11 tháng 1, 2017

Sao ông phê bình tôi?

Tác giả: Xuân Dương 

KD: Không biết ở các QG khác có sự phê bình nhau không nhỉ? Hay chỉ có các quy định, các thỏa ước mang tính luật pháp điều chỉnh mọi hành vi cá nhân. Anh làm sai so với quy định đó, anh phải chịu trách nhiệm bị xử lý? Pháp luật và những quy định mang tính kỷ cương pháp luật phải được tôn trọng cao nhất. Chính vì thế chắc họ chẳng có các cuộc vận động học tập nọ kia, mà rút cục thấy ko ít các vị đạo đức giả, nói một đằng, làm một nẻo. Nói đạo đức, nhưng lại tổ bố tham nhũng? ————– – Một nhà báo hỏi anh công nhân “nhà máy kia của ai”, anh công nhân trả lời “của chúng tôi”, “thế còn chiếc ô tô đẹp kia của ai”, trả lời “của đồng chí Giám đốc” Năm 2016 kết thúc với hai xu thế mang tính chỉ đạo nổi bật: cải cách thể chế chính trị và cải cách thể chế kinh tế. 
Về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nêu thông điệp sẽ xây dựng Chính phủ hiện nay thành “Chính phủ kiến tạo và liêm chính”. 
Người xưa có câu: “Vua không nói đùa”, thông điệp của người đứng đầu Đảng và Chính phủ nêu lên trong năm 2016 không còn là lời nói, không chỉ là nghị quyết, mỗi người dân đều có thể cảm nhận theo cách riêng của mình. 
Bằng chứng là hàng loạt vụ việc được các cơ quan Đảng xử lý liên quan đến những đảng viên giữ trọng trách trong cơ quan Đảng và chính quyền (Ban Tổ chức, Bộ trưởng, Thứ trưởng. 
Bằng chứng là những hoạt động, chỉ đạo của Thủ tướng với tần suất dày đặc chỉ trong một thời gian ngắn mà gần nhất là tập trung xử lý dứt điểm hậu quả các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài (riêng Bộ Công Thương là 12 dự án) hoặc vấn đề quy hoạch đô thị, đặc biệt là Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác. 
Dù là xưa hay nay thì câu “Vua không nói đùa” vẫn không thay đổi ý nghĩa, lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy” tuyệt đối không phải là câu nói đùa. [1] 
Thế nhưng khi đất nước có quá nhiều Vua (dù là vua con) và có thể còn thêm cả những ông vua ẩn danh, không ngai nữa thì thứ dân sẽ sống như thế nào? 
Muốn có những đột phá, muốn chỉ trong một vài năm có thể đảo ngược tình thế “loạn vua con” tồn tại suốt mấy chục năm, cần phải có những con người hội tụ đủ bốn yếu tố “Tâm – Tầm – Uy – Quyền”, những người vì dân, vì nước, trọng danh dự hơn quyền lực. 
Đó nhất thiết phải là những người muốn để lại tiếng thơm cho đời chứ không phải là hàng núi của cải cất giấu đâu đó, là những người tử tế ngay khi còn đương chức, đương quyền chứ không phải là đợi đến khi nghỉ. 
Cảm nhận của người viết là vẫn thiếu sự đồng bộ giữa cải cách thể chế chính trị với các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. 
Khi Đảng đã ban hành quyết định kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhưng cả Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tư pháp vẫn chưa biết sẽ xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng như thế nào, do thiếu điều luật hay do nguyên nhân khác? 
Khi Tổng Bí thư đã chỉ đạo xem xét trường hợp Trịnh Xuân Thanh nhưng người này vẫn trốn ra nước ngoài trót lọt, lý do được viện dẫn là “khi chưa có kết luận điều tra thì không thể cấm công dân xuất cảnh”, lại cũng có ý kiến cho rằng Trịnh Xuân Thanh “xuất cảnh chui”? 
Dù với bất kỳ lý do gì thì cũng đã đến lúc phải hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Công chức và những quy định liên quan đến phòng chống tội phạm kinh tế. 
Câu chuyện kê khai tài sản cũng là đề tài khiến xã hội bức xúc, “theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.
Còn theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm”? (Tienphong.vn – 4/1/2017) 
Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm trong năm 2016, sự “trong sạch” đạt đến con số không tưởng là 100% trong khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII khẳng định “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất… 
Liệu sự “tiến bộ” của năm 2016 so với năm 2015 có phù hợp với nhận định của Trung ương Đảng? 
Mạn đàm về sự im lặng của những người tử tế! 
Bài báo của Tienphong.vn cho biết một vị đại biểu Quốc hội – ông Lưu Bình Nhưỡng – mất 1 giờ kê khai tài sản (năm 2016). 
Một triệu người kê khai mất 1 triệu giờ, mỗi ngày làm việc 8 giờ thì mất 125.000 ngày, tương đương 343 năm. 
Một công chức cấp cao – thuộc diện phải kê khai tài sản – làm việc 343 năm sẽ tương đương bao nhiêu tỷ tiền lương mà ngân sách, chính xác là tiền thuế của dân phải trả? 
Nhiều năm liền việc kê khai tài sản đều cho con số trong sạch gần 100%, liệu đó có phải là điều đáng mừng, cho thấy đất nước đang có một Chính phủ liêm chính? 
Có thể thấy chuyển động ở phía trên là rất mạnh mẽ nhưng phía dưới lại không như vậy. Liệu có đúng không khi cho rằng không ít người đang ngấm ngầm “bất tuân thượng lệnh”? 
Bộ phận không nhỏ (mà thực ra là đã khá lớn) dường như chưa thể quen với chuyện bị tước bỏ bổng lộc, quyền lợi, bị trả về vị trí “công bộc” đúng nghĩa chứ không phải là những ông “vua con” hùng cứ một phương. 
Báo Vietnamnet.vn ngày 2/1/2017 có bài: “Xe của tôi, ai cho phép anh mang phục vụ người khác”. 
Khi người phụ trách đội xe điều chiếc xe của thủ trưởng chở đoàn cán bộ (cấp vụ) đi công tác, vị thủ trưởng “đã quạt cho đội trưởng đội xe một mẻ tái cả mặt, rằng: xe của tôi, ai cho phép anh điều động phục vụ người khác? 
Từ nay, khi nào không được phép của tôi thì không có bất kỳ ai được ngồi lên xe của tôi”. 
Không biết vô tình hay cố ý, trong một câu văn ngắn, từ “của tôi” được nhắc tới ba lần. 
Chợt nhớ mấy chục năm trước, trong buổi phụ đạo trước khi thi tối thiểu môn Chủ nghĩa Mác-Lênin tại một trường đại học (thuộc một nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu), ông Phó Giáo sư phụ trách bộ môn đã kể câu chuyện vui như sau: 
Một nhà báo hỏi anh công nhân “nhà máy kia của ai”, anh công nhân trả lời “của chúng tôi”, “thế còn chiếc ô tô đẹp kia của ai”, trả lời “của đồng chí Giám đốc”. 
Mang câu hỏi đó hỏi một công nhân tại nước tư bản “nhà máy kia của ai”, người công nhân trả lời “của ông chủ”, “thế còn chiếc ô tô kia của ai”, người công nhân trả lời “ô tô là của tôi”. 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Vietnamnet.vn) 
Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12/2016, đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc khá nhiều đến việc thực hiện kỷ cương còn chưa nghiêm. 
Hình như chúng ta, kể cả các vị lãnh đạo cao cấp ngại dùng cụm từ “yêu cầu” mà là “đề nghị” cấp dưới. Làm sao lại có chuyện cấp trên “đề nghị” cấp dưới khi người Việt đều hiểu “đề nghị” thì không phải là mệnh lệnh. 
Còn trong khi làm việc, xảy ra sai phạm người ta, sẵn sàng trưng ra văn bản này nọ chứng tỏ đã báo cáo, đã xin ý kiến cấp trên. 
Bởi thế, khi nhận được lời “đề nghị” thì người ta xem việc thực hiện hay không là quyền của họ, giống như người dân và doanh nghiệp “đề nghị” cơ quan công quyền việc gì đó. 
Một khi đã là “Vua con” thì chẳng việc gì phải làm theo “đề nghị”. 
Bỏ qua lời “đề nghị” là thói quen khó bỏ hay còn là sự lạm dụng đường lối “tập thể lãnh đạo”, ai cũng có quyền và chẳng ai chịu trách nhiệm? Về điều này, người viết đã từng đề cập qua bài viết “Quốc gia đội sổ và … báo cáo Thủ tướng”. [2] 
Ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến người ta nhớ đến câu chuyện mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tâm sự, rằng có người nói với ông: “ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi”. [3] 
Khi Đảng, Nhà nước thực hiện cải cách thể chế chính trị và kinh tế mà vẫn tồn tại trong hàng ngũ Bộ trưởng quan điểm “cùng cấp không thể phê bình nhau” thì làm sao cấp dưới dám phê bình cấp trên, làm sao nhân dân dám phê bình lãnh đạo và làm sao chúng ta thực hiện được quyết tâm của Tổng Bí thư và Thủ tướng? 
Câu trả lời: “Tôi không phê bình, tôi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng” [3] của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho thấy hình như ông cũng ngại khi phê bình đồng cấp. 
Nếu quan điểm “đồng cấp không thể phê bình nhau” được thừa nhận rộng rãi thì có lẽ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ có thể “phê bình” duy nhất một người là… Bộ trưởng Y tế!
Nếu quan điểm của vị Bộ trưởng đó được nhiều người thừa nhận, được nhân rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là truyền thông thì sẽ như thế nào? 
Báo chí được mệnh danh (không chính thức) là “quyền lực thứ 4” ngang hàng với lập pháp, hành pháp và tư pháp, vậy khi “ngang cấp” thì báo chí làm thế nào để phản biện, để “phê bình” việc điều hành của các cơ quan này?
Phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng liệu có phản ánh một hiện tượng, đó là đối với các “Vua con” thì chỉ được tung hô “mười tuế, trăm tuế” chứ không có chuyện phê bình, góp ý!
Có sự ví von khá hay, rằng “chẳng dòng sông yên ả nào mà đáy sông lại không có sóng ngầm” và “dù mặt biển có dông tố gào thét thì đáy biển vẫn là nơi yên tĩnh nhất”.
Cục diện đất nước giống như sông hay biển, người dân khó có thể đánh giá chính xác, đó là công việc của những nhà hoạch định chính sách.
Người dân chỉ có thể nhận thấy, đội ngũ lãnh đạo cao cấp hiện nay đã có những phát biểu và việc làm phù hợp với mong đợi, dù rằng vẫn còn khá nhiều việc chưa như ý muốn.
Mong mỏi của dân chúng là những chuyển động năm 2016 sẽ được tiếp tục trong năm 2017 dù không ít khó khăn, cản trở. 
Khó khăn lớn nhất, đe dọa sự tồn vong của thể chế không phải do các thế lực bên ngoài mà do chính chúng ta, do chính những người được nhân dân giao phó trọng trách nhưng vẫn không ít người còn mang nặng tư tưởng “sao ông phê bình tôi”!

Không có nhận xét nào:

Trang