25 tháng 2, 2015

Vào biên chế là có ngay 'ngân phiếu' trọn đời

Bất luận năng lực thế nào, việc làm có phù hợp không, hiệu quả ra sao... cứ vào được biên chế coi như có ngay một tờ ngân phiếu vĩnh cửu lĩnh lương trọn đời.
LTS: Tổng kết công tác ngành nội vụ năm qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2015 cần thực hiện nghiêm việc không tăng biên chế, đi đến giảm biên chế... Phần giảm chỉ được tuyển lại tối đa 50%, 50% còn lại khi có yêu cầu nhiệm vụ mới cần tăng thêm phải được Thủ tướng đồng ý và Bộ Nội vụ phải kiểm soát, thẩm định chặt.
Tuy nhiên, trong bộ máy hiện nay vẫn tồn tại một bộ phận làm việc chưa hiệu quả, song chưa đến tuổi nghỉ hưu, gây không ít lãng phí cho ngân sách. Từ góc nhìn thực tiễn, PGS.TS Trần Cao Sơn (Viện hàn lâm khoa học xã hội VN) phân tích về hệ lụy của câu chuyện này.
Sau khi nhà nước phân các cơ quan thành nhiều loại, như cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp, cơ quan chuyên môn (quân đội, công an) và một số ngành khác với độ chênh lệch hệ số lương cơ bản và các tiêu chuẩn chế độ khác do đặc thù công việc, đã gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Bức xúc nhất hiện nay là hiệu quả đội ngũ công nhân viên chức đang hiện diện trong các cơ quan nhà nước hưởng lương từ ngân sách. Một thực trạng kéo dài hơn nửa thế kỷ qua là những người sau khi có quyết định tuyển dụng vào biên chế nghiễm nhiên làm việc cho đến nghỉ hưu và nhận sổ hưu hết đời. Bất luận năng lực thế nào, việc làm có phù hợp không, hiệu quả ra sao... cứ vào được biên chế coi như có ngay một tờ ngân phiếu vĩnh cửu lĩnh lương trọn đời. Không phù hợp nơi này thì chuyển sang cơ quan khác, cũng vẫn biên chế và hưởng lương. Tính nhân văn cục bộ, cá thể ấy đã gây tổn hại đến sức mạnh hoạt động của cả hệ thống, đến giá trị đồng tiền người dân đóng góp.
Chưa một quốc gia tiên tiến nào có đến 30% công chức tồn tại chỉ là hình thức, cắp ô đi về (như thông tin báo chí đưa hồi đầu năm 2013).
Nhưng thực tế ở nhiều nơi còn có một tỷ lệ không nhỏ số người không đến cơ quan đủ giờ làm hành chính song lương cuối tháng vẫn nhận đều và vẫn tăng bậc theo niên hạn.
Tính hợp lý hay bất hợp lý của sự phân biệt lương bổng này vẫn đang là một câu hỏi.
Một số cơ quan quy định hàng ngày cán bộ đến công sở phải ký tên vào sổ theo dõi. Ai không ký tên tức là vắng mặt. Ở một số cơ quan tôi biết, có một bộ phận không nhỏ cán bộ cứ hàng sáng đến ký cọt, sau đó dành biết bao thời gian còn lại la cà phòng này phòng kia trò chuyện tầm phào để chứng tỏ họ có mặt. Xong, sản phẩm chuyên môn không có.
Hiện trạng này kéo dài cả hàng chục năm. Nhiều người cho rằng việc đó chẳng ảnh hưởng đến ai, tiền lương là tiền chùa nên cũng không đưa ra tập thể phê phán. Nếu có ai đó đưa vấn đề này ra cũng khó tìm được sự ủng hộ, thậm chí dễ bị cô lập.Có cán bộ khi nhận sổ hưu đã qua trên 30 năm làm trong cơ quan nghiên cứu khoa học, tính ra gần 400 tháng lương họ đã lĩnh, cộng với các chi phí khi họ làm việc (phòng ốc bàn ghế, máy móc cùng các trang thiết bị khác) tính bằng 50% giá trị tiền lương.
Nếu nhân với số tiền mỗi tháng họ lĩnh bình quân chỉ cần 3 triệu/tháng thì số tiền Nhà nước trả cho họ đã khoảng hai tỷ đồng. Sản phẩm của họ để lại suốt cuộc đời làm khoa học là mấy bài báo đăng tạp chí chuyên ngành hẹp và vài đề tài cấp cơ sở, mà làm đề tài thì cũng phải lấy từ nguồn kinh phí đầu tư khoa học. Tính ra giá của mỗi bài báo mấy trang ấy nhà nước phải chi đến hàng trăm triệu đồng. Đây là giá đắt nhất thế giới, đắt phi thường, đắt vô căn cứ.Trong khi có những nhà khoa học chân chính với những đóng góp lớn lao cho đất nước, là những trí thức khoa học đích thực thì số tiền nhận được cũng chỉ có thế. Cào bằng trong chính sách đãi ngộ và lương bổng thực sự bất công. Chưa kể trong tương quan với các đối tượng khác (chính sách) đang cần được nhà nước hỗ trợ.
Như vậy liệu có công bằng xã hội không? Tại sao lại tồn tại một thực trạng trớ trêu đầy sai sót như vậy?
Thứ nhất: Nhà nước chưa có một chính sách sàng lọc rõ ràng, luôn chấp nhận sự bình yên hình thức. Các cơ quan muốn thực hiện cũng không có cơ sở pháp lý nào.
Thứ hai: Những người lãnh đạo các cơ quan còn nặng tư duy nhiệm kì, không muốn vì chuyện này mà gây xáo động, mang tiếng quản lý kém, mất đoàn kết. Hết thế hệ này đến thế hệ khác đều chìm trong cách nghĩ ấy nên chưa ai có quyết tâm sàng lọc, thay đổi.
Thứ ba: Nhờ cơ chế quản lí mơ hồ mà nhiều vị đã gửi được người thân vào các cơ quan nhà nước, dù nhiều người được tuyển dụng không đủ các điều kiện cần có. Số lượng này không ít.
Thứ tư: Nhà nước đầu tư ngân sách cho các cơ quan thường có hai phần: một phần là trả lương theo bảng lương; một phần là đầu tư cho hoạt động và phát triển. Loại đầu tư thứ hai được căn cứ theo qui mô đơn vị và đầu người. Nơi nào có nhiều đầu mối đơn vị và cán bộ thì được đầu tư nhiều. Có nên chăng loại bỏ cán bộ yếu kém và đầu mối không tác dụng cũng là điều họ cần cân nhắc, cả mặt lợi và mặt hại.
Cũng chính vì vậy sự hiện hữu cán bộ yếu năng lực và thiếu trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước mới nhiều đến thế, trở thành một căn bệnh ung thư xã hội.
Vì sự thịnh vượng của đất nước, vì sự công bằng và nhân văn của xã hội, Nhà nước hãy có biện pháp kiên quyết.
*Tác giả bảo vệ Tiến sĩ tại Viện Phương Đông học, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ. Chuyên ngành Lịch sử quan hệ quốc tế, hiện công tác tại Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chính:Xã hội học dân số, đô thị hóa, lịch sử dân số, kinh tế trí thức.

Không có nhận xét nào:

Trang