Ngày tết, bên quả mứt ấm trà cùng với các món ẩm thực vui tết, đón xuân mà đọc thơ tết và câu đối tết của người xưa thật thú vị biết bao. Qua đó cũng để hiểu thêm được tâm tư tình cảm của tác giả và cũng để mà sẻ chia hoàn cảnh đón tết vui xuân của văn nhân thi sĩ trong bối cảnh xã hội đương thời. Nhân tết Ất Mùi, trong một giới hạn nhất định, Giao Mùa xin được sưu tầm giới thiệu đến cùng các bạn một số bài thơ và câu đối tết để đời của các bậc hiền nhân.
Trước hết, đó là cụ Tam Nguyên Yên Đỗ (Nguyễn Khuyến) với nét bút dung dị tài hoa đã cho hậu thế chúng ta một bức tranh toàn cảnh về tết qua một số câu đối tiêu biểu:
+ Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo
+ Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
Xuân về, bút mới thử vài trang
+ Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
Tóc râu thêm một sợi tuổi trời cao
+ Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt
Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn
+ Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc
Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn
+ Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa
+ Già trẻ gái trai đều khoái Tết
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân
+ Ai đẻ mãi ra Xuân, Xuân ấy đi, Xuân khác về, năm nay năm ngoái Xuân hơn, kém?
Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông?
+ Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết
Sáng mùng một, chạm nêu đánh cộc, à à Xuân
+ Ai nấy dại vô cùng, pháo pháo nêu nêu kinh những Quỷ
Ta đây nhàn bất trị, chè chè rượu rượu sướng bằng Tiên.
Còn đối với Uy Viễn Tương Công Nguyễn Công Trứ thì mùa xuân và cái tết lại thêm chua chác bạc bẽo cảnh đời với nhân tình thế thái!
+ Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Riêng với ông Tú họ Trần là Trần Tế Xương, thì bao cái tết đều chìm trong cảnh nợ nần túng quẫn,đến nỗi: “Van nợ lắm khi trào nước mắt,chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”,nhưng với cái cốt cách trào lộng giễu cợt,ông mô tả lại cảnh làm câu đối tết của ông qua bài hát nói: “Ngày tết dán câu đối”:
Ngày tết dán câu đối
Nhập thế cục bất khả vô văn tự,
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài,
Huống chi mình đã đỗ Tú tài,
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối.
Đối rằng :
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài;
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.
Viết vào giấy dán ngay lên cột,
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
“Rằng hay thì thực là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài,
Xưa nay em vẫn chịu ngài !”...
Đặc biệt “Bà Chúa thơ Nôm” là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, không cam phận nữ nhi nhưng với khí phách ngang tàng, bà đã đi trước thời đại và bà đã đưa hình ảnh của người phụ nữ ở thời của bà lên một tầm cao mới, đạp đổ cái bức tường lễ giáo phong kiến quá khắc khe qua đôi câu đối:
+“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào”.
Ngoài cặp câu đối tuyệt vời trên, nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn có một bài thơ miêu tả cảnh chơi xuân ngày xưa của con trai con gái thật vô cùng ấn tượng,đầy hình ảnh biểu trưng về cái tục mà lại rất thanh tao:
Đánh đu
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
(Hồ Xuân Hương)
Cũng nói về mùa xuân và tết,nhưng nhà thơ Tú Xương lại có một cách nhìn khác qua những lời mời mọc và chúc tụng nhau đầy châm biếm và trào lộng trong bài thơ “Chúc Tết”:
Chúc Tết
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Bắt chước ai ta chúc mấy lời *
Chúc cho khắp hết ở trên đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người!
(* Có ý kiến cho rằng khổ thơ này không phải của Tú Xương mà do người đời sau thêm vào-?!).
Có lẽ không ai trong chúng ta lại mong muốn những cảnh tết mà đầy rẫy những khó khăn và nợ nần như Trần thi sĩ, vì mỗi thời đại mỗi khác và hoàn cảnh xã hội cũng khác nhau và đời sau khá hơn đời trước nên cái khó cái nghèo cũng được lặp lại nhưng ở những cung bậc khác nhau. /Qua câu đối, thơ tết nói lên thực đời vui, buồn, ngang trái, trớ trêu, bất công, nghịch lý, cám cảnh...Cười cho đã đời, mà cười ra nước mắt, lột tả tận 'cái chân' của vui buồn tình người, 'cái thật' của chuyện đời (BVB)/.
Dù sao, vui xuân đón tết và đọc lại thơ phú của người xưa để mà lòng ta thêm yêu thêm quý những giá trị tinh thần bất hủ ấy, đồng thời có một cái nhìn đầy ắp tình người trên mỗi sáng tạo tinh thần ngời sáng tính nhân văn.
Dù sao, vui xuân đón tết và đọc lại thơ phú của người xưa để mà lòng ta thêm yêu thêm quý những giá trị tinh thần bất hủ ấy, đồng thời có một cái nhìn đầy ắp tình người trên mỗi sáng tạo tinh thần ngời sáng tính nhân văn.
Chúc các bạn một năm mới Ất Mùi vạn sự như ý.
GIAO MÙA
* * *
NHÀ THƠ TRẦN TẾ XƯƠNG
NGHE CHÚC TẾT VÀ CHÚC TẾT
Trần Tế Xương (1870-1907) vừa là một nhà thơ trữ tình vừa là một nhà thơ trào phúng hàng đầu ở cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Chùm thơ Tết gồm 5 bài của ông thật đặc sắc. Ở 4 bài đầu, nhà thơ “nghe” thiên hạ chúc Tết và ở bài cuối – bài thứ 5 – nhà thơ chúc Tết thiên hạ.
Vậy, thiên hạ chúc Tết những gì và nhà thơ non Côi sông Vị đã “nghe” những lời chúc đó ra làm sao, đã có thái độ như thế nào đối với những lời chúc tụng đó?
Ở 4 bài thơ đầu, ta thấy tác giả đã sử dụng nghệ thuật trùng điệp: dòng đầu của cả 4 bài đều là “Lẳng lặng mà nghe nó chúc ...”. Tại sao phải “lẳng lặng mà nghe”? Vì lời chúc nhỏ nhẹ, thì thầm, khó nghe? Theo tôi, không phải như vậy mà là vì “nó chúc nhau” loạn xạ, rùm beng, tùm lum, tranh nhau chúc, thi nhau chúc nên rất khó nghe, rất khó phân biệt. Vậy nên phải “lẳng lặng” thì mới “nghe” được, hiểu được. Và, lần lượt 4 bài thơ đầu với 4 nội dung được thiên hạ chúc nhau là:
Một là thiên hạ “chúc nhau trăm tuổi”, chúc nhau sống lâu:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.”
Chúc nhau trăm tuổi, chúc sống lâu thì rõ là chẳng có gì sai, chẳng có gì đáng chê trách. Từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây, người ta đều mong ước được sống lâu, được sống thọ. Thậm chí, người ta còn có thể ảo tưởng: “vạn tuế”, “muôn năm”, “bất diệt”! Thực tế thì đã có sinh ắt có tử (chết). Và giả sử nếu không có tử (chết) thì cũng sẽ rắc rối vô cùng: không còn chỗ để đứng, không còn gì để ăn, không còn nước để uống, vân vân.
Mặt khác, nếu sống lâu mà có ích cho đời, cho người khác thì cũng nên, cũng cần. Nhưng nếu sống lâu để hại đời, gieo oan giá họa cho người thì ắt hẵn là chẳng nên, chẳng cần!
Nhà thơ của chúng ta rõ ràng là không ưa lời chúc này. Ông hài hước hóa việc chúc sống lâu này bằng cụm từ “bạc đầu râu”. Nói “chúc nhau trăm tuổi bạc mái đầu” thì thấy nghiêm trang, chân thật. Nhưng nói “chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu” thì như bông đùa, giễu cợt. Đã thế nhà thơ còn xưng “ông”, gọi “nó, “đứa” thì rõ ràng là miệt thị chứ không chỉ là mỉa mai.
Và, so với những kẻ chúc nhau trăm tuổi ấy, nhà thơ của chúng ta có lẽ đáng tuổi con, tuổi cháu (Trần Tế Xương mất sớm, khi mới 37 tuổi). Thiên hạ muốn sống trăm tuổi để làm gì? “Phen này ông quyết đi buôn cối, Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”. Té ra sống lâu chỉ để ăn trầu! Nhà thơ quyết đi buôn cối để kiếm lời. Vâng, đấy cũng chỉ là nói đùa, nói cho vui.
Hai là thiên hạ chúc nhau giàu có:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.”
Giàu, giàu có thì cũng chẳng có gì đáng chê trách. Giàu bằng trí tuệ, tài năng, mồ hôi, sức lao động của chính mình thì phải được biểu dương, được ngợi ca. Và, có lẽ vì thế, nhà thơ cũng có phần nhẹ nhàng hơn, ít cay cú hơn, chỉ nói bâng quơ cho vui: “Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc, Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.”.
Ba là thiên hạ chúc sang, chúc nhau sang trọng:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.”
Thực chất “chúc sang” ở đây chính là chúc “thăng quan tiến chức” . Xã hội nào cũng cần được tổ chức để có thể tồn tại và phát triển. Quan chức đương nhiên là phải có thứ bậc, có sự phân công phân nhiệm, mỗi người mỗi việc. Một anh quét rác mà mà giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình thì vẫn hơn một anh tổng thống mà tồi, mà kém cỏi. Trong trường hợp này, theo tôi, anh quét rác “sang” hơn anh tổng thống.
Để thăng quan tiến chức, xưa nay, người ta dựa vào hai tiêu chí: tài năng và đức độ (năng lực và phẩm chất). Nhưng thăng quan tiến chức chỉ dựa vào “mua tước”, “mua quan” thì rõ ràng là một thảm họa. Một khi đã hình thành cái thị trường quan chức, cái siêu thị quan chức thì những kẻ bất tài vô hạnh sẽ có cơ hội làm tàn làm mạt đất nước, xã hội.
Nhà thơ của chúng ta rất cay cú, rất căm ghét cái vụ mua quan bán tước này. Ngoài việc xưng “ông”, gọi “đứa”,“đứa”, nhà thơ còn bảo “Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” (Có chỗ ghi: “Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng”).
Bốn là thiên hạ chúc nhau nhiều con:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.”
Ôi! Hơn 100 năm trước, nhà thơ của chúng ta đã lo lắng về cái nạn nhân mãn, đã nghĩ tới việc sinh đẻ có kế hoạch?“Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn” mãi thì sẽ có lúc trở thành nguy cơ bởi không gian sống của chúng ta đâu có “sinh năm đẻ bảy” mà ngược lại càng ngày càng khan hiếm tài nguyên, càng ô nhiễm, càng kiệt quệ, ... Nếu nhân loại không sớm thức tỉnh thì ngày tận thế xem ra cũng chẳng còn xa!
Và, nhà thơ chỉ nói một cách hóm hỉnh, nhẹ nhàng nhưng cũng cũng không kém phần thấm thía, chua chát: “Bồng bế nhau lên nó ở non.”. Sẽ phải thành khỉ, thành vượn chăng?
Nói chung, phần nghe thiên hạ chúc nhau của Trần Tế Xương rất phong phú, thái độ chê trách của nhà thơ rất đúng mực, rất xác đáng. Cái cười của tác giả vừa quyết liệt vừa sâu cay. Nhà thơ chê trách, phê phán những cái nhố nhăng, những cái nhăn nhở trong lời chúc Tết của người đời âu cũng là vì khát khao một cái gì tốt đẹp hơn, thực chất hơn, hợp lí hợp thời hơn!
Lời chúc thật ra chẳng quan trọng nếu nó không có một tấm lòng, một tình cảm yêu thương, quí mến và một khao khát chân thật những điều tốt đẹp cho người khác. Và dĩ nhiên hành động thực tế vẫn tốt hơn lời chúc rất nhiều!
Sau khi nghe thiên hạ chúc Tết, đến phần mình, nhà thơ cũng chúc Tết:
“Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.”
Thật là khiêm tốn: “Bắt chước ai ta chúc mấy lời”. Nói “bắt chước” nhưng thật sự nhà thơ rất sáng tạo, rất độc đáo trong lời chúc Tết của ông:
“Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.”
Có thể nói lời chúc Tết của nhà thơ Trần Tế Xương là một lời chúc Tết rất hoành tráng, rất vĩ mô, bao trùm tất cả các quốc gia, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, ... Nếu là hiện nay thì có nghĩa là nhà thơ của chúng ta chúc Tết tất cả hơn 7000.000.000 người (hơn 7 tỉ người) trên trái đất! Và, nhà thơ của chúng ta chẳng chúc gì cao siêu, kì vĩ, chẳng chúc thành anh hùng, thành dũng sĩ, thành tiên, thành phật, thành thánh, thành thần ... gì cả. Ông chỉ chúc: “Sao được cho ra cái giống người.”. Thật là nhân văn! Đề cao con người như thế thì có cách nào hay hơn, đúng hơn? Con người thật cao quí! Hãy là con người theo đúng nghĩa của nó!
Để khép lại bài này, nhân dịp năm Ngọ qua, năm Mùi đến, tôi xin được phép chúc tất cả chúng ta, trong đó có tôi, làm sao để được là: những con người Việt Nam chân chính!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét