2 tháng 1, 2020

VN: Thông điệp năm mới 2020 – ‘đột phá’ thể chế

Tác giả: PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách & Phát triển (Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. ) (BBC Tiếng Việt)
Đột phá thể chế là cần thiết trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang thành đối đầu chế độ xã hội và ý thức hệ khi Mỹ đặt vấn đề về dân chủ ở Hong Kong và nhân quyền ở Tân Cương Trung Quốc… Liệu đây có là cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi quan hệ kinh tế dựa trên sự tương đồng chế độ chính trị đã không mang lại hiệu quả, mà ngược lại.
KD: Điều này chỉ có thể thành hiện thực nếu VN thực sự nhận thức và tư duy có tầm chiến lược. Và nếu thực sự vì lợi ích của dân tộc mình, QG mình
—————— Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu sự kiện nắm giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020 trong lễ bế mạc Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 35 tại Bangkok hôm 04/11/2019
Nếu thông điệp cải cách là cần thiết cho năm mới 2020 thì ‘đột phá thể chế’ sẽ là một lựa chọn.
Sự lựa chọn này được khởi phát từ nhận định rằng kết quả tăng trưởng GDP cao hiện nay nhờ rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ ‘bất ổn’ kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế chuyển ‘dư địa’ thành nguồn lực tăng trưởng chủ yếu.
Hơn thế, tình trạng kinh tế ‘tụt hậu’ hiện nay của đất nước là do thể chế gắn với ý thức hệ giáo điều đã không thích nghi với thay đổi kinh tế theo hướng thị trường, bởi vậy những thách thức do ‘nghẽn thể chế’ chỉ có thể được giải toả bởi tư duy và các chính sách đột phá.
Thông điệp cho năm mới 2020 có ý nghĩa thiết thực trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021 khi nó thể hiện sự quyết tâm chính trị về đổi mới vì sự thịnh vượng bền vững của đất nước.
Thể chế là dư địa tăng trưởng
Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao từ đầu nhiệm kỳ 12, hai năm gần đây đạt tỷ lệ tăng GDP hơn 7%, năm 2018 là 7,08 và năm 2019 đạt 7,02%. Cơ quan Thống kê nhà nước cho rằng đồng thời với mức tăng cao như trên, chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng đang được cải thiện qua phân tích các chỉ tiêu năng suất, các nhân tố tổng hợp, năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu ngành, trong đó động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo…
Bỏ qua sự khả tín của số liệu, bởi nhiều chỉ tiêu, trong đó có GDP, thường được sử dụng trong kinh tế tư bản chủ nghĩa coi thị trường là phương thức phát triển. Những chỉ tiêu đo lường sức khoẻ của nền kinh tế chủ yếu, ngoài GDP, còn có số việc làm được tạo thêm, tỷ lệ thất nghiệp giảm, các chỉ báo của thị trường chứng khoán…
Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, lại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên một số chỉ tiêu quan trọng được tính toán và áp dụng mang tính pháp lệnh trong việc lập và kế hoạch và thực thi bởi chính phủ với bộ máy chỉ đạo, điều hành tập trung. Đặc điểm này tạo ra những khác biệt, nguyên nhân của tranh luận về sự chính xác của số liệu.
Thí dụ, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam năm 2019 chỉ là 2,25%, được coi là rất thấp trong một nền kinh tế kém phát triển với cung lao động lớn và nhu cầu việc làm cao, thấp hơn nhiều ở phần lớn các nước phát triển, bởi thế nó hoặc phản ánh năng suất lao động thấp hoặc do cách tính toán chứ không phải để so sánh. Ngoài ra, cũng trong năm 2019 các chỉ số chứng khoán VN-index và HN-index đi ngang và giảm, chỉ số tín nhiệm quốc gia bị Moody’s hạ bậc… đang phản ánh mặt yếu kém của thị trường, nhưng đã không được phản ánh vào chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc hoàn thành và vượt mức 12 chỉ tiêu pháp lệnh cũng là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ảm đạm và khó khăn của kinh tế thế giới. Hơn thế, mức tăng trưởng cao GDP sau nhiệm kỳ ‘bất ổn’ lại càng có ý nghĩa, nhất là về mặt chính trị với niềm tin dân chúng và tính chính danh của đảng cầm quyền.
Như đã biết, chính sách tăng trưởng nóng vội, sai lầm dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và quản lý yếu kém của nhà nước trong nhiệm kỳ trước khiến cho tỷ lệ tăng trưởng giảm sút, bất ổn kinh tế vĩ mô và khủng hoảng thể chế, đã và đang để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó Chính phủ kiến tạo nổi lên như sự đổi mới về điều hành kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng mà vẫn duy trì hệ thống chính trị, đặc biệt là bộ máy hành chính hiện hành. Hai nhóm giải pháp chính sách nổi bật trong cách thức điều hành của Chính phủ là khuyến khích tự do kinh doanh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư… đồng thời với hoàn thiện thể chế, pháp luật, hành chính, loại bỏ các rào cản từ thực thi công vụ… đã tạo được động lực cho tăng trưởng.
Đây chính là bài học kinh nghiệm được rút ra từ thời kỳ ‘bất ổn’. ‘Chính phủ kiến tạo’ xuất hiện như một sự thay đổi phương thức điều hành tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đã giải phóng các nguồn lực xã hội cho mục tiêu kinh tế.
Đột phá thoát ‘tụt hậu’
Mặc dù có mức tăng trưởng cao như phân tích ở trên, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tụt hậu so với thế giới. GDP trung bình trên đầu người hiện nay ở mức trên 2500 đô la Mỹ chỉ bằng một phần tư so với mức trung bình của thế giới.
Chính phủ kiến tạo được cho là ‘cứu cánh’ cho tăng trưởng sau khi đã suy giảm trong giai đoạn trước, nhưng liệu có thể trở thành mô hình chính phủ điều hành kinh tế hướng đến phát triển bền vững, thoát khỏi tình trạng kinh tế ‘tụt hậu’ tuỳ thuộc rất nhiều vào cải cách thể chế.
Các lãnh đạo Chính phủ kiến tạo đã nhìn nhận cải cách thể chế là ‘dư địa lớn’ để tăng trưởng. Tuy nhiên, các giải pháp trong nghị quyết 01 của Chính phủ trong các năm trước, tuy cụ thể nhưng vẫn dàn trải, chưa làm thay đổi tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ và nhiều điểm nghẽn khác của thể chế. Chất lượng của thể chế chỉ có thể thay đổi bằng các chính sách đột phá.
‘Thành tích’ kinh tế năm 2019 đang tạo ra không khí ‘phấn khởi’ trong các hội nghị tổng kết của chính phủ và các bộ, ngành. Trên hầu hết các báo chí và truyền thông của nhà nước trích đăng câu nói của đại diện Ngân hàng thế giới ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam’ làm hình ảnh để mô tả sự phấn khích này… Các lãnh đạo dường như đang nắm trong tay ‘phép màu’ tăng trưởng kinh tế!
Chợt nhớ hình ảnh tương phản về cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hy qua câu chuyện được kể lại, rằng trong giai đoạn từ 1965 cho đến khi bị ám sát năm 1979, ông đã tham dự gần như mọi cuộc họp hàng tháng của ủy ban xúc tiến xuất khẩu nước này và tập hợp các doanh nhân trong các bữa ăn trưa. Năm 1964 xuất khẩu của Hàn Quốc vượt mức 100 triệu đô la, ông đã khóc khi công bố ngày lễ quốc gia được gọi là “Ngày xuất khẩu”.
Kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng hai con số nhờ mô hình dựa vào xuất khẩu trong thời kỳ dài, từ đầu những năm 1960 cho đến những năm 1990 và GDP bình quân đầu người dưới 10.000 USD trước năm 1970 tăng lên gần 60.000 USD năm 2017. Nguồn gốc dẫn tới thành công của Hàn Quốc và ‘các con hổ châu Á’ khác như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hong Kong được cho là sự kết hợp sự chỉ đạo năng động của mô hình ‘nhà nước chuyên quyền duy lý’ và vai trò của thị trường cạnh tranh. Hơn thế, mô hình này đã chuyển đổi thành các chế độ dân chủ như hiện nay.
Các quốc gia nêu trên với nhiều doanh nghiệp đang là những nhà đầu tư lớn ở nước ta. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thành công trong quá khứ cho Việt Nam, nhưng thật khó để có lời khuyên rằng đảng cộng sản nên lãnh đạo kinh tế thị trường thế nào? ‘Chính phủ kiến tạo’ liệu có thể điều hành để tăng trưởng kinh tế nhanh và dài hạn trong điều kiện hệ thống chính trị hiện hành với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa? Đó là câu hỏi lớn cho cải cách đột phá thể chế.
Cần thiết và là cơ hội
Đột phá thể chế là cần thiết trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang thành đối đầu chế độ xã hội và ý thức hệ khi Mỹ đặt vấn đề về dân chủ ở Hong Kong và nhân quyền ở Tân Cương Trung Quốc… Liệu đây có là cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi quan hệ kinh tế dựa trên sự tương đồng chế độ chính trị đã không mang lại hiệu quả, mà ngược lại.
Các nhà máy điện than với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm nghiêm trọng, dự án đường sắt trên cao kéo dài thời gian hoàn thành nhiều năm tạo bẫy nợ… là những hình ảnh tiêu cực, phản cảm trong công chúng. Những dự án đầu tư kém hiệu quả, thâm hụt thương mại… là cái giá rất đắt phải trả. Ngoài ra, sự kiện ‘Bãi Tư chính’ cũng như chính sách quân sự hoá nhiều hòn đảo ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta đang thách thức an ninh và quan hệ đa phương.
Đột phá thể chế thúc đẩy sự linh hoạt về ý thức hệ tạo ra sự chuyển biến từ kiến trúc thượng tầng của chế độ chính trị. Chiến dịch chống tham nhũng vẫn được tăng cường với việc xét xử các đại án, như AVG, các lãnh đạo cấp cao cố ý vi phạm các quy định hay lợi dụng chức quyền gây thiệt hại cho nhà nước…;
Sửa sai tư pháp trong các vụ án như Hồ Duy Hải; Thay đổi cách giải quyết các xung đột sở hữu đất đai như vụ Đồng Tâm, Thủ Thiêm… bằng cách duy trì đối thoại và một số sự kiện khác hướng đến các giá trị tích cực của chế độ dân chủ. Liệu đây có là những điểm sáng trong quá trình cải cách thể chế?
Đột phá thể chế trong năm 2020 tuỳ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi nhân sự lãnh đạo qua đại hội đảng các cấp, kể cả việc chuẩn bị chuyển giao vị trí tứ trụ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại hội 13. Đây là công việc nội bộ của Đảng, nhưng với cơ chế Đảng toàn trị chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội của đất nước.
Cuối năm 2018, khi tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2019 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh rằng tăng trưởng “… là thử thách! … Nếu sang năm GDP tụt xuống là các đồng chí phải chịu trách nhiệm, chí ít phải bằng, còn không thì phải hơn năm nay. Nếu không đạt, gần sát Đại hội có khi người ta không bầu nữa đâu…”.
‘Đột phá’ thể chế rõ ràng là công việc vô cùng thách thức, nhưng chẳng lẽ một dân tộc với gần một trăm triệu dân cần cù và thông minh, có truyền thống hào hùng có khát khao thịnh vượng và dân chủ lại cam chịu mãi tụt hậu!
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Trang