Tác giả: Nhà văn Trần Nhã Thụy (Tuổi trẻ & Đời sống)
Không buồn sao được, khi chỉ trong mấy ngày Tết, số người đánh nhau đến mức phải nhập viện cấp cứu lên đến con số hàng ngàn. Cụ thể là hơn 6.200 người. Nếu làm một phép so sánh thì con số này vượt mức quân số của 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn là 3.000 người). Và nếu làm một phép liên tưởng trong chiến tranh, chỉ mấy ngày mà có đến 2 trung đoàn thương binh thì thấy khủng khiếp như thếnào.
Tai nạn dịp tết gia tăng
Có đến hơn 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong, đó là những con số theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế vừa công bố. Điều đáng lưu ý là số người nhập viện và tử vong kia chỉ diễn ra trong một tuần lễ ăn Tết cổ truyền (từ 15 đến 22 tháng 2, tức từ 27 tháng Chạp đến mồng 4 Tết)
“Có đạt lục Guinness thế giới về… Tết choảng nhau”?
Buổi sáng đầu năm mới, khi cùng các đồng nghiệp ngồi bên bàn cà phê, chúng tôi đã hỏi nhau một câu… trớ trêu như vậy.
Tất nhiên là ai cũng biết đây là câu hỏi đùa giỡn cho vui. Nhưng đằng sau câu hỏi “cho vui” này, tôi thấy thực chất là chúng tôi đang “cho buồn” lẫn nhau. Không cố ý, nhưng người đầu tiên đặt câu hỏi ấy như vừa gắp bỏ “hòn than cháy” nỗi buồn vào lòng mỗi người. Mà không buồn sao được, khi chỉ trong mấy ngày Tết, số người đánh nhau đến mức phải nhập viện cấp cứu lên đến con số hàng ngàn. Cụ thể là hơn 6.200 người. Nếu làm một phép so sánh thì con số này vượt mức quân số của 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn là 3.000 người). Và nếu làm một phép liên tưởng trong chiến tranh, chỉ mấy ngày mà có đến 2 trung đoàn thương binh thì thấy khủng khiếp như thế nào.
Nhưng đây không phải là chiến tranh, đây là thời bình và đây là những ngày vui Tết cổ truyền dân tộc. Vậy thì hà cớ gì mà thiên hạ… choảng nhau ác liệt như vậy? Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế thì hầu hết các vụ đánh nhau đều do say rượu, va quẹt khi tham gia giao thông, cũng có khi là do thua bài bạc mà… nóng máu choảng nhau. Đặc biệt có nhiều vụ mà người nhập viện cấp cứu chính là người nhảy vào can gián những vụ đánh nhau, rồi bị vạ lây.
Tết say rượu và tai nạn giao thông là hình ảnh đau lòng trong ngày tết
Chúng ta có thể hình dung như thế này: Trong không khí vui Xuân, ăn Tết, tới nhà nào cũng ly bia chén rượu, khiến ai nấy đều… tê tê. Thông thường, khi say người ta nằm nghỉ ngơi hoặc đi ngủ, còn ngày Tết, say rồi vẫn cứ phải đi chúc Tết, chơi Tết. Thế là những gã say loạng quạng gặp nhau trên những “cung đường gió bụi”.
Những chiếc xe gắn máy lúc này như những con bò tót húc sừng vào nhau tóe lửa. Và những kỵ sĩ bắt đầu huơ chân múa tay lao vào nhau. Lúc này, như ông bà ta vẫn thường bảo là rượu nói chứ không phải người nói. Mà rượu nói thì thường rất khó lọt lỗ tai. Và thế là họ bay vào… choảng nhau. Lại nói như ông bà ta vẫn thường bảo là rượu nó đánh chứ không phải người đánh. Mà rượu đánh thì nó bốc lắm, khỏe lắm. Thế là gây tai họa.
Tôi dám cá rằng có đến 90% những vụ choảng nhau ngày Tết là do bia rượu. Còn lại là do thua bài bạc, dẫn đến mất kiểm soát, hoặc trừ khử lẫn nhau. Nhưng có một điều rất đáng suy ngẫm là: Đây đâu phải là lần đầu tiên chúng ta ăn Tết cổ truyền?
Người Việt đã ăn Tết Nguyên đán từ hàng ngàn năm nay. Người Việt từng có những cái Tết Nguyên đán tưng bừng rực rỡ. Người Việt từng có nhũng cái Tết Nguyên đán nghèo nhưng ấm áp. Người Việt cũng từng có những cái Tết xơ xác trong chiến tranh loạn lạc. Nhưng tôi chưa từng thấy sử sách nào chép lại người Việt lại có cái Tết choảng nhau với số người nhập viện kỷ lục như Tết này.
Không phải nói quá, đó là một nỗi hổ thẹn, nhục nhã, khi chúng ta ngoái nhìn ra nền văn minh thế giới. Và rồi tôi lại tự hỏi: Con số 6.200 người nhập viện và 15 người tử vong trong 7 ngày kia chỉ là con số thống kê được. Còn có bao nhiêu người choảng nhau mà không nhập viện? Bao nhiêu người đã chết trên đường du xuân mà chưa tìm được?”. Than ôi, Tết mà thảm cảnh vậy sao? Phải chăng tính bạo lực đang gia tăng ở người Việt?
Nghĩa trang tắc đường và những màn kung fu
Đánh nhau tại lễ hội Xuân
Cũng trong bàn cà phê của buổi sáng đầu năm mới, chúng tôi được một anh bạn kể cho nghe câu chuyện Tết buồn quê anh. Theo lời anh bạn, thì Tết năm nay, làng quê anh bỗng dưng tràn ngập ô tô, là ôtô từ Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… đổ về.
Những người con tha hương, nay làm ăn khấm khá, lái ôtô về làng. Cảnh ấy khiến trẻ con người già lạ lẫm. Theo tục làng thì sáng mồng 1 Tết, nhà nào cũng phải đi ra nghĩa trang viếng mộ. Và thế là buổi sáng mồng 1 Tết năm nay, lần đầu tiên nghĩa trang bị tắc đường.
Thật là một cảnh tượng chưa ai từng thấy. Một đoàn ôtô chen lấn xộc xệch, cố vượt lên trước để ra nghĩa trang. Và rồi có hai chiếc ôtô va quẹt vào nhau. Và rồi hai ông chủ mặc comple mở cửa xông vào nhau tung những cú đá kungfu.
Chúng ta cứ thử tưởng tượng đây là sáng mồng 1 Tết. Và như thông lệ thường niên, con đường ra nghĩa trang làng rất yên ả thanh bình, hầu hết là người đi xe đạp hoặc đi bộ. Những năm về trước nhiều cụ già còn khăn đóng áo dài tay cầm bó nhang bó hoa rảo bước trên con đường làng.
Thế nhưng năm nay, con đường này bỗng kẹt ôtô. Và khi màn kungfu của hai ông chủ trẻ diễn ra thì bất thần một chiếc ôtô chồm lên cày nát luôn cả hàng rào một vườn rau, tìm lối băng đi. Thấy có xe vượt lên thì những xe sau tiếp nối. Chủ nhà chạy ra đứng như trời trồng, miệng há hốc như cấm khẩu.
Anh bạn tôi cũng là người đi ra nghĩa trang vào buổi sáng mồng 1 ấy, nhưng may mắn là đi xe gắn máy cùng với một người cháu. Sau sự kiện mà anh gọi là “đau đớn” ấy, khuya hôm đó anh lặng lẽ đón tàu ngược Sài Gòn.
Tết quê và những nỗi buồn của tôi
Là một người yêu quê, thế nhưng, khi những ngày giáp Tết, nếu có ai đó hỏi tôi rằng Tết này có về quê không thì tôi buồn bã lắc đầu. Tại sao một người yêu quê say quê như tôi mà Tết lại không về? Câu trả lời của tôi là: Không có điều kiện để về.
Không có điều kiện tức là không có tiền. Đó xem ra là câu trả lời thỏa đáng. Thực ra là tôi đang nói dối. Tôi không nghèo tới mức không có tiền xe đò về quê. Thực tế thì càng ngày tôi càng ngán ngẩm Tết quê.
Điều ngán ngẩm đầu tiên của tôi chính là nạn nhậu nhẹt say sưa điên đảo. Là một người biết và thích rượu bia nhưng tôi không bao giờ cho rằng bia rượu là niềm vui tột cùng, là mục đích cuối cùng của đời người. Bia rượu chỉ là phương tiện, là chút “đưa cay” lâng lâng, tạo tình thân. Nhưng khi lạm dụng bia rượu, uống tới mức độ mất lý trí, uống tới độ biến người thành thú vật, thì tôi thấy thật sự kinh hoàng.
Khi về quê, tôi thích cùng những người thân đi lang thang vào thiên nhiên, ngắm cảnh đẹp, thăm viếng người già. Nhưng càng ngày tôi thấy mình không có bạn đồng hành. Rất nhiều bạn bè tôi vừa “rớt” xe đò, vừa “rớt” máy bay là độ nhậu, hết nhậu hải sản tới nhậu thịt rừng, hết thịt rừng thì nhậu gà thả vườn, hết gà vườn thì ra đồng bắt cá… Nói chung tất cả những sinh hoạt vui chơi ngày Tết đều gắn liền với sinh hoạt nhậu. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng nếu về quê mà nhậu như vậy thì cũng như ở Sài Gòn chứ về quê làm gì?
Nhưng nhậu đâu chỉ là nhậu? Nhậu say rồi thì nói xấu người này người nọ. Nhậu say rồi thì gièm pha, xúc phạm lẫn nhau. Và tôi muốn trở lại câu chuyện tắc đường ra nghĩa trang ở quê anh bạn.
Ở quê tôi ôtô ngày Tết chưa đến mức tắc đường, nhưng ôtô dày đặc ở các quán nhậu. Hầu hết người lái ôtô về quê là để phục vụ việc ăn nhậu. Và tất nhiên là khoe khoang mức độ giàu có. Tôi rất ít thấy một người dùng ôtô để chở cha mẹ già đi thăm thú ngoạn cảnh. Tôi ít thấy người lái ôtô đi tặng quà cho những đứa trẻ nghèo vùng sâu. Tôi ít thấy người lái ôtô đi thăm một bạn học thuở ấu thơ giờ lận đận xó quê…
Tôi chợt thèm những hình ảnh nghèo khó nhưng đầm ấm và chứa chan sự chân thành của cái Tết ngày xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét