16 tháng 11, 2015

Lương tâm chính trị và lòng tham quyền lực

Người không có “lương tâm chính trị” thường tự cho rằng, những thất thoát, lãng phí, thậm chí hỏng việc là do tập thể, do hạn chế năng lực, do thiếu tầm nhìn, do điều kiện khách quan, thậm chí do trời lạnh hoặc do nắng lắm mưa nhiều (chuyện đường lún, chuyện năng suất sản phẩm nông nghiệp thấp), không phải cá nhân họ vi phạm pháp luật. Với họ, mọi sự tại các yếu tố khách quan, tại thiên nhiên, còn họ luôn luôn phải ‘hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thành tích cao’…
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, bàn về từ chức, TS Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nêu ra khái niệm “lương tâm chính trị”, hay nói cách khác, đó là đạo đức của người làm chính trị, của quan chức.
TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu ví dụ về một bộ trưởng của Nhật Bản có thể từ chức ngay khi có điều tiếng về việc tranh cử có vi phạm tài chính, và ông Dũng phân tích: “Đó là hệ thống chính trị hết sức có lương tâm, chưa chắc người ta có vi phạm. Nhưng rõ ràng người ta không còn uy tín để làm và vì thế người ta từ chức. Việc đó vận hành theo đạo đức nhiều hơn theo pháp luật. Hình thành một đạo đức như vậy cao hơn những quy định điều chỉnh của đạo đức và pháp luật. Pháp luật chỉ là tối thiểu của đạo đức, đạo đức lớn hơn rất nhiều”.
Một hệ thống “chính trị có lương tâm” sẽ sinh ra những người có lương tâm mới tương thích với hệ thống đó. Người có lương tâm đặt giá trị đạo đức cá nhân, trách nhiệm cá nhân, lòng tự trọng cá nhân lên cao nhất. Nếu như có những vi phạm về các giá trị đạo đức, cho dù chưa vi phạm pháp luật, đối với họ là chuyện đáng để tự xử. Họ từ chức vì thấy mình không xứng đáng với sự tin cậy của dân chúng, hay như người ta thường nói là “cắn rứt lương tâm”.
Ngược lại, người không có “lương tâm chính trị” thường tự cho rằng, những thất thoát, lãng phí, thậm chí hỏng việc là do tập thể, do hạn chế năng lực, do thiếu tầm nhìn, do điều kiện khách quan, thậm chí do trời lạnh hoặc do nắng nóng (chuyện đường lún), không phải cá nhân họ vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, ngay khi đứng trước những thất bại rành rành, không mấy ai có lòng dũng cảm nhận trách nhiệm, và từ chức như một sự trả giá cho sự sai lầm hoặc hạn chế của mình.
Người có lương tâm, từ chức để bày tỏ lòng tự trọng và cũng là tìm sự thanh thản cho lương tâm. Người đề cao giá trị đạo đức thì chính giá trị đó là rào cản để họ không bao giờ vượt qua để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Liên hệ với Việt Nam, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, quan chức khó từ chức vì “từ chức ở Việt Nam là điều hết sức nặng nề. Nặng nề cho anh, cho vợ con, gia đình, bà con thân tộc trong khi ở phương Tây, Nhật Bản là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, nếu từ chức, một bộ trưởng muốn xin việc ở đâu không dễ. Nghỉ hưu xin việc còn dễ, từ chức lại rất khó, bởi bối cảnh xã hội vẫn "bịt cửa" của người ta”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu câu hỏi rằng , báo chí cũng thế thôi, từ chức có ai nhảy vào khen không, hay là hắt hủi, làm người ta mất hết danh dự? Riêng câu hỏi này xin được trả lời bằng thực tế, đó là trường hợp ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, được báo chí ca ngợi hết lời khi tuyên bố từ chức. Cho nên, phải khẳng định rằng, xã hội không nặng nề gì với người từ chức.
Người ta không từ chức là vì không có “lương tâm chính trị”, vì tham lam quyền lực. Chỉ có thế thôi.
(Dân trí)

Không có nhận xét nào:

Trang