Táo quân, chương trình hài cuối năm được trình chiếu vào mỗi đêm trước giao thừa đã trở thành món ăn không thể thiếu đối với người dân. Nhưng, cũng với chương trình đó, nó trở thành ước nguyện mà mỗi một người dân muốn gửi gắm vào, đối với thể chế chính quyền hiện tại.
Nghệ thuật chân chính, sau cùng là nghệ thuật soi gương chính trị, nó đảm bảo cho tiếng nói của người dân được biểu lộ qua cách thông thường nhất: hài. Nó được kỳ vọng sẽ khiến các vị công bộc dân sau khi xem xong, có thời gian tự ngẫm về phát ngôn và hành động.
Dân đau vì quan “quen tay”
Sẽ thật là đau, nếu Táo Tài nguyên & Môi trường cứ mãi điệp khúc “không lụt sẽ buồn” – bởi chính thứ lụt quen từ việc xả nước quen tay này đã khiến cho trâu bò, ruộng lứa và mạng sống của người dân các tỉnh miền Trung bị cướp đi trong tích tắc. Cũng chính thứ “lụt quen” này, khiến cho quan cứ nghĩ là dân đen nó chịu đựng được thế rồi, nên cứ thả tay trong quản lý, thành ra Formosa mới có cơ hội để ngoi lên và hành dân.
Thế nhưng, sự “quen tay” nên trên, nó lại xuất phát điểm từ Táo Công chức, anh táo càng làm lâu năm, càng “chả biết đếch gì”. Nói vống lên, thì Táo Công chức đại diện cho cả một hệ thống hành chính đang phình to và không kiểm soát, 9/10 anh công chức nhà nước nhúng chàm “quen tay” tham nhũng mọi cấp độ; nhưng nguy hiểm hơn cả tham nhũng là anh đã quen sự “lãnh đạo” trên cơ sở hiểu biết, anh Công chức cứ mãi “chỉ đạo, yêu cầu, báo cáo” như một con robot vô cảm, cho 1 thể chế định hình đầy mù mịt mang tên XHCN mà anh vẫn cứ báo thật to, cáo thật to cho người dân và bắt dân quy theo. Đó hẳn là sự “khốn nạn trên cả sự khốn nạn”.
Ấy thế vẫn đúng quy trình?
Ấy thế mà, nó “vẫn đúng quy trình”, một quy trình khép kín, một quy trình không tồn tại tư duy lãnh đạo, mà lại là thứ “lãnh đạo bẩm sinh”. Và vì thế, đời cha nối đời con, đời ông nối đời cháu – biến các Bộ ở trung ương hay Sở ở địa phương thành lò ấp trứng hay nhà mẫu giáo cán bộ; biến các tập đoàn nhà nước thành nơi cho các “anh lãnh đạo bẩm sinh” trải nghiệm cách chỉ đạo và điều hành đầy ngược đời của mình. Trịnh Xuân Thanh đại diện cho hàng tá cán bộ cấp cao được “sinh nở” ra như thế tại một lò mẫu giáo mang tên “Bộ Công thương”, nếu không xung đột về lợi ích nhóm, y hẳn giờ vẫn đang là một Phó Chủ tịch tỉnh. Bao nhiêu hậu họa “quen tay” cũng xuất phát từ điểm này mà ra.
Dân kêu than, oán hận này kia, thì quan cũng ngồi phòng máy lạnh, đi xe hơi mà nghe nhạc “cách mạng”. Thế nên, ức uất dân và tiếng nói dân không những không được truyền tải, mà đôi khi bị truyền tải sai lệch qua “truyền thông Nhân dân”. Nhưng cái đáng sợ nhất là khi dân kêu, thì Táo Môi trường – một công chức cấp cao lại làm nũng là: “Dân kêu nhiều quá, Không phục vụ dân đâu – chỉ phục vụ ngọc hoàng là đủ.” Cái thứ công bộc vốn phục vụ dân lại kêu lên như vậy tưởng như là bất hợp lý, lại là thứ “quy chuẩn” cần có ở thiên đường XHCN. Nơi mà công bộc trước hết “trung với Đảng, làm vì Đảng, và chết vì Đảng” hơn là cho dân. Dân có nói sao, nhưng nếu vẫn đáp ứng được với Đảng thì anh vẫn được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Điều này có thể thấy phần nào qua cách xử lý, kỷ luật cán bộ gây sai phạm với nhân dân của Đảng – “điều chuyển công tác, kiểm điểm, phê bình” trở thành một xu hướng thống nhất của thời đại XHCN. Và chính cái “xu hướng” đó đã bộc lộ có sâu sắc qua câu trò chuyện giữa Nam Tào – Bắc Đẩu: “Một khi cô đã thương thì muốn làm người thường cũng không cho”.
Cách chức “cả cụm”: mông lung như trò hề
Dân chỉ mãn nhãn về sau, khi Ngọc Hoàng cách chức “cả cụm” Nam Tào – Bắc Đẩu vì cái tội đã giám sát đúng quy trình nhưng vẫn gây ra sai phạm. Ấy là dân muốn thế, như cách mà dân muốn Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị cách chức khi còn tại vị chứ không phải về hưu rồi mới bị xóa chữ Nguyên; hay nếu đã về hưu thì cần kỷ luật chứ không phải dùng dằng rồi mới đánh khẽ như vậy. Nhưng không, ngay cả Táo cũng hiểu rằng, “kỷ luật, cách chức” chỉ là thứ xa xỉ nhất ở thiên đường này, bởi đó chỉ là một màn kịch “để dạy bảo nhau” sống sao cho “tốt đời, đẹp Đảng” theo đúng mô-tuýp: Khi sự việc nó to thì mình nói nhỏ lại, bởi nói nhỏ lại thì sự việc.
Ngọc Hoàng sâu sát, không thể đùa được – nhưng Ngọc Hoàng vẫn là con người của thể chế thiên đình, Ngọc Hoàng có trừng phạt cũng là trừng phạt theo quy chuẩn rất thiên đường – mà thiên đường thường lấy nhân văn làm chủ đạo.
Cả một màn kịch dài hơn 2 tiếng, khái quát hết một thể chế kéo dài hơn 70 năm trời. Và vì thế, khi lên đài, nó đã bị cắt đúp, đúng nghĩa là “nước trong thì không có cá,mà Táo quân phản ánh quá thì không cho full (bản đầy đủ).
Việt Nam và công cuộc “hái hoa dân chủ” vẫn tiếp tục, và khi dân đen “sống chết mặc bay” thì quan quân “lợi thầy thì thầy cứ hưởng”.
Anh Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét