2 tháng 3, 2016

CHUYỆN OBAMA ĐẾN VIỆT NAM TRONG THÁNG NĂM

Còn lâu nước Mỹ mới lãng quên chiến trường xưa. Sẽ là ngây ngô chính trị nếu đinh ninh Obama từ chối thăm Việt Nam vào Tháng Mười Một, 2015 thì sẽ chẳng bao giờ ông đặt chân lên đất nước cựu thù.
Tháng Hai năm nay, sau một thời gian lặng lẽ đủ dài, quan hệ Việt-Mỹ dường như có đôi chút ấm lại bằng một thông báo của Washington về việc Tổng Thống Obama sẽ công du Việt Nam vào Tháng Năm.
Một thông báo bất ngờ. Điều càng kỳ quặc là vào lần này, tin tức về cuộc công du đối ngoại cũng xuất phát từ phía Mỹ chứ không phải từ Hà Nội. Một số quan sát viên có thói quen trông ngóng tin tức từ giới chóp bu Việt Nam đã phải thất vọng: Sau Đại Hội 12 của đảng cầm quyền, Bộ Chính Trị và ngay cả Bộ Ngoại Giao vẫn nín lặng trước không chỉ “tàu lạ” đâm chết ngư dân Việt, mà còn bất lịch sự đến mức chưa có một thông báo chính thức nào trước nhã ý công du Việt Nam của nhân vật từng đón tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng quá đầy đặn tại Phòng Bầu Dục trong Tòa Bạch Ốc vào Tháng Bảy năm ngoái.
Rõ là hiện tại cũng chẳng khá hơn quá khứ, về não trạng và ngay cả điều được xem là “thông lệ ngoại giao.”
Không có Obama cuối 2015
Những sự kiện đối ngoại Mỹ-Việt gần nhất đã diễn ra vào năm 2015. Sau khoảng bốn tháng băng phủ nhân quyền mà đã khiến ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, phải thốt lên: “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người khác để thay vào.” Đến Tháng Hai, 2015, đại sứ Mỹ tại Việt Nam nổi tiếng lời lẽ hoa mỹ là Ted Osius bất ngờ thông tin về chuyến đi rất đặc biệt của Đại Tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng Bộ Công An, đến Hoa Kỳ. Tin tức này được ông Osius thông báo không phải trong bất kỳ cuộc họp chính thức nào, mà ở giảng đường đại học.
Quả nhiên chỉ sau đó nửa tháng, Tướng Quang đi Mỹ. Một chuyến đi rất hệ trọng mà phải đến ba tháng sau, phía Việt Nam mới tiết lộ là ông tướng công an đi để “tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.”
Đến Tháng Năm, 2015, không phải phía Việt Nam mà lại là Đại Sứ Ted Osius thông báo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến công du Washington. Trong khi nhiều người còn bán tín bán nghi, đến Tháng Bảy năm đó, ông Trọng đã đáp máy bay xuống sân bay quân sự Andrews, tiểu bang Maryland, gián tiếp mở màn cho chiến dịch tái cử vị trí trưởng đảng của ông trước đại hội 12 của đảng Cộng Sản.
Kết quả cuộc gặp Trọng-Obama có lẽ khiến tổng bí thư Việt Nam hởi lòng hởi dạ: Không những được đón tiếp cầu kỳ quá mức tại Phòng Bầu Dục và được “thông qua” TPP, ông Trọng còn được tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ đến Hà Nội đáp lễ.
Giai đoạn 2014-2015, tuy không được tiếp đón tổng thống Pháp, nhưng sự có mặt của một tổng thống Mỹ vẫn là quá đủ để bù đắp cho “uy tín trên trường quốc tế’ của giới lãnh đạo Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyến công du trả lễ Việt Nam của Tổng Thống Obama đã không diễn ra vào Tháng Mười Một, 2015 như dự kiến. Một số tin tức cho biết phía Mỹ cảm thấy “quá thất vọng” trước thành tích nhân quyền không những không cải thiện mà còn tồi tệ hơn của Việt Nam. Những gì mà Tổng Bí Thư Trọng nói ngon trớn ở Washington về dân chủ và nhân quyền thực ra chỉ như một màn ảo thuật mà người Mỹ thấu cáy nhưng không vạch áo.
Còn một nguồn cơn khác. Tháng Mười, 2015, “tứ trụ” Việt Nam tiếp đón Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quốc Hội Việt Nam, với gần 500 mái đầu ưu tú ngoan ngoãn, thậm chí còn dành đến vài chục phút để người đồng chí nhưng còn xa mới là bạn tốt đọc diễn từ về “đại cục.” Bối cảnh này cũng vừa tạm lắng câu chuyện gây dư luận kinh hoàng về Đại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, “đi Pháp chữa bệnh.”
Lúc này, sức căng của sợi dây mà Hà Nội đang cố đu đã vượt quá sức chịu đựng của bản thân nó. Rõ ràng là người Mỹ, vốn bộc trực hơn nhiều thói “miệng thơn thớt cười,” đã không thích thế. Ông Obama từ chối đến Hà Nội vào cuối năm 2015 là một lẽ gần như đương nhiên.
Một lý do nữa chẳng mấy kích thích ông Obama đến Việt Nam vào cuối năm ngoái là cuộc xung đột quyền lực trong Bộ Chính Trị Việt Nam chưa có lối ra. Quá nhiều “kịch bản nhân sự” cùng thói đỏng đảnh đối ngoại “nàng hầu muốn trở thành phu nhân” mà đã khiến cho mọi dự đoán đều tối mò. Nhân vật tổng bí thư cùng dàn lãnh đạo mới chỉ được nhận ra khi nào khán phòng đại hội 12 ra rả tiếng vỗ tay.
Hết thời đu dây
Còn bây giờ, chính trị Việt Nam vừa hú hồn trải qua một cung đường gai góc, dù chẳng biết bao giờ mới hết mùa bão tố.
Cuối cùng, vẫn lại là Nguyễn Phú Trọng – người mà Obama đã tiếp đón một cách hy vọng tại Phòng Bầu Dục vào Tháng Bảy năm ngoái.
Dường như người Mỹ đã “dự cảm” đúng. Mặc dù trước đại hội 12, ông Nguyễn Tấn Dũng vượt hẳn ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Phú Trọng trong những cuộc thăm dò xác suất trúng tổng bí thư, nhưng người cuối cùng trên chiến trường mới là kẻ chiến thắng.
Hy vọng chiến thắng của ông Obama là có cơ sở. Thành tích lớn nhất của Việt Nam hoàn toàn không phải là cải thiện nhân quyền, mà là cải hóa với gia tốc ngày càng nhanh hơn quan hệ “giao lưu quân sự” với Hoa Kỳ – yếu tố mà Việt Nam tha thiết hơn lúc nào hết để giảm bớt nguy cơ bị người bạn vàng Bắc Kinh chực chờ nuốt sống.
Tháng Hai năm nay, sau khi lần đầu tiên dám mở miệng tuyên bố về tàu Mỹ “đi qua vô hại” ở vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam lại cử Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN với thông điệp đề nghị Mỹ tăng cường sự hiện diện hơn nữa ở Biển Đông. Hoàn toàn có thể cho rằng thông điệp ấy không phải do Thủ Tướng Dũng sáng tác ra, mà là đảng nói.
Lá bài của Việt Nam, dù bị giấu kín lâu nay, cuối cùng vẫn tự nói ra thứ chẳng đặng đừng phải nói. Cuối cùng thì giới lãnh đạo Việt Nam đã không còn đủ kiên nhẫn và đủ sức để đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc. Rất dễ té lộn nhào.
Logic Việt-Mỹ cũng theo đó phát triển. Tính bất ngờ nhưng đầy tự tin đến mức chắn chắn của Mỹ khi thông báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama vào Tháng Năm đã cho thấy đây là một kế hoạch có tính toán, đã được chuẩn bị trước và chỉ chờ “kết quả” xong dàn lãnh đạo mới của Việt Nam thì sẽ tiến hành.
Cũng như thông báo mới nhất của Tòa Bạch Ốc về chuyến công du Tháng Ba tới đây của tổng thống Mỹ đến Cuba – người anh em “cùng nhau canh giữ hòa bình thế giới” của chính thể Cộng Sản Việt Nam.
Tháng Ba cho Cuba. Tháng Năm cho Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, quan hệ Việt-Mỹ sẽ nồng ấm trở lại trong ít nhất nửa đầu năm 2016, đặc biệt về “giao lưu hải quân.” Cuộc diễn tập hải quân Nhật-Việt vào Tháng Hai tại Đà Nẵng, dù không được báo đài nhà nước thông tin một dòng nào, có thể là một cử chỉ tập sự trước khi Việt Nam dấn thân vào khối quân sự Đông Bắc Á.
“Chúng tôi sẽ không đi đâu cả”
Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn đài BBC về tình hình Biển Đông và tình huống Trung Quốc đưa phi đạn ra Hoàng Sa, về thái độ lớn giọng của Bắc Kinh đòi đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực này, Đại Sứ Ted Osius lì lợm buông thõng: “Chúng tôi sẽ không đi đâu cả.”
Bài cũ diễn lại. Khả năng rất lớn là Trung Quốc sẽ lộn ruột để gia tăng đột biến hoạt động gây hấn đối với Việt Nam trong năm nay. Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm khiến ba người mất tích gần đảo Hải Nam trong thời gian gần đây là một ví dụ nguy hiểm.
Cộng thêm cái chết chưa hề nhắm mắt của ngư dân Trương Đình Bảy từ loạt súng AK của nhóm “người lạ” vào Tháng Mười năm ngoái, nhưng cho đến nay cơ chế “tiến hành điều tra làm rõ” của các cơ quan “vì dân” Việt Nam vẫn như câm nín, đã có đến bốn người dân Việt phải bỏ mạng trên biển, để lại nỗi đau chồng chất trên đất liền và trên cả thiên đường.
Không còn lối thoát nào khác cho giới quan chức Việt đã ních đầy túi và ôm nặng tâm thế ngậm bồ hòn làm ngọt. Lời nguyền địa lý không còn là thời Trạng Trình nữa, mà sấm đang ứng nghiệm vào chính lúc này, nơi hiện thực khốn quẫn đang rất gần với địa ngục, dành cho giới lãnh đạo Việt nhu nhược. Ngay cả kẻ nào đó muốn tận tâm làm Lê Chiêu Thống cũng khó mà thoát kiếp nạn phương Bắc.
Sau ba năm đu dây kể từ 2013, sự thật cho đến lúc này là Việt Nam chẳng thể dựa dẫm vào một Putin ở nước Nga xa xôi.
Chỉ còn lại một nước Mỹ xa xôi hơn, nhưng không còn quá xa cách.
Phạm Chí Dũng

Không có nhận xét nào:

Trang