Khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh. Ảnh: báo Chính Phủ.
Không chỉ là nguy cơ tiếp tục tàn phá môi sinh, không đơn thuần là dự án đầu tư 10 tỉ USD, hiện giờ vấn đề mà Formosa là sự xung đột giữa một bên là nhân dân Việt Nam với một bên là Formosa. Căn nguyên của sự bất ổn thỉnh thoảng lại bùng lên ở miền Trung hiện nay chính là “vấn đề Formosa”. Chừng nào còn tồn tại Formosa, chừng đó lòng dân còn phẫn uất.
Cắt bỏ khối u thì có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Chấm dứt hoạt động của Formosa tại Việt Nam có thể xây dựng thêm niềm tin của nhân dân. Cắt nhầm khúc ruột thì khó có thể sống được. Quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người đã chứng mình rằng, tất cả những chính quyền quay lưng với nhân dân đều phải trả bằng cái giá rất đắt. Không một ý chí chủ quan nào có thể chống lại quy luật của sự phát triển.
Tôi viết những điều này trong tâm thế của một con chim sâu chứng kiến cánh rừng đang âm ỉ cháy. Dù biết, người ta có đọc thì chắc gì đã nghe. Người muốn nghe chắc gì đã đủ thế và lực để làm. Nhưng lẽ nào lại im lặng đứng nhìn cỗ xe lao đi trên hành trình mịt mù tăm tối?
Formosa đã đầu tư vào Vũng Áng khoảng 10 tỉ USD. Đó là con số khổng lồ với ngân sách lúc này. Chấm dứt sự tồn tại của Formosa ở Việt Nam, tổn thất sẽ vô cùng lớn. Nhưng như thế vẫn chưa là gì nếu so sánh với những thiệt hại, bất ổn về lâu dài khi để Formosa tồn tại.
Tôi có nhiều cuộc chuyện với một số lãnh đạo cấp cao và cả những người quản lý ngành công nghiệp. Sau mỗi lần như vậy, thứ tôi nhận về luôn là một nỗi u buồn dai dẳng. Thực ra họ cũng coi Formosa như cái gai trong mắt. Nhưng, họ bế tắc. Tôi hiểu lý do vì sao nhưng bây giờ chưa phải là lúc bàn về câu chuyện ấy. Tôi muốn mọi người cùng tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Formosa.
1. Cần nhiều quy định mới
Tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về ngành công nghiệp luyện kim của Trung Quốc. Đất nước này đã đổi cả máu xương của mấy chục triệu người dân vô tội để có cách mạng công nghiệp, để có những bước đại nhảy vọt theo kịp các nước phương Tây. Nhưng đến hôm nay, thép của Trung Quốc vẫn phải đổi bằng máu của nhân dân. Người Trung Quốc đang phải trả giá nặng nề vì ô nhiễm môi trường. Giải pháp mà chính quyền Trung Quốc sử dụng là xuất khẩu công nghệ ô nhiễm ra ngoài lãnh thổ của họ.
Trở lại Việt Nam, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế. Tôi vui mừng vì những nhà lãnh đạo hôm nay có tư duy làm kinh tế văn minh và tôi chờ đợi hành động của họ. Trước tiên, phải bắt đầu bằng việc dứt khoát từ chối công nghệ ô nhiễm, phải thoát ra khỏi thân phận là một bãi rác công nghệ của quốc gia khác. Ngay bây giờ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cần ngồi với nhau để xây dựng một quy chuẩn công nghệ sản xuất thép mới thay thế cho quy chuẩn công nghệ đang sử dụng. Quy chuẩn mới bắt buộc phải theo kịp những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Sự thay đổi này sẽ khiến các nhà sản xuất thép trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng đây là việc phải làm. Lợi ích của 92 triệu người dân chắc chắn phải có sức nặng hơn lợi ích của một số nhà đầu tư.
Vào năm 2010, thế giới đã đạt đến công nghệ sản xuất thép chỉ tiêu thụ lượng điện trong khoảng 360-430 kwh/tấn. Nếu coi giới hạn tiêu thụ điện năng tối đa trong sản xuất thép như một tiêu chí bắt buộc phải nâng cấp công nghệ theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới thì chắc chắn sẽ là một bài toán cực khó với Formosa. Bởi với công nghệ mà Formosa đã hoàn tất lắp đặt cho dây chuyền 7,5 triệu tấn thép, lượng điện tiêu thụ của Formosa vẫn lên đến 525 kwh/tấn.
Song song đó, cần thiết phải chấm dứt sự ưu ái vô cùng khó hiểu cho nước thải ngành thép. Không có lý do gì để doanh nghiệp sản xuất thép được hưởng một quy chuẩn nước thải riêng, trong đó giới hạn tối đa của các thông số ô nhiễm lại được nới lỏng hơn so với nước thải của những ngành công nghiệp khác. Ví dụ, trong quy chuẩn nước thải công nghiệp, hàm lượng cyanua tối đa khi xả vào nguồn nước tiếp nhận có sử dụng trong sinh hoạt là 0,07 mg/lít, xả vào nguồn nước không sinh hoạt là 0,1mg/lít. Thế nhưng, nước thải luyện thép lại được áp dụng mức 0,1mg/lít đối với nguồn tiếp nhận sử dụng làm nước sinh hoạt và 0,5mg/lít với nguồn tiếp nhận như vùng biển ở Hà Tĩnh mà chẳng hạn.
Tôi cho rằng, ngành thép phải áp dụng quy chuẩn nước thải như những ngành công nghiệp khác. Không chỉ là sự công bằng giữa các ngành, mà thực hiện điều này, Formosa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi về cơ bản, năng lực xử lý nước thải của Formosa tốt thì đã không xảy ra thảm hoạ.
Chính phủ hoàn toàn có thể yêu cầu tất cả các nhà máy thép phải nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đồng thời thực hiện kiểm toán để đảm bảo các nhà đầu tư bỏ ra khoản tiền cần thiết cho việc giữ gìn môi trường nơi họ đặt chân đến. Một trong các giải pháp là yêu cầu phải đầu tư tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của toàn dự án theo mức trung bình mà các chuyên gia trong ngành thép đã tìm hiểu. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm toán phần chi phí chi cho việc xử lý nước thải hàng ngày. Ở Mỹ, mức này là 17 USD/tấn thép. Các doanh nghiệp như Formosa đang kiếm lời bằng việc ăn vào môi trường. Nếu Chính phủ làm quyết liệt, họ không có lời thì chẳng cố bám mãi ở đất Hà Tĩnh làm gì.
Đó là chưa kể, hoàn toàn có thể dùng công cụ thuế để xử lý vấn đề Formosa. Tăng phí môi trường cũng là một giải pháp. Đồng thời, sau tất cả những gì mà Formosa đã gây ra, đồng thời những lo lắng, hoang mang của người dân đối với các dự án thép, các nhà đầu tư muốn đưa vận hành nhà máy, theo tôi cần phải nộp tiền ký quỹ môi trường. Ví dụ, mức nộp tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương với lượng tiền họ cần đầu tư để có một hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Như vậy, Formosa muốn hoạt động thì phải ký quỹ thêm hàng tỉ USD.
Tất nhiên, lựa chọn vẫn là của Formosa. Nhưng để đáp ứng được tất cả những các quy định trên, Formosa sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi việc trả lãi vay cho số tiền hàng chục tỉ USD hiện nay đã là một bài toán vô cùng nhọc nhằn.
2. Cần những hành động khác
Tôi không còn một chút niềm tin nào vào khả năng quản lý của chính quyền Hà Tĩnh. Tôi cũng không dành nhiều sự tin tưởng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thế nên, tôi cho rằng với một dự án lớn lại có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, đang là nỗi bức xúc trong dư luận cả nước, đơn vị giám sát phải là Quốc hội. Đừng hỏi tôi Quốc hội sẽ giám sát Formosa như thế nào. Bởi nếu hỏi câu đó thì họ không nên tiếp tục ngồi ở hội trường Ba Đình nữa.
Tôi cũng cho rằng các Toà án nhân dân cần tiếp nhận và xử lý đơn kiện của người dân Hà Tĩnh về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho Formosa trái luật. Việc cấp phép xả thải ra biển, không tham vấn người dân theo đúng quy định, đồng thời cho phép Formosa đặt đường ống xả thải ngầm dưới đáy biển, ở xa ngoài khơi, nơi khó có thể giám sát, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cần phải bị xem xét trách nhiệm.
Một giấy phép xả thải cấp sai luật thì đương nhiên phải thu hồi. Formosa không thể tiếp tục xả thải ra biển. Họ phải làm lại từ đầu. Luật Bảo vệ môi trường cho phép người dân có quyền giám sát, đưa ra ý kiến đối với những trường hợp như Formosa. Khi ấy, người dân cần sử dụng quyền của mình.
Tôi cho rằng hải quan Hà Tĩnh cần xếp cái tên Formosa vào luồng đỏ trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tất cả các lô hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra thực tế. Có thể ngành hải quan sẽ phải bỏ ra nhiều công sức hơn, nhưng đó là trách nhiệm của họ. Còn nó sẽ khiến Formosa gặp phải những vấn đề gì, tự họ biết rõ, tôi chẳng nên lạm bàn.
3. Nếu Formosa ra đi…
Nhiều người cho rằng, Formosa rời khỏi VN là điều không thể xảy ra, nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Sử dụng tất cả những biện pháp trên, Formosa rút khỏi VN chỉ là vấn đề thời gian.
Vậy thì 10 tỉ USD họ đã đầu tư vào VN sẽ phải xử lý thế nào? Chính phủ phải đền bù ư? Không hẳn là vậy. Trong số 10 tỉ USD nói trên, có vốn cho nhà máy điện của Formosa. Formosa có thể tiếp tục duy trì hoạt động nhà máy này. Đồng thời, hợp phần cảng Sơn Dương cũng có thể kiểm toán và tạch bạch phần vốn làm cảng.
Đối với khu liên hợp thép, Chính phủ hoàn toàn có thể mua lại dự án, sau đó cổ phần hoá. Lúc này, tại sao không nghĩ đến anh Vũ bán tôn? Tập đoàn Hoa Sen không cần nhằng nhặng đòi làm Cà Ná mất cả chục năm nữa. Anh Vũ Hoa Sen có thể mua lại Formosa. Xét về thiết bị, Formosa vẫn ăn đứt những gì anh Vũ tính làm ở Cà Ná. Để anh Vũ thế chân Formosa, Quốc hội vẫn giám sát mà anh Vũ vẫn thực hiện được tuyên bố “ngu gì không làm thép”. Trong khi đó, bãi biển Cà Ná hoang sơ sẽ vẫn được giữ lại như món quà để dành cho con cháu mai sau.
Thường tôi luôn có vài câu kết vui vẻ, mà hôm nay viết dài quá rồi nên chẳng muốn viết thêm. Coi như bài viết này sẽ để một cái kết mở. An lòng dân để xây dựng đất nước hay kéo dài mãi sự bất ổn? Kết thúc theo cách nào phụ thuộc vào sự lựa chọn của Chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét