Ở Việt Nam mỗi dịp tết đến là mỗi dịp mà nhiều công chức lo hối lộ nhằm chạy chức chạy quyền, nhưng được che đậy bằng danh từ rất mỹ miều là ‘quà tết’.
Ảnh cafef
Đây cũng là cơ hội mà người đưa hối lộ lại có một lý do được xem ra là rất hợp lý đó là ‘quà tết’, là tính cảm của cá nhân đối với các ‘xếp’, và việc tặng quà mỗi dịp tết phổ biến đến mức nhiều người xem là tất nhiên và bình thường ở Việt Nam.
Nguyên nhân
Giải thích về nguyên nhân tặng quà tết, ông Vũ Quốc Hùng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho Báo Giao Thông Vận Tải biết “cái quan trọng là do tâm lý của một số cán bộ cấp trên thích nhận quà. Nếu cấp trên không thích, kiên quyết từ chối thì chắc không ai có thể biếu được. Còn về phía cấp dưới, tôi nghĩ chẳng ai muốn bỏ ra một khoản tiền lớn rồi khúm núm mang quà đến tặng sếp. Chẳng qua là vì họ nghĩ làm như vậy họ sẽ nhận được sự ưu ái hay sự đãi ngộ đặc biệt nào đó mà thôi”.
“có cung thì có cầu. Thực tế vẫn có một số cán bộ công chức đang coi ngày Tết là dịp để ‘tăng thu nhập’, lợi dụng ngày Tết để vụ lợi cho bản thân. Biếu quà Tết thực chất là một việc làm có ý nghĩa tốt và rất đáng trân trọng, vì thế đừng vì bất cứ một lý do nào đó mà biến Tết trở thành dịp để chạy đua, lo lót cho việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền. Đây là nói về một xu hướng khá phổ biến chứ không chụp mũ cho tất cả mọi người, mọi trường hợp. Biếu quà Tết là một vấn đề rất tế nhị, nếu không khéo léo sẽ dễ gây hiểu lầm và có sự lẫn lộn, làm mất đi nét đẹp của văn hóa truyền thống”.
ông Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa Thanh Thiếu niên Nhi đồng cho Báo Tiền Phong biết: “Ngày nay, quà tặng nhiều biến tướng, có khi mang ý nghĩa một sự trao đổi, có đi có lại”
“Tại sao cứ đến Tết, các đơn vị, cấp dưới nào cũng phải lên tặng quà cấp trên? Vì nếu không lên thì dường như là sau này cấp trên sẽ không để ý đến mình nữa. Đấy là câu chuyện có dư vị buồn “có đi có lại” chứ không còn là “đồng quà tấm bánh” mang ý nghĩa tình cảm. Nếu không vì tình nghĩa mà coi quà tặng là điều kiện ràng buộc lẫn nhau thì cái đó phải nghiêm khắc lên án”.
Biện pháp
Từ năm 2007 Chính phủ đã ra Quyết định 64/2007/QĐ-Ttg về việc tặng quà, nhận quà, và nộp lại quà.
Từ lúc có Quyết định này số lượng người trả lại quà hàng năm là rất ít. Gần đây nhất là năm 2014 Thanh tra Chính phủ ghi nhận có chỉ có 32 trường hợp trả lại quà, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng phải nhìn nhận rằng việc nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức.
Về việc trả lại quà ông Lê Như Tiến cho Báo Tiền Phong biết: “Đúng là thời gian qua chỉ có một số ít người trả lại quà thì người ta lại cho là không bình thường, hoặc cho là ông ấy chỉ làm ra vẻ liêm khiết thế thôi. Thậm chí người ta còn coi là lập dị”
năm 2012 Ban Bí Thư đã có Chỉ thị số 212-CT/TW với quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên”
Thế nhưng từ đó đến nay nạn quà cáp dịp tết không hề giảm, nếu có thì cũng chỉ kín đáo hơn, rồi sau đó đâu lại hoàn đấy.
GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính nêu quan điểm với Báo Kiến Thức: “những người đã cố tình hối lộ lãnh đạo thì dù trước hay sau Tết họ cũng tìm đủ mọi cách để gửi quà. Tuy nhiên, như tôi nói lúc nãy, từ thực tế chủ yếu việc chạy chọt vẫn xảy ra trước Tết nên văn bản của Ban Bí thư cũng phải ra sớm đấy. Chỉ thị này muốn chấm dứt tình trạng gây bức xúc trong xã hội lâu nay – đó là những trường hợp chạy chọt công khai mà lại được coi là bình thường. Còn lén lút thì làm sao mà điều chỉnh được vì đó còn thuộc về vấn đề đạo đức”.
“Văn bản, quy định cấm đã có. Nhưng nghiêm cấm suông thì khó giải quyết lắm. Vì lấy gì để kiểm tra việc nghiêm cấm được thực hiện? Nghiêm cấm đấy nhưng người ta vẫn làm thì có ai làm sao đâu?”
Trao đổi với Kiến Thức, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược cho biết: “cấm biếu quà Tết” đã áp dụng nhiều năm nay nhưng hiệu quả không đáng kể, bởi nó giống như nhát kéo cắt phần ngọn, gốc gác tiêu cực vẫn tồn tại”.
Bài học
Về vấn nạn quà cáp, có nhiều bài học giáo huấn từ xa xưa còn ghi chép lại
Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên gia đình thường nghèo túng. Sau khi lo cho đám tang của mẹ, cuộc sống của ông vốn thanh bạch giờ càng đạm bạc hơn. Vua Trần Minh Tông biết chuyện, liền hỏi một viên quan tin cẩn :
– Ta muốn trích ít tiền trong kho cho ngươi đem đến biếu Mạc Đĩnh Chi. Làm thế có được không?
Viên quan tâu với vua :
– Thần biết rõ Mạc Đĩnh Chi. Nếu cho người đem tiền đến, ông ấy sẽ không nhận đâu.
– Vậy khanh có cách nào khác không?
– Muôn tâu Bệ hạ ! thần nghĩ chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.
Nhà vua ưng thuận, sai người đang đêm bỏ một gói tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi.
Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà, liền đem vào triều, trình lên vua Minh Tông :
– Tâu hoàng thượng. Đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần để nhờ vả việc gì đó. Vậy thần đem tới, xin Hoàng thượng cho nộp tiền này vào công quỹ.
Vua Minh Tông đáp :
– Khanh có khó nhọc giúp người ta mới cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?
– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến. Mạc Đĩnh Chi khảng khái tâu.
Vua Trần Minh Tông rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của Mạc Đĩnh Chi. Vua đành giữ lại tiền rồi cho Mạc Đĩnh Chi lui.
Một chuyện ở nước Tống có người được hòn ngọc, đem biếu quan Tư thành là Tử Hãn. Tử Hãn không nhận. Người biếu ngọc thưa rằng:
“Ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua, quả là một thứ ngọc rất quý báu, mới dám đem dâng quan lớn, xin quan lớn nhận cho tôi được vui lòng”
Tử Hãn nói “Ngươi cho ngọc là của báu, ta cho tính không tham là của báu. Ngươi đem ngọc cho ta, nếu ta nhận, thì hai bên cùng mất của báu cả. Âu là ngươi cứ đem về. Ai giữ lấy của báu của người ấy, như thế của báu của hai người đều còn cả, thì chẳng là hơn ư”
Thiết nghĩ thay vì truyền bá học tập tư tưởng Mác Lê Nin thì đã đến lúc cần đưa những bài học giáo huấn từ văn hóa cổ truyền dân tộc cho các quan chức cán bộ, đó là việc thiết thực nhất hiên nay trong việc ngăn chặn và quà cáp ngày càng phổ biến ở Việt Nam
Ngọn Hải Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét