19 tháng 7, 2016

Tiền có cánh, đất có chân và những thứ đúng quy trình!

Ths Trương Khắc Trà 
Minh bạch thấp khiến tham nhũng tiếp tục hoành hành 
(Ảnh Thanhtra.com.vn).
(GDVN) - Tiền chẳng nằm đâu ngoài két sắt, ngân hàng,đất chẳng thể tan biến như mây trước gió mà có thể lòng vòng theo một quy trình nào đó để tự rửa sạch.
Hơn 3 năm trước tại một cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thảng thốt “…mỗi ngày người ta ăn từng tí của dân, không từ một cái gì”, cùng thời điểm đó nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói một câu rất nổi tiếng là có “cả một bầy sâu”.
Chỉ với hai câu nói của hai vị đứng đầu nhà nước, đủ thấy “tầm” tham nhũng của Việt Nam ta “hoành tráng” đến mức nào, người ta “ăn” của nước, của dân đến độ nào.
Hơn 3 năm sau tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội ngày 12/7 vừa qua đã đưa ra con số làm nhiều người quan ngại, tham nhũng gây thiệt hại gần 60.000 tỉ đồng và trên 400ha đất, nhưng chỉ thu hồi được gần 5.000 tỉ đồng và 219 ha đất! 
Những con số khiến bất kỳ ai quan tâm đến tình hình đất nước không khỏi lo lắng băn khoăn, khó có thể bình tâm lướt qua rồi tặc lưỡi… nước nổi bèo trôi! Bởi trong hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng bị tham nhũng có phần đóng góp “nhỏ bé” của mỗi cá nhân chúng ta hay nói cách khác đó là tiền thuế của nhân dân.
Khi những đồng tiền thuế ấy không được dùng đúng mục đích hoặc “rơi vãi” ở đâu đó có nghĩa là “quyền” và “nghĩa vụ” của công dân chưa được sử dụng đúng mục đích.
Thật nguy hại nếu một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân nhưng cả quyền và nghĩa vụ của người dân không được sử dụng đúng chỗ.
Trở lại kết luận trên của Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, vậy 55.000 tỷ đồng không cánh mà bay ấy đi đâu, về đâu? 181 ha đất chẳng lẽ… tàng hình?
Nên nhớ rằng đây là số tiền lớn gấp gần 5 lần mà Formosa dự kiến bồi thường cho những thiệt hại khổng lồ ở 4 tỉnh duyên hải Miền trung.
Tiền chẳng nằm đâu ngoài két sắt, ngân hàng, tài sản hữu hình lẫn vô hình… đất chẳng thể tan biến như mây trước gió mà có thể lòng vòng theo một quy trình nào đó để gột rửa sạch hết những đôi chân đầy quyền lực đã đổi trắng thay đen và nghiễm nhiên trở thành đất “sạch”! 
55.000 tỉ đồng và gần 200ha đất lọt vào tay những kẻ tham nhũng, có nghĩa là rất nhiều quan chức tài sản kếch sù.
Thế nhưng, trong 10 năm xác minh 4.859 trường hợp kê khai tài sản, chỉ phát hiện 17 trường hợp không trung thực. 
Những con số thống kê thật đáng nghi ngờ, con số này chắc chắn khó làm an lòng dân chúng.
Bởi vì, nếu như tất cả đều kê khai trung thực thì số tiền tham nhũng đi đâu, tại sao không phát hiện qua các bản kê khai?
Dân mất 55.000 tỉ đồng, một số tiền rất lớn đủ để xây hàng trăm trường học, bệnh viện hoặc hàng ngàn cây cầu chắc chắn, an toàn cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Số tiền này cũng có thể mua được nhiều phương tiện khí tài để bảo vệ đất nước và hỗ trợ cho ngư dân miền Trung đang trải qua những tháng ngày cơ cực.
Trong 10 năm qua công tác kiểm kê tài sản, bảo vệ, giữ gìn và sử dụng công sản chắc chắn đều được báo cáo là “đúng quy trình” đúng pháp luật nhưng những con số biết nói đã khiến tất cả vỡ lẽ ra rằng chiếc “khiên” đúng quy trình đã đến lúc phải được đập bỏ để xem xét tỉ mỉ, thực chất của vấn đề.
Hệ thống luật pháp chế tài và cả đội ngũ con người thực thi nhằm kiềm tỏa tham nhũng đã tạo nên một bộ máy khổng lồ ở nhiều cấp nhiều ngành với những công cụ lợi hại, sắc bén nhưng nhiều năm qua tham nhũng không hề suy giảm mà còn có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.
Nếu chỉ bắt người mà không thu hồi được tài sản thì chưa thể coi công tác phòng chống tham nhũng đã thành công, nhất thiết phải có kẻ hở để nhiều quan tham “hy sinh đời bố củng cố đời con”. 
Mấy chục ngàn tỷ đồng đã được “rửa” sạch để con cháu quan tham có cuộc sống sung túc nhàn hạ đổi lại chỉ có một số ít ngồi tù, phần rất lớn (chỉ) bị khiển trách, kỷ luật… còn một bộ phận không nhỏ chẳng bao giờ chịu bất cứ trách nhiệm gì!
Không loại trừ khả năng số tiền “sạch” ấy lại được quay vòng để biến mọi thứ theo “đúng quy trình”!
Trong khi đó báo cáo mới nhất về nợ công do Bộ Tài chính công bố, tổng dư nợ Chính phủ gần 47 tỉ USD trong năm 2010, tăng gấp đôi vào năm 2014, tương đương 86 tỉ USD, khoảng 1,8 triệu tỉ đồng [2]. Hẳn trong số nợ này có 55.000 tỷ đồng đang ở trong nhà tham quan.
Hệ quả này chắc chắn có sự “đóng góp” không nhỏ của hệ thống chế tài luật pháp còn nhiều kẻ hở hoặc những biện pháp chống tham nhũng lạ đời ví dụ như việc đề xuất in toàn tiền có mệnh giá 20.000 đồng để làm “dày” và “nặng” những chiếc phong bì hòng gây vướng víu cho quá trình “đưa” và “nhận”!?
Hay là Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ đưa ra mới đây cho phép cán bộ, công chức, viên chức được phép nhận quà dưới 2 triệu đồng.
Tuy mới là dự thảo nhưng bộ Luật này đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi.
Nợ công khó giảm nếu tham nhũng không được đẩy lùi, tụt hậu là đương nhiên nếu những đồng tiền thuế của dân cứ mọc thêm “cánh”, suy giảm lòng tin là hệ quả tất yếu nếu không thấy ai phải chịu trách nhiệm cho những công trình ngàn tỉ bỏ hoang…

Không có nhận xét nào:

Trang