26 tháng 11, 2015

Chế độ này đang phục vụ ai!

Qua bản án dành cho em bé 15 tuổi, người dân biết chế độ này đang phục vụ ai!
Hình ảnh cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi tại phiên tòa của Tòa Án Nhân Dân một tỉnh miền tây Nam Bộ ngày hôm qua, khiến tôi cứ liên tưởng tới hình ảnh của em Phước trong bài thơ Mầm Hận: “Nuôi đi em cho đến lớn đến già/ MẦM HẬN ấy trong lồng xương ống máu/ Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu/ Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng”…
Đó là bốn câu kết của một bài thơ mà tôi và có lẽ cả những người đồng trang lứa với tôi đều đã học thuộc lòng từ những năm tháng “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Đó là bài thơ của Tố Hữu, nhà thơ “viên đá tảng” của văn học cách mạng. Bài thơ miêu tả nỗi lòng của nhà thơ cách mạng khi chứng kiến cảnh Phước, một em bé đi ở đợ, bị chủ rày mắng đuổi đi.
“Em len lét cúi đầu tay xách gói/ Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te/ Vẫn chưa thôi lời day dứt nặng nề/ Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ/ Biết không em nỗi lòng anh khi đó/ Nó tơi bời, đau đớn lắm em ơi!...”
Cậu bé đang ở độ tuổi “ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…”, ngày hôm qua đã phải ra hầu tòa, đứng trước vành móng ngựa, chỗ dành cho những kẻ giết người cướp của, hiếp dâm, buôn cái “chất chết trắng”, chỗ của những kẻ mất hết tính người!
Vì sao em phải ra hầu tòa, đứng vào vành móng ngựa như một tội phạm? Vì em bị buộc tội “cố ý gây thương tích”. Bản án dành cho em là nghiêm khắc, với 4 năm 6 tháng tù! Bản án này khiến những người dự phiên tòa xử em ngày hôm qua bỗng nhớ đến bản án dành cho những viên công sai, công cụ của đảng khi xuống tay tra tấn dã man, dẫn đến những cái chết thương tâm của người dân tại đồn công an, cũng bị kết án không quá “khung” 4 năm. (còn bản án dành cho em là 4 năm 6 tháng).
          Bản án mà chế độ chụp lên cuộc đời em ngày hôm qua, cũng lại khiến mọi người liên tưởng tới phiên tòa mấy năm trước mà Tòa Án Nhân Dân xử một kẻ gần sát tuổi trưởng thành, (chỉ còn ít ngày nữa là hắn đủ 18 tuổi), là kẻ sát nhân máu lạnh xuống tay sát hại cả một gia đình, trẻ già hắn cũng không tha, đều là đối tượng của tử thần do kẻ máu lạnh này mang đến. Hắn là Lê Văn Luyện, một kẻ giết người cướp của mà tội ác do hắn gây ra khiến cả xã hội rúng động và kinh tởm…; Nhưng hắn không bị lãnh khung hình phạt cao nhất mà hầu hết dư luận xã hội muốn dành cho y. Điều đáng nói là, khi tòa cũng như nền tư pháp VN xử kẻ sát nhân máu lạnh này với bản án quá nhẹ so với tội ác mà hắn gây ra, được giải thích là nhằm “thể hiện tính nhân đạo của chế độ” (!?), Vì hắn là trẻ vị thành niên!
Bọn công an tra tấn gây ra những cái chết tức tưởi cho những người bị chúng bắt vào đồn chỉ với những “tội” nhẹ hều, lãng xẹt, mà cuối cùng chúng cũng chỉ phải nhận cái án 4 năm tù vì “làm chết người trong lúc thi hành nhiệm vụ”.
Người anh hùng nông dân Đoàn Văn Vươn, chưa cần nói tới lý do chống lại bọn công an, lính cụ Hồ cùng những tên cán bộ của đảng, chỉ cần xét tới hậu quả mà hành động chống lại đó gây ra là quá nhẹ. (“Chỉ nhằm đánh động dư luận”). Vài tên công an và lính sây sát do đạn hoa cải, mà vết thương nhẹ đến mức không đáng nhập viện, chỉ cần bôi thuốc vào chỗ vết sây sát. Vậy mà mấy anh em nhà anh Vươn bị khép tội “giết người”!
Chúng xúm vào đánh hội đồng anh Vươn, từ chính quyền, công an, tới tòa án…
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao hôm qua anh Đoàn Văn Vươn, một cựu chiến binh, người công dân lao động kiểu mẫu, không quản khó khăn, vươn lên làm giàu cho mình và cho quê hương, luôn chấp hành tốt pháp luật, và hôm nay, em Tuấn, một trẻ vị thành niên, luôn có hạnh kiểm tốt ở trường, ngoan ngoãn ở nơi xóm làng, lại bị lãnh những bản án nặng nề, mà tòa án nhân dân giải thích, nhằm thể hiện “tính nghiêm minh của pháp luật”!?
Câu trả lời đây: Anh Vươn chống lại bọn cướp ngày. Khổ nỗi bọn cướp ngày đó lại được đảng trang bị vũ khí, tư tưởng, và làm theo chỉ thị, nghị quyết của đảng, của “chính quyền nhân dân”. Anh Vươn chống lại chúng, cũng có nghĩa chống lại “người thi hành công vụ”, cũng có nghĩa chống lại đảng…
Giết người cướp của, hiếp dâm… gây trọng án, đại án, đều còn mênh mông cơ hội để xem xét đến các “tình tiết giảm nhẹ”, điển hình như Lê Văn Luyện. Những người mà Luyện xuống tay hạ sát tàn bạo, có ông già, có đứa trẻ mới biết đi…, nhưng tất thảy nạn nhân đều là Nhân Dân. Luyện chống lại Nhân Dân, chứ không chống lại “người thi hành công vụ”.
Còn cậu bé trong phiên tòa tại Long An hôm qua, còn bé lắm. Bản án mà tòa án nhân dân vừa tuyên, những kẻ phục vụ chế độ nghĩ rằng, thật “thích đáng” cho cậu – kẻ dám “động đến lông chân” của chế độ! Nhưng cũng qua bản án đó, người dân biết chế độ này đang phục vụ ai. Kết án em, quan tòa đã gián tiếp kết án chế độ này!
Nếu chỉ nhìn thấy một cậu bé bị chủ rày la, đuổi đi, không thuê làm con sen, làm thằng giúp việc nữa, mà nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã thốt lên: “Biết không em nỗi lòng anh khi đó/ Nó tơi bời đau đớn lắm em ơi”.
Thì hôm nay, nếu đội mồ sống dậy, ông nhà thơ này phải gào lên, phải thét lên trước bao cảnh đời oan khuất đến uất nghẹn như em Tuấn ngày hôm nay?
Và ông sẽ dành lời an ủi, vỗ về gì cho em Tuấn, tù nhân bé bỏng tội nghiệp?
Nuôi đi em cho đến… muôn đời
Mầm hận này trong lồng xương ống máu…???
Phải chăng ông sẽ tiếp tục ươm cái MẦM HẬN mà ông đã “ươm” trong tâm hồn non nớt của Phước năm xưa, trong TÙ NHÂN BÉ THƠ hôm nay?
Tội ác đẻ ra tội ác. Hận thù sinh ra hận thù. Đó là LUẬT NHÂN QUẢ; Đảng CSVN đang hưởng những trái đắng từ cây hận thù mà họ gieo trồng bấy lâu đã đành, mà chính Nhân Dân VN cũng đang phải hứng chịu hậu quả từ những “mầm hận” như thế.
“Hãy tha thứ cho họ vì họ không biết điều họ làm”. Đức Chúa Jesus đã xin Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình trên cây thập tự.
Ở trong tù, người tù bé thơ đừng căm hận những kẻ gieo họa cho mình và gia đình mình nhé.
Mọi người cầu nguyện cho em bình an, cầu nguyện cho ngay cả những kẻ vừa khoác vào cổ em bản án khắc nghiệt, bởi họ “không biết điều họ làm”.
* AFR Dân Nguyễn/BaSam

Không có nhận xét nào:

Trang