dưới gầm tủ. Hỏi thì ông Thái nói rằng, đó là chiếc ấn của vua Trần, mua được của một người ở Hòa Bình cách đó hơn chục năm. Thật nực cười là “ấn của vua Trần” mà ông Thái lại để ở gầm tủ!
Thế mà tết 2010, Thái Bình đã tổ chức lễ hội và khai ấn đền Trần. Thấy nghi ngờ, tôi đã điện về hỏi một quan chức của tỉnh, rằng Thái Bình làm gì có ấn đời nhà Trần. Vị quan chức đó khẳng định: “Có chứ, quả ấn của Thái Bình còn to hơn quả ấn của Nam Định”. Và lễ khai ấn đầu tiên ấy, Thái Bình đã mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tham dự khai ấn. Hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh cũng nườm nượp kéo về. Sau đó, nguồn gốc của quả ấn được tiết lộ, Thái Bình đã để nó rơi vào im lặng.
Tỉnh Bắc Ninh có đền bà Chúa Kho. Đầu năm cũng có triệu lượt người về đây cúng lễ và “vay tiền” của bà để làm vốn; rồi cuối năm thì mang trả. Có người buôn bán làm ăn phát tài, sửa lễ trị giá đến hàng chục triệu dâng lên trả ơn bà. Nhưng đấy là việc của người buôn bán, kinh doanh chứ có khá nhiều quan chức buôn bán gì đâu cũng đua nhau cùng vợ con “đi vay” rồi cuối năm đi trả. Chưa nói chuyện bà Chúa Kho là người giữ ngân khố của triều đình mà lại đem cho vay lấy lãi đã là chuyện sai trái; còn các quan chức cũng mê tín đi vay và trả là chuyện nhảm nhí. Vay vốn để mua quan, bán tước à?
Không biết rồi tới đây, còn bao nhiêu địa phương sẽ bày ra lễ khai ấn và lập thêm đền chùa nữa nhưng việc cán bộ, công chức nhà nước quá đam mê cầu cúng để hy vọng tiến thân là hành vi đáng phê phán. Dâng nén tâm nhang để tưởng nhớ tổ tiên và các anh hùng dân tộc có công với nước thì được; còn đặt niềm tin vào chuyện lễ bái để hòng thăng quan, tiến chức thì đúng là mê muội!
B.Đ.T (NLM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét