Tác giả: Nhóm PV thời sự
KD: Trong việc đền bù cho ngư dân, cần thấy một điều, như tâm sự của họ, tiền nhiều thì dễ “miệng ăn núi lở”, nên họ chỉ mong biển được khôi phục trở lại như trước. Nếu biển tiếp tục bẩn, tôm cá chết, họ phải chuyển nghề, mà việc chuyển đổi nghề nghiệp với những ngư dân trình độ vốn hạn chế, đã rất khó, mặt khác, biển ai giữ. Các bác quan chức có ra giữ biển được không?
Vì đây không còn là chuyện kinh tế nữa, mà còn là chuyện chủ quyền, chuyện an ninh quốc phòng.
Làm sạch biển trở lại, để biển hồi sinh là việc lớn rất cần sự chung tay của các nhà khoa học, nhưng trên hết, chính phủ cần có quyết sách rõ ràng về vấn đề này. Chứ không phải là vấn đề thuần túy nhặt rác, dọn rác đâu ạ.
———————
Ngư dân miền Trung bày tỏ sự vui mừng khi biết tin Chính phủ đã quyết liệt trong việc truy tìm ra thủ phạm làm cá chết.
Cảm động ‘một miếng khi đói’
Âu thuyền thôn Ba Đồng (ở xã Kỳ Phương, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mấy tháng nay vắng lặng, phần lớn thuyền nằm bờ vì sau sự cố môi trường, cá đánh bắt về không bán được.
Formosa thừa nhận gây ra vụ cá chết, cam kết sẽ bồi thường và phục hồi môi trường biển. Ảnh: Duy Tuấn
Anh Hoàng Lĩnh, ngư dân thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam cho biết, sợ thuyền phơi nắng lâu ngày hỏng nên thi thoảng ngư dân lại ra đẩy xuống nước rồi kéo lên.
“Mấy tháng qua biển ô nhiễm, cá chết hàng loạt nên tàu thuyền nằm bờ, rất ít người đi biển. May có Nhà nước hỗ trợ nên thời gian gần đây chúng tôi mới có cơm ăn hàng ngày. Gia đình tôi đã nhận đủ 22kg gạo/người và 5 triệu đồng tiền hỗ trợ thuyền.
Thời gian trước, mỗi ngày đi biển, 4-5 bạn thuyền kiếm được ít nhất 3 triệu, cũng đủ trang trải. Nay mỗi ngày kiếm triệu bạc là khó”, anh Lĩnh nói.
Ngư dân Thạch Kim nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: Duy Tuấn
Lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh, thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh cho biết đã nhận được tiền hỗ trợ 5 triệu/thuyền và gạo, quà, tiền của Nhà nước và các nhà hảo tâm.
Theo ông Từ Đức Bé – Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kim, xã đã cấp phát 193 tấn gạo cho hơn 8.000 nhân khẩu. Hiện xã đang lập danh sách tiếp nhận 570 tấn gạo để tiếp tục hỗ trợ cho người dân.
Ở tỉnh Quảng Bình, anh Nguyễn Ngọc Tú, ở thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi vẫn đi biển đều. Cá đánh về có thương lái thu mua tại chỗ, chúng tôi cũng đã nhận đủ gạo và tiền hỗ trợ bước đầu của Chính phủ, giờ đã tìm được thủ phạm, mong rằng dân được nhận đền bù thoả đáng, và phải làm trong sạch biển trở lại”.
“Bên cạnh việc nhanh chóng tuyên bố nguyên nhân cá chết, chúng tôi cũng mong sẽ có sự đền bù thỏa đáng để bà con yên tâm vươn khơi bám biển”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội nông dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới bày tỏ.
Ngư dân Cảng Gianh đang làm việc trên các tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: Hải Sâm
Quảng Trị cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt vừa rồi, sản lượng khai thác thuỷ hải sản 6 tháng đầu năm giảm 16.000 tấn so với cùng kỳ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh Nguyễn Xuân Truowngf cho hay: “Tôi lao động biển hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt như thế. Hiện nay có rất nhiều luồng thông tin trên mạng xã hội, nhưng chúng tôi chỉ tin vào những thông tin chính thống mà Chính phủ công bố”.
Mong muốn biển sạch trở lại
Anh Hoàng Lĩnh cho biết, sau khi tìm ra thủ phạm là Formosa, dân mong muốn làm sao biển sạch, cá tôm vào trở lại để dân yên tâm đánh bắt.
Anh Hoàng Lĩnh: Mong muốn biển sạch trở lại để tôm cá lại về. Ảnh: Duy Tuấn
Còn ngư dân Nguyễn Văn Thoạnh thì nói: “Giờ công bố Formosa đã thừa nhận là thủ phạm và đền bù cho chúng tôi. Tuy nhiên đền bù được mấy cũng ăn hết, chúng tôi mong muốn sớm biết rằng môi trường bao giờ sạch để tiếp tục đánh bắt. Phải làm sáng tỏ, không chỉ hiện tại mà cho con cháu sau này nữa”, ông Thoạnh nói.
“Bà con chúng tôi rất lành, đã đồng hành với chính quyền các cấp từ lâu nay. Chúng tôi có bức xúc nhưng chúng tôi tin Nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi sớm có cuộc sống bình yên.
Đấu tranh để tìm ra thủ phạm Formosa thì Chính phủ và các ngành chức năng đã nỗ lực hết sức. Mong Nhà nước kiểm soát làm sao để không tái diễn thảm họa này”, vợ ông Thoạnh nói.
Hải sản đánh bắt được của ngư dân Kỳ Phương
Cập cảng Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) sáng 30/6, ông Trần Văn Linh (35 tuổi, trú Phù Mỹ, Bình Định, chủ tàu BĐ 04058 TS) cho biết, gần 3 tấn cá trên tàu vừa vào đến cảng Thuận An đã được thương lái mua hết.
“Gần 1 tháng trở lại đây, ngư dân nhiều tỉnh đã quay trở lại với biển để tiếp tục đánh bắt. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cũng như những chính sách hợp lý của chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển”, ông Linh nhấn mạnh.
“Chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước là nguồn động viên, khích lệ và giải pháp kịp thời để giúp ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm trở lại với công việc đánh bắt”, ông Nguyễn Thành (trú thị trấn Thuận An, chủ tàu cá TTH 96734) bày tỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét