12 tháng 2, 2015

Vì sao năng suất làm việc của người Việt thấp nhất khu vực ?

Gần đây có một bài phân tích kinh tế nói rằng năng suất làm việc của người Việt Nam kém nhất khu vực. Không có gì bất ngờ, điều này ai cũng biết, nhiều người cũng hiểu, nhưng khổ nổi những người kia không hiểu. Bài viết này chỉ nói lên những gì ai cũng biết nhưng ít khi nào nói ra.
Năng suất chúng ta thấp hơn không phải vì chúng ta kém thông minh hơn mà vì văn hóa làm việc của chúng ta có quá nhiều vấn đề.
Năng suất thấp đồng nghĩa với việc thu nhập của chúng ta thấp hơn. Có rất nhiều nguyên nhân và vấn đề nhưng ở đây chỉ nói về văn hóa từ phía cạnh cá nhân. Năng suất làm việc của người Việt thấp vì:
1. Sự ảnh hưởng của thời bao cấp
2. Sự ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử Giáo
3. Kỹ năng làm việc nhóm kém
4. Nhậu
5. Kỷ luật kém
6. Văn hóa truyền thống
Ảnh hưởng của thời bao cấp
• Kinh tế Việt Nam chỉ bắt đầu là kinh tế thị trường (chỉ một phần) khi chính sách Đổi Mới 1986 bắt đầu. Nên tác phong và văn hóa làm việc vẫn còn bị ảnh hưởng rất nặng từ thời bao cấp theo cơ chế “xin – cho”.
• Người bán hàng không mang tư tưởng là mình cần khách hàng (thị trường), mà chỉ nghĩ là khách hàng cần mình (bao cấp). Vì vậy nên thái đội coi thường khách hàng/đối tác vẫn còn rất nặng, nhất là ở miền Bắc và những vùng miền ít va chạm với thế giới hiện đại.
Sự ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử Giáo
• Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ hơn 1000 năm nên văn hóa Trung Quốc đã có sự ảnh hưởng rất lớn. Lớn nhất là Khổng Tử Giáo.
• Mục đích tối cao của Khổng Tử Giáo là giữ sự ôn hòa, không cho phép ai đi ra ngoài rìa, không cho phép ai suy nghĩ khác. Mục đích đó không sai, nhưng khi áp dụng vào môi trường làm việc hiên đại, nơi yêu cầu sự sáng tạo và đột phá thì Khổng Tử Giáo là một tư tưởng vô cùng độc hại. Nếu ai suy nghĩ khác sẽ bị soi mói, chơi xấu, nói xấu, bị dìm xuống ngay lập tức. Một ý kiến dù nhỏ gấp mấy cũng không tồn tại được, cho nên sáng tạo rất hiếm còn sự đột phát thì quá xa vời.
• Trong môi trường doanh nghiệp, có sự phân biệt rất lớn giữa nhân viên và quản lý. Quản lý là phải quản lý nhân viên, và nhân viên phải nghe lời quản lý. Trong cuộc họp thì nhân viên chỉ ngồi nghe quản lý trình bày rồi sau đó làm theo, dù đồng ý hay không vẫn gật đầu và tươi cười, rất hiếm khi nào có ý kiến. Đây là một điểm yếu rất khó sửa trong văn hóa làm việc ở Việt Nam.
• Trong văn hóa làm việc Tây Phương thì quản lý cũng chỉ là người làm công ăn lương như nhân viên, mọi ý kiến đều được tôn trọng và khuyến khích.
• Khổng Tử Giáo đã làm cho đại đa số người Việt sống một cách giả tạo, hoặc sống với 2 bộ mặt. Trước mặt thì luôn tươi cười gật đầu đồng ý, nhưng sau lưng thì luôn tìm cách đâm chọt và nói xấu nhau. Bằng mặt nhưng không bằng lòng, một điều vô cùng độc hại trong môi trường doanh nghiệp.
Làm việc nhóm kém
• Người Việt làm việc cá nhân thì giỏi còn làm việc nhóm thì không ai làm được gì.
• Người này đẩy việc cho người kia, làm việc vô trách nhiệm.
• Cái tôi quá cao.
Nhậu
• Nhậu đã trở thành 1 văn hóa ở Việt Nam và đã ăn vô máu, nhất là đàn ông.
• Đi đâu cũng thấy quán nhậu mà quán nào cũng đông người nhậu.
• Ở Việt Nam cái thứ dễ nhất để tìm là quán nhậu và khó nhất là 1 con đường hay khu phố nào không có quán nhậu.
• Lâu lâu nhậu thì quá bình thường, hoặc uống vài ly thì không là vấn đề. Nhưng ngày nào cũng nhậu, nhậu quên trời quên đất, nhậu không cần lý do, nhậu quên giờ quên giấc, thì lúc đó mới có vấn đề.
• Ở Việt Nam nếu ai đó không biết nhậu, không thích nhậu sẽ bị mọi người cho ra rìa. Vì nhậu là cách để hòa đồng để kết nối lại.
• Nhậu làm suy giảm sức khỏe và trí tuệ của con người, làm cho con người trì trệ và lãng phí thời gian tiền bạc.
• Mấy anh làm ơn bớt nhậu cho đất nước nhờ nha?
Kỷ luật kém
• Đi trễ về sớm.
• Trong giờ làm việc hay nhả nhớt và ăn cắp thời gian làm việc quá nhiều.
• Không dựa theo kế hoạch ban đầu.
Văn hóa truyền thống
• Tết nghỉ việc quá lâu, có cần phải vậy không? Nên nghỉ tối đa là 3 ngày. Nghỉ nguyên 2-3 tuần thì ai còn làm được gì nữa. Chưa kể đầu óc từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2 thì chỉ nghĩ đến Tết, làm cho công việc bị trì trệ. Vì đây là truyền thống lâu đời nên rất khó thay đổi.
…..và còn nhiều nguyên nhân nữa. Nhưng ở đây chỉ nhìn từ phía cạnh văn hoá. Chúng ta luôn tự hào rằng chúng ta siêng năng, cần cù, chăm chỉ, chịu cực. Nhưng nếu thật lòng tự nhận xét thì có gì đó không đúng, phải không?
(Theo Triết Học Đường Phố)

Không có nhận xét nào:

Trang