20 tháng 11, 2015

Mục đích giáo dục của nước ta đi sai hướng

Mục đích nền giáo dục của nước ta theo mọi người biết là để bồi dưỡng nhân tài. Vì xây dựng Chủ nghĩa xã hội nên phải bồi dưỡng nhân tài, vì giang sơn đất nước nên phải bồi dưỡng nhân tài, mỗi người cần bồi dưỡng thành người tài có ích cho đất nước. Tóm lại, mục đích của giáo dục là nhân tài.
Còn như nhân tài này ai dùng, dùng làm việc gì thì dường như không thấy đề cập trong nội dung mục đích của giáo dục. Chỉ cần bồi dưỡng ra nhân tài, vậy là mục đích của giáo dục xem như hoàn thành. Đây chính là nguồn gốc vấn đề giáo dục của nước ta.
Giáo dục là đào tạo hướng đến từng người, Nhưng chương trình giáo dục lại biến người tiếp nhận giáo dục thành công cụ của người khác, chứ không phải vì cuộc đời của họ.
Cũng phải, sự cần thiết của việc đào tạo ra nhân tài là không sai. Mỗi người cần có năng lực nhất định để có thể giải quyết được những vấn đề cuộc sống đặt ra, từ đó có thể dựa vào tài năng của mình để nuôi sống mình. Nhưng đây không phải mục đích cuối cùng, chỉ là phương tiện để hoàn thành mục tiêu cuộc đời.
Vậy là nền giáo dục của chúng ta hiện nay biến phương tiện thành mục đích. Nền giáo dục ứng thí từ đây mà ra. Dạy cho học sinh chủ yếu để đi thi, biết giải các bài toán, để trong tương lai ra xã hội lập thân, mưu sinh. Đây là điểm dừng của nền giáo dục hiện nay. Cái thiếu ở đây là việc theo đuổi mục tiêu ý nghĩa cũng như ước mơ của đời người. Sống một đời chỉ là công cụ cho người khác, hoặc của chính mình, còn mục đích thì không biết là gì.
Nền giáo dục chịu trách nhiệm với ai? Không phải với quốc gia, cũng không phải đối với xã hội, mà là đối với bản thân người tiếp nhận giáo dục. Vì thế, giáo dục không phải dạy vì tổ quốc, mà dạy vì con người. Dạy cái gì? Đương nhiên cần dạy mưu sinh như thế nào, thành thạo một nghề. Nhưng quan trọng hơn là làm sao mỗi người có cuộc đời có ý nghĩa. Bản thân họ có thể thông qua giáo dục mà mình tiếp nhận được để thực hiện ước mơ của mình đồng thời đóng góp lợi ích cho xã hội, khiến tổng hạnh phúc của xã hội đạt mức cao nhất có thể. Đây mới là cái gốc cơ bản của giáo dục.
Giáo dục là cho từng con người, hướng đến từng người, đó chính là cá nhân chịu tiếp nhận giáo dục. Vì thế giáo dục là vì bản thân người chịu giáo dục. Cuộc đời mỗi con người quan trọng nhất là gì? Đó là được sống vui, sống khỏe, sống có ý nghĩa, không phải sợ cuộc sống. Đây mới là mục đích sau cùng của giáo dục.
Mỗi người không những cần có tài để tự mưu sinh, mà quan trọng hơn là có mái ấm gia đình tốt đẹp, có bạn thân, có thể hoạt động mang tính sáng tạo, có thể không ngừng theo đuổi đam mê tìm tòi, có năng lực yêu chuộng những gì tốt đẹp. Đặc biệt là năng lực nhận biết chân, thiện, mỹ. Làm sao không nhìn cái giả thành cái thật, nhìn cái ác thành cái thiện, nhìn cái xấu thành cái đẹp. Những điều này vượt quá phạm vi vấn đề nhân tài. Nền giáo dục của chúng ta về phương diện này hiện quá mỏng manh. Học trò suốt ngày bận giải đề, học thuộc lòng, nhưng rất thiếu năng lực nhận biết những chuyện thị phi cơ bản nhất.
Học sinh hay sinh viên khi tốt nghiệp cần biết dùng chuẩn mực chân thiện mỹ hay văn hóa cổ truyền của dân tộc để đánh giá một câu nói hay một chính sách, phong trào là tốt hay xấu. Chứ không phải áp đặt kiểu như sách giáo khoa nói người này là tốt thì là tốt, hay thầy cô nó người này, điều này là đúng thì chắc chắn là đúng
Thực tế hiện nay học sinh hay sinh viên được đào tạo giống như thành những công cụ, khiến bất kỳ chính sách nào mà của chính quyền, mà nhà trường nhận chỉ thị rồi vận động liền cho rằng chắc chắn là đúng là tốt. Lý do tốt ở đây là vì là chủ trương của chính quyền nên là tốt, hoàn toàn được giáo dục thành công cụ, chứ không dùng tiêu chuẩn chân thiện mỹ hay văn hóa cổ truyền của dân tộc để xét vấn đề.
Vì giáo dục chỉ dừng lại trên bình diện đạo tạo nhân tài, chỉ xem con người như một thứ công cụ. không chú trọng giáo dục năng lực nhận biết chân thiện mỹ.
Theo đuổi mục tiêu cuộc đời của mình, tuyệt nhiên không vô tâm với mục tiêu cuộc đời của người khác. Vì mỗi cá nhân để có thể có cuộc đời tốt đẹp không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đó mà còn cần sự hỗ trợ từ xung quanh, cần tha nhân có khả năng hiểu biết những điều tốt đẹp của người khác. Mỗi người cần “vẻ đẹp làm người”, không nên gây trở ngại cho người khác theo đuổi cuộc đời tốt đẹp. Vì thế, mục đích của cuộc đời là “mỗi người thụ hưởng cuộc sống và giúp đỡ người khác thụ hưởng cuộc sống”. Đồng thời, đây cũng phải là mục đích của giáo dục. Như vậy, mục đích của giáo dục cần từ “nhân tài” vươn tới “nhân sinh”.
“Nhân tài luận” không phải sai mà là quá thiên về chủ nghĩa công lợi. Chủ nghĩa công lợi hợp lý cũng không có gì sai trái. Mỗi người cần có tài để mưu sinh. Vì thế, giáo dục ứng thí có tính hợp lý của nó. Vấn đề là nếu biến chủ nghĩa công lợi thành mục đích, mục tiêu cuối cùng, thì là sai.
So sánh giáo dục Việt Nam và giáo dục tại các quốc gia phát triển có thể thấy rõ sự khác biệt chính là ở điểm này. Ở Việt Nam, từ nhỏ khi đi học đã xem học đọc, viết, tính toán làm mục đích, để tương lại có thể học lên trung học; mục đích học giỏi thời trung học là để lên đại học; mục đích của học giọi đại học là để tìm được công việc tốt; tìm công việc tốt đồng nghĩa với kiếm được thật nhiều tiền. Cuối cùng cũng chỉ là một chữ “tiền”. Ở các nước phát triển, học sinh tiểu học không xem việc học đọc, học viết, học tính toán làm mục đích, mà quan trọng nhất là học cách xử lý quan hệ giữa người với người, đó là phải biết thiện với người, lễ độ với người, phải biết tôn trọng trật tự công cộng, có lòng hiếu kỳ với tri thức. Đến khi học trung học mới chú trọng dần đọc, viết, tính toán. Đến đại học thì chú trọng tư duy độc lập và sáng tạo. Với văn hóa giáo dục như thế, con người được tạo ra không phải thành công cụ của người khác, cũng không phải công cụ của chính mình, đó là con người quan tâm đến đặt câu hỏi với các sự vật hiện tượng. Nhờ vậy họ không dễ dàng bị nhầm lẫn giữa tốt và xấu, có năng lực nhận diện chân, thiện, mỹ. Xã hội như thế khiến con người phát triển cá tính, có lập trường, không rối loạn, không manh động, vì thế xã hội có trật tự.
Ngược lại, hãy xem phương hướng phát triển giáo dục bậc cao của nước ta, dường như càng ngày càng đi theo hướng chủ nghĩa công lợi. Việc thiết kế hệ thống càng ngày càng chú trọng mặt kỹ thuật, phương hướng bị lệch lạc. Việc phân môn ngày càng hẹp, theo hướng chuyên môn hóa, công tác dạy luận lý thông thường ngày càng bị xem nhẹ. Tốt nghiệp đại học xong mà vẫn kém hiểu biết về đạo lý. Việc phân công chuyên môn theo hướng quá hẹp khiến con đường đi của cuộc đời cũng nhỏ hẹp. Không hiểu lý lẽ, không hiểu làm người là thế nào, làm người có thể sống chung vui vẻ với người khác cũng như với bản thân mình. Ở lớp học không học về chân, thiện, mỹ, không được khích lệ lòng hiếu kỳ, đa số sinh viên không biết đặt câu hỏi với giảng viên. Mục đích của việc học là chỉ cần làm sao tìm được công việc tốt là được. Sự cạnh tranh giữa các nhà trường cũng đo bằng chỉ tiêu công việc làm. Đẩy “nhân tài luận” theo hướng cực đoan. Sinh viên như thế khi bước vào xã hội, xã hội cũng chỉ lấy danh lợi làm mục tiêu. Mọi thứ khác đều chịu sự chi phối của danh lợi.
Mọi thứ đều có thể có được thông qua mua bán. Để thăng quan tiến chức cũng có thể dùng tiền mà mua thông qua quà cáp hối lộ, lấy lòng cấp trên. Nguyên nhân việc này có nhiều, nhưng sự mất phương hướng trong giáo dục là nguyên nhân vô cùng quan trọng. Mọi người thường nói, giáo dục là tương lai của quốc gia, điều này rất chính xác. Đưa học sinh đi theo hướng nào, quốc gia sẽ đi theo hướng đó. Như vậy, mục đích cuối cùng của giáo dục là tạo ra các nhân tài rõ ràng có vấn đề.
Mộc Dương

Không có nhận xét nào:

Trang