2 tháng 3, 2016

Người Nhật sợ nhất ‘Chi phí gầm bàn’

Tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện ngày 23/2, ông Yasuzumi Hirotaka - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi bất chấp những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua.
Bên cạnh đó, những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt trong năm 2015 đã tăng lên so với năm 2014; trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, thủ tục hành chính phức tạp; hơn 50% phản ảnh thủ tục thuế chậm chạp...
“Các doanh nghiệp phản ảnh với chúng tôi rằng khi họ bị sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan, thuế hay muốn thúc đẩy tiến độ, thay vì được hướng dẫn để thực hiện lại thì doanh nghiệp được “gợi ý” chi thêm tiền để giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi cũng rất đau đầu với tình trạng này nhưng các doanh nghiệp không dám trao đổi cụ thể vì sợ bị đì” - một tờ báo tường thuật lại lời chia sẻ của ông Yasuzumi Hirotaka.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lên tiếng khi dư luận cho rằng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của tham nhũng, lãng phí.
Dư luận cho rằng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm. 
“Đặc biệt, người Nhật sang nước ta đầu tư rất bức xúc và sợ nhất "chi phí gầm bàn". Xin ông cho biết Chính phủ đánh giá như thế nào về điều này?”, báo chí đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ về lĩnh vực phòng chống tham nhũng 5 năm qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đã từng bước được kiềm chế.
"Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tiêu cực cao, dễ xảy ra tham nhũng như tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; giao thông vận tải", lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thừa nhận.
Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân.
“Chính phủ sẽ thực hiện kê khai và kiểm soát kê khai thu nhập theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng”, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khẳng định.
Trước đó, ngày 24/2, phát biểu trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết đã đọc trên báo thấy người Nhật sang Việt Nam đầu tư bức xúc và sợ nhất là “chi phí gầm bàn”. 
Ông Giàu cho rằng:“Chúng ta đang phấn đấu “Asean 4”, luật pháp minh bạch nhưng vẫn mất đầu tư không chính thức như vậy làm mất hình ảnh rất lớn”.
Ông Giàu cho rằng trong nhiệm kỳ tới đây, Chính phủ phải coi chống tham nhũng và cải thiện bộ máy công quyền là nhiệm vụ đột phá.
“Hơn nữa xã hội còn rất bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Phải vượt qua “dốc” ấy sẽ rất thành công. Rồi tổ chức bộ máy, tiền lương, biên chế là nhiệm vụ rất lớn cần phải giải quyết”- ông Giàu nói.
(VTCnews)

Không có nhận xét nào:

Trang